Dịch từ bài của Pamela Petro trên Guernicamag
---
Chùm ảnh Hoàng hôn “Tam liên ảnh sọc ngang”, 2015.  Ta bảo hoàng hôn “giáng hạ”, nhưng nơi bờ biển Nova Scotia, giương ra biển và vào chân trời xa khuất, hoàng hôn dường như lướt ngang giữa trời và biển. Quả thực cảnh tượng ấy trông như thể có rất nhiều đường chân trời đa sắc độ, thu mắt chúng ta vào một bảng màu nhập nhèm giữa sự bất định và sáng tạo. Trời, biển, và trí tưởng tượng quyện vào thành một trình diễn thống nhất không thể tách rời.
Lúc này là chiều muộn cuối tháng Chín và lá cây vừa chớm úa. Màu tựa lửa và than hồng; những bóng ngả cuối ngày đổ dài vào các hốc đêm sâu thẳm. Khu rừng gợi tưởng, ẩn dụ, và như cổ tích, ngay phía ngoài cửa phòng sáng tác - lúc nào cũng nhập nhòe đến bực. 
Đó là nhiều năm trước, trước khi xảy ra trận đại dịch biên cải toàn bộ cuộc sống thân quen của chúng ta, và tôi khi ấy đang trú ở Khu lưu trú sáng tác MacDowell tại Peterborough, New Hampshire. Tôi ở đó để viết, và tôi quả tình đã viết, cần mẫn, suốt cả ngày trời. Nhưng vừa trước hoàng hôn, tôi lại bắt đầu hành xử như nàng chó đang sắp được ra ngoài trời. Tôi uốn duỗi chân tay, ngồi lên, bước quanh, mắt láo liên, cần phải làm một thứ chi đó mà não không thể nào xác định. Chuyện này xảy ra hàng ngày, nhưng lúc nào cũng chực trờ tới mà tôi chẳng hay biết trước.
Tôi cần không khí, cần chuyển động, để ngừng suy nghĩ, để bắt đầu rảo bước, để bắt đầu kiếm tìm. Trước khi lao thẳng ra ngoài để vào rừng thẳm, tôi chộp lấy áo khoác và máy ảnh. Và khi ấy tôi tự do bước đi trên mạng chằng chịt những con đường đất ở khu sáng tác tới khi tiếng chuông đổ gọi về ăn tối.
Tôi thấy mình cực kỳ may mắn. Tôi có mặt ở vùng New England hẻo lánh, phía Bắc vào ngay cao điểm “mùa ngắm lá”, và các sắc nào đỏ, nào vàng, và cả nhất là sắc cam hồng lóng lánh, sáng rực của lá phong dường như van nài được chụp ảnh. Nhưng các tấm tôi chụp gần như lúc nào cũng bị out nét. Tôi nghĩ là do mình không thấy thật ngạc nhiên trước chúng. Vào thời gian đó trong ngày, tôi đã bắt đầu lác mắt, trong lúc tìm cách nhìn cho tỏ những bóng linh sam bằng lý trí và lý tính. Đó là quãng thời gian mà suốt đời mình, tôi cứ tiện miệng gọi là hoàng hôn. 
Rồi khi ở MacDowell, tôi dần hiểu rằng hoàng hôn không hề là cái đơn phương diễn ra như tôi hằng tưởng. Hoàng hôn giống một quá trình hơn - một cơn sóng chậm chạp và lặng lẽ. Sau chuyến đi ngày hôm đó, tôi đã tìm hiểu đôi chút và nhận ra rằng hoàng hôn và chạng vạng là hai thứ khác nhau. Có ba giai đoạn xảy ra chạng vạng: chạng vạng nghĩa thường xảy ra khi mặt trời lặn. Trong giai đoạn này ta vẫn có thể nhìn thấy các vật thể và màu sắc, thêm dăm ba ngôi sao và hành tinh gần đường chân trời. Trong chạng vạng hàng hải, các ngôi sao sáng lên và các vật thể trên mặt đất bắt đầu càng lúc càng khó phân biệt. Và cuối cùng, chạng vạng thiên văn đánh dấu thời khắc mặt trời không còn can thiệp vào quan sát trời đêm của chúng ta. Tức là tối mò. 

Chùm ảnh Hoàng hôn “Bộ đôi khởi nguyên”, 2014-15. Ảnh bên trái chụp vào mùa thu trong rừng New Hampshire, ghép đôi với ảnh bên phải, chụp ở Aberaeron, Wales, nhằm tượng trưng cho trạng thái ưu việt của hoàng hôn, thời điểm một ngày bắt đầu với người Celt cổ đại. Ở đây các màu chính - đỏ, vàng, xanh dương - quyện với màn đêm tất yếu, khi các tông màu chuyển từ phân sắc của hoàng hôn thông thường thành bức nền xanh gần màu nước biển của trăng lên.
Thời điểm cuối cùng của từng chu kỳ kia được gọi là hoàng hôn. Do đó sẽ có hoàng hôn thông thường, hoàng hôn hàng hải và hoàng hôn thiên văn. Tôi không thể kể với bạn đã trải qua hoàng hôn nào ở lần đầu bắt gặp tại MacDowell - quả thực, các giai đoạn kia chồng chéo lên nhau. Hoàng hôn, hóa ra, chỉ là một kiến tạo mang tính tương đối. Mép rừng có thể hãy còn trong hoàng hôn thông thường trong khi bên trong rừng lại đang trong chạng vạng thiên văn. Dẫu vậy, lúc lang thang trong rừng ở MacDowell, tìm cách cố định kính ngắm vào sắc lá thu điển hình, tôi đổ bực. Tôi không mang theo chân máy, cũng chẳng có thiết bị chụp ảnh nào có thể hỗ trợ chụp trong ánh sáng yếu. Tất cả tôi có chỉ là thất vọng.
Vào ngày thứ ba chụp ảnh bất thành, tôi nổi đóa. Sau khi buông màn trập, tôi vung máy ảnh lên xuống liên tục, như dạy nó một bài học. Có lẽ tôi nom như một con chim to bự kỳ quái nào đó, đang cục cà cục cạch ở mép rừng.
Hóa ra như thế lại vui. Tôi cứ như vậy lặp đi lặp lại.

Chùm ảnh Hoàng hôn “Tam liên ảnh rừng”, 2014-2018. Lúc hoàng hôn, điều ta biết trộn vào điều ta đoán hay tưởng tượng - thậm chí lo sợ. Cái chắc chắn xảy ra lúc 4h chiều vào mùa thu New England vẫn hệt như vậy lúc 5h chiều, nhưng trong bóng tối kéo dần tới cảm giác đầu vào của tâm trí bắt đầu bị lu mờ trước những khả năng sáng tạo hơn; mắt có thể bảo đó là thân cây, trong khi não lại nghĩ: gấu ư? Lúc này trí tưởng tượng sẽ vươn tới gốc của thân cây nằm rạp, những gốc trơ bị nắng táp, một chiếc lá phong vướng vào mạng nhện, và sản sinh ra những khu rừng ma mị trong cổ tích.
Tôi kinh ngạc khi chứng kiến thành quả của tối hôm đó, nom như những tảng màu trừu tượng hơn là ảnh chụp. Tựa như tôi đã tạo ra một thứ phép màu tình cờ nào đó bằng ánh sáng và chuyển động. Tôi chưa hề chụp những gì tôi nhìn thấy trong hình, mà chụp cái thời khắc trí tưởng tượng của tôi dịch chuyển trong nhá nhem nhập nhoạng, rướn tới khu rừng nửa tối nửa sáng xung quanh. Cái khoảnh khắc của kết thay vì tụ. Một khoảnh khắc “bất khả cảm nhận”, theo cách thi sĩ Scotland Annie Boutelle từng viết trong bài thơ Chuyển giao, mà “ta cảm nhận.”
Tôi hoàn toàn phủ phục. Càng đi, tôi càng có thêm nhiều bức ảnh chụp hoàng hôn: ở Oregon, ở Nova Scotia, ở rừng Amazon, ở suốt vùng New England, và nhất là ở Wales.

Chùm ảnh hoàng hôn “Tam liên ảnh Wales”, 2015-2016. Ảnh chụp cấu thành bộ Tam liên thể hiện cảnh đồng nội xứ Wales, một trong những lãnh thổ nghèo nàn nhất Tây Âu, nơi sự bền vững, tương tự như rừng Amazon ở Brazil, nhắm vào sự bảo tồn bản dạng văn hóa và ngôn ngữ dân tộc với tầm quan trọng chẳng kém việc bảo tồn sinh quyển. Bộ Tam liên muốn thể hiện về một tiêu chuẩn thân thiện môi trường, tấm áp phích của sinh thái học chính trị.
Wales là một lãnh thổ nhỏ bé chiếm lấy một phần lớn cuộc đời tôi. Tôi tốt nghiệp trung học ở vùng nông thôn phía Tây Wales, nơi chẳng mấy chốc trở thành một trong những nơi chốn tôi cảm thấy thoải mái vô ngần trên khắp hành tinh này. Tôi chỉ giao tiếp nhát gừng tiếng Welsh; tôi dạy ở đó vào mỗi mùa hè; và sau bảy năm trời tôi cũng vừa hoàn thành một hồi ký mỏng về những trải nghiệm đã qua tên gọi Đồng dài: Hồi ký, Wales, và Hiện diện của thiếu vắng. Chính trong thời gian viết tôi được biết thêm về khái niệm dải không gian và thời gian của người Celt xưa.
Tôi sẽ nói tiếp về khái niệm ấy trong chốc lát. Nhưng trước tiên, tôi mong các bạn hãy nghĩ về sự bất toàn-vẹn của hoàng hôn. Như những tàn tích, những câu đố, hoàng hôn mời gọi chúng ta tham dự. Hoàng hôn là lời mời tưởng tượng tự sơ khai của hành tinh này.
Bóng tối che khuất còn ánh mặt trời vén lộ, nhưng hoàng hôn - cái thời khắc chuyển tiếp sáng tối - lại mấp máy bao hé gợi. Ta biết đâu trông thấy một con rắn thì sao, hoàng hôn bảo cùng Eva. Hay đó có lẽ chỉ là một nhành cây. Bạn nghĩ đó rốt cuộc là gì?
Tôi ngẫm về hoàng hôn như chốn tạm thời nơi kẻ đi săn và con mồi bắt gặp và chan hòa với nhau. Là thời điểm trong ngày - hay trong đêm nhỉ? - khi thế giới khả nhận trở thành một phương trình: một nửa là chúng ta, một nửa ngoài kia. Một nửa phát kiến của loài người, nửa còn lại là sự cố chấp của môi trường. Một thời điểm hỗn độn. Một thời điểm gồm thâu vào tất cả.

Chùm ảnh hoàng hôn “Tam liên ảnh New England”, 2014. Hoàng hôn thường quét qua đất liền như một con sóng khoan thai, cuộn tròn, nhuốm xanh mặt đất cũng như hăm hở như nhuộm xanh đại dương. Những hình ảnh kia được nhuận những sắc xanh biển cả, cho dù nơi chụp ảnh cách bờ hàng trăm dặm. Bức ở phía trên bên trái chụp lại cảnh tuyết phủ lên hốc một cây cự sam, còn ảnh bên phải chụp một cánh đồng khuất phục trước bóng đêm, chỉ còn ánh sáng nhấp nháy từ một tháp vô tuyến tít đằng xa. Bức ảnh khổ lớn bên dưới chụp ở vùng rừng thưa MacDowell. Đường kéo ngang của máy ảnh và màu xanh hoàng hôn hàng hải cùng hợp sức để khiến cây cối như đang xuất hiện dưới mặt nước.
Đây là những gì tôi học được ở Wales: Người Celt thời Đồ sắt xem hoàng hôn là buổi bắt đầu mỗi ngày, thời khắc có tầm quan trọng vô song. Hoàng hôn là thời điểm họ gọi là lát thời gian, khi thế giới khả kiến và bất khả kiến xâm lấn lấy nhau và tạo thành những kẽ hở. (Họ còn tin rằng tồn tại những lát không gian - chẳng hạn những cự thạch thời Tân đồ đá - ở đó người trần có thể băng vào vùng đất của thánh thần và người chết, và ngược lại)
Tôi cảm thấy cách hình dung về những lát không gian và thời gian vô cùng hiệu quả để gợi về những khả năng biểu đạt ẩn dụ hơn là những từ ngữ thông thường. “Các lát không gian và thời gian xuất hiện,” theo học giả và giám tuyển người Ireland Ciara Healy, “khi các thế giới biệt lập mà chúng ta đồng-cư ngụ lồng vào nhau và đồng hiện trong tâm trí chúng ta.” Hay, cũng theo cách diễn đạt của bà, “là lúc chúng ta có thể mang nhiều thế giới quan cùng một lúc.”
Tôi yêu sao cách nói này: Lúc chúng ta có thể mang nhiều thế giới quan cùng một lúc.
Chính đặc điểm xắt lát của hoàng hôn là thứ uốn nắn tâm trí chúng ta tới sự thấu cảm với môi trường, cũng là thứ khiến tôi hứng thú nhất. Trong tranh tối tranh sáng, nhiệm vụ giản đơn phải nhìn thấy bằng được đòi hỏi ta vừa phải bước vào tự ngã - khi ký ức và tưởng tượng bồi cho những gì mắt không nhìn thấy - và vừa bước ra khỏi bản thân để cẩn trọng lần dò cái thế giới khác hữu hình xung quanh. Hoàng hôn tựa như một tư thế yoga; ta phải vừa co vừa duỗi đồng thời. Nhìn từ lăng kính này, hoàng hôn đòi hỏi chúng ta toàn tâm toàn ý hòa mình vào cảnh vật nơi nó xảy ra.
Qua phong cách bán trừu tượng, chùm ảnh “Hoàng hôn” gợi trở lại chính cái cảm giác thâm nhập ấy, tóm chặt đồng thời cả ký ức, trí tưởng tượng lẫn năng lực quan sát của kẻ đang chiêm ngưỡng.

Chùm ảnh hoàng hôn “Tam liên trừu tượng”, 2015-17. Hoàng hôn còn có thể rất giỏi xóa nhòa khác biệt. Ở chùm ảnh này nó thống nhất hai địa điểm cách xa nhau về địa lý: bên trái, một nhành cây trên những ngọn đồi tây Massachusetts, còn bên phải, dòng Rio Negro ở rừng Amazon. Hoàng hôn và chuyển động của máy ảnh khiến đất tĩnh và nước động hòa thành những hình dạng mềm mại, trừu tượng, không còn nhìn thấy màu sắc bởi ánh sáng đang lịm dần.
Ảnh chụp hoàng hôn cho ta thấy những mối quan hệ thoảng nhìn giữa ngày và đêm, giữa chủ tâm quan sát và cảm tính đón nhận, giữa sáng và tối, kẻ đi săn và con mồi, chủ thể và khách thể. Chúng khiến cái vô hình, hữu hình, tạo vóc cho cái trải nghiệm cắt lát, chuyển giao mà ta có thể bắt gặp hàng ngày, khi chỉ việc bận tâm tới nó. Nhưng chúng không chỉ dừng lại là nơi cưu mang trí tưởng tượng lãng mạn của ta. Tôi xem các bức ảnh kia như biểu trưng của của sự hòa hoãn về sinh thái, định vị cảnh quan như một đối tác của con người giữa một môi trường tổng thể. Trong bối cảnh vừa nêu, ảnh chụp hoàng hôn cương quyết muốn tái định vị cái nhìn của con người bên trong tự nhiên giới, kể cả khi đã ngầm công nhận Kỷ Nhân sinh tất yếu tiến lại gần, nhờ vào ống kính máy ảnh đã tạo nên chúng.
Ấy thế mà, chúng vẫn cứ là ảnh chụp. Và dẫu ảnh chụp không thể ngăn chặn các đám cháy đang hừng hực ở Amazon, các ẩn dụ về ảnh chụp lại vừa hữu ích vừa tuyệt mỹ. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng ánh nhìn hết sức ý nghĩa; không chỉ là ghi chép thụ động, mà còn là tham dự chủ động vào một quá trình ngắn ngủi. Nếu chúng ta chứng tỏ bản thân ta có thể có nhiều hơn một quan điểm đồng thời - quan điểm của bản thân và lý thú hơn, quan điểm của khu rừng, đồng cỏ, dòng sông, biển cả, bầu trời, non núi nhìn ngược trở vào ta - có lẽ khi ấy nghệ thuật sẽ có một vai trò trong việc, biết đâu, xốc vác cho cuộc đấu tranh  chống lại thay đổi khí hậu. Như nhà báo/nhà phát minh/tiểu thuyết gia Jonathan Ledgard từng nói về những thách thức trước mắt trong cuộc chiến chống ấm lên toàn cầu, nằm giữa những thảm họa nhân-sinh khác, “thứ duy nhất khác biệt chính là hãy tham gia vào một hướng đi tưởng tượng.” Và gợi ý này có thể bắt đầu bằng một cách giản đơn: hãy quan sát.

Chùm ảnh hoàng hôn “Tam liên ảnh Amazon”, 2015. Gấp đôi diện tích Ấn Độ, Châu thổ Amazon chứa trong mình khu rừng nhiệt đới rộng lớn nhất thế giới, nguồn đa dạng sinh học lớn nhất hành tinh. Châu thổ cung cấp hơn 20% lưu lượng nước của đại dương. Nó còn là một trong những địa điểm bị đe dọa nhiều nhất trên Trái Đất. Các bức ảnh được chụp ở Rio Negro tại Brazil vào thời điểm ánh sáng suy yếu chuyển hóa sự đa dạng thành đồng nhất, nhưng đồng thời lại cho thấy cả một quần thể thoáng qua trong cái chớp mắt dài cả một đời người.
Tôi chụp chỗ ảnh trên từ một chiếc xuồng vượt địa hành trên dòng Rio Negro, trên chuyến ngược thượng nguồn kéo dài hai ngày từ thành phố Manaus. Một kiểu hoàng hôn nào đó đang ùa về, phủ đen sự tĩnh lặng của thời gian cho tới khi mặt nước phản sáng như một tấm gương. Chúng tôi có thể nhìn thấy tất cả tới hai lần - bầu trời và bóng của nó; những con cá sấu caiman trên bờ sông cùng với phản chiếu của chúng trên mặt nước; cây cối rậm rạp ven bờ nước, xập xòa trên dòng sông - nhưng tất cả đều biến mất cùng ánh sáng đang lịm. Ai nấy trên chiếc xuồng vượt địa hình như tụm lại một cách tập trung. Chúng tôi vừa ra sức nhìn vừa ra sức tưởng tượng hết sức - có phải đó là một con cá sấu, hay khúc cây? Một khúc cây, hay một con cá sấu? - quá nhiều tới nỗi, dù có để xử lý bằng thị giác hay không đi chăng nữa, trải nghiệm ấy cũng tạc khắc vào chính mỗi chúng tôi và càng thêm mãnh liệt nhờ bởi tất cả những bất định mà nó gợi nên. Và ngày hôm sau không ít kẻ trong số chúng tôi thậm chí còn vì nó tìm đến sách tham khảo.
Cái mà những hình ảnh hoàng hôn ngày đó tóm bắt được trên dòng Rio Negro trong khi những bức ảnh chụp truyền thống của tôi không thể chính là sự cương quyết đối với tính nhất thời. Ảnh chụp gìn giữ một khoảnh khắc và mang nó ra khỏi thời gian. Ảnh hoàng hôn làm ngược lại: chúng hiển lộ ra dòng thời gian và sự bất toàn canh cánh của chính trải nghiệm. Bờ sông mập mờ hòa màu hoàng thổ hồng nhạt của đất với sắc xanh hằng hữu của cây cỏ ven sông bên bờ, biến sự tôn vinh đa dạng sinh quyển vĩ đại nhất hành tinh thành một chỉnh thể rõ rệt. Nghịch lý thay, chính trạng thái ấy lại đâm xuyên vào trí tưởng tượng của tôi, lôi tôi vào mỗi lần chứng kiến, gợi trở về sự trác tuyệt mà tôi từng cảm thấy vào thời khắc trước đây, nhắc nhở với tôi về sự phù du, triển hạn của Amazon, về sự phù du và triển hạn của chính tôi, và của chính cái không gian mà hai chúng tôi tạm chung sống với nhau. Một chủng loại có “nơi cư trú” miên viễn trong thời gian và không gian. Một chốn tạm thời.
Tất cả mọi hình ảnh hoàng hôn đều nhằm về thời gian. Trên dòng Rio Negro, và trong tất cả những nơi mà tôi chụp, mỗi khi mở cửa trập và di chuyển máy ảnh lên xuống, hay về hai bên, hay thành vòng tròn, ảnh số đã trở thành một quá trình thay vì một khoảnh khắc - một thứ quá trình mà tôi chỉ có thể tiến hành trong một không gian cơ hội hết sức nhỏ nhoi. Mỗi khi tôi bước vào chạng vạng thông thường, nó lụi thành hoàng hôn, và những chạng vạng sau đó và kế tiếp, thế giới cứ xám dần đi và trổ nhiễu để rồi tan biến ngay trước mắt. Bóng tối lúc nào cũng đến nhanh quá đỗi.

Chùm ảnh hoàng hôn “Tam liên ảnh ánh sáng lịm”, 2015. Ba bức ảnh chụp quan sát những điều kiện tương tự giữa ánh sáng và hoàng hôn đang kéo tới ở những địa điểm khác nhau. Ảnh bên trái chụp tại Coast Range Forest có diện tích nửa triệu mẫu ở Oregon, nơi 100 năm trước vẫn còn là một khu rừng hoàn chỉnh hiện diện suốt 3000 năm, giờ đã bị đốn hạ gần hết và đang được trồng trở lại. Ảnh bên phải chụp tại rừng Tŷ Canol ở Pembrokeshire, Wales, một vùng rừng nguyên sơ hiếm hoi diện tích 170 mẫu, chưa từng được ai đặt chân vào kể từ lần đóng băng gần nhất. (Wales trong thời Trung Cổ gần như không hề có một khu rừng nào.) Cả hai đều đầy ắp những thân, cành, rêu, địa y, rước hoàng hôn thiên văn vào bên trong giữa lúc hoàng hôn thông thường chỉ vừa bắt đầu kéo tới. Ống kính của tôi chụp thấy những mảng ánh sáng ban ngày cuối cùng xuyên qua tán cây và gộp vào nhau hai trải nghiệm thời gian nhất thời.
Tôi cũng nhận thấy, như một ẩn dụ - trải nghiệm ấy được vang vọng bởi chính những hình ảnh mờ nhòe kia. Khi chụp ảnh, một ý nghĩ bám theo tôi, và tái diễn khi tôi nhìn thấy chúng trên máy tính: Nếu như con người có thể trải qua thời gian địa chất, những tấm ảnh kia hẳn có thể là những thứ chúng ta nhìn thấy trong một chớp mắt kéo dài qua mấy kiếp người. Và nếu như vậy, chẳng phải chuyển động của trái đất ghi lại chúng, mà là chuyển động của chính chúng ta. Chính chúng ta mới là những thứ đang di chuyển, lướt ngang qua.
Đó quả là một ý nghĩ bồng bột, nhắc nhở chúng ta rằng khi hãy còn hiện hữu ở đây, chúng ta hãy còn một lựa chọn trước mặt; không phải về những gì ta chứng kiến, mà là cách chúng ta chứng kiến. Một lựa chọn tái định vị ánh nhìn của loài người như một thứ có quan hệ chặt chẽ, bị kiểm soát, như những khu rừng và con sông và đồi núi và biển cả, bởi chính những sức mạnh đang cai trị hành tinh chúng ta. Như một phần mối quan hệ chẳng ưu tiên thế gian cũng chẳng ưu ái thế giới quan của chúng ta, mà dám tưởng tượng về cả hai đồng thời chung sống trong một không gian sáng tạo, cảm thấu lẫn nhau. Cái không gian ở giữa. Nếu đây là một chọn lựa chúng ta có thể chủ động, một không gian có thể dựng nên, có lẽ hoàng hôn một lần nữa sẽ trở về vị trí khởi đầu của một ngày.

Chùm ảnh hoàng hôn “Tam liên ảnh dần sáng”, 2015. Như bộ trước, ảnh chụp ở đây ghép chung rừng Tŷ Canol, bên trái, với rừng Coast Range, bên phải. Trong cả hai bức ảnh hoàng hôn đang làm sẫm dần không gian bên trong rừng, thế nhưng bên ngoài thì mặt trời đang tỏa vừa thấp lại vừa rực rỡ, hãy còn tươi rói. Cái ánh hừng màu lục nhạt, gần như nguyên sơ tạo bởi những mành lá và rêu khiến cho cả hai địa điểm cách xa nhau bỗng giống hệt nhau. Lại một lần nữa, hoàng hôn xóa tan khác biệt về nơi chốn, cao độ, và cả mùa, tạo ra một tương đồng để ta nom sóc, và dự phần, với môi trường. Ảnh ở Oregon chụp lúc 6 giờ chiều tháng Tám, trong khi ở Wales vào khoảng 10 giờ tối tháng Sáu.
Chú thích: Toàn bộ ảnh tạo ra ngay bên trong máy ảnh, hoàn toàn bởi ánh sáng và chuyển động. Không hề qua chỉnh sửa kỹ thuật số.
k.