Bài viết gốc được đăng tải tại Đây Hãy like page Ăn Sách trên Facebook để ủng hộ tác giả.

Khoảng tháng 2 năm ngoái, Báo Dân Việt phỏng vấn Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, 4 tháng sau khi bà rời nhiệm sở. Bài phỏng vấn hỏi về suy nghĩ của bà về tình hình chống dịch Covid vào thời điểm đó, chế độ đãi ngộ của ngành y,... . Nhưng có một câu hỏi làm tôi lấn cấn mãi. Đó là: làm thế nào Bộ trưởng “cân bằng giữa công việc và gia đình”.
Có vẻ như, kể cả khi bạn đã làm đến Bộ trưởng, nhận Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh,... . Nếu bạn là phụ nữ thì người ta vẫn sẽ hỏi bạn về việc nhà.
***
Kể từ sau khi chiến tranh kết thúc, hòa bình trở lại, sau đó là mở cửa nền kinh tế thị trường, quá trình hiện đại hóa cũng như các phong trào nữ quyền đã đạt được nhiều thành tựu trong vấn đề Bình đẳng giới. Theo nghiên cứu nghiên cứu “Giới và Thị trường Lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động - Việc làm” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hơn 70% phụ nữ trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động, trong khi tỉ lệ này ở trên toàn thế giới là 47,2% và trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 43,9%. Phụ nữ chiếm 50,2% dân số và 49% lực lượng lao động, tức là gần như ngang với đàn ông. 27,3% tổng sô Đại biểu Quốc Hội là nữ, cao nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên đây sự phân chia ngang mức lao động này lại trở thành một gánh nặng mới cho phụ nữ thay vì giải phóng như hy vọng. Sự bất bình đặng không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn ngày cảng trở nên sâu sắc. Các phong trào Nữ quyền đã mở cửa cho các Phụ nữ vào các Xí nghiệp, nhà máy,... nhưng không giải phóng khỏi sự Bất bình đẳng. Câu nói “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” lại thể hiện điều đó rõ ràng nhất. Có 2 vế trong câu nói trên gồm việc nước và việc nhà. Phụ nữ Việt Nam đã tham gia lao động (“Việc Nước”) nhiều hơn trung bình thế giới, việc nhà thì sao?

“Số liệu điều tra Lao động – Việc làm năm 2018 cho thấy gần một nửa số phụ nữ lựa chọn không hoạt động kinh tế vì “lý do cá nhân hoặc liên quan đến gia đình”, trong khi chỉ có 18,9% nam giới không tham gia hoạt động kinh tế viện dẫn lý do này. Phụ nữ dành trung bình mỗi tuần 20,2 giờ để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái trong khi nam giới chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này. Gần 1/5 nam giới thậm chí không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà.” – Báo Đại biểu nhân dân.

Thời gian toàn bộ phụ nữ Việt Nam dành cho việc nhà, hay việc không tên, theo nhiều khảo sát, có thể nhiều hơn đàn ông tới 55 triệu giờ một ngày. Điểm khác biệt với công việc thông thường là gì? Đó là công việc không được biết ơn, không đóng góp vào GDP và thu nhập gia đình một cách trực tiếp và vì vậy, tiếp tục ngăn cản cơ hội tiếp cận việc làm, giải trí, thu nhập, phát triển sự nghiệp của phụ nữ.
Bởi, để có thể bằng đàn ông, phụ nữ phải phấn đấu với một sức lực gấp nhiều lần, để cáng đáng toàn bộ số lượng công việc đó. Sau khi công việc của họ kết thúc, đàn ông có thể nghỉ ngơi trong khi phụ nữ phải chuẩn bị đón con, làm việc nhà, nấu cơm, dọn dẹp. Ở nhà máy và ở nhà chỉ là thay đổi địa điểm và hình thức làm việc. Họ không có thời gian để giải trí, sinh hoạt văn hóa, đọc sách, tái sản xuất sức lao động. Dần dần dẫn đến việc trì trệ, bận rộn, ngăn cản việc họ thăng tiến trong sự nghiệp.

Điều đó dẫn tới việc, dù tham gia vào thị trường lao động với số lượng ngang bằng, phụ nữ Việt vẫn không có vị thế như đàn ông.
Tuy chiếm gần một nửa lực lượng lao động, không đầy ¼ lao động nữ nắm giữ vị trí quản lí, lãnh đạo, và họ cũng chỉ chiếm tỉ trọng cao hơn ở những nghề không đòi hỏi chuyên môn kĩ thuật. Vị trí quản lí trong các ngành cấp đơn vị, lao động nữ chiếm 0,59%, nam là 1, 52%; dịch vụ và bán hàng 22,7% , nam là 13,18%.
Thu nhập theo tháng trong năm 2019 của phụ nữ thấp hơn nam giới 13,9% dù số giờ làm việc tương đương và trình độ học vấn đã được thu hẹp đáng kể: 90% phụ nữ biết đọc, viết. Tỉ lệ nữ sinh trung học 53,8%, tốt nghiệp đh 36,24%, thạc sĩ 33,95%, tiến sĩ 25,96%, GS và PGS là 16,5%.

Trong Volume 2 của Second Sex, xuất bản năm 1949, triết gia Pháp Simone de Beauvoir đã xem xét cuộc đời, trải nghiệm cá nhân và sự nuôi dạy của phụ nữ trong xã hội. Ngay từ lúc còn nhỏ, các bé gái đã được dạy dỗ chấp nhận sự yếu đuối, vị thế phụ thuộc đàn ông của mình, và phát huy nó, cũng như những cơ chế tâm lý của mỗi người trước cuộc sống đó. Sự nuôi dạy, kì vọng xã hội, cơ chế xã hôi,... hạn chế những vai trò họ có thể thực hiện trong xã hội. Họ buộc phải chấp nhận những đặc điểm và cơ chế phản ứng tâm lý xã hội ép buộc lên họ, khiến họ càng thấp kém hơn.
Điều đó dẫn đến kết quả là họ trở nên ám ảnh với chính bản thân, trở nên tự kiêu, tự phụ, hoặc dành hết cuộc đời cho người họ yêu, người chồng người con. Hoặc sa vào sự thần bí, mê tín dị đoan(?).

Có thể thấy, vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện nay vẫn chịu những định kiến hạn chế thăng tiến sự nghiệp của họ. Những vai trò truyền thống mà họ vẫn kì vọng phải làm vẫn không hề biến mất. Con gái từ nhỏ vẫn được dạy về vai trò của họ trong những công việc nhà (Huế muốn khôi phục môn “NỮ công gia chánh), dọn dẹp, sinh đẻ và nuôi nấng con cái (“thiên chức”), xây dựng tổ ấm, giữ lửa gia đình. Khi lớn lên, họ được cổ vũ theo những nghành nghề không đòi hỏi chuyên môn kĩ thuật. những ngành dịch vụ, làm những nghề như nhân viên các ngành ngân hàng, kế toán, thu ngân, tiếp viên,... .

Những định kiến và nuôi dạy bất bình đẳng trên, hoặc ép buộc phụ nữ vào những ngành nghề nhất định, tệ hơn thì khiến thu nhập của họ thấp hơn, tệ nhất thì ép họ ở nhà vì không thể kham nổi cả “việc nước” lẫn “việc nhà”.

Một trong 2 cái tròng đặt lên phụ nữ theo tư tưởng “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là Lao động cảm xúc. Bởi những định kiến giới cũ kĩ vẫn quan niệm về hình mẫu phụ nữ lí tưởng dịu dàng, đảm đang,... và là người giữ lửa cho tổ ấm, cũng là người quản lí mặt cảm xúc cho mọi thành viên gia đình.

“Lao động cảm xúc” (emotional labour) là một thuật ngữ được nhà xã hội học Arlie Hochschild định nghĩa lần đầu trong cuốn “The managed heart: commercialization of human feeling”, xuất bản năm 1983. Đó là quá trình một người điều chỉnh cảm xúc và biểu cảm của mình để hoàn thành nhiệm vụ trong công việc. Ví dụ, những nhân viên trong ngành dịch vụ: y tá, bồi bàn, tiếp viên hàng không, thu ngân, nhân viên trực tổng đài,... . Họ phải điều chỉnh cảm xúc của mình bởi kì vọng xã hội. Bởi một đội ngũ dịch vụ thân thiện vui vẻ sẽ đem lại nhiều khách hàng hơn và cùng với đó là lợi nhuận.
Sự quá tải về lao động cảm xúc thường gây ra tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, áp lực tinh thần, bất hòa nhận thức (cognitive disonance). Việc phải điều chỉnh cảm xúc của mình và trở nên căng thằng có thể diễn ra đối với rất nhiều người. Điều khiến nó trở thành “Lao động” (labour) là khi nó trở thành một việc ép buộc bởi hoàn cảnh của họ. Hoặc họ kiếm sống trên sự điều chỉnh cảm xúc đó, hoặc họ bị trừng phạt nếu không hoàn thành.

Những định kiến giới, như giải thích ở trên, khiến phụ nữ tham gia vào các ngành nghề yêu cầu lao động cảm xúc hơn. Và kể cả khi đàn ông tham gia, họ cũng ít bị kì vọng về nhan sắc và thái độ hơn phụ nữ. Những nhân viên làm việc ở quầy ngân hàng, hành chính, được yêu cầu phải xinh đẹp, phải cười nói với khách hàng,... Họ phải cố gắng gìn giữ một hình ảnh phụ nữ lí tưởng, mặc cho việc họ cảm thấy thế nào. Điều đó đặt ra những gánh nặng tinh thần lên phụ nữ nhiều hơn. Nhất là khi nếu họ không thể đáp ứng được những yêu cầu về cảm xúc thường trực ấy, họ sẽ bị rầy la bởi khách hàng lẫn cấp trên, thậm chí bị hành hung Những vụ đánh tiếp viên hàng không không thiếu, nổi nhất hình như có cán bộ đánh nhân viên sân bay Nội Bài, hoặc mắng mỏ y tá, tôi rùng mình nghĩ đến nhân viên bưng bàn tại các quán bia, rượu,... .

Nhưng kể cả những phụ nữ chỉ nội trợ cũng chịu những áp lực tương tự.
Trong xã hội kinh tế thị trường, sức lực của người lao động có hạn. Đối với nhà tư bản, tái tạo sức lao động.là một điều cần thiết cho họ. Thông thường, trách nhiệm này rơi vào vai của người nội trợ, thường là phụ nữ.
Những cái tên xã hội gán cho phụ nữ như “người giữ lửa”, “Nóc nhà”, “xây dựng tổ ấm”, “người vợ, người mẹ đảm đang”, “dâu hiền vợ thảo”. Tất thảy thực ra chỉ để miêu tả vai trò điều phối cảm xúc gia đình của 1 người phụ nữ nội trợ (và kể cả khi người phụ nữ đó đi làm thì có lẽ họ vẫn phải làm những công việc trên...).
Arlie Hoschchild chỉ giới hạn lao động ở nơi làm việc. Nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư tạo ra qua nụ cười của một nữ nhân viên, và những giọt nước mắt cô ta giấu đi. Nhưng người nội trợ cũng phải đảm bảo chồng mình có được niềm vui, có được sự thoải mái để hôm sau có thể tiếp tục đi làm và nuôi sống gia đình. Họ phải đảm bảo cơm lành canh ngọt khi chồng về, con cái ngoan ngoãn (“con hư tại mẹ”), họ phải dịu dàng, kiên nhẫn nghe chồng,... . Cảm xúc của họ phải điều chỉnh để phục vụ người lao động và qua đó là nhà tư bản. Không có ai cảm ơn hay biết đến công lao của họ. Những người phụ nữ này cũng không thể lên tiếng về sự bất bình đẳng cảm xúc bởi trong xã hội kim tiền, người có tiếng nói là người tạo ra thu nhập. Và họ không trực tiếp tạo ra thu nhập ấy.
Như bạn đã thấy, trong xã hội hiện tại, sự bất bình đẳng diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Câu nói “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đóng vai trò gì Nó cũng giống như tôn vinh sự hy sinh mà không tự hỏi tại sao sự hy sinh ấy tồn tại. Khi chúng ta tôn vinh những anh hùng liệt sĩ hy sinh, chúng ta không tôn vinh cái chết mà những đóng góp của họ vào mục tiêu chính là tiêu diệt kẻ thù, dành tự do độc lập. Mặt khác nó có tác dụng là củng cố lòng yêu nước của người dân.
Khi tôn vinh anh hùng liệt sĩ, chúng ta cũng tự biết là phải làm thế nào để ko có thêm những liệt sĩ nữa. Khi tôn vinh sự hy sinh lam lũ của những người vợ người mẹ, chúng ta lại ko hề nghĩ đến việc đó?
“Giỏi việc nước đảm việc nhà” trở thành, như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói, " một cái lồng vàng". Nó đặt ra một quy chuẩn cho phụ nữ phải phấn đấu mà không có tưởng thưởng xứng đáng nếu họ hoàn thành, thứ duy nhất rõ ràng là hình phạt nếu như họ ko hoàn thành. Nữ giới thành đạt thì bị nói bỏ rơi chồng con, dè bỉu con gái học cao quá không lấy được chồng. Nữ giới nội trợ thì không được coi trọng, không có tiếng nói bởi "không làm ra tiền". Những lao động cảm xúc của họ hoàn toàn bị bỏ qua. Cuộc sống của họ phải xoay quanh công việc của người đàn ông, chăm sóc và đảm bảo đời sống tinh thần thể chất của anh ta nhưng không thể yêu cầu điều ngược lại, không thể san sẻ lao động cảm xúc với người đó.

Các phong trào nữ quyền tân tự do hay những diễn ngôn ủng hộ phụ nữ đến từ những người nổi tiếng hiện nay tại Việt Nam cũng không giải quyết được tình trạng này bởi họ đang chú ý đến những biểu tượng xa vời với đời sống thực tế của đa số phụ nữ trong xã hội, những "quyền" mang tính biểu tượng thay vì vấn đề thực sự, đề cao những nhân vật cũng chỉ mang tính biểu tượng thay vì những người thực sự giải quyết vấn đề ("oh wow, chúng ta có NỮ Bộ trưởng đầu tiên dính bê bối thay vì NAM Bộ trưởng? Yass queen! Girl power!") hoặc đề cao chủ nghĩa tiêu thụ, chạy theo những sản phẩm để chứng minh sự tiến bộ của bản thân thay vì thực sự tiến bộ. Hoặc tệ hơn là tạo ra một hình mẫu, khuôn khổ mới cũng gò ép không kém tư tưởng cũ. (Phụ nữ khi xưa CHỈ được làm việc nhà? Phụ nữ ngày nay KHÔNG được làm việc nhà! Chỉ được kiếm tiền và tự lập!) Và từ đó cũng phận biệt đối xử với những người phụ nữ tư tưởng cũ y như xưa vì họ không phù hợp với tư tưởng mới đầy thiếu sót. Tất cả cuối cùng lại chia rẽ phụ nữ mà không thay đổi được thứ căn bản nhất gây ra vấn đề của họ là hệ thống xã hội không đem lại chất lượng sống tốt nhất cho tất cả mọi người.
Giống như 2 người phụ nữ đánh nhau để tranh giành tình yêu của đàn ông. Họ tấn công lẫn nhau, không hề hiểu rằng vấn đề là ở gã đàn ông đó không nên yêu 2 người một lúc. Họ coi tình yêu, sự nhìn nhận từ gã là phần thưởng. Thứ tình yêu đó thực ra là thứ gã dùng để khiến họ phục vụ gã . Không có sự bình đẳng
Điều đó không chỉ áp dụng với riêng đàn bà với nhau. Những vai trò, định kiến giới cũng gây áp lực lên chính đàn ông. Áp lực kiếm tiền để không bị coi là hèn, áp lực phải mạnh mẽ,... . Mâu thuẫn về phong trào nữ quyền giữa đàn ông và đàn bà cũng giống như vụ đánh ghen trên. Đàn ông Đàn bà cố ganh đua với nhau để tranh giành lợi ích xã hội. Dù ai thắng thì cũng vẫn bị gã bạn trai kia nắm trong tay, và chỉ nhận lại được một thắng lợi về mặt biểu tượng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có một câu này tôi thấy rất phù hợp: "Viết về sự hy sinh, tảo tần, và tình yêu thương vô bờ bến của người phụ nữ như con dao hai lưỡi, chúng ta sẽ không biết mình ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của họ hay trói buộc họ vào những bức tường, chiếc cọc vô hình. Và có dát vàng vào tường vách và cọc sắt, thì bị giam giữa chúng cũng không thể gọi là tự do."
Các bạn có nghĩ rằng phụ nữ Việt Nam đã tự do?

Second Sex, Simone de Beauvoir
http://­thoibaotaichinhvietna­m.vn/pages/xa-hoi/­2019-03-07/­gan-72-phu-nu-tham-gi­a-vao-thi-truong-lao­-dong-68584.aspx