Bắt đầu và thất bại.
Hơn 10 năm trước, tôi có hợp tác với một người bạn mở một quán rượu vang nhỏ ở Hà Nội. Vì quá hưng phấn, tôi đã tham gia vào công việc kinh doanh mà chẳng có kinh nghiệm và hiểu biết gì. Tất cả hoạt động của quán, tôi ủy quyền hoàn toàn cho người bạn quản lý. Sau 3 tháng, chúng tôi phải đóng cửa vì thua lỗ.

Tôi cho rằng, để không bị thất bại ngay từ khi bắt đầu, chúng ta không nên chọn bắt đầu một công việc gì đó cho mục đích chỉ để kiếm tiền. Walt Disney đã từng nói “Chúng tôi làm phim không phải để kiếm tiền, mà chúng tôi kiếm tiền để làm nhiều phim hơn.”  Khi có lý do thực sự để bắt đầu một công việc gì đó, chắc chắn bạn sẽ có đủ khát khao, đam mê, kiến thức, và năng lực để tiến bước.
Ngưỡng Plateau (trạng thái bình ổn).
Tennis là một môn thể thao đối kháng, rất khó và thú vị. Tôi bắt đầu tham gia tập năm 2011 cùng với nhóm bạn ở công ty. Chúng tôi tự tập và chơi với nhau 1 tuần 2 buổi. Nhóm của tôi có một anh chơi rất tốt và nhiệt tình, dành khá nhiều thời gian đầu để dạy mấy đứa vừa nhập môn như tôi. Sau khoảng 3 tháng, càng chơi, tôi càng thấy mình tiến bộ rất nhanh, thậm chí thắng được vài sét với cả những người có kinh nghiệm hơn mình. Tôi bị cuốn hút và đam mê môn thể thao này.
Sau hơn 1 năm, tôi bắt đầu thấy chán và vắng mặt một vài buổi trong tháng với lý do “bận việc.” Thực chất là tôi rất hay bị thua, thậm chí thua cả những đứa vừa mới tập. Tôi không thấy mình tiến bộ nữa. Trạng thái này được gọi là ngưỡng Plateau hay còn gọi là trạng thái bình ổn.
Trạng thái bình ổn xảy ra khi bạn không nhìn thấy sự tiến bộ của mình như trước kia nữa cho dù bạn có cố gắng nhiều hơn trước. Chính vì thế, nó sẽ làm bạn giảm tinh thần, dẫn đến chán nản và bỏ cuộc.  Ngưỡng Plateau thường thấy ở các môn thể thao, tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy ở hầu hết các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống như: tình cảm lúc mới yêu và sau khi cưới, làm mãi một công việc mà không có sáng tạo hay thay đổi, vv…
Khi ở trạng thái này, chúng ta thường có 3 lựa chọn: lựa chọn đầu tiên và thường thấy là bỏ cuộc, thứ 2 là duy trì và không có tiến bộ gì và lựa chọn cuối cùng là vượt qua nó. Tôi tin là chúng ta đều muốn lựa chọn thứ 3. Dưới đây là 3 cách tôi đã áp dụng để thoát khỏi tình trạng khó chịu này.

Đặt mục tiêu cao hơn, có phương pháp rồi theo đuổi tới cùng. 
Lấy chạy bộ làm ví dụ. Khi tập chạy, tôi cũng chỉ đạt ngưỡng cao nhất là pace 6:02 cho cự ly 21km và duy trì nó trong một thời gian gần 1 năm. Cho tới khi tôi tập theo bài tập của Garmin cho cự ly 42km theo nhịp tim, sau 3 tuần, tôi đã nâng thành tích 21km của mình lên pace 5:32 tại giải Quy Nhơn tháng 7 năm 2020.

Đều đặn nhưng không quá nhiều. 
Có câu “theo tình tình chạy, chạy tình tình theo.”  Đừng cho rằng “nhiều” là tốt. Con người ưa thích sự tò mò và mới mẻ, nếu chúng ta có những khoảng trống để tạo ra sự hụt hẫng và mong muốn kiếm tìm cũng là điều cần thiết.  

Trong tập luyện, chúng ta tập đều đặn, nhưng cũng cần phải có những ngày nghỉ phục hồi. Tôi đã bị chấn thương khá nhiều khi chạy liên tục 7 ngày trong tuần. Chấn thương sẽ làm bạn chán nản và bỏ cuộc. Nếu bạn theo bài tập chạy của Garmin, họ sẽ có 1 đến 2 ngày nghỉ 1 tuần và có nhiều bài chạy phục hồi nhẹ để tránh chấn thương.
Chấp nhận sự khó chịu. 
Bạn có khó chịu khi nhận được lương cao 10% không? Dĩ nhiên là không! Chúng ta sẽ rất vui khi được tăng lương, nhưng cảm giác vui sướng đó sẽ diễn ra không lâu sau một tháng. Nếu giảm 5% lương do tình suy thoái toàn cầu thì sao? Bạn sẽ buồn và khó chịu, nhưng cũng chỉ vài ngày là hết, tháng sau bạn không buồn nữa khi vẫn nhận mức lương thấp đó. Bạn vẫn cần một công việc để làm và nhận được lương hàng tháng để chi tiêu.
Khi mới chuyển nhà ở gần đường cao tốc Pháp Vân, tiếng xe và còi xe ô tô đã làm cho tôi rất khó chịu và không thể ngủ được. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng, tôi đã quen và ngủ ngon lành mà cảm giác như không còn tiếng ồn của xe và còi ô tô nữa.
Hệ thần kinh của chúng ta có khả năng thích nghi một cách kỳ diệu. Nếu chúng ta biết trước được rằng sự khó chịu của ngày hôm nay sẽ không còn nữa trong ngày mai, chúng ta sẽ không còn thấy khó chịu nữa.
Dừng lại nhưng không bỏ cuộc.
Những năm 2006 khi thị trường chứng khoán Việt Nam ở đỉnh cao, tôi đã tiết kiệm được hơn 30 triệu để “đầu tư” chứng khoán. Mua mã nào cũng lãi. Tôi thấy mình như thiên tài vì chỉ ngồi ở văn phòng làm việc để thực hiện lệnh mua bán chứng khoán mà vẫn lãi gấp đôi sau 1 tháng. Cho đến cuối năm 2007, thị trường đi xuống, tôi lại mất hết số tiền lãi kiếm được và cả phần vốn đầu tư ban đầu. Nhiều người nói, nếu biết dừng lại, tôi đã lãi được rất nhiều. Còn tôi cho rằng: đầu tư chứng khoán không phải là lĩnh vực mà tôi sẽ theo đuổi.
Nhiều cầu thủ bóng đá kết thúc sự nghiệp ở đỉnh cao. Họ là những tài năng thể thao và biết điểm dừng đúng lúc. Tôi nghĩ rằng: họ đã không dừng lại, họ chỉ chuyển hướng hoạt động của mình sang lĩnh vực khác khi sức lực của họ đã giảm dần theo tuổi tác. Sau khi giải nghệ, có người làm huấn luyện viên, có người làm kinh doanh. Họ chưa bao giờ dừng lại.
Bất kỳ một công việc nào đều có khó khăn, nhiều thất bại và thành công. Giống như những bộ phim, sẽ có các kịch tính được đạo diễn tạo ra và các mâu thuẫn được giải quyết. Nếu muốn có kết cục tốt đẹp thì điều quan trọng là bạn phải biết dừng ở thời điểm nào. Tuy nhiên, cuộc sống không ngắn ngủi như một bộ phim lẻ. Dừng lại không phải là bỏ cuộc, như kết thúc tập một của bộ truyện dài kỳ, chúng ta sẽ tiếp tục kiếm tìm một công việc khác phù hợp với mình hơn tại thời điểm hiện tại, để bắt đầu cho các tập tiếp theo của cuộc đời.