Khi càng ngày càng phải gánh nhiều việc thì mình mới nhận ra việc quan trọng không phải là làm gì mà là không làm gì. Nói không là một điều không hề dễ dàng. Làm thế nào để những việc mình nhận làm vừa sức, và làm tốt những việc mình đã đồng ý làm mới là khó. Ngày xưa khi còn là sinh viên, lúc đó mình chỉ biết cố gắng làm được nhiều việc. Kết quả là mình luôn có rất nhiều lời hứa nhưng một số lớn là lời hứa suông, hoặc hứa một tháng làm xong thì nửa năm mới xong đối phó. Sau này, mình mới nhận ra làm tốt ít việc, hứa một làm một rưỡi, làm bền bỉ đều đặn việc mình đã làm tốt, thì tốt hơn là làm ẩu nhiều việc, việc gì cũng làm một ít bỏ đấy. Mình phải cẩn thận trong khi nhận những việc mình làm. Điều quan trọng hơn nhất là không bị ngợp trong quá nhiều việc để bỏ bê làm mất niềm tin của người khác.

Với người của công chúng thì điều này càng quan trọng. Ai cũng muốn là người đi từ thiện, là tấm gương cho người khác. Đôi khi suy nghĩ rằng dùng uy tín, sự chân thành, tiếng nói của mình đi hô hào người khác làm cái này cái kia sẽ mang lại lợi ích cho xã hội không ít thì nhiều. Nhưng vụ một ông diễn viên hài làm từ thiện vừa rồi là một minh chứng cho việc ngược lại. Mình tin rằng là ông ấy nói sự thật: Sai lầm của ông ta là đi nói có với một việc mình không thể làm tốt. Còn theo nhận định của mình, số tiền kia là rất ít đối với ông ta để ông ta tư túi chuộc lợi cho mình (mặc dù với người bình thường đây là số tiền lớn khủng khiếp). Ông ta biết mình bị bệnh, biết tình cảnh dịch bệnh trước khi đi hô hoán từ thiện rồi chứ không phải không biết. Lúc đó đáng ra ông ta phải tập trung vào việc chữa bệnh thì lại đi tri hô làm từ thiện để rồi bỏ bê. Ai lấy uy tín của mình đi làm việc thì cũng phải nhớ rằng nếu việc đó không thành, bị bê bối thì uy tín cá nhân cũng tan. Việc này có thể xảy ra ngay cả khi người đó không trực tiếp nhúng tay tham gia, không có màng tư lợi gì cả.

Mình có nhiều ý tưởng, có nhiều sáng kiến để làm, cho đến giờ thi thoảng vẫn mắc lỗi ôm rơm rặm bụng. Giờ mình có thấy là muốn làm được thêm một việc thì phải xén ít nhất một việc mình đang làm đi. Còn nếu muốn những đứa con tinh thần của mình không chết, những gì mình làm được tiếp tục phát triển thì phải làm cùng với nhiều người. Làm cùng với nhiều người sẽ có cái bực, nhiều việc sẽ không theo ý mình, mọi thứ sẽ lâu hơn nhưng đó là cái giá phải trả cho sự bền vững. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi dài thì đi cùng với nhiều người. Dự án phần mềm nguồn mở mới nhất mình làm mình cố gắng vận dụng cách đó vào để tổ chức, cố để nhiều người cũng có được tiếng nói quyết định chứ không một mình một đường nữa.

Khi làm có tổ chức, thì một tổ chức tốt là chỗ mà sự thành bại của những gì tốt đẹp người ta muốn làm không còn phụ thuộc vào một người. Khi đó trong tổ chức sẽ có cơ chế để thể phản biện được cách nghĩ cách làm của người đứng đầu khi họ quyết định sai hay dùng tài nguyên, ngân sách không hiệu quả. Đó cũng là điều mình tin là chúng ta nên hướng tới khi làm cái gì, đặc biệt là khi làm từ thiện. Cách nghĩ của người Việt mình là một người thì còn tin là người ta tốt, chứ tổ chức thì sẽ có sự cồng kềnh, lãng phí, tư lợi (vì tổ chức duy nhất nhiều người ta nhìn vào là bộ máy hành chính thì điều đó ít nhiều đúng). Vì vậy nên việc các cá nhân ca sĩ, diễn viên hài, cầu thủ bóng đá, cựu chính trị gia mới thu được đầy tiền.

Mình tin đây là cách nghĩ cần thay đổi. Các tổ chức NGO (phi chính phủ) / NPO (phi lợi nhuận) nước ngoài làm từ thiện ở Việt Nam không thiếu. Nếu ai chịu khó tìm hiểu thì có nhiều tổ chức làm được việc tốt, hiệu quả cho những nguồn tiền mà họ quyên góp được. Một tổ chức tốt khi tìm hiểu họ cũng sẽ đưa ra tất cả các con số về tài chính của mình. Đó sẽ là cách để đồng tiền đóng góp hảo tâm của mình được đi xa nhất, thay vì đi quyên tiền và trông chờ vào một vị thánh nhân (hay thế lực không thù địch) sẽ tự tay đi định đoạt, phân phát theo ý kiến chủ quan của họ và không có trách nhiệm phải báo cáo giải trình với bất cứ ai. Cái lãng phí, ít hiệu quả là ở khâu trách nhiệm hết hạn, không ai đi phản biện hoặc dám đi phản biện quyết định của họ, chứ không phải là chuyện người ta có bao nhiêu người, giàu hay nghèo, là ai làm gì, hay người ta nói rồng nói phượng thế nào.