Một câu hỏi nhỏ hơn: "Cái gì hủy hoại nơi bạn sống?" 
Đối với đa số chúng ta câu này có nghĩa là cái gì đó liên quan đến một thứ kiểu như: 
Chiến tranh?
Một tên độc tài chính trị? 
Các chính quyền tham nhũng? 
1/3 thực phẩm bị vứt đi?
Tình thương con người?
Nước Nga hay Mỹ?
Các công ty khai thác than, gỗ? 
Chủ nghĩa tư bản?
Ngành công nghiệp xe hơi thải ra cả triệu tấn CO2? 
Ngân hàng Thế giới? 
Hay là có quá nhiều người để có thể nuôi sống?
Có ai cho rằng là do Nông nghiệp (???)
Dry Mekong river
Một con kênh cạn ở đồng bằng sông Mekong
Những thứ ở trên liệu có liên quan gì? 
Câu trả lời là có, tất cả chúng là những nhánh cây khổng lồ từ cùng một gốc rễ của cái mà chúng ta gọi là "nền văn minh", biến con người từ một thành viên của môi trường thành thứ - hoặc ít nhất chúng ta nghĩ thế - thống trị môi trường.
Tất cả chúng ta đều bắt đầu với một mảnh đất, nơi sinh dưỡng ra bạn và tất cả những gì bạn biết, một khu rừng, một ngọn núi, một đồng cỏ, một đầm lầy hay phổ biến hơn: một cánh đồng. 
Quay trở lại nhiều nhiều nhiều năm trước, khi mà đất còn ở trạng thái nguyên thủy của nó, mảnh đất được che phủ bởi vô số loại cây, làm việc nhịp nhàng như một cỗ máy tinh vi nhất thế giới, với vi sinh vật - vi khuẩn, nấm, men - và với động vật từ côn trùng cho đến cả con người. Cây cối là những cỗ máy sản xuất, biến ánh sáng mặt trời thành chất hữu cơ, tạo ra cả bầu khí quyển giàu ôxy cho chúng ta thở và lớp đất màu mà trên đó chúng ta sống. Đây gọi là một hệ thống đa canh lâu năm. Lâu năm bởi vì hầu hết các cây sống trong nhiều năm, tạo ra những bộ rễ khổng lồ dài hàng dặm dưới lòng đất. Đa canh bởi vì có rất nhiều loại cây, tất cả đều hợp tác, cạnh tranh, đóng góp; tất cả đều có một chỗ đứng thích hợp với một chức năng cần thiết. Đó là cách mà thiên nhiên bảo vệ và phát triển lớn đất màu, cách mà sự sống đã tự thiết lập để tạo ra nhiều sự sống hơn nữa.
Còn bây giờ? Chúng ta đang làm gì để nuôi sống chính mình? Đây: bạn lấy một mảnh đất và bạn xóa sạch tất cả mọi sinh vật sống khỏi đó, cho đến tận các con vi khuẩn. Rồi bạn trồng trên đó một số rất nhỏ những loài cho con người sử dụng, thường là những cánh đồng vô tận chỉ với một loại cây duy nhất như ngô, đậu tương, lúa. Động vật trên đó bị giết hại, thường là đến tuyệt chủng, đơn giản là chúng không còn chỗ nào để chạy trốn. Khoảng 70% đất của nước ta từng được bao bọc bởi các cánh rừng nguyên sinh nuôi sống hàng chục ngàn loài động thực vật, hàng trăm trong số đó là đặc hữu (chỉ có tại VN). 
Vậy hiện tại như thế nào? ĐOÁN XEM!
0.7%, vâng xin nhắc lại 0.7% rừng nguyên sinh, gần như toàn bộ đều đã bị phá hoại. Nông nghiệp dựa trên độc canh cây ngắn hạn, hoàn toàn ngược lại với thiên nhiên: nó hủy hoại lớp đất màu. "Sự suy thoái của đất là kết quả không thể tránh khỏi mà nông nghiệp làm với môi trường," nhà nghiên cứu Steven Stoll viết. Hay như cách Tom Paulison diễn đạt, "Hành tinh này đang bị lột da."
Với bản chất của nó, nông nghiệp là một sự xâm lược và do đó nó phá vỡ môi trường khi nó thay thế hệ sinh thái tự nhiên với một hệ sinh thái nhân tạo ... Từ khoảnh khắc người nông dân đánh dấu mảnh đất của anh ta ... anh ta về cơ bản đã tuyên chiến với những gì hiện có trong môi trường ấy. Mong muốn trồng một loại cây nào đó ... người nông dân giờ đây phải coi tất cả các giống sinh vật bản địa là cỏ dại độc hại hoặc sâu bệnh, phải bị diệt trừ bằng mọi cách có thể. Tuy nhiên, trong một môi trường không khép kín, các loài hoang dã tiếp tục cố gắng khôi phục lại lãnh địa bị đánh cắp của chúng, vậy nên cuộc chiến của người nông dân không bao giờ thắng lợi hoàn toàn.
Image result for canh dong bat tan
Đẹp đấy, nhưng mà...

Thật ra nó cũng không hẳn là một cuộc chiến tranh, bởi vì các khu rừng, đầm lầy, những cơn mưa, mảnh đất màu, không khí, không thể đánh lại. Nông nghiệp thực sự giống một cuộc diệt chủng, chính xác đấy, diệt chủng. Chúng không chỉ diễn ra ở những vùng xa xôi mà bạn hay nghe trên TV: Rừng rậm Amazone, những con sư tử châu Phi, chuột túi nhỏ trên các dồng cỏ savan, chim chèo (một loại chim nhỏ 13 - 15 cm) với giọng hót rất to, chim nhạn biển đen với bộ lông bóng tuyệt đẹp vào mùa sinh sản và bản tính thuần khiết của nó sống theo từng đàn lên tới hàng vạn con — thử tưởng tượng bầu trời tối lại với hai hay ba vạn con chim. Con vịt lặn vai buồm đực phát ra những tiếng kêu ngọt ngào khi tán tỉnh, và con cái, như nhiều con chim mái khác, tự nhổ lông của mình để lót ổ. Tôi sẽ không kéo dài thêm nữa. Danh sách các loài tuyệt chủng và sắp tuyệt chủng là một danh sách trải dài từ đây đến tận địa ngục. Và bất cứ loài nào từng sống gần các dòng sông sẽ tìm thấy tên của chúng viết ở đó.  Chúng từng tồn tại quanh nhà bạn, giờ đây nền văn minh đã đến và quét sạch những sinh vật bản địa để những kẻ xâm lược có thể chiếm lấy đất. Nó là một quá trình diệt chủng sinh học. "Trong lịch sử nền văn minh con người... lưỡi cày tàn phá nhiều hơn thanh kiếm rất nhiều." Nó không hề hòa bình. Nó cũng không bền vững. Và mỗi miếng thức ăn từ đó đều thấm đẫm sự chết chóc.
Living Planet Index - WWF
Nói tóm lại có bất kỳ tiền lệ nào cho những thứ tôi nói ở trên không hay tất cả chỉ là suy nghĩ? Thực ra là có đấy.
Mesopotamia, "vùng đất giữa những con sông", nơi bây giờ được gọi là Iraq. Bạn có thể đã nhìn thấy vùng đất ấy, mặc dù có lẽ là từ con mắt của những phóng viên chiến trường đi cùng binh lính Mỹ, chứ không phải các nhà nông học tìm cách đưa sa mạc trở lại với sự sống. Những con sông nhắc đến ở trên là sông Tigris và Euphrates. Vùng đất ấy từng được đặt tên là Vùng Trăng Lưỡi liềm Màu mỡ, nhưng bây giờ không có ai đầu óc sáng suốt còn gọi nó với cái tên ấy. Tất cả những gì chúng ta có bây giờ là những khoảng đất trống rộng lớn, khô cằn, hàm lượng muối cao được đan xen bởi tàn tích của các kênh đào thủy lợi cổ xưa. Ngày xưa, đây là những cánh đồng đầy trái ngọt ... Tình trạng tồi tệ hiện nay ... có nguyên nhân phần lớn là do sự khai thác kéo dài trong môi trường dễ bị tổn thương này bởi hàng thế hệ những người cắt, đốt rừng, những người chăn gia súc, nông dân trồng trọt, tưới tiêu.... Các thành phố một thời thịnh vượng của vùng Mesopotamia bây giờ là những trang sách câm lặng tạo bởi những gì còn sót lại của một nền văn minh đã sống và chết đi rồi bị chôn vùi ở đây.
Salt bleaches cracked earth near a farm in Al-Islah, Iraq
© Julia Harte / National Geographic
Đất nhiễm mặn nứt nẻ gần một trang trại ở Iraq, vùng đất từng được gọi là Mảnh Trăng lưỡi liềm Màu mỡ, nơi khởi nguồn của nông nghiệp 8000 năm trước đây.
Image result for indus valley civilization
Tàn tích nền văn minh Indus
Nền văn minh Thung lũng Sông Indus gặp phải số phận tương tự. Ấn Độ, Pakistan, Úc, Nga, Hoa Kỳ, tiểu vùng Sahara ở Châu Phi, Trung và Nam Mỹ, Ai Cập, Canada — nếu đất nông nghiệp của họ chưa biến thành những vùng đất sét nhiễm mặn, nứt nẻ dưới ánh nắng mặt trời thì rồi chúng cũng sẽ bị như vậy theo thời gian. Vùng Địa Trung Hải chẳng hạn từng là một vùng rừng rậm. Đã từng có những cây tuyết tùng tại Lebanon, chứ không phải chỉ là bóng ma của chúng trên lá cờ. "Những ngọn đồi của Israel, Lebanon, Hy Lạp, Đảo Síp, Crete, Ý, Sicily, Tunisia và miền đông Tây Ban Nha" đều dày đặc cây cối và lớp đất màu dày cả mét. Khi bị tước bỏ lớp cây bảo vệ, đất màu bị cuốn trôi xuống biển. Tất cả những gì còn lại bây giờ là những bụi cây lúp xúp bám vào đá khô, khô cằn dưới nắng mặt trời...

Có khi nào chúng ta sẽ trở thành "tiền lệ" của một bài viết nào đó trong tương lai?

Việt Nam có diện tích đất nhiễm mặn nặng không quá lớn, chỉ khoảng 1 triệu Ha (3% đất trồng), nhưng chúng tăng dần đều và nghiêm trọng hơn theo từng năm. Những vùng này hiện nay vẫn đang trồng trọt được nhưng sớm muộn gì chúng cũng sẽ trở nên cằn cỗi, hàm lượng muối cao dần lên từng ngày sẽ giết chết tất cả những gì chúng ta cố gằng lắp ghép lên trên nó. Quá trình xâm lấn hàng chục năm qua đang chứng minh cho điều đó. Thiên nhiên ban cho chúng ta lượng đất màu với tốc độ khoảng 2 - 4 tấn/hecta một năm, nhưng với việc cày xới, chúng ta phá đi 40 - 500 tấn/ha một năm. Chưa kể một vài trận lũ lịch sử có thể cuốn phăng hàng nghìn năm tích lũy ra biển lớn. Nhiều nền văn minh đã sụp đổ khi điều đó xảy ra với mảnh đất của họ, và quá trình này đang diễn ra tại những vùng trồng ngũ cốc lớn trên khắp thế giới.

Thế còn những hệ thống canh tác "xanh" không cày xới? Chúng có hiệu 
quả không? 
Image result for nông nghiệp bền vững


Được thôi, thực sự những biện pháp nông nghiệp bền vững thực sự làm giảm tốc độ thoái hóa của đất, nhưng vấn đề ở chỗ chúng không thể tự dọn quang một khoảnh đất, cái cày trong trường hợp đó được thay thế bằng thuốc diệt cỏ. Liệu tôi có thực sự phải đưa ra lập luận chứng tỏ rằng phun thuốc độc trên khắp cả lục địa là một ý tưởng rất thú vị không? 
Vậy nhắc lại. Đầu tiên chúng ta cướp một khoảnh đất từ ai đó, bởi vì lịch sử của nông nghiệp là lịch sử của chủ nghĩa đế quốc. Tiếp đó, ủi hoặc đốt đi tất cả sự sống trên đó: cây cối, đồng cỏ, đầm lầy. Đấy là bao gồm tất cả các sinh vật lớn cũng như nhỏ: bò rừng, chó sói, hổ, rắn. Một số rất nhỏ những loài như chuột, châu chấu có thể trụ lại, nhưng các loài động vật khác đều phải cuốn gói. Bây giờ gieo trồng các vụ mùa độc canh của bạn. Đám ngũ cốc của bạn lúc đầu sẽ ổn, do chúng sống dựa vào lớp chất hữu cơ tạo ra bởi khu rừng hay đồng cỏ đã chết. 
Nhưng như bất cứ con thú đói nào, đất màu sẽ ăn dần vào nguồn dự trữ của nó, cho đến khi không còn gì cả. Khi năng suất cây trồng của bạn — nguồn thực phẩm của bạn — bắt đầu suy giảm, bạn có hai lựa chọn. Chiếm lấy một khoảnh đất khác và bắt đầu lại từ đầu (chính xác đó là quá trình diễn ra của du canh du cư), hoặc dùng phân bón (định canh định cư). Hiện nay chúng ta sản xuất phân bón từ nguyên liệu hóa thạch. Tôi có cần phải nói thêm rằng bạn không thể tự làm ra cái đó, rằng việc khai thác nó là một cơn ác mộng về sinh thái, và rằng một ngày không xa tất cả dầu mỏ và khí đốt sẽ cạn kiệt? 

Trong quá khứ con người đã sống trên các thảo nguyên và đồng cỏ trong hàng triệu năm mà không hủy hoại chúng, không cần khoa học kỹ thuật để khắc phục bất cứ điều gì. Chúng ta cùng chia sẻ đồng cỏ với các loài khác và giữ dân số của chúng ta ở mức mà đồng cỏ có thể duy trì được. Khi đó chúng ta không hủy hoại thế giới này, ngôi nhà của chúng ta. Hiện tại chúng ta buộc phải biến những đồng cỏ thực sự thành đồng cỏ giả bởi vì nông nghiệp — đặc biệt là cuộc cách mạng "xanh" dựa trên nhiên liệu hóa thạch — đã làm bùng nổ dân số loài người. Chúng ta cần một nền nông nghiệp hoạt động như một ban quản trị tập đoàn - về cơ bản không quan tâm tới gì khác ngoài lwoifj nhuận - là vì dân số của chúng ta đã vượt quá ngưỡng mà thế giới này có thể duy trì một cách tự nhiên. 

Vậy có thật sự tồn tại một nền nông nghiệp "bền vững" không?
Wes Jackson viết:
Hầu hết các nền văn hóa Bắc Âu và Nhật Bản có những trang trại được duy trì một cách có vẻ bền vững. Nhưng khi chúng ta nhìn vào các trường hợp thành công, chúng ta phát hiện rằng nhiều yếu tố phức tạp tồn tại, bao gồm cả lượng mưa, bản chất của hệ thống canh tác, tính chất của đất, và bản chất của nền văn hóa. Tất cả những thứ đó kết hợp theo những cách độc đáo để hỗ trợ tích cực một nền nông nghiệp bền vững. Ngay cả như vậy, cả vùng Bắc Âu lẫn Nhật Bản đều còn lâu mới tự lực được về lương thực. Và con số người hay số nền văn hóa áp dụng một nền nông nghiệp bền vững... còn rất nhỏ. Việc gợi ý rằng giải pháp cho vấn đề nông nghiệp hiện nay chỉ đơn giản là làm theo tấm gương của những người có nhận thức về bảo vệ môi trường xung quanh chúng ta cũng gần giống như gợi ý rằng nếu nhiều người hơn nữa cư xử đúng mực thì chúng ta sẽ không cần cảnh sát hay quân đội nữa. Thực tế là cả cảnh sát lẫn quân đội đều đang tồn tại và cả hai đều là dấu hiệu của những vết rạn nứt bên trong nền văn minh của chúng ta.... Nhưng có phải vì vậy mà chúng ta nên dừng việc tìm kiếm những cách để khiến họ không còn cần thiết nữa? Có phải chúng ta không nên cố gắng tạo ra một nền nông nghiệp khiến cho tấm gương của những người có nhận thức tốt về bảo vệ môi trường trong nền nông nghiệp truyền thống không còn cần thiết nữa?
Hai phần ba diện tích đất đai trên Trái Đất không phù hợp để trồng cây ngắn vụ, dù là theo cách phá hoại môi trường hay không. Nó đơn giản là quá nhiều nước, quá ít nước, quá nóng, quá lạnh hay quá dốc ngay cả để nghĩ đến việc thử. Nhưng ở những nơi nông nghiệp có thể được thực hiện, để đạt được sự bền vững về đất màu, lượng mưa phải điều hòa và rơi xuống tương đối đều đặn trong suốt những tháng ấm áp. Khí hậu cũng phải ôn hòa — quá nóng hay quá ẩm ướt sẽ khiến hoạt động sinh học phân hủy các vật liệu hữu cơ quá nhanh, khiến lớp đất màu trở nên quá mỏng để thực hiện nông nghiệp (như rừng nhiệt đới ẩm chẳng hạn). Nếu khí hậu quá lạnh thì không có đủ hoạt động sinh học để phân hủy các vật liệu hữu cơ (như Greenland chẳng hạn). Những điều kiện thích hợp chỉ tồn tại ở một số ít địa điểm trên Trái Đất.
Ngoài yếu tố khí hậu và địa điểm còn có phương pháp canh tác. Để đạt đến sự bền vững về đất màu, các cánh đồng phải được luân chuyển từ trồng độc canh ngắn ngày sang thành đồng cỏ - sang chăn nuôi kết hợp với trồng đa canh lâu năm — và rồi lại quay về trồng độc canh ngắn ngày. Những cây ngắn ngày phá hủy đất màu; gia súc và cây lâu năm phục hồi nó trở lại. Nếu bạn cực kỳ may mắn, sự phá hủy và phục hồi tương đối bằng nhau. Nhưng không có cách nào làm vậy nếu không có động vật nuôi. Một nền nông nghiệp hiện đại, trích lời của Mark Purdy, là một "hoang mạc về sinh thái." 
Mặc dù các vụ mùa từ cuộc Cách mạng Xanh mang lại nhiều ngũ cốc hơn trên mỗi hecta, nhưng để làm vậy, chúng cũng hủy hoại gần như toàn bộ 3% nước ngọt trên trái đất. Nước phải đến từ đâu đó, và điều đó nghĩa là thêm nhiều đập, nhiều giếng, nhiều dòng sông bị nắn dòng - và nhiều đất bị nhiễm mặn. Chúng ta không chỉ đang sử dụng nước không tái tạo - nước từ các tầng nước ngầm rất sâu hầu như không được nạp lại, "các dự án ban đầu phủ xanh hoang mạc giờ đang tạo ra hoang mạc." Trên cả thế giới, 10 triệu hecta đất nông nghiệp bị mất đi mỗi năm vì nhiễm mặn. 
Tôi cũng có một danh sách các dòng sống, những dòng sông thậm chí tôi chưa bao giờ nghe tới, đang bị hủy diệt để lấy nước tưới. Chúng đang bị nắn dòng và bị rút cạn để cho mùa màng như lúa mì, gạo và bông, và cả các quá trình công nghiệp như thủy điện và nhuộm màu. "70% tất cả nước từ các dòng sông và nước ngầm dưới đất đang được dùng để tưới những cánh đồng nơi trồng ra một phần ba lương thực của thế giới," Fred Pearce viết trong cuốn When the Rivers Run Dry (Khi Các Dòng Sông Cạn Khô), một cuốn sách sẽ làm tan vỡ trái tim bạn. Tại "Ai Cập, Mexico, Pakistan, Úc và trên khắp vùng Trung Á, 90% hoặc hơn nữa nước lấy từ môi trường được dùng để tưới cho nông nghiệp."
Image result for trang trai th true milk
Nơi mà ai cũng biết là đâu đấy
Cần từ 250 đến 650 lít nước để trồng được một kg gạo. Giả vờ như gạo của bạn được trồng ở miền tây hoang dã. Trên phim ảnh chúng nó đầy những đồng cỏ khô ngắn ngày, lẽ ra nên là vậy. Giờ đây ở đó đầy những cánh đồng lúa gạo, với màu xanh màu mỡ của vùng nhiệt đới — và ngập đến tận cổ trong nước. Chỗ nước đó ở đâu ra? Bây giờ thay từ "nơi sinh sống" cho "nước". Đó là những gì xảy ra với những con cá, những con cò, con thằn lằn và bò rừng. Có cái chết trên đĩa của bạn, cái chết trong cả hệ sinh thái, nhưng nó xảy ra ở ngoài xa, xa kia, trong một thế giới mà chúng ta sẽ không bao giờ biết đến.

Một số nơi việc sử dụng nước tồi tệ hơn những cái khác: lúa mì ở rìa Sa mạc Gobi (1500 lít nước/kg); lúa gạo ở Sindh (3000 - 7500 lít/kg); bò sữa quy mô lớn ở khu công nghiệp TH (6000 - 12.000 lít nước cho một lít sữa). Những dự án tốt và xấu chỉ khác nhau về mức độ chứ không phải về bản chất. Xây đập ngăn các dòng sông giết chết chúng. Và tất nhiên, rút cạn chúng cũng vậy. Nước tưới cho nông nghiệp chắc chắn sẽ tạo ra sự nhiễm mặn: như một đạo quân xâm lược, những người làm nông làm nhiễm mặn đất. Cho đến khi tất cả những gì còn sót lại là đường nhựa và sa mạc, những biến thể của cái chủ đề mang tên "nền văn minh". 
Bạn có thể tóm gọn cả bài của tôi vào hai câu sau đây.
"Những dòng sông chết đi, sinh vật phải rời đi nơi khác. Lượng cá đánh bắt được giảm 90%."
Quá trình này đã lặp lại trong 10.000 năm nay. Những người cuối cùng biết sống một cách bền vững - biết cách hòa nhập với môi trường sống của đồng cỏ và dòng sông - đang bị đuổi đi bởi những người làm nông nghiệp, bị biến mất vào một thế giới thù địch nơi mà, giống như các loài động vật, họ chắc chắn sẽ chết.
Chúng ta đều là những người ấy, bởi vì suy cho cùng, không ai trong số chúng ta có thể sống thiếu đất đai và dòng sông, biển cả và rừng. Tiền, đặc biệt là tiền tích tụ thành sự giàu có, có thể làm mua cho chúng ta thêm chút thời gian. Nhưng cái kim đã sắp về số không rồi. Sớm thôi, chúng ta sẽ không còn đất màu, không còn nước, không còn các loài vật, và không còn chỗ trong bầu khí quyển cho lượng carbon mà chúng ta không thể ngừng đốt...

Nguồn tham khảo: