"Con à, bất đắc dĩ ba mới đặt câu hỏi này: Nếu ba mẹ ly dị, con có buồn và trách ba không"
Tin nhắn của ba đến vào một buổi tối muộn, sau khi mẹ vừa gọi khóc lóc với mình về trận cãi nhau với ba tối nay. Mình hít một hơi, không buồn, không khóc.
"Dù ba có quyết định như thế nào đi nữa, con vẫn tôn trọng thôi. Sống đến tầm tuổi này, trải qua bao nhiêu chuyện rồi, nếu ba thấy quyết định của ba tốt cho ba và những người ba thương nhất thì con không trách ba. Con chỉ hi vọng ba không hối hận. Góc độ của con nhìn nhận, ai cũng có cái chưa hoàn hảo, mà chả ai hoàn hảo cả. Mình thương mà không thay đổi được họ, thì chỉ có cách thay đổi bản thân mình thôi."
Tất nhiên, con cái chẳng ai muốn bố mẹ mình rời xa nhau, nhất là một đứa từ bé đến lớn nhận trọn vẹn tình yêu của gia đình như mình, nên câu trả lời của mình có đôi phần bộc lộ điều đó, rằng mình muốn ba suy nghĩ kỹ về những nỗ lực và tình yêu thương của ba. Tuy nhiên, ba hay mẹ cũng là con người thôi, và mỗi người có một cuộc đời riêng. Nhưng khi 2 người kết hôn, có con cái, họ ràng buộc cuộc sống của họ vào những đứa con, vào gia đình nội ngoại, vào những mối quan hệ chung của cả hai.
Mình luôn cảm thấy tình yêu là một điều thiêng liêng, nhưng khi dính hai chữ hôn nhân, nó bị thay đổi đi rất nhiều. Ai đó nói hôn nhân là mồ chôn của tình yêu, không hẳn, chỉ là chuyển thể tình yêu từ dạng này sang dạng khác. Nếu vui vẻ, thì thật may mắn, đó là sự đơm hoa kết trái của tình yêu. Nếu không vui vẻ, thì đó là sự ràng buộc.
Về cơ bản, hôn nhân là một sự ràng buộc, ở thời hiện đại thì ràng buộc ít nhất là về mặt pháp luật. Hôn nhân đã có từ rất lâu, có một sự thật buồn cười rằng gốc rễ của hôn nhân ban đầu chính là sự xác lập mối quan hệ giữa hai người, mà thường chỉ định người thuộc phái mạnh là chủ sở hữu và người thuộc phái yếu là tài sản, xác nhận đứa con mà phái yếu sinh ra sẽ thuộc về phái mạnh đó. Sau dần thì cùng với sự tác động của tôn giáo, nó trở thành một điều đẹp đẽ mà nhiều tình yêu muốn hướng tới.
Điều này dựa trên nguồn gốc cơ bản của con người, rằng chúng ta là một loài động vật xã hội, sau cùng rồi cũng sẽ quay trở về lại xã hội, và việc kết hôn, tạo gia đình, cấu thành nên tế bào của xã hội này, diễn ra như một điều đương nhiên. 
Nhưng điều này lại khiến từng cá nhân quên mất việc quan tâm tới bản thân mình, và tình yêu của mình. Họ bắt đầu quan tâm tới thành viên trong gia đình và đặt mọi nỗ lực lên gia đình, quan tâm đến những mối quan hệ chung của cả hai, những nhiệm vụ xã hội mà một "tế bào của xã hội" phải làm, không thể đi ngược lại nếu không muốn bị nói là "ích kỷ".
Yêu bản thân hơn trong hôn nhân bỗng trở thành ích kỷ. Đáng lý việc yêu bản thân nên được thực hiện trước khi lan toả tình yêu tới máu mủ của mình, để tình yêu này được thuần khiết và ấm áp nhất. Nhưng không may là nhiều gia đình, nhiều bố mẹ, họ không yêu bản thân mình trước. Lấy một ví dụ nhỏ, khi người chồng cảm thấy người vợ đang quá đáng và không thể chịu nổi, tương tự người vợ cũng vậy, thì có hai hướng có thể đi. Khi cả 2 đều yêu bản thân trước, họ sẽ thực sự nghiêm túc nghĩ về việc mình muốn gì, đang mong đợi điều gì, và có thể nói thẳng ra với đối phương. Nếu cả hai nghe và hiểu, và có thể thích nghi được mới mong đợi đó, chẳng có lí do gì để tiếp tục cuộc cãi vã. Nhưng ngược lại, đại đa số bố mẹ vẫn cố gắng "vì con", hay "vì mong đợi của 2 bên gia đình, bạn bè 2 bên, mong đợi của xã hội abc", sau đó chọn kìm nén đi gốc rễ của vấn đề, hoặc nghe ý kiến hay chờ đợi sự chấp nhận từ con cái, xã hội để tiếp tục hành trình hôn nhân. Và rồi lại tiếp tục xuất hiện vòng lặp mệt mỏi đó.
Hôn nhân không xấu. Cái gì cũng có 2 mặt. Nhưng hôn nhân ràng buộc thì thực tình mình vẫn chưa tìm ra nhiều điểm tốt. Nếu trong hôn nhân, tình yêu thuần khiết vẫn còn, yêu từ bản thân rồi mới đến ra yêu bạn đời của mình và những máu mủ của mình, thì mọi thứ sẽ đẹp hơn, từng cá nhân sẽ sáng hơn. Hôn nhân sẽ chuyển chủ thể từ "cá nhân" sang "gia đình", mà họ hay gọi là "tế bào xã hội". Mỗi người sẽ có những mục đích sống khác nhau, có người muốn bám víu vào "tế bào", có người tự bản thân họ cũng là một phần tử sáng, có thể toả sáng một mình, khiến "tế bào" của mình sáng hơn.