Học kì trao đổi ở Đức của mình (phần 1)
Mình học ở Đại học Việt Đức và trường mình sẽ tạo điều kiện để các bạn có một học kì trao đổi ở Đức. Ở trường mình thì tùy vào mỗi...
Mình học ở Đại học Việt Đức và trường mình sẽ tạo điều kiện để các bạn có một học kì trao đổi ở Đức. Ở trường mình thì tùy vào mỗi ngành khác nhau sẽ có quy định khác nhau: có ngành sẽ đi trao đổi vào năm 2 hoặc cũng có ngành là năm 3, ngoài ra thì cũng có các học bổng hỗ trợ chi phí cho sinh viên hoặc là các chương trình học tự túc. Trong bài viết này mình sẽ nói cụ thể về học kì trao đổi của mình, một sinh viên ngành Computer Science Engineering (Khoa học máy tính) và được nhận học bổng DAAD hỗ trợ tài chính nha.
Điều kiện để đi Đức
Đầu tiên mình sẽ nói sơ qua về chương trình học cũng như học bổng ở trường mình. Trường mình mỗi ngành sẽ liên kết với một trường ở Đức, cụ thể với ngành của mình có liên kết với ngành Computer Science Engineering của trường Frankfurt University of Applied Science. Ở trường Frankfurt chỉ có một học kì là dạy bằng tiếng anh còn lại thì trường vẫn dạy bằng tiếng Đức. Học kì đó là học kì đầu của năm 3 nên trường Việt Đức sẽ tổ chức một học kì trao đổi để tụi mình qua học tập và trải nghiệm cuộc sống ở Đức. Những năm trước năm của mình các anh chị chỉ có thể đi Đức nếu lọt top của lớp và đậu học bổng DAAD. Năm của mình thì có thêm chương trình freemover song song nên mọi người cũng có thêm cơ hội được trải nghiệm học kì trao đổi. Mỗi năm sẽ mỗi khác nên trường sẽ thông báo cụ thể vào đợt mở học bổng cho sinh viên.
Học bổng tài trợ cho tụi mình có tên là “DAAD scholarships for Study-Stay in Germany”, học bổng sẽ hỗ trợ 861 Euro/ tháng trong vòng 5 tháng của học kì trao đổi, ngoài ra có thêm 800 Euro cho tiền khóa học tiếng Đức và 1325 Euro cho vé máy bay khứ hồi. Học bổng này theo tụi mình là khá hời nha, thế nên mọi người ai cũng rất muốn có một suất học bổng này hết, tuy vậy thì điều kiện để đạt học bổng thì lại vô cùng khó luôn. Học bổng có hai vòng: vòng đơn và vòng phỏng vấn. Vòng đơn yêu cầu nộp CV, Motivation Letter, Bảng điểm và bằng IELTS. Để vào được vòng đơn thì điểm GPA phải nằm trong top đầu lớp và phải đậu được những môn quan trọng nhất. Vòng đơn chỉ chọn ra tầm 30 người trong tổng số 80 sinh viên của ngành mình thôi. Những năm sau số lượng sinh viên đông hơn cạnh tranh còn khốc liệt hơn nữa cơ. Tiêu chí xét của vòng phỏng vấn thì nằm ở các hoạt động ngoại khóa, động lực của các bạn và có vòng hỏi đáp bằng tiếng Đức nữa. Phỏng vấn bằng tiếng Đức thì cũng dễ thôi à, giả dụ như người ta sẽ hỏi bạn mấy câu như:
- Wie viel Geschwister haben Sie?
- Was sind deine Hobbys? (Nếu mà bạn nói Bücher lesen hay Musik hören thì người ta sẽ hỏi tiếp sách tên gì hay nghe nhạc gì 😳)
- Was machen deine Eltern als Beruf? (Hỏi cụ thể lắm, kiểu mình nói ba mẹ mình làm Lehrer còn không chịu, còn hỏi tiếp Lehrer ngành nào, sau ba mẹ mình làm ngành Môi trường cái mình nói đại Umweltschutz 😛 🤡 Nên là mọi người nhớ học từ vựng cho cái này trước)
Ngoài ra thì sẽ hỏi vào các hoạt động ngoại khóa nè, bạn biết gì về trường bên Đức không. Nói chung để có kết quả phỏng vấn tốt tụi mình phải tìm hiểu về trường Frankfurt, học bổng DAAD và phải đọc kĩ lại CV cũng như Motivation Letter. Trộm vía là do chuẩn bị kĩ nên mình cũng qua được hai vòng suôn sẻ rồi.
Sau khi bạn đậu rồi thì trường sẽ hỗ trợ các bạn trong quá trình xin visa nè, cũng như tìm nhà ở. Năm của mình bị xui cái là trúng ngay đợt đổi passport á. Lúc mà chuẩn bị làm visa có chị bên phòng scholarship nói là: “Năm nào trường mình cũng đi êm xuôi hết nên mấy đứa đừng lo. Tụi bây phải sao sao lắm mới không đi được.” Vậy mà đúng chóc năm mình thì vụ passport lại làm đảo lộn hết mọi thứ. Lúc đậu học bổng rồi mọi người mới lo đi làm passport thì hay tin sắp có mẫu passport mới nên tụi mình không được làm nữa. Xong sau đó thì trường cũng xin giấy tờ cho tụi mình đi làm passport mới. Tưởng êm xuôi rồi, ai dè sau đó đại sứ quán không chấp nhận visa. Mà hên là giờ cũng qua rồi, mọi người chỉ cần bổ sung bị chú và giấy khai sinh cung cấp nơi sinh là OK. Bài học xương máu đó, nên mọi người kiểm coi passport còn hạn không rồi nhớ đi làm lại nha, chứ đợi gần cuối chạy đi làm mấy giấy tờ đó là quằn lắm. Nhưng mà cũng có visa đồ rồi, giờ thì mua vé máy bay soạn đồ rồi đi thôi.
Soạn đồ
Trước khi lên máy bay và bay đến Đức, mình sẽ nói sơ qua vấn đề soạn đồ mang theo nhe:
Việc lựa chọn mang gì theo và bỏ gì ở nhà hoàn toàn tuỳ thuộc vào mỗi người, tuy nhiên thì mình nên kiểm tra kỹ xem những thứ gì được mang và không được mang nhé mọi người. Ở đây thì mình có một cái ứng dụng để có thể xem được về vấn đề này, nhưng bằng tiếng Đức, tên là Zoll und Reisen. Thông thường thì toàn bộ đồ ăn gói đều sẽ được thông qua, nên không cần quá lo lắng. Mình còn mang được hẳn bánh pía qua, nên chỉ cần đồ ăn mang theo có bao bì đóng gói đầy đủ thì không có gì cần phải lo lắng hết, cà phê, trà, bột trà sữa, tất tần tật đều được nhé. Nhưng mà đừng mang sản phẩm từ thịt và sữa, trái cây, rau củ tươi sống đều không nhe mọi người. Mình thì mang gần một vali đồ ăn, mang quần áo vừa đủ, tại qua đây thèm hương vị Việt Nam lắm mọi người ơiiiiiiiii. Tuy rằng ở Đức bạn không khó để tìm thấy đồ ăn Việt Nam hay đồ ăn Châu Á ,nhưng thường thì chưa chắc đã ngon, mà ngon thì cũng khá là chát. Ngoài ra sau khi ăn hết chỗ đồ ăn bạn mang theo thì mình sẽ có kha khá chỗ để mang đồ về nhé.😘 Quần áo bên đây thì nhiều và hợp thời tiết hơn, cả mỹ phẩm và các loại xà bông cũng vậy, từ giá cả bình dân đến hàng của các thương hiệu lớn đều có, nên mọi người có thể cân nhắc việc mang bao nhiêu đồ để phù hợp nhe. (Tuy nhiên đối với các bạn đã xài lâu năm các hãng mỹ phẩm Châu Á thì các bạn có thể lên mạng tham khảo xem Douglas hay Müller có bán các sản phẩm đó không, vì mình thấy bên đây hình như không có bán mỹ phẩm Châu Á.)
Theo kinh nghiệm của mình thì mọi người nên chuẩn bị cho bản thân những chiếc vali tốt để mang đồ theo, vì mình thấy khi bay quốc tế, hành lý bị quăng quật rất nhiều, và dễ bị hỏng hốc. Nhẹ thì hư bánh xe, nặng thì có khi còn lòi cả ruột, nhiều người bay một chuyến qua tới sân bay bên này còn không nhận ra được vali mình là cái nào. Nếu được thì hãy nhớ đánh dấu vali của mình để có thể tìm thấy nó nhanh hơn và đỡ việc thất lạc hành lý, vì số hành khách bay các chuyến bay này thường rất đông. Ngoài ra, nếu được hãy chuẩn bị những chiếc vali có 4 bánh xe thay vì chỉ có 2 bánh, nó sẽ giúp cho bạn đỡ vất vả hơn rất nhiều trong công cuộc vác đồ từ sân bay về nơi bạn sẽ ở để nhận phòng.
Về giấy tờ thì mình mang theo căn cước công dân, passport, các loại giấy tờ mình đã dùng để xin học bổng và vài tấm hình in theo kích thước dùng cho passport. Nên mang theo một vài cây bút bi để có những giấy tờ gì cần ghi và ký tên thì có, mà không có cũng được. 🌝
Mình dùng Ipad và Apple Pencil để học nên khi qua đây mình không mang theo bất kỳ cuốn tập nào qua đây. Nhưng mà nếu bạn là người chơi hệ viết giấy, thì hãy đến với Tedi hoặc Hema, bạn có thể tìm mua được các loại bút viết và tập vở khá rẻ. Tuy là vẫn mắc hơn ở Việt Nam, nhưng bạn có thể tiết kiệm được số cân hành lý đó cho một thứ gì đó khác.
Chuyện quan trọng phải nhắc lại ba lần: Hãy kiểm tra máy tính và máy tính cầm tay, hãy kiểm tra máy tính và máy tính cầm tay, hãy kiểm tra máy tính và máy tính cầm tay. Nhớ kiểm tra xem máy tính của bạn có gặp bất kỳ vấn đề nào hay không trước khi đem nó đi bay cùng bạn, vì nếu nó hư ở bên này thì phần lớn khả năng là bạn sẽ quay vào ô phải đi mua một chiếc máy tính khác. Còn máy tính cầm tay thì hãy nhớ mang theo và nên kiểm tra xem nó còn đủ pin hay không, bởi ở đây bạn sẽ không thể tìm ra chiếc máy mạnh như vậy ở đây đâu.
Mua vé máy bay thì bạn có thể cân nhắc mua vé máy bay đi thẳng hoặc transit. Nếu như bạn và gia đình không có quá nhiều kinh nghiệm về việc đặt vé bay quốc tế, bạn có thể mua vé thông qua các đại lý uy tín để cảm thấy an tâm hơn và thủ tục trơn tru hơn nhé. Bạn có thể cân nhắc mua vé máy bay từ sớm, vì giá vé sẽ mềm hơn khá nhiều nhe. Ngay khi có visa, bạn đã có thể tính đến vấn đề này rồi.
Sau 6 tháng thì mình bổ sung thêm: đem mì gói nhiều nhiều, có bạn đem nguyên vali, tụi mình mượn ăn quá trời. Đem muối tiêu, chứ tụi mình bên đây muối tiêu lạ lắm. Tụi mình cứ đem hủ muối tiêu của một bạn mút mút mút, lúc về sắp hết muối tiêu rồi. À nhớ mua sa tế nếu được nha, ớt bên đây bị thiến, đem ớt bột cũng được nhe. Điều đặc biệt là nhớ đem túi vải, hoặc bao đi chợ nha, bên đây mua người ta để mình tự cầm về chứ không có đưa bao ni lông nha. Mình thấy mấy cái đó khá quan trọng, còn lại bên đây mua được nha.
Đến nơi thì mình được các anh buddy đón và mua vé tàu cho mình đi về nhà. À mấy anh buddy là mấy anh do trường Frankfurt sắp xếp cho tụi mình, mấy ảnh là người Việt luôn nên tụi mình cũng thân nhau lắm. Mấy ảnh sẽ đón mình ở sân bay rồi đưa tụi mình về nhà. Bữa đó tụi mình đi tàu về nhà, mà đứa nào cũng 3-4 cái vali, xách lên xuống thang máy quằn lắm. Mình còn bị leo lên thang cuốn cái vali rớt xuống nữa nên mọi người bắt taxi đi cho lẹ nha cũng an toàn hơn nữa. Anh Buddy cũng hỗ tụi mình làm thủ tục nhận phòng, bàn giao các đồ bếp và chỉ tụi mình cách xài các vận dụng trong nhà. Hôm sau thì anh dẫn tụi mình đi siêu thị, đi tham quan khá nhiều chỗ, chỉ mình sử dụng app xem tàu xe. Sau đó thì tụi mình bắt đầu tự đi, tự khám phá.
Nhà ở
Thông tin về nhà ở sẽ được gửi qua mail cho exchange students trước một tháng trước khi mình bay qua. Thường thì trường sẽ giới thiệu chỗ ở cho mình, nếu mình đồng ý sẽ gửi giấy tờ đồng ý, còn không thì trường sẽ recommend chỗ ở khác cho mình đến khi nào mình chịu. Nhà tụi mình ở tại Gross Gerau, khá rẻ chỉ tầm 250 euro một tháng, chỉ có cái là cách khá xa trường học, nhưng với giá này mình có thể để dành đi du lịch nên cũng khá ok. Ở đây ông chủ nhà cũng rất là nice nên nói chung giá này là quá hợp lý. Lúc mới vào tụi mình sẽ được phát một phong bì có đủ pass wifi, các loại chìa khóa, số điện thoại khẩn cấp và của chủ nhà. Sau đó mình sẽ được các anh buddy giới thiệu tham quan nhà, đóng tiền deposit 100 đồng cho chủ nhà. Tiền này sẽ được trả sau khi các bạn trả phòng, với điều kiện các bạn không làm hư đồ gì, nếu hư thì sẽ trừ vào tiền này. À cái xâu chìa khóa mà mấy bạn làm mất là đi toi 100 đồng nha ?😖. Sau đó chủ nhà sẽ cho các bạn mỗi người một các nồi, một set muỗng nĩa dao và khăn bếp. Sau đó thì dọn vô sống thôi. 🛏️ Mỗi tuần tụi mình sẽ được vệ sinh phòng một lần. Mọi người chỉ cần mở cửa cho mấy cô vô hút bụi với đổ rác cho mình thôi. Còn chăn ga mền gối thì 3 tuần sẽ được thay một lần. Mọi người sẽ đem xuống hầm đổi với ông chủ nhà. Ổng sẽ thu chăn rồi đưa mình bộ mới, rồi ổng đem giặt bộ cũ thôi.
Nhà ở của tụi mình có đủ chỗ cho hết 26 đứa mình luôn. Và nhà mỗi tầng sẽ có nhà vệ sinh và một nhà bếp chung ở lầu 1. Sương sương thì có:
Phòng sinh hoạt chung đây là nơi tụi mình hay tập hợp lại để làm giấy tờ, nghe phổ biến về nội quy nhà, hay coi TV và đánh bài. Sô pha ở đây nằm êm lắm. 😊
Phòng ăn: chỗ này là ồn ào náo nhiệt lắm. Phòng ăn thông với phòng bếp, mọi người cứ nấu ăn xong sẽ qua đây ngồi vừa ăn vừa bà tám, vui lắm.
Phòng bếp bự chà bá lửa, là nơi tấp nập, đông đúc nhất nhà. Ở đây các bạn sẽ có 3 ngăn tủ của riêng mình: tủ cupboard, tủ lạnh và tủ đông, có chìa khóa riêng hết nên dùng rất tiện, muốn để gì cũng tiện và không bị mất đồ. Ở đây thì nội quy khá nhiều, nhưng cũng dễ nhớ thôi, mà mấy bạn đừng lo, có sai cũng có người nhắc nhở thôi. Có mấy luật như không nấu nước mắm, nhưng mà thế nào cũng lách luật được mà :))), lách ít ít thôi. Mấy cái thùng ở góc đó là thùng phân loại rác, có dán nhãn ở trên hết nên cũng dễ nhận biết lắm. Thủy tinh thì tụi mình để trong giỏ hết một tuần phải đi quăng ở điểm tập kết thủy tinh.
Phòng ngủ thì hên xui lắm, có phòng rất rộng cũng có phòng nhỏ xíu à, mà phòng nào cũng đủ nội thất cơ bản nên mọi người yên tâm. Mà lạ cái ở đây có phòng ở hướng gió lạnh như cái tủ đông, có phòng thì nực lắm. Nên nếu mọi người sợ lạnh thì có thể mua túi giữ nhiệt hay máy sưởi riêng cũng được, chứ ở đây 2h sáng tắt máy sưởi. Với tại năm mình xui dính vụ Ukraine với Nga nè nên bên đây càng tiết kiệm điện, mùa đông dưới 19 độ mới được mở. À mà đèn có lúc vàng khè buồn ngủ dã man nên mình phải mua đèn trắng để học bài.
Toilet ở đây khá sạch. Mà toilet đây lạ lắm, nhà tắm nhà vệ sinh là riêng nha. Nhà tắm còn rất là trong suốt nên lúc đầu có không thoải mái mà giờ cũng quen rồi. Nhà ở đây còn có màng ngăn có mấy khu chỗ nhà ở khác nhà tắm mọi người tắm chung với nhau luôn. 🚿
Phòng giặt đồ: Ở đây thì xuống hầm giặt đồ miễn phí. Có máy giặt và máy sưởi. Mọi người giặt xong phơi cũng được hoặc bỏ máy sấy 1 tiếng thì khô lẹ hơn. Dùng xong thì mọi người vệ sinh máy sấy thôi.
Phòng chơi thể thao: Ở đây còn có bàn bóng bàn cho tụi mình chơi cuối tuần nữa. Mấy bạn lớp mình còn tổ chức giải bóng bàn nữa á.
BBQ: Mọi người nên tranh thủ trước khi trời lạnh thì tổ chức bbq nha. Một người sẽ đại diện nhóm đi gặp ông chủ nhà, kí giấy xác nhận mình tổ chức ngày nào, sẽ trả chỗ bbq về đúng hiện trạng, rồi nhận dụng cụ bbq. Sau đó tụi mình đi mua than, bùi nhùi đánh lửa, thịt về rồi nướng thôi.
Trường học
Trường mình thì cũng rộng rãi lắm. Ở đây lạnh mà đi học hay phải di chuyển qua lại giữa các tòa nên mình muốn đông lạnh luôn. Ở bên đây thì có mấy đợt mấy chương trình cho thuê xe đạp, scooter lắp ở trong trường. Tụi mình sẽ tải app về, quét mã trên xe và đi, được miễn phí một tháng đầu nên vui lắm. Có mấy hôm có biểu tình là tụi mình sẽ đi scooter thay vì đi xe tram hay bus đến trường. Đường bên đây phân làn rõ ràng nên đi xe cũng an tâm hơn. Ngoài ra trường còn tổ chức các lớp học ngoại ngữ hay thể thao miễn phí. Căn tin thì sẽ có microwave luôn, gần đó thì có siêu thị để mọi người ai không thích ăn căn tin qua ăn nè. Có một tòa chỉ dành cho các bạn đến tự học đã lắm luôn, có quá trời phòng. Thư viện thì mở cửa đến 9h tối lận, nếu không phải nhà ở xa quá, chứ mình muốn cắm ở trường 24/24 luôn. Hôm nào mình sẽ dành một bài riêng viết về học ở trường nha, chứ bài này cũng dài quá rồi. Hẹn các bạn trong các phần sau nhe.
Du lịch
/du-lich
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất