Trong chứng khoán hay bất kỳ lĩnh vực nào đi chăng nữa, không có ai quá giỏi đến nỗi không cần phải cải tiến chính mình. Thế nhưng, công sức mà chúng ta bỏ ra lại tỷ lệ nghịch với những nỗ lực nếu chúng ta thực hiện sai cách.
Nhắc đến các khóa học chứng khoán, tôi lại cảm tưởng đến những phương pháp “đỉnh cao” làm giàu qua chứng khoán, các chiến lược đầu tư chiến thắng thị trường, rồi các lớp học về Phân tích kỹ thuật, những tiếng vỗ tay rầm rào…
Các khóa học làm giàu, học đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, marketing, kỹ năng mềm,v.v có khắp trên mạng xã hội. Thực sự, không dám nói tất cả đều không có giá trị, có biết bao người mà tôi tự coi là thầy đã dạy cho tôi cách Tư duy đúng đắn để nâng cao trình độ kỹ năng cả về chuyên môn lẫn trong cuộc sống…
Nhưng hầu hết, họ không xuất hiện ở các khóa học, tôi tìm thấy họ qua Internet, rất ít người biết đến họ, mặc dù chúng luôn miễn phí và dễ tìm kiếm. Ít nhất tôi nhận thấy được họ có chân thành hay không.
Chưa đề cập đến chất lượng của khóa học, đôi khi có những điều sai lầm lại được truyền dạy một cách bền vững, chẳng hạn như trong một lớp học Tiếng anh, một bức tranh đẹp đẽ được đưa ra: mỗi ngày học được 10 từ, một năm sẽ là 3600 từ ?! Thật sai quá sai, bạn sẽ chẳng bao giờ làm được như thế khi mà chỉ nạp vào mà không ôn lại một cách thường xuyên và nhuần nhuyễn, nếu không có sự lưu đọng, thì sẽ không bao giờ có sự củng cố, bạn sẽ quên sạch sành sanh trước khi số từ vựng được cải thiện lên một trăm từ chứ đừng nói là hàng nghìn..
Quay lại vấn đề, vậy thì để biết được có nên tham gia học hay không, các bạn nên tự đặt ra vài câu hỏi sau đây:
Khóa học đó có đắt đỏ không?
Người dạy khóa học đó có hứa hẹn rằng bạn sẽ tìm ra con đường giàu có dễ dàng sau khóa học ngắn ngày đó hay không?
Những thứ mà họ giới thiệu sẽ dạy cho bạn có thể tìm kiếm được trên mạng hay không?
Sau khi ngẫm về các câu đó xong, mà câu trả lời đều là Có, hãy tự hỏi tiếp:
Công việc chính của người dạy khóa học đó là gì? Liệu thu nhập chính của anh ta có phải đến từ việc đi dạy?
Nếu anh ta biết được con đường giàu có dễ dàng thì tại sao anh ta lại kiếm thu nhập chính từ việc đi dạy, thay vì đầu tư chứng khoán, bất động sản, kinh doanh full-time như anh ta nói?
Có lẽ khóa học này thật sự rất bổ ích đấy, nhưng mà sao lại quảng cáo mạnh mẽ vậy nhỉ? họ tha thiết được truyền đạt kiến thức cho ta đến vậy sao? Nếu thực sự muốn giúp các khách hàng của mình thì tại sao giá khóa học lại đắt đỏ vậy?
Nếu các bạn ngẫm lại, rồi trả lời được các câu hỏi trên, thì tôi tin rằng các bạn đã tự có lời khuyên cho mình. Vẫn có đâu đó những khóa học, những buổi chia sẻ rất hữu ích từ những người thành công, những vị lãnh đạo doanh nghiệp đáng kính.
Chúng ta nên cân nhắc số tiền mình bỏ ra và giá trị mình thu lại. Chuyện này cũng giống như đầu tư vậy, tinh thần tư duy độc lập – không bị ảnh hưởng bởi các lời mời chào quảng cáo – là vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, tại sao chúng ta không thách thức bản năng tò mò khám phá của mình, tiếp cận nguồn tri thức khổng lồ trên Internet và tự cải thiện bản thân lên tầm cao vô hạn? Cảm xúc của chúng ta thường ưu ái cho việc dành nhiều thời gian và tiền bạc để vui chơi, khiến chúng ta quăng tiền vào những thứ vô nghĩa nhưng lại huyễn hoặc chúng ta rằng đang tích lũy kinh nghiệm. Bên cạnh đó, bạn có phải là người có thói quen đọc sách? Nếu không phải, hãy thử đọc sách đi trước khi bỏ tiền để tham gia bất cứ khóa học nào.
Như Zig Ziglar nói, “những gì bạn thu nạp vào sẽ xác định triển vọng của bạn. Triển vọng của bạn sẽ xác định kết quả đầu ra của bạn và kết quả đầu ra sẽ xác định tương lai của bạn.” – Điều đó có nghĩa là, hãy cân nhắc những gì mà bạn sẽ thu nạp vào tâm trí, khắt khe hơn với chúng và thiết lập một Trật tự trong lối Tư duy:
Chỉ tiếp nhận thông tin vào đầu thì không phải học hỏi. Phải có một sự thay đổi trong hành vi, không thì vấn đề sẽ không bao giờ được hiểu tường tận. Sự khác biệt giữa tri thức và trí tuệ là việc trí tuệ có thể ứng dụng tri thức một cách đúng đắn.
Kiến thức không phải là sức mạnh – đó là sức mạnh tiềm tàng. Kiến thức chỉ trở nên mạnh mẽ khi nó được áp dụng đúng và trở thành trí tuệ, kinh nghiệm và sự hiểu biết.
Điều đó có nghĩa là, nếu tò mò hãy cứ thử tham gia các khóa học đó đi, nhưng đừng quên nhận định lại chúng.
Suốt hàng chục năm kinh nghiệm của tôi, không hề có một phương pháp làm giàu nào trên phố Wall dễ dàng, nhanh chóng và bền vững cả. – Benjamin Graham.
T.S. Elliot từng có câu hỏi: “Sự khôn ngoan chúng ta đã đánh mất ở đâu trong kiến thức? Đâu là kiến thức chúng ta đã đánh mất trong thông tin?” – Chúng ta đang sống trong nền kinh tế thông tin. Thông tin không khan hiếm. Thông tin đã thực sự trở thành một trong những phiền nhiễu lớn nhất trong môi trường hiện tại của chúng ta.
Dành thời gian để tiếp nạp thông tin sẽ không làm bạn khác biệt trong môi trường ngày nay. Tìm và lọc thông tin phù hợp giữa biển thông tin này, sử dụng thông tin đó để tạo ra kết quả tốt hơn là cách bạn trở nên nổi trội, khác biệt hơn trong thế giới này.
Và đừng áp dụng lặp đi lặp lại các thông tin đó một cách cố định, hãy tùy biến nó với mỗi hoàn cảnh và con người khác nhau – nơi mà toàn bộ trở nên khác biệt so với tổng các bộ phận của nó.
Cách học thực sự đúng đắn là cách bạn khơi lại bản chất gốc rễ của vấn đề dựa vào chính tư duy của mình. Ngày nay với môi trường mạng lưới thông tin bao phủ, tất cả những gì được truyền đạt đều xuất phát từ kinh nghiệm được đúc kết lại, song lại được học hỏi theo khuôn mẫu sẵn có. Cách tốt hơn để nâng cao trình độ là sự ôn lại, hầu hết các độc giả khi đọc bài viết trên các blog hay xem video trên các kênh Youtube đều chỉ quan tâm đến những nội dụng mới nhất được đăng tải. Đừng làm như vậy, hãy xem lại, đọc lại và nghiền ngẫm lại những gì đã học được, bởi nếu không áp dụng hiệu quả những gì đã học vào thực tiễn, thì cũng giống như bạn chưa học được thêm gì cả.
Lời khuyên cuối cùng, hãy kiên nhẫn, trong chứng khoán, sự thông minh của bạn không đủ để giải quyết được vấn đề, hãy kiên nhẫn, trải qua và chiêm nhiệm, ý thức nó là môn học cả đời và tinh thần tự học luôn quan trọng hơn hết thảy sự bị động nào…