Hoa hậu bán dâm: không chỉ là tiêu cực
Dạo gần đây, dân tình xôn xao trước thông tin về đường dây mua bán dâm toàn hoa hậu, người mẫu với giá lên tới hàng chục nghìn đô....
Dạo gần đây, dân tình xôn xao trước thông tin về đường dây mua bán dâm toàn hoa hậu, người mẫu với giá lên tới hàng chục nghìn đô. Hình ảnh của một cô hoa hậu cũng được đưa lên mạng xã hội cho bàn dân thiên hạ “ chiêm ngưỡng”. Bài viết này xin phép nói luôn sẽ không đưa ra bất kì lời phán xét nào, không đóng góp tiếng nói để phê phán cá nhân hay tổ chức nào, mà chỉ muốn nhìn mọi thứ theo con mắt ngây thơ của một “ cậu bé” rất mê những cô gái xinh đẹp.
Hoa hậu là gì ?
Danh từ này thực sự rất quen thuộc, nhưng có ai thực sự hiểu hết ý nghĩa của nó không. Theo một bài viết đăng trên báo điện tử Dân trí, từ hoa hậu được chia ra làm hai phần đó là “ Hoa” và “Hậu”. "Hoa" chỉ nhan sắc bởi người phụ nữ thường được ví von đẹp như hoa. Trong văn học cổ, các thi nhân cũng hay dùng hình ảnh đóa hoa để tả về vẻ đẹp của người phụ nữ:
“ Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
“ Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình”
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình”
Đó là từ những thời xa xưa còn ngày này, ít khi một cô gái được ví xinh như hoa nhưng có thể khẳng định từ “ Hoa” trong từ hoa hậu là một mỹ từ chỉ vẻ đẹp người con gái, chỉ con gái thôi chứ không dành cho con giai đâu nha các ông. Còn từ “Hậu” lấy trong từ hoàng hậu chỉ người phụ nữ quyền lực. Vậy khi ghép hai từ lại, có thể hiểu hoa hậu là từ dùng để chỉ một người phụ nữ đẹp cả về ngoại hình lẫn tâm hồn, và phải có kiến thức sâu rộng.
Từ đó, danh từ hoa hậu dùng để chỉ tên một cuộc thi sắc đẹp và người đứng đầu cuộc thi đó cũng được gọi là hoa hậu, lúc này nó trở thành một danh xưng vô cùng mĩ miều. Nếu ai còn có cách hiểu nào khác hay hơn có thể chia sẻ giúp tôi mở mang đầu óc. Còn tôi nói rồi, tôi nhìn bằng con mắt ngây thơ của một cậu bé mê những cô gái xinh đẹp nên cái sự hiểu của tôi về hoa hậu nó đơn giản lắm. Tôi hay nghe và rất thích nghe một bài hát đã rất cũ, trong đó có những câu như thế này:
“ Kìa đêm nay, bao nhiêu gã si tình
Thành đá ngây dại vì dáng em…”
Thành đá ngây dại vì dáng em…”
Bài hát này được sáng tác cho cuộc thi “ Hoa hậu Việt Nam”, cuộc thi người đẹp có thể nói là lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Câu hát thì dễ hiểu rồi, ai khi nhìn thấy phụ nữ đẹp chả si mê chứ cứ phải là những gã si tình đâu. Tôi nhớ là rất rất lâu rồi, lúc ấy tôi mới học cấp 1 là cùng, buổi tối hôm đó thì ti vi đang phát cuộc thi hoa hậu, đúng phần thi áo tắm luôn. Tôi nhấn mạnh là tôi sẽ không bao giờ quên cái cảm giác đó đâu, tôi dán mắt vào ti vi không rời nhìn những cô gái ( chắc bây giờ tôi phải gọi là cô hoặc bác) trình diễn bikini cùng giày cao gót, nụ cười cùng thân hình tuyệt mĩ của họ khiến cho cả một đứa trẻ lúc đó dù ngồi yên nhưng lòng không yên. Còn đến giờ sau bao năm, tôi đã lớn lên, tôi cũng sẽ mặc kệ những ai phản đối phần thi áo tắm trong một cuộc thi hoa hậu, cảm xúc của tôi vẫn sẽ như vậy thôi. Với tôi, hoa hậu là “ những nàng tiên” bước ra từ truyện cổ tích.
Cung cầu và sự chụp mũ
Tôi có vừa nhắc đến tên của một cuộc thi hoa hậu: đó là “ Hoa hậu Việt Nam” hay mới đầu có tên gọi “ Hoa hậu báo Tiền Phong” vì tờ báo này đứng ra tổ chức cuộc thi từ năm 1988 cho đến nay. Đây là cuộc thi người đẹp có lịch sử lâu đời nhất của Việt Nam, được đánh giá cao cả về uy tín và chất lượng chuyên môn. Có rất nhiều cái tên nổi tiếng để lại những ấn tượng trong lòng khán giả: Hà Kiều Anh, Phạm Mai Phương, Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thúy, Đỗ Mỹ Linh, Trần Tiểu Vy … đều bước ra từ cuộc thi này.
Còn bây giờ, có bao nhiêu cuộc thi người đẹp có ai kể được hết tên không. Ví dụ như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu thế giới người Việt, Hoa hậu quý bà, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu biển Việt Nam, Hoa hậu đại dương, Hoa hậu người Việt hoàn cầu, Hoa khôi duyên dáng doanh nhân Việt, Hoa hậu doanh nhân thành đạt hoàn cầu, Hoa hậu doanh nhân Việt Nam, Hoa hậu tài năng duyên dáng toàn cầu, Nữ hoàng trang sức, … Nhiều lắm, thôi mệt quá không kể tiếp nữa đâu.
Điều đáng nói ở đây, là có nhiều cuộc thi, tuy nhiên có cuộc thi được cấp phép nhưng bên cạnh đó có rất rất nhiều cuộc thi mà chỉ đến khi những bê bối như mua giải, gạ tình, hay hoa hậu đi bán dâm như tôi đã đề cập ở phần mở đầu lộ ra thì người ta mới biết nó không được cấp phép, những cái tên của những cuộc thi cũng trở nên rất xa lạ và đương nhiên sự nghiệp dư, những vấn tiêu cực sau đó trở thành đề tài bàn tán xôn xao. Tôi nhớ cô gái đó được gọi là “ Nữ hoàng nội y” đăng quang hoa hậu ở một cuộc thi cũng chả có tên tuổi trở thành một câu chuyện tấu hài trên mạng xã hội. Cũng dễ hiểu thôi, cái danh hiệu cao quý đó dành cho một cô gái tuy xinh đẹp nhưng lại dính đầy những “phốt” về phát ngôn cũng như lối sống, và ở một cuộc thi mà chẳng có ai công nhận nó cả.
Trong những năm gần đây, dễ dàng tìm được những bài báo, những thông tin liên quan tới những đường dây bán dâm mà đối tượng là những người đẹp bước ra từ những cuộc thi sắc đẹp, có những cô được gọi là hoa hậu và á hậu. Mới đây nhất là đường dây mại dâm có giá ngút trời lên tới hàng chục ngàn đô được phanh phui với người cầm đầu là một hotboy và các cô gái bán dâm toàn hoa hậu, người mẫu thậm chí được gắn thêm mác để đẩy giá cao. Tạm không bàn tới những ý kiến trái chiều trên các trang mạng xã hội, có một vấn đề chắc chắn ấy là có cầu thì ắt có cung.
Nếu bạn và những người trong khu bạn sống thích ăn thịt lợn hơn thịt bò, thì chắc chắn người ta sẽ phải bán thịt lợn nhiều hơn thịt bò ở ngoài chợ. Một miếng thịt lợn được sơ chế và đóng gói cẩn thận trong siêu thị cũng sẽ đắt hơn một miếng thịt bày ở phản thịt trong chợ và người bán đang cầm que để xua ruồi bâu. Tôi không có ý so sánh con người với heo nhưng có ông đàn ông nào đã từng đi giải quyết nhu cầu bằng cách tìm đến gái mại dâm chưa ? Cái giá phải trả là bao nhiêu ? Chắc chắn là không đến hàng nghìn đô rồi ! Vậy câu hỏi đặt ra là khi người ta có tiền thì đương nhiên người ta phải dùng dịch vụ cao cấp hơn, thế nhé, các đại gia sẽ bỏ thật nhiều tiền để ngủ với một cô gái đẹp, nhấn mạnh ở đây là thật đẹp nha. Nhưng tìm gái đẹp ở đâu ? Các ông biết rồi đấy.
Khi có tiền, người ta có lẽ sẽ chọn mua đồ trong siêu thị hoặc các cửa hàng tiện lợi thay vì ngoài chợ, chả biết có ngon hay không đã nhưng cứ nhìn nó đóng gói cẩn thận đẹp đẽ là đã thích rồi. Phải rồi, tôi có tiền tôi cũng sẽ giải quyết nhu cầu tình dục chấp nhận giá nó có cao đến đâu, nhớ chọn cho tôi một cô thật đẹp, là hoa hậu hay á hậu thì càng tốt.
Vậy đó, một người đẹp bán dâm khi bị đưa lên báo mới biết là hoa hậu, là á hậu nhưng ở một cuộc thi mà đến khi đưa tên lên người ta mới biết có cuộc thi đó. Nhưng có lẽ điều đó không quan trọng, cộng đồng mạng hay các cô các bà nội trợ, các anh lái xe, các chú ngồi lê quán nước, những anh chị làm văn phòng … đều nói bọn hoa hậu bây giờ toàn đi bán dâm hết. Hoa hậu bán dâm không còn chỉ là một vấn đề tiêu cực bởi vì hoa hậu bán dâm khác với gái mại dâm bán dâm. Khi cụm từ này được xướng lên nó vô tình trở thành định kiến xã hội, một cái mũ rất lớn, rất xấu mà không ai muốn đội cả. Chưa khi nào, danh từ “ Hoa hậu” thật đẹp đẽ lại dễ dàng đứng ngang hàng với danh từ “ Phò” đến như vậy
Ý thức và vật chất
Để mở đầu mục này tôi đưa ra hại phạm trù của triết học liên quan trực tiếp đến cuộc sống. Nếu ai đó đang đọc sẽ thắc mắc tại sao tôi đang nói chuyện hoa hậu bán dâm mà lại lái sang triết học làm gì ? Thực ra đúng là tôi đang định làm như vậy thật.
Tôi không phải là một người nghiên cứu về triết học, điểm triết ở trường Đại học của tôi cũng không cao. Nhưng tôi vẫn luôn trăn trở với câu hỏi : vật chất và ý thức thì cái nào mới là cái có trước, cái nào quyết định?
Những tài liệu tôi đã từng được đọc đều nói rằng vật chất là thứ có trước, còn ý thức được sinh ra sau tác động ngược trở lại vật chất. Sự tác động trở lại của ý thức đối với vật chất diễn ra theo hai hướng: tích cực hoặc tiêu cực. Tích cực nghĩa là có tri thức, có tầm nhìn từ đó thay đổi thế giới. Còn tiêu cực sẽ gây ra những hậu quả không tốt, khiến hành động trở nên méo mó và sai lệch.
Tạm gác lý thuyết đi, tôi lại muốn kể một câu chuyện. Tôi đã từng có một lần đi theo một nhóm từ thiện lên vùng cao Lạng Sơn. Thời điểm đó là vào mùa đông, đúng thời điểm gió lạnh cắt da thịt, chúng tôi tới một điểm trường để tặng quà cho lũ nhỏ. Đón chúng tôi là những thầy giáo, trông họ gầy và đen chả khác gì những người dân tộc ở đó, cái tôi khâm phục ở họ chính là khả năng đi xe máy điêu luyện, nghe có vẻ kì kì nhưng tôi cam đoan nếu nhìn con đường đất ngoằn ngoèo một bên là núi, một bên là vực thì sẽ hiểu điều tôi nói. Chúng tôi đeo những chiếc cặp, mặc áo ấm cho tụi trẻ, nhưng có điều lạ là chúng không cười, chỉ có mấy anh chị trong đoàn là cười tít mắt rồi bế những đứa bé trên tay chụp ảnh đăng lên mạng xã hội khoe rằng tôi đã tới đây để làm từ thiện. À không, mấy anh thầy giáo vừa lai chúng tôi bằng xe máy thì luôn tươi cười, họ vui vì chúng tôi đến nhưng còn tôi thì nghĩ khác, chúng tôi chả là gì hết, họ cười vì xưa nay dù có khổ tới đâu thì họ vẫn luôn lạc quan như vậy. Và đến cả những đứa trẻ, dù có hay không những đoàn từ thiện đi đến thì chúng vẫn sống dù mùa đông áo ấm không đủ, vài ba giá trị vật chất nhỏ bé không làm chúng quá vui nên tụi nhỏ không cười.
Rời xa miền núi, quay lại với thành phố mỗi khi đêm về luôn rực rỡ ánh sáng. Liên và An trong truyện ngắn “ Hai đứa trẻ” đã mơ về thành phố sáng đèn, nhưng nếu tôi là nhà văn Thạch Lam, tôi vẫn sẽ cho hai đưa nhỏ ở cái vùng quê ấy thôi, vì nếu như lên thành phố chúng có giữ được mình không. Ở vùng núi mà tôi làm từ thiện, người ta chả cần quan tâm đến vật chất và vẫn mạnh mẽ vươn lên, còn ở thành phố xa hoa tráng lệ khi đã có đầy đủ thì lòng tham khiến con người ta muốn có nhiều và nhiều hơn nữa.
Vật chất quyết định ý thức hay ngược lại ? Một câu hỏi khác dễ hơn đi: tiền bạc danh vọng làm con người ta mờ mắt hay trong tiềm thức của một bộ phận người thì kiếm tiền bất chấp được coi như một hành động bình thường.
Tôi đã từng thực sự thắc mắc tại sao những đối tượng có thể nhẫn tâm giết chết những tài xế xe ôm công nghệ, chiếc xe cùng với điện thoại cũng chỉ giúp họ có tiền tiêu trong thời gian ngắn những họ đã giết đi tương lai của cả một gia đình. Nếu hàng tấn ma túy đá qua mặt được cơ quan chức năng thì một nhóm người sẽ giàu lên nhưng sẽ đẩy biết bao người khác vào cái chết?
Quay trở lại vấn đề, xét đến cùng có rất nhiều cách để có thể kiếm ra tiền hoặc thật nhiều tiền và bán dâm cũng là một cách để kiếm tiền. Theo báo điện tử Kinh tế và đô thị, hiện nay chỉ có hai cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia được cấp phép. Nhưng thực tế người ta vẫn đang thi người đẹp ầm ầm. Và đương nhiên thi chui, không kiểm soát chất lượng thì sẽ có rất nhiều chuyện xảy ra. Một youtuber đình đám trong một clip được đăng tải đã trích dẫn hình ảnh của khá nhiều cuộc thi trong đó thí sinh trả lời ứng xử y như học sinh tiểu học mới được học chữ. Và sau những cuộc thi vô thưởng vô phạt đó biết bao vụ lùm xùm thì chắc ai cũng biết.
Thi người đẹp và lợi dụng cuộc thi để kiếm tiền nếu như không được kiểm soát thì chắc chắn sẽ còn nhiều hơn những sự việc tiêu cực. Từ phía một bộ phận các cô gái đẹp, ngay trong ý thức của họ thì kiếm tiền bằng thân xác trở thành chân lý mà quên rằng con đường vững chắc để đi lên là tâm hồn và tri thức. Từ đó những cuộc thi người đẹp chui mới được tổ chức nhiều hơn, là sân sau cho các đại gia và là cơ hội để những kẻ lợi dụng nó kiếm tiền bất chính.
Lời kết
Cho đến tận cùng, điều tôi muốn nói chính là hiện tượng hoa hậu bán dâm không chỉ còn là một hiện tượng tiêu cực mà đang gây những hệ lụy xã hội, làm xấu đi hình ảnh đẹp của hoa hậu và sâu xa sẽ khiến nhiều người nghĩ kiếm tiền bằng thân xác là con đường dễ dàng. Nhưng nó cũng trở thành một phần tất yếu trong quy luật phát triển của xã hội, và tôi muốn chúng ta hãy có con mắt nhìn khách quan, đừng vội lên án mà hãy nghĩ sâu xa hơn vì biết đâu chính chúng ta sẽ là những người thay đổi mọi thứ. Cá nhân tôi, tôi sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ và dõi theo những cuộc thi hoa hậu và hi vọng nhan săc, tâm hồn con người Việt Nam sẽ tiếp tục vươn tầm thế giới.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất