Duolingo là một ứng dụng học ngoại ngữ giúp bạn có thể học bất kỳ ngoại ngữ nào bạn muốn. Nhưng đã bao nhiêu lần bạn tải app và nhanh chóng xóa app vì con chim xanh cùng bè lũ bạn bè của hắn ta vào nhắc nhở bạn quá nhiều?
Mình chọn tiếng Đức làm ngoại ngữ thứ hai, sau tiếng Anh. Mình thích xem bóng đá Đức rồi tìm hiểu về nước Đức, mình đã thử tải vài ứng dụng học nhưng nhanh chóng bỏ cuộc: Một là, giữa chừng trả phí và hai là, tuy miễn phí nhưng mình lại quá lười, trong đó có ứng dụng Duolingo.
Thời gian gần đây, mình đã nghiêm túc hơn trong việc học. Mình vừa bước qua cột mốc 100 ngày học liên tiếp trên Duolingo. Thật sự thì hành trình học tiếng Đức bước đầu không hề dễ dàng đâu, nhưng không gì là không thể. Ok, mình sẽ kể cho các bạn trải nghiệm của mình và mình đã "gặt" được những gì nhé.

Những lần xóa app vì bị nhắc quá nhiều

Trước đó, mình từng tạo tài khoản trên Duolingo vào tháng 9.2016, mình đã chọn tiếng Anh để học và kết quả là mình bỏ học một thời gian ngắn sau đó. Có lẽ vì mình thấy nó quá nhàm chán, trong khi cái mình cần là một điều gì đó nâng cao hơn, các bài học dễ cứ lặp đi lặp lại.
Mình dừng học, Duolingo vẫn liên tục nhắc nhở việc học đến nỗi mình quyết định xóa app. Cũng có vài lần mình vào lại, chọn vài khóa học khác: tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức. Dù lần này, cả hai ngôn ngữ trên mình đều không biết gì ở trình độ cơ bản, nhưng mình nhanh chóng lười đi và xóa app lần nữa. Cứ mỗi lần mình có động lực học, mình tìm đủ các video và tìm hiểu các ứng dụng học ngoại ngữ, mình lại trở về với Duolingo và nhiều lần xóa app như vậy cứ diễn ra. Vì lười.
Hè vừa rồi diễn ra giải bóng đá vô địch châu Âu Euro 2020, tự dưng mình lại muốn học tiếng Đức lần nữa. Sự “tự dưng” đó nó nảy sinh trong mình cũng nhiều lần rồi đấy chứ, có nhiều lý do và mình chọn tiếng Đức làm ngoại ngữ thứ hai sau tiếng Anh. Tuy nhiên, tiếng Đức thật sự rất khó và mình nhiều lần từ bỏ giữa chừng. Mình quyết định thay vì phải nghĩ ngợi, tìm nguồn tài liệu học theo cách truyền thống, mình quyết định quay lại với Duolingo.
<i>Chú chim xanh từng là nỗi sợ của mình với những thông báo nhắc nhở </i>
Chú chim xanh từng là nỗi sợ của mình với những thông báo nhắc nhở

Thôi không xóa app nữa

Mình đã tự hỏi bản thân và tham khảo những trải nghiệm của người học đăng tải trên YouTube về hành trình của họ với Duolingo. Mình đặt ra câu hỏi: Vì sao và động lực nào họ có thể duy trì được chuỗi ngày liên tiếp đó?
Nhìn chung, mỗi người học có một trải nghiệm riêng nhưng đa phần người học đều nhận lại được những lợi ích cần thiết trong việc học ngoại ngữ và duy trì thói quen. Mình tìm thấy mấu chốt của mình chính là “lười biếng”, vì vậy những con số như 100 ngày, 200 ngày hay 300 ngày là quá khủng với mình. Khi thành thật với bản thân chuyện lười học đó, né tránh và hay trì hoãn như thế nào, mình quyết định thử lại lần nữa và có kế hoạch.
Quan trọng là có kế hoạch.

Kế hoạch như thế nào?

Mình hay nghe mọi người nói là: Cần 21 ngày để duy trì một thói quen, nhưng lúc trước thậm chí đến 21 ngày học Duolingo mình còn không đạt được. Vậy nên, lần này mình chia nhỏ số lượng ngày ra, học từng chút một và theo lộ trình bài học có trong Duo.
Chia nhỏ thời gian, số lượng bài tập: Thường mình sẽ xem trước mỗi chủ đề lớn có bao nhiêu mục nhỏ bài tập, rồi lại phân bổ vào thời khóa biểu của các ngày trong tuần. Rồi dựa vào độ khó dễ của bài học, mình tiếp tục điều chỉnh thời gian học (ít/nhiều) sao cho phù hợp để tiếp nhận kiến thức tốt nhất, tránh kiểu học như deadline mà không thu được kiến thức nào. Trung bình mình luôn cố gắng mỗi tuần hoàn thành ít nhất 1 bài lớn.
Streak: Có một cái rất hay của Duoling đó là streak, số ngày liên tục bạn hoàn thành bài học. Hiểu đơn giản là ngày nào bạn vào học thì bạn được cộng thêm 1 ngọn lửa cam, bạn ngắt quãng giữa chừng thì mọi thứ trả về 0 (trừ khi bạn dùng gói trả phí/hay gì đó để bảo toàn số streak lỡ hôm nào đó quên).
Như có nói ở trên, mình hay lười và động lực của mình đó là không làm đứt quãng nó trong 7 ngày đầu tiên. Mình đã làm được, mình tiếp tục những chuỗi 7 ngày như vậy tiếp theo kèm những mục tiêu nhỏ trong bài học, đồng thời nhận ra những tiến bộ nhỏ trong học tập.
<i>106 ngày học liên tiếp</i>
106 ngày học liên tiếp

Kỷ luật tạo lập thói quen

Mình phải thú nhận, những hôm đầu tiên tiếp xúc với một ngôn ngữ mới, cảm giác rất lạ và chút khó khăn. Những câu hỏi liệu mình có hoàn thành được hay không lại hiện lên, lúc đó mình đơn giản nghĩ là: Hay mình cứ học như một đứa trẻ, cứ vô tư và tiếp nhận kiến thức thôi. Cái nào không biết thì tra google, không biết nữa thì đi vào các group Facebook hỏi, còn khó quá mặc định nó như vậy – bớt thắc mắc cho nhẹ đầu. Ngôn ngữ cũng là một phần văn hóa, chấp nhận và tôn trọng những điều khác biệt đó giúp mình cảm thấy dễ dàng tiếp cận tiếng Đức hơn (và mình nghĩ nó cũng đúng khi học các ngoại ngữ khác).
Làm từng chút một: Dần được 7 ngày đầu tiên, 14 ngày, rồi 21 ngày, 30 ngày… Đến ngày thứ 50, mình có vẻ không quan tâm việc mình đang có số lượng streak là bao nhiêu nữa, cũng là lúc mình hình thành được thói quen học tiếng Đức mỗi ngày. Gần một hết một tháng đầu tiên, mình mới bắt đầu tải app về điện thoại, đây là lúc con chim xanh ấy nhắc nhở mình nhiều hơn nhưng lần này, mình vui vẻ nghe lời nó làm bài tập.
Kỷ luật bản thân: Như có nói ở trên về “21 ngày duy trì thói quen”, nếu bạn tra google với từ khóa đó bạn sẽ nhận được rất nhiều kết quả tìm kiếm giải thích vì sao và những lợi ích từ đó. Mình nghĩ phải thêm một cụm từ khác đúng hơn nữa, đó là “Kỷ luật bản thân”. Trước đó, mình từng áp dụng thử vào việc chạy bộ của mình: từ những quãng đường 2km, rồi đến 3, 4, 5km…, mình thấy khá hiệu quả. Điều quan trọng ở đây là làm từng chút một, có kỷ luật, đồng thời cũng dành thời gian nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng. Quay trở lại việc học, bạn có thể học nhiều vào đầu – giữa tuần và dành cuối tuần để ôn tập.

Học một cách hiệu quả

Ưu tiên học trên website duolingo.com: Khi học trên Duolingo, ban đầu mình sẽ học trực tiếp trên website nhiều hơn (thời gian đầu mình sẽ không sử dụng app trên điện thoại). Mình muốn tạo cho mình một thói quen học trên laptop cùng với những việc học, việc làm khác khi dùng lap.
Học trực tiếp trên website của Duo giúp mình tăng hiệu quả học tập, chẳng hạn: Khi làm xong một câu và mình muốn hiểu thêm về đáp án câu đó, nút Discuss là chìa khóa gỡ rối. Những câu hỏi trong mục Discuss là những thắc mắc của rất nhiều học viên cùng học, được lưu trữ trong nhiều năm qua và quan trọng gần như luôn có câu hỏi chúng ta cần.
Chủ động tra cứu: Từ những câu trả lời mục Discuss ấy, một công cụ hữu ích khi học trên laptop đó chính là google. Mình dựa vào các trả lời của các MOD và người học đối đáp nhau, rồi từ đó dùng google để search thêm các ví dụ, clip… Việc tự tìm hiểu câu trả lời và bổ sung kiến thức như thế là một điểm cộng cho quá trình tự học của mình. Không ít lần mình đã bật nhảy khỏi ghế, vui mừng vì tìm được câu trả lời đúng ý hay chỉ đơn giản là hiểu được cách dùng các mạo từ “dis, die, das” ở các trường hợp đặc biệt.
Tối ưu hóa các tính năng có trên Duolingo: Bạn có biết việc hoàn thành cùng một bài học trên website và trên app điện thoại có thể ra những số điểm khác nhau? Ban đầu mình không để ý lắm, lúc bắt đầu đua top bảng xếp hạng, mình phát hiện ra làm bài trên điện thoại, điểm mỗi bài và điểm cộng kèm theo sẽ cao hơn trên website.
Dù vậy, mình không khuyến khích bạn chỉ mải mê cày top, với các challenge liên tục của Duo trên điện thoại. Mình đã từng 2 lần đứng top 1 nhờ vào việc cày điểm như thế nhưng nhận ra vài bất lợi sau: Mình quá mải mê kiếm điểm mà quên đào sâu kiến thức, lười tra cứu hơn so với học trên web, mình để những đáp án đến rồi đi mà không hiểu bản chất vấn đề của nó. Mình vẫn hay xem phần Discuss nhưng thay vì tự tìm đáp án mà lại screenshot trong album ảnh, đến khi tìm lại thì mình cũng không nhớ lý do vì sao screenshot. Nhìn chung, sự chủ động tìm hiểu không hiệu quả bằng học trên web.
Giải pháp đặt ra là: bạn có thể vừa dùng điện thoại cày điểm và một chiếc laptop trước mặt để tra cứu. Hoặc là, khi học bài mới bạn nên học trên website, còn khi ôn bài cũ bạn có thể kiểm tra bài bằng điện thoại. Nếu linh hoạt được giữa việc học trên website và trên điện thoại bạn sẽ tăng hiệu quả nhớ bài hơn.
Ngoài mục Discuss ở trên có nói, Duolingo còn có các phần học khác như: Phần Stories cho bạn tập làm quen các bài hội thoại nhỏ. Mục “More” -> word: bạn sẽ biết mình đang học bao nhiêu từ và mức độ thường xuyên ra sao. Tận dụng mục “Shop” để kiếm thêm điểm, đánh cược vài gem hoặc lingots để duy trì việc học, etc…
Mẹo nhỏ: Trên YouTube có rất nhiều clip nói về cách học Duolingo sao cho hiệu quả hoặc những lỗi sai mà chúng ta hay mắc phải khi học Duo. Từ đó, đối chiếu với cách học mà bản thân đang áp dụng để điều chỉnh thích hợp.
<i>Tận dụng, khám phá các mục có trong duolingo đôi khi sẽ tìm được kiến thức thú vị</i>
Tận dụng, khám phá các mục có trong duolingo đôi khi sẽ tìm được kiến thức thú vị
Chọn một ngôn ngữ: Duolingo dạy rất nhiều ngôn ngữ, mình nghĩ bạn chỉ nên chọn 1 ngôn ngữ để học trong một thời gian nhất định. Mới bắt đầu học, càng nên chọn một ngôn ngữ duy nhất và là ngôn ngữ bạn muốn/cần học ngay lúc đó. Nếu không, sự sao lãng và mất tập trung khi có quá nhiều lựa chọn và bạn không biết nên cân bằng thế nào.
Trong thời gian đầu học tiếng Đức, mình có thử chuyển qua học tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Mình dễ dàng bị rối loạn ngôn ngữ từ cách nghĩ đến phát âm. Vì thế, để học hiệu quả, chỉ nên học một ngôn ngữ tại một thời điểm, sao cho đúng mục tiêu ban đầu đề ra. Thời gian sau khi đã tạm “hòa nhập” được với ngôn ngữ đó, bạn có thể bắt đầu tìm hiểu thêm ngôn ngữ khác.
Chương trình học tiếng Đức trên Duolingo là dạng song ngữ Anh – Đức, vì vậy, mình cũng nâng khả năng tư duy hai ngoại ngữ cùng lúc nữa. Nếu cần hiểu cặn kẽ, mình mới dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt hoặc lên các trang YouTube dạy tiếng Đức của người Việt để rõ thêm. Thỉnh thoảng mình vẫn nhầm và bị loạn từ như “Ich – I”, “und – and” trong bài làm, nhưng điều này đã giúp mình tăng khả năng nhận biết, suy nghĩ bằng tiếng Anh chứ không phải dịch từng từ bằng tiếng Việt nữa.

Giữ cảm giác với ngôn ngữ

Như có viết ở trên, thời gian đầu mình chỉ học trên website mà không sử dụng app, mục đích duy trì thói quen học trên laptop. Khi mình có sự nghiêm túc hơn trong việc học, hình thành thói quen học tiếng Đức mỗi ngày giúp mình giữ được cảm giác với ngôn ngữ đó. Nhưng mình cũng không thể dán mắt liên tục vào laptop, đó cũng là lúc mình bắt đầu tải app Duolingo về điện thoại của mình.
Bởi vì đã quá quen và lường trước chuyện con chim xanh sẽ đưa thông báo nhắc nhở liên tục trên điện thoại, nếu mình tải ngay từ đầu có thể vòng lặp “học vài hôm – lười – xóa app” có thể diễn ra lần nữa. Chính vì thế, từ thói quen học trên lap trước đó đã hình thành cho mình cảm giác với ngoại ngữ. Sau này khi tải app về điện thoại, mình cũng tự giác vào làm bài mà hiếm khi đợi nhắc nhở. Thỉnh thoảng nó vẫn gửi thông báo đến mình, nhưng thái độ của mình cũng không quá chán nản vì: (1) trước đó mình đã làm bài để giữ streak; (2) thường Duo sẽ nhắc mình đang bị một đối thủ xếp dưới chiếm mất vị trí trên bảng xếp hạng; và (3) một vài các thông báo khác của ứng dụng.
Việc giữ cảm giác với ngôn ngữ cũng không quá khó, những ngày mệt mỏi mình chỉ vào làm bài tầm 5 - 10 phút và làm những bài cũ để không bị quên. Tuy nhiên, một hành động nhỏ như thế cũng đủ giúp mình đánh thêm một dấu tick vào list to do mỗi ngày.

Muộn còn hơn không

Do ở xa nhà, mình hay gọi điện thoại cho mẹ kể đủ thứ, ban đầu mẹ cũng không tin tưởng lắm và không biết lần học tiếng Đức này sẽ lại kết thúc trong bao lâu. Từ những câu hỏi ban đầu của mẹ là: “Ai sẽ dạy mình?”, “Tự học hiệu quả không/hay biết gì không?” và mình từ từ chứng minh cho mẹ thấy được là: có hiệu quả. Dù vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng cơ bản sự tiếp xúc ngoại ngữ của mình là có. Đến ngày thứ 99 trên Duolingo, mẹ có vẻ cũng tin tưởng việc học của mình và mẹ hỏi: “Bây giờ mới chịu học có hối hận không?”. Và mình đã trả lời “Hơi tiếc vì lúc trước đã lười, nhưng muộn còn hơn không làm gì”.
Ba mình lúc trước có đi sang Tiệp Khắc học và lao động, có biết vài câu tiếng Đức cơ bản vẫn hay kiểm tra thử mình có học đúng không. Dĩ nhiên vài câu “Hallo, Guten Morgen” không làm khó mình. Nhưng việc trả lời được như thế, cảm giác như mình đã đạt được một điều gì đó lớn lao lắm. Đó là lúc mình nhận ra, không cần phải đứng trên bục nhận thưởng mới cảm thấy vui mà đôi khi nó chỉ là một đáp án đúng, ghi nhận sự học tập có tiến bộ của mình.

Có ý thức trong việc học

Phần này mở rộng hơn với đoạn Học một cách hiệu quả ở trên. Để học ngoại ngữ trên Duolingo hay bất kỳ website, nền tảng nào khác hay học bất kỳ thứ gì: Mình nghĩ điều quan trọng là mình có ý thức về việc học, từ đó tạo kỷ luật cho bản thân và biến nó trở thành thói quen. Khi đã trở thành thói quen tốt, mọi việc sẽ đỡ nhàm chán hơn rất nhiều, ngược lại luôn có tinh thần phấn chấn.
Qua thời gian học Duolingo, mình cũng kết hợp nhiều ứng dụng khác để nâng cao chất lượng việc học và nó hoàn toàn rất dễ tìm hiểu và sử dụng. Một trong số đó là: Notion, Google Calendar, Anki…, bạn cũng có thể kết hợp phương pháp Pomodoro, Spaced Repetition để tăng hiệu suất học tập & làm việc. Như bao người, mình cũng gặp khó khăn trong việc làm quen những điều mới lạ. Cách mình có thể làm là gì? Lên YouTube và tìm clip hướng dẫn, tham gia các group Facebook liên quan để có thể tìm câu trả lời khi mình không biết sử dụng công cụ nào đó. Và còn rất nhiều phương pháp học tập khác bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm trên mạng, nó hoàn toàn miễn phí, điều quan trọng là bạn muốn hay không.
Mỗi người chúng ta đều có khả năng tự học, con đường học tập có nhiều rào cản nhưng chúng ta luôn có khả năng vượt qua nó. Mình cũng không phải dạng lười hoàn toàn nhưng chắc cũng ở tuýp hay trì hoãn. Vì vậy, nếu thấy những con số thành tích "khủng" đừng quá vội lo lắng. Nếu không thể làm một cái gì đó lớn lao tức thời, thì hãy thử làm từng cái nhỏ: “tích tiểu thành đại”.
Tạm kết
Chặng đường học tiếng Đức của mình và Duolingo dù đã hơn 100 ngày và còn một quãng khá xa phía trước nữa không chỉ trên Duolingo mà còn là các nguồn học tiếng Đức khác, nâng cao và chuyên sâu hơn. Hơn 100 ngày, mình cảm thấy mình đã tiến bộ và có ý thức học tập rõ rệt. Duolingo có nhiều nhược điểm không phủ nhận, còn máy móc trong cách dịch nghĩa câu hay nhiều câu cứ lặp đi lặp lại. Ban đầu, mình khá chán và cảm thấy lúng túng với cách dạy của Duo, mà về sau lại thấy cũng có phần hợp lý. Nếu hỏi Duolingo có giúp mình thành thạo tiếng Đức hơn không? Câu trả lời là KHÔNG, nhưng ở mức cơ bản thì Duo là bước đệm mình giúp mình tiếp cận trình độ sơ cấp/khởi đầu. Và quan trọng đó là điều mình cần: sự cơ bản. Từ đó, làm kim chỉ nam để tìm hiểu chuyên sâu hơn các kỹ năng khác.
Duolingo phù hợp với các bạn khi muốn làm quen một ngoại ngữ mới mà không biết bắt đầu từ đâu. Nếu bạn đã biết khá nhiều về ngoại ngữ đó rồi khả năng nhanh chóng nản, bằng chứng là đến giờ mình vẫn chưa hoàn thành được bao nhiêu bài bên học phần tiếng Anh hết. Lúc đó, các bạn có thể thử tìm các ứng dụng khác, chỉ cần bạn có mục tiêu và ý thức học tập, mình tin bạn sẽ nhận lại những gì xứng đáng với công sức bạn bỏ ra.
Chúc bạn học tập tốt.
P/s: Bài này mình bắt đầu viết hôm đạt mốc 100 ngày, nhưng đi tiêm vaccine về mệt và phải kéo dài ra hơn 100 ngày. Đến hôm nay đã là ngày 107, và đang học đến chủ đề Accusative Prepositions. Con số trên vẫn chưa là gì so với biển người cùng học trên Duolingo những năm qua, và mình cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Gần đây, mình bắt đầu học chậm lại để đào sâu kiến thức hơn, cũng như cân bằng lại các hoạt động khác. Nói về chuyện học tiếng Đức sơ qua như vậy, nhưng điều mình nhận lại từ việc học này là việc tạo lặp – duy trì các thói quen tốt không chỉ trong học tập mà còn có thể áp dụng vào các công việc khác trong đời sống. Tham gia Spiderum đã lâu, thỉnh thoảng đi comment dạo, đây là lần đầu mình đăng tải bài viết nên không tránh những thiếu sót. Nếu các bạn feedback, mình sẽ ghi nhận. Vielen Dank.