Họp phụ huynh tổng kết lớp 1
Hôm nay tôi đi họp phụ huynh tổng kết năm học lớp 1 của con gái. Cuộc họp diễn ra ngắn thôi, khoảng 1 giờ. Nội dung đơn giản: Tổng...
Hôm nay tôi đi họp phụ huynh tổng kết năm học lớp 1 của con gái. Cuộc họp diễn ra ngắn thôi, khoảng 1 giờ. Nội dung đơn giản: Tổng kết thành tích và đôi lời gửi gắm giữa các con, các cô và các vị phụ huynh. Tuy nhiên trong tôi đọng lại nhiều cảm xúc, khiến tôi muốn viết ra để sau này có dịp đọc lại.
Điều đầu tiên là vấn đề thành tích.
Người ta bảo nói không với bệnh thành tích, tôi rất tán thành. Tôi cũng xác định ngay từ đầu vấn đề thành tích học tập của con cái: không nặng thành tích, chỉ rèn thói quen và ý thức chăm học, điểm chỉ cần đủ qua là được (tầm 7-8 gì đó). Kết quả đúng như những gì tôi đề ra: Điểm thi toán của con được 7, điểm viết được 7, điểm đọc được 9. Thế là đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp lớp 1 rồi, đúng KPI tôi đề ra trong đầu.
Thế nhưng nhìn các bạn trong lớp, tới gần nửa lớp đạt thành tích xuất sắc, còn con mình không nằm trong danh sách xuất sắc hay tiên tiến, tự nhiên tôi thấy có cảm giác "là lạ". Tôi lại nghĩ tới thời ngày xưa, học xong đứa nào cũng có giấy khen, thấp nhất cũng là học sinh tiên tiến - mà tôi hay gọi đùa là tinh tướng. Đằng này con mình không thuộc nhóm tinh tướng, cũng không có giấy khen. Lý do là phương pháp đánh giá học sinh tiểu học bây giờ khác trước nhiều rồi. Bản thân Bộ giáo dục (BGD) cũng cố gắng thay đổi để giảm bớt bệnh thành tích, giảm bớt số giấy khen để bớt tâm lý ganh đua. Haizzz.. hiểu là một chuyện, còn thực tế bản thân mình có chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Tôi không phủ nhận tâm lý "bệnh thành tích" vẫn len lỏi trong tâm trí mình. Nó xuất hiện trong một thoáng buồn khi con mình không có giấy khen. Sau đó tôi phải tự trấn an, tự động viên bản thân và con gái. Tôi tự nhủ: Sao mình lại đi so sánh việc học thời của mình với thời bây giờ nhỉ? Thời thế đã đổi khác nhiều lắm rồi cơ mà.
Tiếp theo là việc kèm cặp con cái
Cũng may là tôi cũng để ý chuyện học và chơi của con. Tôi hay kèm con học, hay chơi cùng con, hay đưa đón nó để xem ở lớp nó chơi với bạn nào, có xảy ra vấn đề gì không. Tôi không muốn gây áp lực lên giáo viên với bất kỳ hình thức nào, mà chỉ muốn âm thầm theo dõi nó mà thôi. Bởi tôi cũng sợ giáo viên vì "nể" phụ huynh mà sai lệch trong việc đánh giá nó. Chính vì thế tôi cũng lường trước được kết quả này. Điều đó cũng giúp tôi bớt được cảm giác khó chịu của bệnh thành tích. Bởi rất có thể, nếu chỉ bỏ tiền ra cho con học, rồi mặc kệ nó, cuối cùng nhận thành tích không như kỳ vọng, hoặc nhìn con nhà mình không bằng con nhà người ta, bản thân mình rất dễ nổi cáu rồi trút giận lên con cái, hoặc nghĩ không tốt về giáo viên.
Trẻ con lớp 1 học nhiều thứ, từ toán, tiếng việt, tiếng anh (toán tiếng anh), âm nhạc, thể dục, mỹ thuật, đạo đức, tự học. Ban đầu tôi cứ nghĩ nó chỉ cần biết đọc, biết viết, biết tính toán cộng trừ là được. Bởi vì những gì mình nhớ trong đầu về lớp 1 chỉ có thế. Khi kèm con học, vẽ cùng con, xem nó nhảy múa, tôi mới cảm nhận hết được việc đánh giá năng lực một đứa trẻ không dễ chút nào. Tôi có chủ trương là con thích học gì thì cho nó học, cái gì không thích thì thôi, học bớt đi. Nhưng toán và tiếng việt, tiếng anh vẫn là ba môn mà tôi đặt trọng tâm hơn, dành nhiều thời gian hơn. Việc này khiến tôi suy nghĩ: phải chăng mình cũng đang cổ vũ con học lệch hay không? Bởi tôi từng cổ vũ cho việc trẻ em thì nên được chơi, được tự do nhiều hơn để phát huy khả năng sáng tạo của nó lên mức tối đa. Có như thế mới biết nó thật sự làm tốt cái gì, có năng khiếu gì. Thế nhưng mỗi ngày tâm lý và hành động của tôi lại không được như thế. Rồi đến lúc họp phụ huynh, hầu hết phụ huynh trong lớp đều có suy nghĩ giống như vậy: Ưu tiên toán-tiếng việt-tiếng anh, còn thể-mỹ-lễ lại không được chú ý bằng, chỉ cần con đạt đủ chỉ tiêu là được.
Từ vấn đề này tôi nhận ra một điều: hô hào cổ vũ chung chung thì ai cũng làm được, ai cũng nói hay được. Nhưng khi nó động chạm đến con mình, quyền lợi của mình, tới “thành tích” của mình, liệu chúng ta có vững tâm với những thứ mà ta cho là đúng? Hay ta sẵn sàng “bẻ cong” nó một chút để mình được lợi hơn người khác?
Cuối cùng là vấn đề “tôi biết cái mình không biết”
Trên hành trình nuôi dạy một đứa trẻ, có nhiều thứ mà tôi không biết. Tôi không muốn nói kiểu "bố cũng là lần đầu làm bố", bởi thực sự thì cái gì cũng đều là lần đầu. Vậy nên tôi không thích viện vào cái cớ này để che đậy hay bao biện cho những sai lầm mình có thể gây ra cho con cái. Mình không biết, mình làm sai là chuyện thường. Với đứa trẻ, nó càng không biết và càng dễ mắc lỗi. Hành trình con đi học để trưởng thành thì cũng là hành trình tôi phải học để trưởng thành - từ một thằng con trai trở thành một người bố. Ta khó có thể kỳ vọng mọi thứ tốt ngay, hoàn hảo ngay, mà sẽ phải chấp nhận những khó khăn, vấp ngã khi bước đầu đi trên hành trình ấy.
Khi xác định gửi gắm con cho giáo viên, tôi cũng suy nghĩ theo hướng: Đã giao cho cô thì phải tin vào cô. Những phương pháp giáo dục của cô đôi khi không giống như mình nghĩ, mình kỳ vọng. Bởi vì mình đâu phải là giáo viên tiểu học đâu mà biết, mà tác động vào phương pháp đó. Và tôi thấy càng không nên can thiệp càng tốt. Khi đối diện với "thành tích" thực sự, dù nó có thể không như kỳ vọng, dù nó có thể khiến tôi thoáng buồn, nhưng nghĩ sâu hơn, tôi lại vui vì mình đã không nóng vội để can thiệp vào hành trình phát triển của con.
Tôi hiểu rất rõ phương pháp giáo dục mà từ đời mẹ tôi truyền lại cho tôi: 4D - Dạy - Dỗ - Dọa - Dập (diệt). Muốn uốn nắn một đứa trẻ, không thể tránh được có lúc phải dọa và phải dập. Dọa cho nó biết sợ, để nó tránh bước vào vùng nguy hiểm. Dập để khi nó đi sai thì biết đường dừng lại, mà sửa đổi. Dẫu có đau đớn thì cũng phải cứng tay mà làm, đó mới thực sự là vì tương lai của con.
Tất nhiên làm bố mẹ, điều tôi sợ là giáo viên trù dập con mình. Nhưng cũng có một điều đáng sợ hơn nữa là cô nâng đỡ con mình. Tôi biết một điều tai hại hơn cả trù dập, đó là cho nó điểm 10 dù nó chỉ có khả năng đạt điểm 7. Tôi vẫn hay nói với con mình mỗi khi nó nhận về điểm 7, 8: Con vẫn còn thiếu sót, lần sau hãy cố gắng hơn nữa, sửa chữa sai lầm để lần tới đạt điểm tốt hơn. Chứ lúc nào con cũng 10 điểm thì con đâu biết mình yếu ở đâu để cố gắng nữa?
Well, tất nhiên là ai chẳng vui hơn khi con mình được 10 điểm phải không? Kể cả nó có tự đạt được 10 đi nữa thì tôi vẫn lo. Lo nó tự mãn mà lười, tự nghĩ rằng mình giỏi mà coi thường người khác. Vậy đấy, thật khó để biết được con mình nó đang tiếp thu cái gì vào đầu mỗi ngày. Chỉ có cách là chấp nhận mình cũng không biết, mình cũng không hoàn hảo gì. Đôi khi giả vờ sai để "nhờ" con giảng bài cho mình tìm đáp án đúng lại hay hơn là "bố mày cái gì chẳng biết, cấm cãi".
27/05/2024
duongAQ
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất