Khi một biến cố xảy đến với bạn, bạn đơn thuần chỉ có hai lựa chọn: Một là dùng cả đời để than thân trách phận sao ông trời nỡ đối xử bất công với mình. Hai là thẳng thắn đối diện và cố gắng đạt được những gì bạn mong muốn. Bạn nghĩ đâu sẽ là sự lựa chọn tốt nhất dành cho mình?
Lê Thị Trà My (Community Executive - Công ty Công nghệ RIO), cô gái trẻ vừa bước qua những vấp ngã đầu đời đã chọn cách thay đổi cuộc đời mình từ việc học cách sống tiết kiệm. Hãy cùng RedBag lắng nghe những chia sẻ của Trà My về kế hoạch tiết kiệm đã giúp cô ấy thay đổi như thế nào nhé.

Kiếm được nhiều tiền không có nghĩa là giàu có

Sớm có một vị trí nhất định trong công việc với mức lương ổn định hàng tháng. Điều này sẽ không khiến bạn phải bận tâm đến chuyện tiết kiệm đâu nhỉ?
Nói sao nhỉ? Tuy mình đã bắt đầu đi làm được hơn 2 năm nhưng phải đến tận tháng 6/2020, mình mới nhận thấy một điều là: Mức thu nhập ổn định hàng tháng vẫn không đủ để chi tiêu. Nó khiến mình trăn trở nhiều đêm liền và quyết định tìm mọi cách để tiết kiệm.
Bạn đã tiết kiệm bằng cách nào?
Ban đầu, mình tập thói quen ghi lại chi tiêu trên điện thoại. Nhưng lại không kiểm soát hết được số tiền đã chi vì phát sinh thêm nhiều khoản khác.
Chẳng hạn như các khoản chi cho cá nhân như làm đẹp hay ăn uống cùng bạn bè. Ngày đó, mình chưa biết cách từ chối nên hầu như mọi cuộc vui mình đều tham gia. Đó cũng là nguyên nhân khiến mình không thể kiểm soát hết được các khoản phát sinh thường ngày.
Sau đó, mình chuyển sang dùng Excel để quản lý tiền bạc, nhưng chỉ một thời gian sau là bỏ dở. Bởi nó cần mình phải nhập dữ liệu liên tục. Vả lại mỗi lần nhập mình phải mở máy tính thường xuyên vì không thích dùng Excel trên điện thoại. Cũng bởi vì cảm thấy bất tiện nên mình đã quyết định tìm hiểu thêm những ứng dụng khác.
Rồi mình thử dùng Money Lover và duy trì nó cho đến tận bây giờ. Đa số mình sử dụng để thống kê các khoản ăn uống, di chuyển, skincare (chăm sóc da), giải trí và cả tiết kiệm.
Điều gì khiến bạn chọn quản lý tiền bạc với ứng dụng Money Love?
Có một điều mình thấy khá hay khi dùng Money Lover đó là nó giúp mình phân bổ và thống kê các khoản tiền một cách rõ ràng. Dựa vào đó mình có thể biết được một tháng mình chi xài nhiều ở những khoản nào. Mình sẽ tự đặt câu hỏi cho bản thân là: Sao tháng đó đi chơi nhiều vậy? Ăn uống thế nào mà lại tiêu tốn nhiều đến thế? Lúc đấy mình sẽ tự khắc đặt ra điểm dừng.
Phân bổ tiền hợp lý giúp tiết kiệm hiệu quả.
Phân bổ tiền hợp lý giúp tiết kiệm hiệu quả.
Ngoài việc quản lý tiền bạc qua ứng dụng để tiết kiệm được hiệu quả. Bạn còn thực hiện phương pháp tiết kiệm nào khác không?
Mình có từng áp dụng phương pháp quản lý tiền bằng 6 chiếc lọ. Phương pháp này đưa ra sẵn mức tỷ lệ cố định cho từng chiếc lọ và mình chỉ việc phân bổ tiền theo thôi. Điều đáng nói là những tỷ lệ này lại không phù hợp lắm với mình. Vì mức chi tiêu thiết yếu của mình thường cao hơn tỷ lệ mà phương pháp này đưa ra.
Thêm nữa, các lọ cho giáo dục, từ thiện hay tự do tài chính mình lại không hay để ý đến. Thành ra mình cũng không theo đuổi phương pháp này đến cùng.
Bạn có đặt ra một hạn mức cụ thể nào cho những khoản tiết kiệm không?
Có chứ. Ban đầu mình dành ra một khoản tiền tiết kiệm cố định từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Sau này mình tiết kiệm theo tỷ lệ từ 10-15% mức thu nhập.
Có thể số tiền tiết kiệm ban đầu không quá lớn nhưng nếu tháng nào mình cũng dành ra một khoản cố định và tăng dần nó theo khả năng. Chắc chắn sau một khoảng thời gian, mình sẽ thấy số tiền đó tăng lên đáng kể.
Thói quen tiết kiệm giúp mình biết nghiêm khắc hơn với những nhu cầu bản thân. Không cho phép mình động vào số tiền đó khi không thật cần thiết.

Cảm ơn những biến cố trong đời giúp tôi nhận ra giá trị của đồng tiền


Trước đây, mình không quá chú trọng vào chuyện tiết kiệm như bạn đã thấy rồi đấy. Nhưng khi thấy người thân hay bạn bè gặp chuyện, khoản tiền tiết kiệm với mình lúc đó càng trở nên có giá trị hơn bao giờ hết. Không hiểu sao mình luôn cảm thấy bất an nếu có chuyện gì đó không hay xảy đến với những người thân của mình.
Động lực tiết kiệm mỗi ngày là bản thân và gia đình.
Động lực tiết kiệm mỗi ngày là bản thân và gia đình.
Liệu có tác động nào đó khiến bạn thay đổi đến vậy không? Bạn không ngại chia sẻ cùng chúng tôi chứ?
Hồi đó, gia đình mình cũng không quá khó khăn. Ba mình làm nhà nước nên thu nhập vì thế khá ổn định. Tuy nhiên, biến cố xảy đến với gia đình mình vào năm mình học cấp 3. Mình không thể nói rõ biến cố này là gì. Nhưng ngay từ thời điểm đó, mình đã ngay lập tức thay đổi hẳn suy nghĩ về tiền.
Mình muốn độc lập tài chính càng sớm càng tốt để ba mẹ không phải lo toan nhiều thứ nữa. Mình cũng đã đi làm thêm để xoay sở tiền phụ mẹ. Nhưng có vẻ như số tiền đó cũng chả thấm vào đâu. Sau đó mình nghĩ rằng nếu muốn thay đổi tương lai thì bằng mọi giá mình phải học. Thế là mình tập trung dồn hết sức cho chuyện học. Nhờ đó mà mình có được ngày hôm nay. Ít nhất là có thể tự nuôi sống được mình.
Nhờ biến cố đó mà mình cảm thấy trân quý hơn những đồng tiền mình làm ra. Có thể bây giờ mình may mắn kiếm được tiền và sống thoải mái. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái như vậy. Sẽ có lúc chúng ta buộc phải gặp những cơn sóng lớn trong đời. Đó là lý do mình luôn có một khoản tiền phòng bị cho những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Tuy khoản tiền đó với mình không nhiều nhưng nó mang lại cho mình cảm giác an toàn hơn.
Khi ngồi nhìn lại những biến cố đã xảy đến với gia đình mình, mình đã không còn cảm thấy mọi việc tồi tệ như lúc trước nữa. Ắt hẳn nó buộc phải đến như một quy luật của cuộc sống để giúp mình nhận ra được điều gì đó.
Bạn có thể nói rõ hơn những điều bạn nhận ra được về giá trị của đồng tiền?
Bản chất đồng tiền sẽ không có ý nghĩa nếu không ai cần dùng đến nó. Ví như trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng này sẽ rất khó để tìm được bác sĩ đến thăm khám cho mình. Nhiều người sẽ cảm thấy có tiền cũng như không. Nhưng sao mình không nghĩ đến việc nếu không kịp đến bệnh viện thì cũng cần có thuốc thang chữa trị. Hay chưa kể muốn bồi bổ cũng phải có tiền mới mua được thức ăn. Rõ ràng tiền không phải là tất cả nhưng muốn có được tất cả thì trước hết phải có tiền.
Đó là lý do mình hiểu được giá trị của đồng tiền đáng trân trọng thế nào trong thời buổi hiện nay. Do đó nếu không có khả năng đầu tư kiếm thêm thu nhập thì phải biết cách tiết kiệm hiệu quả.

Đặt cho mỗi đồng tiền tiết kiệm một mục đích rõ ràng

Như đã chia sẻ với RedBag, bạn có nhắc đến chuyện tiết kiệm hiệu quả. Vậy làm thế nào để tiết kiệm hiệu quả?
Điều quan trọng là đặt cho mỗi đồng tiền tiết kiệm một mục đích cụ thể. Nhiều người thường chỉ biết tiết kiệm nhưng chẳng biết dùng nó cho việc gì. Không biết mình tiết kiệm vì điều gì giống như đi đường mà không tìm được lối ra vậy.
Điều quan trọng nữa là hình thành thói quen tiết kiệm ngay khi mình làm ra tiền. Cùng với đó là rèn luyện tính kỷ luật. Mình biết nó là cả một quá trình chứ không thể nói là làm ngay được. Muốn tiết kiệm hiệu quả phải nghiêm khắc với chính bản thân mình. Không nên nuông chiều mọi thứ cảm xúc nhất thời. Tiết kiệm từ sớm sẽ giúp mình làm được nhiều điều hơn trong cuộc sống.
Mỗi đồng tiền tiết kiệm luôn phải có mục đích.
Mỗi đồng tiền tiết kiệm luôn phải có mục đích.
Chẳng hạn phần đông bạn bè mình khá thích thú với việc mua sắm hoặc đổi xe mới. Với mình thì không nhất thiết phải sở hữu một chiếc xe sang xịn, chỉ cần nó chạy tốt là được. Hãy mua những món đồ thật sự cần thiết vì không phải lúc nào bạn cũng có thể tạo ra tiền.
Theo bạn tiết kiệm thôi đã là đủ?
Theo mình, tiết kiệm sinh lời cũng là một cách đầu tư hiệu quả. Tuy nhiên, phải hiểu rõ rằng tiết kiệm luôn phải gắn liền với tích lũy đầu tư. Chứ chỉ cất tiền vào tủ thôi sẽ khiến đồng tiền trở nên mất giá. Vì tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam hiện nay khá cao.
Ngày trước, mình có thử dùng ứng dụng Finhay. Finhay giúp mình tích lũy tiền với lãi suất sinh lời khá cao. Ngoài ra mình còn có thể rút tiền bất kỳ lúc nào mình cần. Tuy nhiên dạo gần đây mình đã chuyển sang dùng Tikop. Nghe nói mức lãi suất tiết kiệm cao hơn cả Finhay lẫn ngân hàng luôn.
Từ đâu bạn lại biết đến các ứng dụng đầu tư này?
Trong một lần thấy quảng cáo trên Youtube về ứng dụng Finhay. Mình cảm thấy khá tò mò vì ứng dụng này hiểu được vấn đề mà người dùng đang gặp phải. Chẳng hạn như muốn đầu tư nhưng không có nhiều tiền hoặc muốn gửi tiết kiệm nhưng lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng hiện nay khá thấp.
Ngoài ra, mình biết thêm về ứng dụng Tikop nhờ một người bạn chia sẻ. Mình cũng hay trao đổi với bạn bè xung quanh để cập nhật thêm kiến thức về tài chính và các ứng dụng khác phù hợp.
Trao đổi để học hỏi cách tiết kiệm đúng đắn.
Trao đổi để học hỏi cách tiết kiệm đúng đắn.
Thông thường khi nghĩ đến đầu tư, bạn sẽ chọn đầu tư cho những khoản nào?
Mình sẽ không mạo hiểm chọn đầu tư chứng khoán hay chứng chỉ quỹ gì đó đâu. (Cười) Vì thật sự mình cũng không am hiểu về những kênh này lắm. Mình thấy đầu tư cho bản thân là khoản đầu tư siêu lợi nhuận luôn.
Chẳng hạn mình thường hay đầu tư cho sách nói để dung nạp thêm kiến thức cho mình. Chỉ có 90.000 đồng/tháng nhưng mình có thể nghe được những quyển sách hay mà giá bán ngoài thị trường có khi lên tới gần 200.000 đồng lận. Ngoài ra, mình cũng hay đầu tư tiền vào những ứng dụng chăm sóc sức khỏe như Pulse chỉ 50.000/tháng. Mình có thể nhờ nó tư vấn khi gặp những triệu chứng bất ổn nào đó.
Sau cùng bạn có những mẹo nào hay ho về tiết kiệm có thể chia sẻ cùng độc giả của RedBag được không?
Mình nghĩ có 3 điều quan trọng mình rút ra được khi học cách tiết kiệm đó là:
Thứ nhất, khi vừa nhận được lương đừng vội nghĩ mình sẽ phân chia số tiền này cho việc chi tiêu như thế nào. Thay vào đó hãy dành ra trước một khoản tiền cố định để tiết kiệm rồi mới phân bổ cho các khoản còn lại.
Thứ hai, mình hay nghe những chia sẻ của shark Thái Vân Linh trong việc quản lý tài chính cá nhân. Cách chia sẻ của cô khá gần gũi với một đứa không thích tài chính như mình. Ngoài ra, mình còn hay theo dõi kênh của anh Hiếu Nguyễn. Anh ấy nói rất hay về mục đích tự do tài chính. Mình nghĩ mọi người cũng nên xem cái này để giúp mình sớm đạt được tự do tài chính.
Thứ ba, mình nên hiểu được mục tiêu mình cần phải tiết kiệm là gì? Mình sẽ dùng nó để đầu tư hay dự phòng cho những rủi ro. Sau cho cùng mình cảm thấy có tiết kiệm được hay không, quan trọng nhất vẫn nằm ở tính kỷ luật của mỗi người. Dù cho mình có thay đổi bao nhiêu app hay phương thức tiết kiệm nào đi nữa thì bản thân vẫn cần phải có tính kỷ luật. Đó là cách mỗi chúng ta làm chủ đồng tiền của mình.
Cảm ơn My về những chia sẻ rất bổ ích của bạn về chuyện tiết kiệm cũng như việc học cách sống tiết kiệm. Hy vọng bạn sẽ sớm đạt được mục đích tự do tài chính và luôn hạnh phúc nhé.
Nguồn: