Đây chỉ là chia sẻ của mình- một bác sĩ mới ra trường thôi, nên sẽ có những góc nhìn chưa đầy đủ với toàn cảnh, nhưng là chia sẻ của người trong cuộc GenZ vừa trải qua, và còn rất mới
Học Y tại Việt Nam, các bạn sẽ trải qua những gì
Đầu tiên và có lẽ đọc được ở rất nhiều nơi: đó là phải học đủ điểm để thi đậu Đại học Y dược mình mong muốn. Đồng nghĩa là học nhiều và rất nhiều vì đậu Đại học thì phải học thôi. Ai cũng vậy cả
Học phí: hiện tại các trường Y ở miền Nam theo mình được biết có mức dao động tầm 40-100tr/ năm tùy vào trường và tùy vào lớp mình được phân bổ theo học. Kèm theo đó là sinh hoạt phí trong 6-7 năm học tại Sài Gòn thì rơi vào đâu tầm 20-40tr/năm tùy vào khả năng quản lý tài chính của các bạn. Và việc đó đồng nghĩa với gia cảnh nhà các bạn sẽ phải rất khá giả để có thể nuôi được bạn trong tầm ấy năm.
Kế đến là áp lực đồng trang lứa: Bạn đậu Y, bạn thi Đại học điểm cao, bạn có quyền tự hào. Nhưng bắt đầu năm 4 Đại học, khi các bạn vẫn đang là sinh viên đi học, ngày ngày nghe thầy cô giảng, bắt đầu bước vô các môn học nặng nề và nòng cốt của một bác sĩ, thì các bạn cấp 2, cấp 3 hoặc đứa bạn nối khố của bạn học tuy không bằng bạn, hiện tại đã ra trường, bắt đầu đi làm và kiếm được tiền. Vài tháng sau, tụi nó đi chơi, đi quẩy và bạn thì vẫn chìm ngập trong thi cử mong không rớt môn. Lúc ấy, gần như sinh viên Y nào cũng nôn nóng ra trường, và một vài bạn không có đam mê đã hối hận, nhưng 4 năm, liệu có thể quay đầu khi bạn không có định hướng ban sơ?
Áp lực đồng trang lứa có thể khiến bạn gục ngã
Áp lực đồng trang lứa có thể khiến bạn gục ngã
Qua năm 4 thì những bạn nào chấp nhận tiếp tục học cũng mất đi áp lực trang lứa kia- vì đã chấp nhận thực tại và sẽ bị 2 năm cuối hành hạ trong vui vẻ của việc học và thi. Và dĩ nhiên là áp lực phải ra trường đúng hạn trong năm cuối của bạn.
Sau khi ra trường đúng là những lựa chọn: thi nội trú và tiếp tục học (ở nhiều trường khác nhau tùy khả năng và tài chính), học 18 tháng tại Sài Gòn hoặc xin việc để làm phụ giúp gia đình. Và lúc này các bạn nếu không có một sở thích rõ ràng trong 6 năm học, các bạn sẽ bắt đầu lạc lối và không biết lựa chọn cái gì để tiếp tục hành nghề. Vì suy cho cùng, bác sĩ cũng chỉ là một ngành, một công cụ để tạo ra tiền nuôi sống các bạn trước khi có những mong ước cao xa làm giáo sư tiến sĩ.
Và khi bạn bước trên con đường hành nghề (sau vài lần bị từ chối khi không có chứng chỉ hành nghề) lương khởi điểm của bạn tầm 3 triệu, nhiều bạn sẽ thấy sốc nhưng đó là sự thật. Dĩ nhiên bên cạnh lương cứng theo quy định nhà nước, bạn cũng sẽ hưởng những loại tiền thu nhập khác từ bệnh viện phát, và tùy theo chế độ và hợp đồng bạn có mà lượng tiền bạn nhận được có đủ để bạn xoay sở tiếp tục học tập hay không nữa. Và sẽ luôn luôn có ràng buộc trong việc đào tạo để bạn có chứng chỉ hành nghề và vẫn tiếp tục cống hiến cho bệnh viện sở tại
Bác sĩ là đảm bảo cho sinh mạng của người khác, lẽ hiển nhiên là một nghề rất nhạy cảm. Vì vậy, việc áp lực từ việc sống chết, áp lực từ người nhà bệnh nhân, áp lực và sợ hãi từ bản thân, là những điều mà các bạn sẽ phải đối mặt nếu chấp nhận làm một bác sĩ lâm sàng. Bạn cần phấn đấu lăn lội trong tầm 10-15 năm trong ngành, để có danh tiếng và tiền bạc, là đánh đổi của những bữa ăn không bao giờ đúng cữ, là những giấc ngủ không tròn giấc, là những hốt hoảng lo lắng khi bệnh nhân có việc, là sự bất lực khi người thân có việc nhưng mình lại chẳng thể làm gì……Vì vậy, cùng mức lương cho 6 năm vất vả và áp lực ấy, bạn lại nhìn quanh ngơ ngác, bạn bè mình thành ông này bà nọ, hoặc tụi nó cũng có thất bại thảm hại, nhưng bản thân các bạn thì sao?
Nên thật sự, hiện tại học Y, lựa chọn theo con đường bác sĩ, các bạn hãy nghĩ thật kĩ, vì đây thật sự là cuộc chiến giữa đam mê, niềm tin và nguồn lực của chính các bạn. Chỉ cần thiếu một vài yếu tố, các bạn rất dễ dàng bị đánh sụp: là rối loạn tâm lý, là tự kỉ, là đổi nghề, là mất bằng hoặc may mắn hơn chỉ mất một ít thời gian vài năm đầu đại học.
Bác sĩ là một ngành nghề nhìn từ bên ngoài có vẻ danh vọng, nhiều người kính trọng nhưng đồng thời cũng là ngành dễ bị tổn thương, dễ bị chỉ trích. Bên cạnh đó, vì là một ngành “cao quý” trong xã hội mặc định chúng ta là những người “biết tuốt”: không được bệnh, không được đau lòng, phải luôn mỉm cười, phải ân cần chăm sóc, phải hiền lương thục đức, phải mẫn cán,….
Và đọc tới đây, mình mong rằng các bạn sẽ có lựa chọn đúng đắn cho chính bạn. Bác sĩ không hề đẹp, cái giá phải trả là cả thanh xuân của chính các bạn, nếu không vì đam mê, điều đó sẽ là địa ngục chôn vùi các bạn. Dĩ nhiên, có những điều tuyệt vời chờ đợi khác để bạn khám phá, nhưng câu hỏi trước tiên có lẽ là:
“Bạn có chấp nhận cái giá phải trả để học Y không? Liệu có xứng đáng?”