Chúng ta đã được dạy rằng, thời gian là một thứ đáng tin cậy bởi nó có những chu kỳ bất biến như mặt trời mọc và lặn mỗi ngày hay bốn mùa thay đổi quanh năm. Tuy nhiên, cách chúng ta nhận thức về thời gian thì không bất biến. Khi chúng ta già đi, quá khứ của ta dày thêm, quãng trải nghiệm của chúng ta mở rộng, thời gian dường như trôi qua nhanh hơn.
Sự thật thì, thời gian không thay đổi, chính trải nghiệm của chúng ta về thời gian mới thay đổi. Triết gia Aristotle đã quan sát thấy rằng, thời gian không tồn tại nếu không có sự thay đổi. “Thời gian” đơn giản chỉ là công cụ để đo sự khác biệt giữa “trước kia” và “sau này”. Do vậy, đôi khi ta thấy thời gian chậm như rùa bò và lúc khác thì nhanh như tên bay. Tốc độ của thời gian tùy thuộc vào sự thay đổi. Và ngay cả thứ nhỏ nhất – nhỏ xíu như một con virus – cũng có thể tạo ra sự thay đổi chưa từng có.
Hồi đầu tháng 3 năm 2020, chúng ta vẫn còn đang sống ở “trước kia”. Tin tức có nhắc đến sự xuất hiện của chủng virus corona mới, nhưng cũng chỉ có thế. Bên ngoài Trung Quốc không có nhiều dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra. Mặc dù có 41 ca tử vong ở miền Bắc nước Ý, nhưng với phần còn lại của châu Âu thì cuộc sống vẫn không có gì thay đổi. Nước Mỹ đưa thông tin về ca tử vong đầu tiên do corona vào ngày 1 tháng 3, nhưng lúc đó người ta quan tâm nhiều hơn tới chuyện Thị trưởng Pete của bang Indiana ngừng tranh cử tổng thống. Lúc đó, không có đóng cửa biên giới, không có khẩu trang và hầu hết mọi người không biết bác sĩ Anthony Fauci là ai.
Đến cuối tháng 3, nước Mỹ bước vào giai đoạn “sau này”. Cả thế giới phong tỏa. Hàng trăm nghìn người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona, trong đó có cả diễn viên Tom Hanks, ca sĩ opera Placido Domingo, Thủ tướng Anh Boris Johnson và hàng chục thủy thủ trên một tàu sân bay của Hoa Kỳ ở giữa Thái Bình Dương.
Một con virus với kích thước chỉ bằng 1/400 sợi tóc đã tóm được một quả cầu nặng 13 tỷ triệu triệu tấn và khiến quả cầu này quay nhanh gấp 10 lần.
Tuy nhiên, ngay cả khi thời gian (hoặc sự thay đổi) tăng tốc, cuộc sống của chúng ta vẫn có vẻ tĩnh tại. Cũng giống cảm nhận của con trai tôi khi lần đầu tiên nhận phải điểm kém, chúng ta mất khả năng hình dung về bất cứ điều gì ngoài thời điểm hiện tại. Không có trước hay sau, chỉ có những cuộc hội thoại qua Zoom, lên mạng đặt đồ ăn giao tận nơi và xem phim trên Netflix. Chúng ta đếm số ca mắc bệnh và số ca tử vong như thể đang xem tỷ số trận đấu và lịch chiếu phim. Bộ phim ăn khách của mùa hè là Palm Springs – câu chuyện về hai người sống trong cùng một ngày lặp đi lặp lại.
Trải qua hơn 50 kỳ xuân - hạ - thu - đông, tôi biết chúng ta đã sai về sự dai dẳng của “khoảnh khắc” này. Chính tôi cũng phải tự cố gắng thuyết phục mình về những gì tôi nói với các con tôi, rằng mọi chuyện rồi sẽ chóng qua. Cuốn sách này là nỗ lực của tôi để nhìn xa hơn cái hiện tại chưa từng có của chúng ta và dự đoán tương lai bằng cách tạo ra nó, đối thoại và phân tích nó nhằm đưa ra các giải pháp tốt hơn.

Khi Trái đất trở lại với tốc độ quay đều đặn của nó, những khác biệt gì sẽ xảy ra trong việc kinh doanh, trong nền giáo dục và trong thế giới của chúng ta? Liệu nó sẽ nhân văn hơn và thịnh vượng hơn? Hay mọi người sẽ thích nó ngừng quay? Chúng ta có thể làm gì để định hình cho giai đoạn “sau này”?
Tôi là một doanh nhân và là giáo sư dạy ở trường kinh tế, vì vậy tôi nhìn mọi thứ qua lăng kính kinh doanh. Và nội dung cốt lõi của cuốn sách này sẽ nói về cách thức cơn đại dịch định hình lại môi trường kinh doanh. Tôi nghiên cứu xem dịch bệnh Covid-19 đã giúp cho các công ty phát triển như thế nào, nhất là các công ty công nghệ lớn. Cũng có thể nói cuốn sách này ít nhiều là bản cập nhật thời đại dịch cho cuốn sách đầu tiên của tôi, The Four, khi điểm lại tình hình của Amazon, Apple, Facebook và Google. Tôi cũng xem xét các cơ hội đột phá bên ngoài các lĩnh vực do Bộ Tứ này thống trị cũng như một số công ty khác đã sẵn sàng để phát triển vượt bậc.
Việc kinh doanh phải được xem xét trong một bối cảnh cụ thể, vì vậy tôi sẽ kết nối câu chuyện kinh doanh với câu chuyện xã hội rộng lớn hơn của chúng ta. Tôi có dành hẳn một chương cho giáo dục đại học, vì tôi tin rằng nền giáo dục đang trong cao trào chuyển đổi mạnh mẽ về bản chất. Tôi viết về cách mà đại dịch này đã khám phá cũng như thúc đẩy các xu hướng trong văn hóa và chính trị, về lý do tại sao tôi tin rằng các thay đổi nhân danh chủ nghĩa tư bản lại phá hoại hệ thống tư bản, và về cách chúng ta có thể đối diện với nó. Đây là một cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới. Dù các ví dụ và phân tích của tôi bắt nguồn từ kinh nghiệm của nước Mỹ, tôi vẫn hy vọng những hiểu biết sâu sắc này sẽ có giá trị đối với độc giả ở nhiều quốc gia khác.
Tôi sẽ bắt đầu với hai luận điểm. Đầu tiên, tác động lâu dài nhất của đại dịch sẽ là động lực tăng tốc của nhân loại. Mặc dù nó sẽ khởi tạo một số thay đổi và làm đổi chiều nhiều xu hướng, nhưng tác động chính của đại dịch là đẩy nhanh các động lực sẵn có trong xã hội. Thứ hai, trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng có cơ hội; khủng hoảng càng mạnh cơ hội càng lớn. Tuy nhiên, niềm lạc quan của tôi về luận điểm thứ hai lại bị kìm hãm bởi luận điểm thứ nhất – nhiều xu hướng do đại dịch gây ra mang tính tiêu cực, làm suy yếu khả năng phục hồi và phát triển của chúng ta trong một thế giới hậu Corona.
….
Từ sách “Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng” của triệu phú, doanh nhân và giáo sư giảng dạy ở Mỹ - Scott Galloway.