Học lái xe ô tô ở Pháp và khám phá bản thân
Bài viết giới thiệu về quy trình học và thi bằng lái ô tô ở Pháp và điều mình khám phá bản thân từ việc học lái xe
Mình vừa đỗ bằng lái xe ô tô ở Pháp sau một khoảng thời gian học và thi, mất tổng tầm 11 tháng và khoảng 4500 euros (khoảng 1 năm tiền tích lũy để dành với mức lương hiện tại của mình). Ngoài thời gian và tiền bạc, đây là cũng là khoảng thời gian rất áp lực của mình về tâm lý. Cũng nhờ nó, mình khám phá và hiểu hơn nhiều điều về bản thân mình. Đây là một sự kiện đáng nhớ với mình về mặt phát triển tâm lý bản thân, nên mình viết bài viết này để ghi lại.
Bài viết này sẽ giới thiệu qua về hệ thống học lái xe ô tô ở Pháp, hành trình học của mình và những điều mình nhận ra về bản thân.
1. Hệ thống học lái xe ô tô ở pháp
Thi bằng lái ô tô ở Pháp là một quá trình khó khăn và tốn nhiều công sức. Việc học và thi chia làm 2 phần chính: lý thuyết và thực hành. Học lý thuyết và thực hành phải làm theo thứ tự, tức là cần thi đỗ lý thuyết rồi mới được phép đăng ký học và thi thực hành.
Bài thi lý thuyết bao gồm 40 câu hỏi (cần đúng ít nhất 35/40 để đỗ), được chia làm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ luật giao thông, tình huống, biển báo đến các bảo trì xe cơ bản (thay dầu, thay nước rửa kính, kiểm tra phanh đĩa v.v..) và sơ cứu trong trường hợp tai nạn. Việc học lý thuyết khá dễ dàng, đa phần các bạn trẻ bây giờ sẽ học online qua app trên điện thoại hoặc website. App/web mất phí để mua (cũng rẻ, tầm 20 euros 1 năm), bao gồm các bài học theo chủ đề và các bộ câu hỏi thi thử. Đề thi thật sẽ khác với thi thử, tuy vậy cũng sẽ giống dạng câu hỏi trong bài thi thử. Ngoài cách học trên app/web ra, thì có thể đến nơi học truyền thống là các trường dạy lái xe. Họ cũng cung cấp app (thường là của bên thứ 3) và có thêm các bài giảng phụ trợ. Họ cũng có combo học lý thuyết và thực hành luôn thì sẽ được miễn phí học lý thuyết. Sau khi cảm thấy tự tin với bài thi thử, học viên có thể tự đăng ký đi thi lý thuyết (hoặc nhờ trường lái đăng ký hộ trong trường hợp học với trường lái). Việc đăng ký này rất dễ dàng, chỉ như mua 1 món hàng trên 1 trang thương mại điện tử. Lịch thi và địa điểm thi cũng rất nhiều (ít nhất ở Paris nơi mình sống). Thí sinh đến điểm thi sẽ làm bài trên 1 chiếc máy tính bảng, kết quả sẽ có trong vòng 1 tiếng sau khi thi xong. Nếu thi trượt, thí sinh có thể đăng ký thi lại ngay lập tức vào hôm sau. Chi phí 1 lần thi là 30 euros. Mình tự học lý thuyết qua app trong thời gian rảnh, chủ yếu là thời gian trên phương tiện công cộng, mất tầm 2 tháng thì tự tin để đi thi. Mình thi lần số 2 mới đỗ (2 ngày liên tiếp, ngày 1 trượt, đăng ký thi lại vào hôm sau, ngày 2 đỗ).
Học và thi thực hành thì gian nan hơn rất nhiều so với lý thuyết. Học thực hành bắt buộc cần 1 giáo viên dạy lái xe kèm 1-1 trên 1 chiếc xe học lái. Chiếc xe học lái này ở bên ghế cạnh ghế lái có 3 bàn đạp ga, phanh và côn (hoặc chỉ ga và phanh trong trường hợp học lái xe số tự động), 1 bộ nút bấm bao gồm xi nhan, bật đèn xa gần, đèn cảnh báo nguy hiểm, và có thể hơn nữa tùy xe học lái. Khi học lái thì học sinh sẽ điều khiển xe trên đường thật, giáo viên chỉ đường và can thiệp khi có nguy hiểm. Nếu học từ số 0 thì những buổi đầu thì học viên sẽ tập điều khiển vô lăng và xi nhan trước, giáo viên sẽ phanh, ga và chuyển số hộ. Dần dần các buổi sau thì học viên sẽ cầm dần kiểm soát các bàn đạp, và cuối cùng là chủ động kiểm soát 100% xe. Giáo viên cũng sẽ dẫn học viên qua các địa hình lái và tình huống lái khác nhau, ví dụ đi đường thành thị, đường nông thôn, đường cao tốc, vòng xuyến, ngã giao nhau v.v.. Các kỹ năng khác như đỗ xe, đi lùi, quay đầu, kiểm soát góc chết, kiểm soát số xe để phanh mô tơ hoặc để tiết kiệm xăng v.v.. cũng được dạy trong quá trình học. Thời gian học lái được tính theo tiếng, 1 buổi thường sẽ là 2 tiếng, và được lưu vào hồ sơ của học viên. Theo luật, để được thi lái xe thì học viên cần học ít nhất 20h cho xe số sàn và ít nhất 13h cho xe số tự động. Tuy nhiên, đa phần học viên cần nhiều thời gian hơn để thi đỗ lái xe. Để đăng ký học và thi lái xe cũng có 2 cách: tự đăng ký thi hoặc qua trường lái. Nếu tự đăng ký lái xe thì thí sinh tự làm hồ sơ và tự tìm lịch. Học viên có thể tìm người dạy lái freelancer, họ thường có xe học lái sẵn và đến đón học viên. Cũng có những nơi cho thuê xe dạy lái nếu học viên có quen người dạy lái nhưng không có xe. Nếu học viên đăng ký học lái xe với 1 trường lái thì trường lái sẽ làm hết các thủ tục đăng ký thi lái xe hộ học viên. Nhìn chung giá học người dạy lái freelancer sẽ rẻ hơn học ở trường lái (ở Paris, giá là 56 eur/h ở trường lái và rẻ hơn ở giáo viên tự do). Tuy vậy, đa phần học viên sẽ đăng ký với trường lái như điểm học chính để thuận tiện cho việc đăng ký thi.
Cần phải chờ rất lâu để có ngày thi lái xe do chính phủ thiếu nhân sự giám khảo chấm điểm thi lái xe so với nhu cầu thi lái xe. Vì bài thi lái xe khó, tỷ lệ đỗ phần thi thực hành trong lần thi đầu tiên chỉ là 50.5% ở Paris (57.5% toàn nước Pháp). Chính phủ muốn tăng tỷ lệ đỗ nên đã áp dụng chính sách phân bổ lịch thi về các trường dạy lái xe. Nếu trường dạy lái xe nào có tỷ lệ học viên đỗ lần 1 cao, thì sẽ được nhiều slot thi lái xe hơn so với trường dạy lái xe có tỷ lệ thấp. Phần các slot còn lại mới được phân cho các thí sinh tự do. Từ đây dẫn đến 2 chuyện: thời gian chờ từ lúc đăng ký đến ngày thi của thí sinh tự do là rất lâu, lên đến 10 tháng ở Paris và ngoại ô (vùng Ile-de-France) và các trường lái xe sẽ toàn quyền quyết định việc có đưa học viên đi thi hay không do tỷ lệ đỗ của học viên ảnh hưởng đến miếng cơm của trường lái. Nếu ứng viên thi trượt lần 1 thì lần 2 sẽ bị chờ lâu hơn nữa, do các slot sẽ ưu tiên đưa cho ứng viên chưa thi lần nào. Do được phân bổ sẵn các slot thi lái xe, trường lái có thể đưa ngày thi cho học viên ngay lập tức. Do đó, đa phần học viên sẽ đăng ký học lái xe ở trường lái để lấy slot thi lái xe của trường lái. Học viên có thể tiết kiệm 1 chút tiền bằng cách đi đêm học ngoài với người dạy lái xe tự do bên ngoài. Mình ban đầu không biết nhiều về những điều này, nên học hoàn toàn theo trường lái xe, sau khi thi trượt lần 1, mình bắt đầu đi đêm với 1 người dạy lái ngoài 1 vài buổi để học thêm kỹ năng và tiết kiệm chi phí học.
Do trường lái có quyền lực trong việc đưa học viên đi thi, và kết quả học viên ảnh hưởng đến kinh doanh của trường lái, họ chỉ đồng ý đưa học viên đi thi khi họ cảm thấy học viên sẵn sàng (thường là đỗ bài thi thử với giáo viên trường lái). Nhiều trường lái dùng lý lẽ này để vắt sữa học viên (không cho thi thử do bảo chưa sẵn sàng), do đó cần tìm trường có review tốt. Đồng thời họ cũng yêu cầu học viên lái rất tốt thì mới cho đi thi, thời gian học thường cao hơn con số 20h ở trên rất nhiều. Học viên thường cần học 40h ở Paris (35h trung bình toàn nước Pháp) để có bằng lái. Nếu học viên thi trượt, trường lái sẽ bắt mua thêm giờ học tiếp (thường là 10h-20h thêm) thì mới đưa học viên đi thi lần 2. Mình học mất khoảng 60h thì đi thi lần 1 (mình trượt), và thêm khoảng 20h nữa để đi thi lần 2 thì mới đỗ. Tổng thời gian học thực hành là khoảng 80h (tính cả giờ học với giáo viên tự do bên ngoài).
Thi thực hành lái xe sẽ tiến hành trên đường thật, ở những khu vực được nhà nước cho phép thi lái xe. Do vậy, sau khi có ngày và điểm hẹn thi lái xe, học viên thường sẽ book lịch học để được trường lái dẫn đi loanh quanh khu thi lái xe để ôn trước địa hình. Vào ngày thi lái xe, học viên sẽ đi đến điểm hẹn cùng giáo viên trường lái bằng xe học lái của trường lái. Nếu là thí sinh tự do thì cần thuê 1 giáo viên dạy lái tự do cùng xe học lái đi cùng. Giám khảo sẽ ngồi ghế phụ, còn giáo viên trường lái sẽ ngồi ghế sau như 1 nhân chứng. Bài thi sẽ diễn ra trong vòng 45 phút – 1h. Giám khảo sẽ chỉ đường cho học viên đi qua các cung đường khác nhau một cách ngẫu nhiên, sẽ bao gồm vòng xuyến, đường thành thị, các ngã giao nhau (kiểm tra kỹ năng nhìn đường ưu tiên), nhập làn và thoát làn cao tốc, và đỗ xe. Ngoài ra có thêm 1 phần thi kiểm tra khả năng lái độc lập của thí sinh. Trong phần này, trong khoảng 10 phút thì giám khảo sẽ không chỉ đường nữa, mà bảo thí sinh đi theo hướng ghi trên biển báo. Ví dụ, giám khảo bảo hãy đi về hướng Paris, thì thí sinh cần tự quan sát các biển chỉ đường xem nên rẽ vào đâu. Các tiêu chí đánh giá khác là đánh giá khả năng kiểm soát xe của học viên, khả năng nhìn đường và tìm kiếm thông tin và khả năng chia sẻ đường đi với các phương tiện khác v.v… Chi tiết có thể xem thêm ở hình 1 ở dưới, đây là bảng điểm kết quả thi lái xe lần 1 của mình. Ví dụ dòng “Adapter son allure aux circonstances” là khả năng điều khiển hộp số tùy tình huống, như là lên cao tốc 130 km/h thì cần lên số 5 (hoặc 6 nếu xe có), qua ngã 4 không ưu tiên thì về số 2 v.v.. Phần nhiều là tùy theo cảm tính của giám khảo mà sẽ chấm điểm từ 0 đến 3. Cần ít nhất 20/31 điểm để đỗ bằng lái. Tuy vậy, nếu giám khảo can thiệp vào xe (dù chỉ 1 lần), ví dụ phanh, chạm vô lăng, xi nhan hộ, v.v.. thì sẽ có 1 phần mặc địch bị E, nghĩa là điểm chết. Chỉ cần 1 kỹ năng bị E, thì thí sinh sẽ bị trượt mặc dù điểm có trên 20 đi nữa. Ở trường hợp lần thi 1 của mình ở đây, mình không nhường đường xe bus khi xe bus chuẩn bị rời bến xe bus. Theo luật thì xe bus khi đã đón, trả khách ở bến xong và bắt đầu rời bến thì được ưu tiên. Giám khảo nhấn phanh xe và mình trượt, với lỗi không biết áp dụng luật. Sau buổi thi, kết quả sẽ có trên mạng trong vòng 2 ngày, nếu đỗ thì giấy xác nhận sẽ có giá trị tương đương bằng lái trong vòng 3 tháng. Khi đã thi đỗ, người có bằng lái hoàn toàn có khả năng lái ô tô một cách độc lập, an toàn trên đường.
2. Hành trình học lái xe của mình
Việc học lái xe thực hành là một quá trình rất áp lực với mình. Sau khi đỗ lý thuyết bằng cách tự học, mình tìm đến 1 trường lái gần nhà, có review ổn để đăng ký học. Do mình ở Paris nên giá khá đắt, 56 eur/h, 1 buổi học 2h nên mình cần trả 112 eur 1 buổi. Paris rất đông học viên, nên thường mình cần book lịch học trước 3-4 tuần, do đó mình cần dự đoán trước xem mình cần bao nhiêu buổi, book cho các tuần tiếp. Do muốn học nhanh và không bị quên bài, thường mình book 2-3 buổi 1 tuần. Mình tiến bộ rất chậm (vì thế nên mới hết 80h học lái để có bằng, so với số trung bình 40h), mỗi lần mình book lịch là 1 lần mình đau ví. Mình chuẩn bị trước tinh thần là sẽ tốn tiền, nhưng khi gần mốc 40h, mình bắt đầu cảm thấy tự ti vì khả năng của mình. Mỗi lần mình book lịch là 1 lần mình đốt tiền, trong khi mãi mình không lái xe tiến bộ. Với lương đi làm và chi tiêu của mình, 1 tháng mình để ra được max 500-600 euros (~4-5 buổi học, tương đương 2 tuần học). Mỗi cuối tháng nhận lương là mình lại đốt hết vào học lái xe. Mình tự ti vì khả năng lái xe, mỗi hôm học lái là 1 hôm ông thầy dạy lái lại chửi, xấu hổ khi học mãi không xong, xấu hổ do thời gian học lái vượt mức trung bình và càng tốn tiền càng không thấy hiệu quả. Mình không biết chuyện này sẽ kéo dài đến bao giờ, không biết bao giờ mình mới “sẵn sàng”, và không biết tiền còn tốn đến thế nào. Trường lái không cho mình 1 con số cụ thể, vì họ bảo tiến bộ là do mình, mình mà học nhanh thì sẽ nhanh. Vào trước buổi học, mình thường đều rất căng thẳng, do cảm giác phải chứng minh bản thân mình “sẵn sàng” trong buổi học đó. Thường mình căng thẳng đến mức không làm được việc gì, lo lắng là hôm nay lại mắc lỗi, lại bị chỉ trích, nói kháy và lại cần book thêm lịch học. Còn 1 vấn đề nữa về trường lái mà mình ngu ngơ không biết trước, đó là mặc dù trường lái ở Paris, nhưng do Paris quá đông đúc, không có điểm thi lái xe trong Paris. Do đó mỗi buổi học lái, mình sẽ phải lái xe ra ngoại ô, tập lái ở ngoại ô và lái xe về. Mình trả tiền học lái 2 tiếng 1 buổi, thì thực tế lái chỉ khoảng 1h30p, còn lại là thời gian bắt đầu muộn, thời gian về bị sớm và thời gian tắc đường trên đường vành đai quanh Paris.
