Nho giáo là một hệ tư tưởng chính trị xã hội có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam và các quốc gia Đông Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay trên internet, không thiếu những bài “giảng đạo lý”, hay phê phán xã hội xưa, phê phán sự bảo thủ, lạc hậu, hay kể cả những bài ủng hộ các phong trào tiến bộ xã hội như nữ quyền, các phong trào bình đẳng giới, không ít bài mang Nho giáo ra để phê phán, bàn luận. Điều buồn ở đây là đa phần mọi người vẫn chỉ nói chuyện trên bề mặt, chẳng được mấy ai đào sâu tìm hiểu, nên hiểu lầm cũng là điều khó tránh khỏi. Mình học vấn nông cạn, cũng chỉ bập bẹ được vài chữ chi hồ giả dã, nhưng cũng xin đánh liều được góp vài lời, biết đâu lại may mắn mở mang thêm được điều gì cho mình và cho người khác chăng?
Toàn chữ thì chán quá, nên mình đăng tranh cho đỡ chán thôi chứ không liên quan đâu. CỪU ANH. Hán cung xuân hiểu đồ (trích đoạn). Màu trên lụa. 30.6 cm - 574 cm. Bảo tàng cố cung Đài Bắc, Đài Loan.
Toàn chữ thì chán quá, nên mình đăng tranh cho đỡ chán thôi chứ không liên quan đâu. CỪU ANH. Hán cung xuân hiểu đồ (trích đoạn). Màu trên lụa. 30.6 cm - 574 cm. Bảo tàng cố cung Đài Bắc, Đài Loan.
1, Nho giáo trọng nam kinh nữ
Điều này khó mà có thể phủ nhận được. Nhưng trước hết cần phải đặt câu hỏi, vấn đề trọng nam khinh nữ là cái riêng của Nho giáo hay là cái chung của các xã hội tiền công nghiệp? Nó tồn tại phổ biến hay chỉ là cá biệt? Nếu đấy là vấn đề chung, phổ biến, thì Nho giáo cũng chỉ đang nằm trong dòng chảy của thời đại mà thôi.
Thêm vào đó, Nho giáo cũng hướng đến việc làm thế nào để trở thành một con người tốt, rộng hơn là để có một xã hội tốt. Một xã hội tốt là một xã hội có nề nếp. Vấn đề nam nữ của Nho, cũng nằm trong cái ý đồ là muốn giữ trật tự xã hội. Mà đâu chỉ riêng giới nữ bị thúc ép, ràng buộc? Trong xã hội Nho giáo đâu có ai là tự do, đến cả người đứng đầu là Thiên tử cũng không tránh khỏi sự ràng buộc và ước thúc.
TẠ HOÀN. Hạnh viên nhã tập đồ (trích đoạn). Mực và màu trên lụa. 37.1 cm - 243.2 cm. Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, Hoa Kỳ.
TẠ HOÀN. Hạnh viên nhã tập đồ (trích đoạn). Mực và màu trên lụa. 37.1 cm - 243.2 cm. Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, Hoa Kỳ.
2, Khổng Tử sáng tạo ra lễ
Về mặt lý thuyết mà nói, Khổng Tử không tạo ra lễ. Hay nói chính xác hơn, Khổng Tử không đủ tư cách tạo ra lễ. Trước tiên, lễ ở đây không đơn thuần là các vấn đề đạo đức như chúng ta thường nghĩ. Lễ phức tạp hơn thế rất nhiều, bao gồm cả thiết chế chính trị, tổ chức xã hội,… Và muốn là người sáng tạo ra lễ, phải đáp ứng được 3 điều kiện: 1, Có đức của bậc thánh nhân; 2, Có vị thế là thiên tử; 3, Phải có thời điểm thích hợp. Thiên tử muốn tác lễ, cơ mà không có đức của bậc thánh nhân, thì bị chỉ trích ngu mà cũng muốn làm. Bậc thánh nhân có đức độ, không phải là thiên tử thì cũng không tác lễ được, nếu không sẽ là hèn mà muốn tiếm vượt. Cuối cùng, muốn tác lễ, thì cũng phải chọn thời điểm thích hợp, không phải cứ muốn lúc nào là làm lúc đó, nếu không thì người ta cũng không làm theo được. Vừa chẳng có ích gì, có khi lại quay lại hại chính mình.
Người duy nhất đáp ứng được ba điều kiện trên là Chu Công. Ông có đức của bậc thánh nhân, tuy không là thiên tử, nhưng ông đứng sau phò tá thiên tử, thông qua thiên tử để tác lễ, cũng có thể chấp nhận. Tiếp theo, lúc lễ được tác là lúc thiên hạ đã thái bình, ổn định, không còn phải lo chiến tranh, đói kém, nhìn chung là có thể tiến hành được.
Thế Khổng Tử làm gì? Khổng Tử khảo cứu, tổng hợp, phục hồi và truyền bá lại lễ nhà Chu. Đúng với tinh thần: “thuật nhi bất tác”, chỉ thuật lại chứ không sáng tác.
Về lý thuyết và trên danh nghĩa là vậy, trên thực tế, Khổng Tử có “tác” gì không thì là một câu hỏi rất khó, mình chưa đủ khả năng để trả lời.
TRƯƠNG LỘ. Thần tiên đồ sách (trích đoạn). Mực và màu trên giấy. Bảo tàng thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
TRƯƠNG LỘ. Thần tiên đồ sách (trích đoạn). Mực và màu trên giấy. Bảo tàng thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
3, Cái học của Nho giáo là cái học cố định, kẻ sau chỉ biết cắm cúi nghe lời người trước
Mới nhìn thì có vẻ là vậy, nhưng nếu trông kỹ thêm một chút, thì lại không phải là vậy. Trên thực tế, Nho giáo biến động rất nhiều. Kẻ sau phê phán người trước cũng không phải là không có. Trong nội bộ Nho giáo, cũng không thiếu sự đối đầu, tranh đấu.
Sự biến động của Nho giáo từ Tiên Tần, đến Hán Nho rồi đến Tống Nho nhiều người nói rồi, mình xin phép không bàn lại. Để tránh nhàm chán, mình cũng chỉ xin nói đến vài điểm lý thú.
Đầu tiên, về việc kẻ sau phê phán người trước. Có thể kể đến Vương Sung đời Hán. Vị này nhà vốn không giàu, nhưng lòng luôn hướng về Chu Công. Về mặt uy tín thì khỏi bàn, rất giỏi về cổ văn, kinh học. Ông đã có những phê phán với Nho Giáo, viết Vấn KhổngThích Mạnh để đặt câu hỏi và phê phán hai trụ cột của Nho giáo là Khổng Tử và Mạnh Tử.
Trong Vấn Khổng, ông phê phán lời trong Luận Ngũ tự mâu thuẫn với nhau, tiền hậu bất nhất, lời nói và hành vi không tương hợp, nhiều đoạn phi logic. Theo Vương Sung, dũng cảm đặt lại vấn đề với Thánh nhân và tự tin vào lý luận của mình thì dù ở bất cứ thòi đại nào cũng là những điều đáng quý.
Đến Thích Mạnh, sự phê phán còn rõ hơn, Vương Sung bảo Mạnh Tử võ đoán, khinh suất, nói năng không có căn cứ, lại còn tự mình mâu thuẫn với chính mình.
Tương tự như vậy, Diệp Thích (1150-1223), vốn là tiến sỹ của nhà Tống, làm quan cho triều đình. Tức ông là một nhà Nho có tài năng được triều đình công nhận đàng hoàng. Sau khi rời khỏi quan trường, Diệp Thích đã sáng lập ra học phái Vĩnh Gia, coi trọng thực học, coi trọng thực dụng. Đi ngược với chủ nghĩa đạo đức của Mạnh Tử. Diệp Thích còn đề ra tư tưởng Phi Mạnh, thể hiện trong tác phẩm Tập học ký ngôn tự mục. Trong đó không ngần ngại bình luận về Mạnh Tử cũng như chỉ trích đến cả Luận ngữ, cho rằng Mạnh Tử tư biện, diễn giải sai Khổng Tử, phi thực tế…
TÔN LONG. Hoa điểu thảo trùng sách (trích đoạn). 91,6 cm - 23,5 cm. Bảo tàng tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.
TÔN LONG. Hoa điểu thảo trùng sách (trích đoạn). 91,6 cm - 23,5 cm. Bảo tàng tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.
Thứ hai, sự đấu tranh nội bộ trong Nho giáo. Trước hết xin kể đến cuộc tranh luận giữa Tuân Tử và Mạnh Tử (thật ra Tuân Tử là người đời sau, nên Mạnh Tử… không có cơ hội mà trả lời). Khổng Tử đề ra hai hạt nhân cho Nho giáo là Nhân và Lễ. Nhân là nội dung, Lễ là hình thức, con người hoàn mỹ là con người thống nhất được Nhân và Lễ.
Mạnh Tử tập trung vào Nhân, nhưng Tuân Tử không đồng ý như vậy. Tuân Tử còn kịch liệt phê phán Mạnh Tử: “theo tiên vương một cách sơ sài, không biến đến dòng thống”.
Theo tiên vương một cách sơ sài, tức là không hiểu cái cương lĩnh chủ yếu của Nho học. Tuân Tử còn cho rằng ngũ luân (chính là: “vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn; quen không các bạn) là do học phái của Mạnh Tử bịa ra, sai lầm trá ngụy. Còn những lời kiểu “tri ngôn dưỡng khí luận, lạc thiên đồng thiên chi cảnh” là bí hiểm (may quá, hóa ra mình không hiểu không phải là do mình). Không dừng lại ở vậy, Tuân Tử còn đả kích rằng học phái của Mạnh Tử tránh né cuộc sống hiện thực con người, là thành kiến chủ quan. Mình chưa rõ bên học phái Mạnh Tử đả kích lại thế nào.
Sau có thêm cuộc tranh luận kinh điển giữa Lý học và Tâm học. Lý học là sản phẩm của các bậc đại Nho thời Tống, bổ sung thêm cho Nho giáo những tư tưởng về thế giới quan trên cơ sở tham khảo các tư tưởng, tôn giáo khác như Đạo giáo và Phật giáo. (trước thì Nho giáo mới chỉ tập trung bàn luận về nhân sinh quan, nay bổ sung thêm). Lý học cho rằng có một khí chung tràn ngập vũ trụ, có cái lý xuyên suốt mọi vật, ta thông qua cách vật, trí tri mà tìm hiểu về cái lý đó. Nhưng Vương Dương Minh không hoàn toàn đồng ý. Cái quá trình mà Lý học đề ra theo ông là có vấn đề, nó khó quá. Vương Dương Minh đồng nhất cái lý với cái tâm, nên tìm ra cái lý trong chính cơ thể mình, vậy sẽ dễ dàng và chính xác hơn chăng? Hai trường phái Lý học và Tâm học đối đầu nhau rất căng thẳng, thậm chí còn bài xích nhau, lôi nhau lên vũ đài chính trị. Sự đối đầu không chỉ dừng lại trong phạm vi Trung Quốc mà lan sang cả các nước láng giềng như Triều Tiên (phe Lý học) và Nhật Bản (phe Tâm học).
LƯU NGẠN XUNG. Thính nguyễn đồ. Mực và màu trên giấy. 20.7 cm - 78.1 cm.  Bảo tàng cố cung Bắc Kinh.
LƯU NGẠN XUNG. Thính nguyễn đồ. Mực và màu trên giấy. 20.7 cm - 78.1 cm. Bảo tàng cố cung Bắc Kinh.

4, Nho giáo không có sự sáng tạo
Nói Nho giáo không có sự sáng tạo là hoàn toàn không chính xác. Như trên, có thể thấy trong nội bộ Nho giáo đã có những sự chất vấn, sáng tạo và phát triển như thế nào. Chưa kể, thời thế thay đổi, không sáng tạo, không làm mới thì Nho giáo cũng sẽ bị đào thải. Nhưng bảo Nho giáo cổ vũ cho sự sáng tạo cũng là sai. Cách nói có thể tạm chấp nhận được là, sáng tạo hay không sáng tạo không quan trọng lắm, vấn đề là sáng tạo để làm gì? Có giải quyết được nan đề nào không, có phá được sự bế tắc không? Khi tới lúc và đủ độ, sự sáng tạo sẽ tự đến.
Lối học và lối thi Nho giáo thường hay bị bảo là phải diễn giải đúng theo ý của các bậc đại Nho chứ không phải ý của mình, kìm hãm sự sáng tạo. Cũng phải đặt ngược lại vấn đề là, ở đẳng cấp của những sĩ tử đi thi, thì có đủ sức mà diễn giải theo ý mình không? Hay chỉ đơn giản là đang hiểu sai kinh điển rồi tư biện mà thôi.
Muốn phê phán Nho giáo, phê phán sự giải thích của các bậc đại Nho, thì việc đầu tiên là phải có cơ sở, nền tảng vững chắc về Nho giáo, phải biết và hiểu được các bậc đại Nho đã nói gì. Nho giáo là một hệ thống tư tưởng triết học phức tạp, là công sức của nhiều người, được tu bổ qua hàng thế kỷ, liệu vài chục năm đèn sách là đã đủ để hiểu chăng? Thời gian mà các bậc đại Nho nghiền ngẫm có khi còn nhiều hơn tuổi của kẻ đi thi, chưa kể về kinh nghiệm xã hội thực tế, thì chắc chắn là các bậc đại Nho vượt trội.
TRẦN THUẦN. Viên lâm hoa hủy đồ (trích đoạn). Mực và màu trên giấy. 33,3 cm – 57,8 cm. Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, Hoa Kỳ.
TRẦN THUẦN. Viên lâm hoa hủy đồ (trích đoạn). Mực và màu trên giấy. 33,3 cm – 57,8 cm. Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, Hoa Kỳ.
Có lẽ ta nên chậm lại, bình tĩnh lại một chút, để cái sự sáng tạo là cái ở sau, sau khi đã có một nền tảng tương đối và hiểu biết, trải nghiệm nhất định. Diệp Thích muốn Phi Mạnh thì cũng phải đỗ được tiến sỹ, cũng phải làm quan trong triều được một thời gian đã. Vương Dương Minh cũng phải đọc hết Chu Hy, đỗ được tiến sĩ, thì cái Tâm học của ông mới đủ điều kiện mà đối trọng được với Lý học.
Không có nền tảng đủ vững chắc mà đã vội sáng tạo, thường sẽ lâm vào hai trường hợp, 1, là nói lại những lời của người xưa (thế thì đọc sách của người xưa cho rồi, đâu có gì mới, lại còn đầy đủ, chắc chắn hơn), thế vẫn còn đỡ; 2, tệ hơn nhiều, là hiểu sai ý của tiền nhân, không những làm hại mình, mà còn khiến cả một hệ tư tưởng phải mang tiếng. Đáng tiếc, ta hay rơi vào trường hợp 2.
Việc chính trị hóa Nho giáo, biến Nho giáo trở thành công cụ của kẻ trên để đè nén kẻ dưới cũng khiến Nho giáo có thêm nhiều điều tệ hại, và cũng có thêm nhiều hiểu lầm. Nhưng bài đủ dài rồi, mình xin phép không nói nhiều đến việc này ở đây.