Dạo này thì có một chuyện đã làm mình suy nghĩ suốt mấy tháng liền. Cụ thể là bài blog gần đây nhất của mình, bài 'Khi cái hay đến từ những sự tương phản', tính tới thời điểm viết bài này thì chỉ đươc 7 upvote mà thôi. Nếu so với các bài blog khác của mình, trung bình đạt khoảng tầm 45 upvote thì con số 7 ấy khá là khiêm tốn. Sự việc này làm mình đặt ngay hàng loạt câu hỏi tại sao: ‘Bài viết này khác gì những bài trước của mình mà nó chỉ được 7 upvote?’, ‘Các bài blog trước có gì mà bài này không có?’,...
Và tới hôm nay thì mình đã có một câu trả lời: Đó là do cảm tính. Có lẽ mình đã để cảm xúc chi phối quá nhiều khi viết bài ‘Khi cái hay đến từ những sự tương phản' và có lẽ vì nó quá cảm tính mà từ đó khiến người đọc không có thiện cảm.
Thật ra câu trả lời này tới với mình cũng khá tự nhiên. Chuyện là hơn ba tháng sau khi đăng bài thì mình lôi ra đọc lại và thấy nó "dẹo" đến rùng mình mọi người ạ. Đặc biệt là ở đoạn đầu, khi dùng đại từ ‘chúng ta’ làm cho câu văn trở nên gượng gạo và tạo cảm giác giống như mình đang cố gắng gò ép mọi người vào cùng một câu chuyện. Đọc như thể nó hơi rẻ tiền như các caption dạo trên instagram vậy. Ngay cả bản thân người viết sau một thời gian đọc lại còn cảm thấy ngán ngẩm, tựa như đọc lại một trang nhật ký hồi trẻ trâu của bản thân, chưa kể cái sự sến súa ấy nó còn đập vào mặt người đọc ngay từ đầu bài, thì ắt hẳn đó là lý do vì sao bài viết trên ít upvote.
Okay, câu trả lời đã có rồi, bây giờ muốn có nhiều upvote hơn thì mình cần phải bớt cảm tính lại khi viết. Và thế là, nó lại dẫn mình đến một loạt các câu hỏi khác: Bớt là bớt như nào? Bớt bao nhiêu? Hay là khỏi có cảm tính luôn? 'Mức độ cá nhân của bài viết của mình nên dừng lại ở đâu?' có lẽ là vấn đề mà tất cả các người sáng tạo nội dung đều phải tự tìm lời giải.

Trước hết, động lực lớn nhất cho những người viết mở máy lên viết bài có lẽ là muốn giải tỏa cảm xúc của bản thân. Hay nói cách khác là 'Tức cảnh sinh tình'. Người nhạc sĩ vừa mới trải qua một mối tình đau khổ, muốn truyền tất cả cảm xúc trong lòng vào lời hát nên mới ngồi xuống và viết nên những bản tình ca. Hay như những bài viết trên mạng xã hội đều xuất phát từ nỗi bức xúc của người viết về một vấn nạn xã hội nào đấy. Hay như chính bản thân mình, một ngày đẹp trời mở bài blog cũ ra đọc thì chỉ muốn khai tử nó ngay và luôn. Tận dụng dòng cảm xúc này cộng với sự băn khoăn của mình suốt mấy tháng qua, mình lật đật mở máy ngồi gõ những dòng này. Có thể thấy, việc để cảm xúc chi phối khi viết bài là khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên điều đó không hẳn là không tốt.

Mình tin rằng các tác phẩm nghệ thuật hay chắc chắn ít nhiều xuất phát từ cảm xúc chân thật nhất của tác giả. Vì những xúc cảm ấy chính là chất liệu tốt nhất để gợi nên cảm xúc nơi người đọc. Ví dụ như khi đọc các bài văn tả người mẹ. Ai ai cũng có thể miêu tả mẹ bạn rằng, bà ấy có hai con mắt, một cái mũi, một cái miệng; Khuôn mặt già nua, thân hình thì gầy gò. Họ vẫn đạt được mục đích là miêu tả mẹ bạn, thế nhưng mà bài viết của họ không hay vì nó khô khan. Trong khi đó, bài văn do chính bạn viết về mẫu phụ của mình chắc chắn sẽ hay hơn vì nhờ có tình cảm bạn dành cho mẹ mà bạn mới nhìn thấy và ghi lại được cái đẹp đằng sau những nếp nhăn trên trán mẹ, sau tấm lưng gầy ngày ngày chở bạn đi học. Thông qua bài viết đó mà người đọc có một góc nhìn khác về một con người. Đây mới chính là thứ người đọc tìm kiếm. Cũng như khi người ta nói, vẻ đẹp của người thiếu nữ nằm trong ánh mắt của kẻ si tình. Đưa cảm xúc của người viết vào tác phẩm của mình làm cho tác phẩm ấy trở nên thú vị và hay hơn rất nhiều.
Hơn nữa, việc lồng ghép cảm nhận cá nhân của mỗi người vào bài viết cũng là một cách để tạo nét đặc trưng cho tác giả ấy. Ví dụ như người ta tìm đến nhạc của Vũ nếu đang tìm kiếm một nỗi buồn da diết, nghe nhạc Đen Vâu nếu tìm nỗi buồn ngang tàng, man mác; nghe nhạc Ngọt nếu tìm nỗi buồn kín đáo. Cùng nói về nỗi buồn trong tình yêu nhưng những nghệ sĩ khác nhau sẽ đem đến những cảm xúc khác nhau. Đó là vì họ viết nhạc dựa trên những cảm nhận riêng về tình yêu của bản thân. Một ví dụ khác là trong lĩnh vực phê bình. Trong âm nhạc thì trang Pitchfork là một nơi đáng tin cậy để tham khảo về các sản phẩm âm nhạc. Trong ẩm thực thì các nhà hàng có sao Michelin được đảm bảo về chất lượng và danh tiếng. Những bài phê bình của Pitchfork hay Michelin được tham khảo không phải vì chúng khách quan mà là vì người đọc tin tưởng vào cái gu của những người phê bình đấy. Nói tóm lại, chủ quan lại chính là giá trị của những bài phê bình ấy.

Tuy nhiên việc để cảm xúc cá nhân vào trong bài viết vẫn là một việc làm mạo hiểm. Điển hình nhất là trường hợp của Taylor Swift. Nhạc của Taylor Swift đa số là những bài hát về tình yêu và đặc trưng bởi nó lấy cảm hứng từ chính những cuộc tình của nữ ca sĩ. Taylor không hề kiêng nế khi kể về người cũ trong bài hát của mình. Chỉ cần nghe ca từ của bài hát, ai ai cũng tự hiểu người tình nào của Taylor đang bị 'lên thớt'. Khán giả của cô ấy luôn phân ra làm 2 loại rõ rệt. Một là họ yêu nhạc của Taylor vì họ đồng cảm với nó, vì Taylor như hiểu thấu lòng họ. Để đạt được sự đồng cảm như vậy, không thể không kể đến yếu tố rằng chúng đều dựa trên các mối quan hệ thật sự của cô ấy. Hai là loại ném đá cô ấy. Họ cho rằng kể xấu về tình cũ chẳng phải chuyện gì hay ho cả, chẳng có gì đáng tung hô. Túm cái váy lại, việc đưa việc tư vào một sản phẩm cho công chúng thì vừa gây khó dễ cho người trong cuộc, vừa khiến người nghe mất thiện cảm.
Cái tác hại thứ hai của việc để cảm xúc riêng chi phối quá nhiều khi viết là, nó làm cho khán giả thấy mình không được tôn trọng. Người đọc tìm đến review của một bộ phim là vì muốn biết xem bộ phim ấy hay dở ra sao, chứ đâu phải để đọc về chuyện tình lâm ly bi đát của bản thân người viết nhớ về khi họ xem phim. Cũng giống như việc một cô vợ đăng lên mạng xã hội tất tần tật chuyện riêng của gia đình cốt chỉ để trêu ngươi ông chồng của mình, để thỏa cục tức trong lòng. Đó là sự ích kỷ của cô ấy. Khi đăng một bài viết cho mọi người cùng đọc mà nội dung lại mang tính chất giải tỏa cảm xúc cá nhân nhất thời, thì đó là xem thường người đọc.

Như vậy, quay lại với câu hỏi ban đầu, mức độ cá nhân của bài viết của mình nên dừng lại ở đâu? Nếu không có những cảm xúc ấy vào thì bài viết trở nên nhạt nhẽo còn nếu thêm vào quá nhiều thì lại trở nên chủ quan và phản cảm, vậy thì rốt cuộc, đưa cảm xúc cá nhân vào bài viết, nên hay không? Câu trả lời của mình là nên, nhưng vừa đủ thôi. Có nghĩa là vì chuyện 'tức cảnh sinh tình' là khó tránh khỏi, cộng với việc sau khi cân nhắc thiệt hơn ở phần trên thì mình tin là người viết sẽ đạt được thành công tối ưu nếu tìm được sự cân bằng giữa lối viết khách quan và chủ quan. Cũng giống như là một gia vị trong một món ăn, cảm xúc giúp đưa bài viết của bạn đến gần người đọc hơn, khiến nó 'ngon miệng' hơn. Thậm chí với một số món là không thể thiếu gia vị. Và vì giống như gia vị, cảm xúc cũng cần gia giảm cho vừa miệng. Một cách để làm điều này đó là học theo Vũ. Trong talkshow Tự tình lúc 0h, Vũ. có chia sẻ là anh chưa bao giờ viết nhạc dựa trên những câu chuyện thật của chính bản thân. Cảm hứng xuất phát từ tâm trạng nhất thời của Vũ. nhưng câu chuyện là do anh tưởng tượng ra. Khi đó Vũ. vừa khai thác được cảm xúc của mình, nhưng cũng không để nó lấn át quá nhiều trong sản phẩm.
Cơ mà tất nhiên, tất cả những điều này chỉ có ý nghĩa nếu mục tiêu của người viết là nhận được thật nhiều upvote. Vậy là thêm một câu hỏi nữa, lượt upvote có thật sự quan trọng? Có lẽ sẽ để dành cho một bài viết khác.
Và vẫn như mọi khi, check blog của mình nếu muốn đọc thêm phần tâm sự mỏng nhá.