Những giáo viên dạy lái xe ở trường lái này đều là người tốt và có chuyên môn, tuy vậy, mình cảm giác họ thiếu khả năng giao tiếp và gây cho mình nhiều áp lực khi lái xe. Cũng tùy người dạy, như mình khá hợp với 1 anh dạy lái xe người Maroc, trong khi lại không hợp lắm với 1 ông thầy người Pháp. Trường lái này có 4 giáo viên, và khi book lịch (online) mình có thể book với người mình muốn, nên nhìn chung sau khi quen 1 chút rồi thì cũng không sao. Họ chỉ ra vấn đề của mình khi lái xe là quan sát và dự đoán trước. Mình kiểm soát xe, đỗ xe, kiểm soát gương, góc chết đều ổn, nhưng mình không nhìn xa khi lái ô tô. Mình cũng xem các clip học lái trên youtube và nhận ra điểm yếu của mình. Do mình nhìn không đủ xa, nên mình không nhìn thấy trước những sự vật, sự việc trên đường. Khi sự vật, sự việc đó đến gần thì mình mới nhìn thấy, và thời gian phản xạ của mình sẽ ít hơn. Khi không nhìn xa về hướng chân trời, mình sẽ có xu hướng bị phanh gấp (ví dụ trên cao tốc, các xe ở rất xa phanh rồi, thì đáng lẽ mình nên phanh trước, nhưng do mình chỉ nhìn vào đít xe ở trước mặt mình nên khi xe đó phanh mình mới phanh). Khi lái xe, thay vì nhìn đít xe đằng trước, thì nên nhìn xa về cuối đường, nếu bị chắn thì nhìn xuyên kính của xe ô tô trước mặt để nhìn xa về con đường ở trước để dự đoán tình huống. Khi nhìn xa thì mọi sự vật, sự việc sẽ ở trong tầm nhìn trung tâm của mắt, và mình có thể bắt được mọi thông tin rõ ràng. Đồng thời cũng cần quét mắt liên tục để kiểm tra chi tiết của tầm nhìn ngoại vi. Việc nhìn, quan sát và bắt thông tin một cách hiệu quả khiến não tự động điều khiển xe ô tô theo tình huống. Mình học rất nhiều từ kênh youtube này, và clip này giải thích tầm nhìn khi lái xe một cách rất dễ hiểu:
Mặc dù học bị chậm và rất muốn có bằng sớm, mình vẫn luôn tâm niệm rằng lái xe là để an toàn, mình lái bị lỗi thì phải thoàn thiện bản thân. Vì thế nên mình không vội muốn lên xe lái luôn, mà chủ yếu trách bản thân học chậm. Mình nhận ra vấn đề về tầm nhìn sau khoảng 30h học lái. Mình biết là mình bị vấn đề về tầm nhìn, mình biết cần nhìn xa, cần quét rộng, tránh để mắt chết quá 2 giây v.v.., nhưng mình mãi không làm được. Mình biết vấn đề, nhưng mình không thể giải quyết được. Mình không biết tại sao mình không thể áp dụng lý thuyết vào thực hành.
3. Khám phá bản thân
Đôi điều về bản thân để các bạn có một cái nhìn tổng quát hơn về mình. Mình tự đánh giá bản thân là người cũng nhanh nhạy, có tư duy logic và làm tốt những công việc kỹ thuật. Lúc học lái xe là mình đang năm cuối tiến sĩ, mình làm mảng khoa học kỹ thuật nên cũng sử dụng nhiều các thiết bị máy móc khác nhau, mình nhận thấy mình học cũng nhanh, kể cả những kỹ thuật phức tạp, nên mình nghĩ lái xe mình cũng sẽ vậy. Đúng là các phần máy móc, điều khiển xe kiểu phanh, ga, côn thì mình thấy không có gì khó khăn, nhưng mình toàn sai lỗi đi đường. Đây cũng là lý do mình thấy hơi sốc khi mình học lái mãi vẫn bị phạm nhiều lỗi.
Khi nhận ra vấn đề về quan sát khi lái xe, mình có hỏi mấy người ở trường lái là làm thế nào để mình luyện tập “nhìn” ngoài buổi học lái, thì có 1 ông thầy bảo mình :”thì mày đi bộ, xe đạp trên đường mày nhìn như khi mày đang lái ô tô vậy”. Mình mới nhận ra là trước giờ, mình không bao giờ nhìn thẳng. Mình khi đi bộ có xu hướng nhìn xuống dưới chân người đối diện, ít khi nhìn thẳng vào mắt người đi đường. Thường khi nhìn đường, đường chân trời sẽ ở giữa tầm nhìn, thì đường chân trời của mình lại cao lên khoảng 3/4 tầm nhìn (do mình nhìn xuống).
Ngoài việc là một người hướng nội, mình nhận ra mình là một người tự ti, và sự tự ti này ảnh hưởng đến cách mình nhìn, dáng đứng và cách mình lái ô tô. Có lẽ mình luôn tự ti về bản thân mình từ trước đến giờ. Nếu ai quen mình sẽ nghĩ mình đang nói dối, vì mình luôn tỏ ra là mình tự tin và mãnh mẽ. Tuy vậy có lẽ đấy chỉ là lớp vỏ bọc hình thành do sự trưởng thành. Sâu thẳm bên trong, do bản tính tiêu cực, mình luôn tìm một lý do để cảm thấy tự ti. Mình cố tỏ ra tự tin để che dấu sự yếu đuối, tự ti bên trong. Mình lúc nào cũng nhìn thấy điểm yếu, điểm không tốt của bản thân và cảm thấy xấu hổ về chuyện đó. Càng học lái nhiều, mình càng tự ti do cảm thấy bản thân kém cỏi, mình lái càng tệ. Sau lần thi số 1 bị trượt, mình càng cảm thấy tệ hơn, nhưng cũng là 1 cú hích, rằng mình phải tìm cách giải quyết. Mình càng tự ti, càng áp lực thì sẽ không bao giờ thi được bằng lái. Sau lần thi trượt số 1, mình cần chờ 3 tháng mới có lịch thi, do trường lái không ưu tiên mình nữa. Mình quyết định, trước mỗi buổi học lái, mình đều nghe 1 bài hát nào đấy kiểu truyền động lực, xong cố gắng ưỡn ngực, tỏ vẻ mạnh mẽ, với hy vọng fake it until you make it. Mặc dù chuyện này vẫn đang không rõ là có tác dụng thực hay không, mình thấy nó giúp đỡ mình. Mình vẫn chấp nhận bản thân là mình tự ti, nhưng mình cố gắng nhận ra các triệu chứng và giải quyết các triệu chứng đó. Để lái xe thì cần thoải mái và tự tin, càng tự ti, hồi hộp thì càng không thành công. Sau nhiều buổi học, mình được đi thi lần 2 và đỗ.
Sau cùng, mình muốn nói đến những ai đang học lái ô tô, mất niềm tin vào bản thân thì hãy cố gắng kiên trì. Càng stress áp lực lại càng không thành công, hãy tìm cách để làm bản thân thoải mái nhất trên xe ô tô. Mặc dù thực ra stress giúp các bạn phản xạ tốt hơn, stress nhiều quá sẽ gây hoảng loạn. Hãy hít thở, cố kiểm soát stress của bản thân ở mức an toàn. Hơn nữa, mỗi người có những điểm mạnh, điểm yếu riêng, nếu học lái lâu thì cũng không có gì là xấu hổ cả, chỉ là bạn không có điểm mạnh trong lái xe. Con người không tiến hóa để xử lý thông tin và nhìn tốt khi chạy 80 km/h, vì thế não cũng cần thời gian luyện tập để quen với lái xe. Có người nhanh, có người chậm, nhưng quan trọng là có bằng lái và lái xe an toàn. Lái xe cũng chỉ là 1 kỹ năng, như nấu ăn, chơi đàn, v.v.. bạn cố gắng luyện tập nhiều thì sẽ có thể làm tốt được.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất