Có Phải Các Trường Đại Học Úc Đang Vắt Học Sinh Quốc Tế Như Vắt Sữa Bò?
Tác giả: Robert Burton-Bradley, 25 tháng 11, 2018 Gần đây tại một trường đại học danh tiếng bên Úc, một nữ giảng viên đứng...
Tác giả: Robert Burton-Bradley, 25 tháng 11, 2018
Gần đây tại một trường đại học danh tiếng bên Úc, một nữ giảng viên đứng tuổi ngành nhân văn đã hẹn gặp một sinh viên quốc tế của mình. Cô sinh viên này đi cùng với một người phụ nữ khác và tỏ vẻ lo lắng. Trước đó cô đã gửi thư điện tử và thông báo về việc chuyển ngành học - nhưng có vẻ như, chuyện diễn ra không suôn sẻ như vậy.
“Cô ấy không nói được một từ tiếng Anh nào và không thể hiểu những gì tôi nói,” giảng viên kể cho đài ABC. Ban đầu bà tưởng rằng người phụ nữ đi cùng là một người bạn, nhưng hóa ra đó là một thông dịch viên được thuê để hỗ trợ buổi gặp mặt. Cô sinh viên ấy đã hoàn thành năm đầu của chương trình học mà không có khả năng nói được tiếng Anh. “Điều đó khiến tôi sửng sốt,” bà giảng viên nói.
Các trường đại học và các đơn vị liên quan khẳng định không có gì bất thường với dịch vụ giáo dục quốc tế, vốn mang lại 32 tỷ AUD mỗi năm cho ngành giáo dục. Nhưng một cuộc điều tra của ABC đã hé lộ rằng có một lượng lớn sinh viên quốc tế cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Anh, tham gia các buổi học trên lớp hay làm đủ bài tập được giao.
Các giáo sư đại học cũng như các chuyên gia về việc làm và giáo dục kể với ABC rằng các tiêu chuẩn tiếng Anh đặt ra thường quá thấp hoặc có thể bị vượt qua bằng những kẽ hở. Ngoài ra các sinh viên thì thường gặp căng thẳng trong thời gian học, dẫn tới việc họ phải gian lận.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên nhận ra một tấm bằng đại học giá hơn 100,000 AUD không giúp nhiều trong việc kiếm được việc chất lượng cao sau khi tốt nghiệp.
Bất chấp những điều đó, học sinh quốc tế tiếp tục đến Úc với số lượng tăng đến mức kỷ lục. Với số liệu mới nhất cho thấy có khoảng 753,000 học sinh quốc tế đang ở Úc và 380,000 người trong số họ đang học ở bậc đại học trở lên.
Danh sách một số trường đại học có lượng sinh viên quốc tế lớn nhất. Nguồn: NSW và Victorian Auditor Generals, và Báo Cáo Thường Niên về Trường Đại Học.
Học sinh Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng số sinh viên, làm dấy lên các lo ngại về việc khối ngành giáo dục đang phụ thuộc quá mức vào một quốc gia và đặt toàn bộ ngành giáo dục của Úc vào các rủi ro kinh tế cũng như chính trị.
Ở một số trường đại học lớn nhất của Úc, học sinh quốc tế chiếm khoảng 50% tổng số học sinh của trường, và học phí của họ đóng góp một lượng rất lớn vào doanh thu. Ở một vài trường hợp, học phí do sinh viên quốc tế chiếm một phần ba tổng doanh thu, hơn rất nhiều so với đóng góp từ sinh viên nội địa và ngang ngửa, thậm chí cao hơn số tiền tài trợ từ chính phủ.
‘Thất bại ’
Trong thời gian quản lý một chương trình thạc sĩ ở đại học RMIT, chuyên gia về truyền thông Jenny Weight nói rằng cô cảm thấy lo lắng về việc ngày càng có nhiều sinh viên quốc tế gặp khó khăn với giao tiếp cơ bản và trong một số trường hợp là “hoàn toàn không biết tiếng Anh”. “Tôi đã đọc rất nhiều bài tập viết bởi học sinh quốc tế và chúng trông như là được viết bằng tiếng Hoa và rồi dịch lại qua Google,” cô kể cho ABC. “Tôi không đổ lỗi cho các sinh viên vì điều đó và tôi nghĩ rất nhiều trong số họ cảm thấy không thoải mái về những gì họ làm. Một trong những điều chúng ta đang gặp khó khăn là cố gắng nâng cao chất lượng tiếng Anh đầu vào, nhưng các trường đại học gặp áp lực lớn trong việc kiếm thêm tiền từ sinh viên quốc tế và do đó họ đã không làm vậy, bởi làm thế có nghĩa là họ sẽ mất đi nhiều sinh viên tiềm năng.”
Giáo viên khoa báo chí Rose-Ann Manns, hiện đang giảng dạy ở trường Đại học New South Wales, nói rằng trong khi nhiều sinh viên quốc tế có kết quả học rất tốt, cô cũng thấy rất nhiều học sinh gặp khó với việc sử dụng tiếng Anh.
“Với một số trường hợp, tôi thắc mắc không biết trường đại học đánh giá học viên như thế nào - đặc biệt là với kỹ năng đọc hiểu và nói - bởi vì trong vài nhiều trường hợp thì các em gần như trượt chắc,” cô nói.
Trong số những học giả và chuyên gia mà câu chuyện này tiếp cận, chỉ có một số ít tiết lộ danh tính vì lo ngại ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình. Một số người cho rằng đây là minh chứng cho sức ảnh hưởng của đồng tiền lên hệ thống giáo dục.
Những người khác như Jenny Weight thì từ bỏ hoàn toàn việc giảng dạy tại Australia.
“Tôi nghĩ phản ứng bao trùm trong trường hợp này là các trường đại học không muốn chịu trách nhiệm cho những vấn đề mà học sinh quốc tế gặp phải,” cô nói.
“Đấy là con bò vắt tiền khổng lồ cho họ trong một ngành không dễ kiếm nhiều tiền. Họ gần như là phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu nhập từ sinh viên quốc tế.”
Hàng chục sinh viên mà ABC phỏng vấn đã mô tả hiện trạng về một môi trường học tập bất thường, khi mà một số em phải chật vật để có thể nắm bắt nội dung bài học hay tham gia vào việc nhóm. Nhiều học sinh bày tỏ rằng mình gặp nhiều khó khăn với bài tập được yêu cầu và thường phải bỏ công sức gấp đôi chỉ để đủ điểm qua lớp.
Olivia Zhou, một cựu sinh viên bậc đại học tại trường RMIT chia sẻ rằng vấn đề này rất phổ biến trong các lớp đã học qua.
“Nếu có một học sinh thậm chí còn không thể hiểu nổi giáo viên đang nói gì thì làm thế nào mà bạn ấy hoàn thành bài tập được chứ,” Cô kể với ABC.
Lu Yi, một sinh viên theo học chương trình thạc sĩ truyền thông tại RMIT vào năm 2016 bộc lộ “ngôn ngữ là một vấn đề lớn”, đồng thời nói thêm rằng các học sinh quốc tế thường cảm thấy không thoải mái hay không được khích lệ để phát biểu, trò chuyện bằng tiếng Anh trong các lớp học.
Cô kể: “Các bạn (Trung Quốc) không bắt chuyện với học sinh bản địa vì nghĩ là họ không muốn nói chuyện với mình, rồi sau đó các bạn ấy sẽ thường tụ tập lại thành những hội nhóm, bè phái nhỏ ở trường.”
'Có quá nhiều học sinh bị bỏ qua'
Để học tập tại các trường đại học ở Australia, học sinh quốc tế đầu tiên phải vượt qua một bài kiểm tra ngôn ngữ đã được chuẩn hóa thành một ngành công nghiệp - có ít nhất 5 hệ thống bài kiểm tra như vậy, nhưng thông dụng nhất là IELTS (International English Language Testing System).
Điểm số của bài thi IELTS được xét trên thang từ 1 đến 9, với các kỹ năng đọc hiểu, viết, nghe và nói, đi kèm với một con số cuối cùng tính trung bình từ 4 điểm số của từng kỹ năng trên.
Đa phần các trường đại học chấp nhận điểm số IELTS từ 6 đến 7, tuy nhiên, theo như IELTS, học sinh với điểm số như vậy vẫn cần phải rèn luyện thêm trước khi nhập học, hay ít nhất thì đây là mức “có thể chấp nhận được”.
Vậy nhưng, một số học sinh thậm chí còn không đạt được mức điểm như vậy trước khi đến Australia.
Chính phủ Liên bang đặt ra mức chuẩn điểm IELTS tối thiểu là 5.5 cho visa diện học sinh, thế nhưng những người có điểm thấp tầm 4.5 vẫn được phép qua nước này miễn là sau đó các em đi học một lớp tiếng Anh bổ túc trước khi nhập học ở trường đại học.
Những khóa học phải trả tiền này - mang tên ELICOS (English Language Intensive Courses for Overseas Students) - cung cấp cho học viên với khoảng 10-20 tuần học tiếng Anh chuyên sâu và các bài đánh giá năng lực, sau đó học sinh sẽ được học thẳng vào bậc đại học mà không cần phải làm các bài kiểm tra ngôn ngữ như IELTS.
Universities Australia cho biết, khoảng 25% trên tổng số sinh viên đại học trước đó đã được nhận vào học qua phương thức này.
Trò chuyện giấu tên với ABC, một người cung cấp các bài kiểm tra IELTS chia sẻ niềm tin rằng các sinh viên quốc tế cần điểm số cao hơn cả mức mà các trường đại học đưa ra.
"Học sinh cần có điểm cao hơn mức 6 hay thậm chí hơn cả 6.5. Nếu như theo học một ngành nào đó đòi hỏi năng lực về mặt ngôn ngữ như luật, báo chí hay sư phạm, yêu cầu còn cao hơn vậy nhiều”, người này cho biết.
Cho đến cuối năm vừa rồi, các báo cáo liên tục phản ánh về tình trạng học sinh quốc tế chật vật với tiếng Anh đã khiến Chính phủ Liên bang bắt đầu lo ngại.
“Có quá nhiều học sinh không được lưu tâm đến. Một số em còn không có những kỹ năng tiếng Anh cần thiết để thành công,” cựu bộ trưởng giáo dục Simon Birmingham phát ngôn tại một hội thảo giáo dục quốc tế vào năm ngoái.
Giải pháp ông đưa ra đó là điều chỉnh quy chế của một số khóa học ngắn. Thế nhưng thay đổi không đáng kể và đó chỉ là những quy định có sẵn trong ngành được nới rộng thêm.
Với những học sinh dùng các khóa ELICOS để vào trường đại học thì chẳng có mấy thay đổi, và các tiêu chuẩn áp dụng cho gần 1/3 số học sinh được nhập học vào chương trình học khó hơn qua kết quả IELTS hoặc bài kiểm tương tự cũng không chịu ảnh hưởng gì.
Trong chương trình The Conversation trước đó vào năm nay, Amanda Muller, một giảng viên lâu năm khoa Điều dưỡng và Tiếng Anh tại Đại học Flinders đưa ra cảnh báo rằng những thay đổi của Chính phủ Liên bang đã phớt lờ những sinh viên bị “lãng quên”, bị bỏ mặc để “hoặc bơi được hoặc là chìm”.
“Chúng tôi đã nghe rất nhiều về việc sinh viên đuối sức, và một số đó còn nảy sinh ý định gian lận,” cô viết. “Những thay đổi quy chế không giải quyết được vấn đề này.”
Một nghiên cứu về IELTS vào năm 2012 cho thấy, chỉ một số sinh viên quốc tế cải thiện vốn tiếng Anh của mình khi theo học tại các trường đại học ở Australia, trong khi một số khác thì càng học càng kém đi.
Chuyên gia giáo dục quốc tế Michael Fay chia sẻ rằng, tiếng Anh vốn là một trong số những yếu tố quan trọng quyết định việc tuyển chọn sinh viên, và trình độ tiếng Anh rất dễ bị nới lỏng tiêu chuẩn.
“Rất nhiều lần, những người chịu trách nhiệm về chính sách không thực sự thấu hiểu những vấn đề xoay quanh trình độ tiếng Anh và họ cho rằng học sinh, bằng một cách nào đó, sẽ tiếp thu và rồi cải thiện tiếng Anh của mình trong thời gian theo đuổi chương trình học tập,” ông nói.
Trong khi đó, giám đốc điều hành của IEAA (International Education Association of Australia) Phil Honeywood, lại cảnh báo, ông không ủng hộ việc nâng tiêu chuẩn kiểm tra tiếng Anh một cách tùy tiện.
“Chúng ta nâng mức đầu vào tiếng anh cho ngành Điều dưỡng đến ngưỡng mà nhiều người Australia chính gốc cũng không thể đạt đến được,” ông chia sẻ với ABC.
"Thật mỉa mai rằng, để là một kỹ sư ở Australia người ta chỉ cần tốt nghiệp với điểm IELTS 6.5, nhưng để trở thành y tá thì phải có điểm IELTS 7 từ trước cả khi bắt đầu chương trình học.”
Trong một phát ngôn đến ABC, Bộ trưởng Bộ Giáo dục hiện tại, Dan Tehan, nói rằng năng lực ngôn ngữ của các sinh viên quốc tế là cả một vấn đề đối với các trường đại học.
"Các trường đại học có trách nhiệm đảm bảo rằng những sinh viên mình nhận vào đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ,” ông nói.
Tuy nhiên ông bác bỏ những ý kiến cho rằng các tiêu chuẩn tuyển sinh có vấn đề nghiêm trọng
"Chất lượng ngành này của Australia có thể được đánh giá bởi số lượng học sinh quốc tế mà chúng tôi thu hút được.”
Bóc lột sức lao động, các vấn đề tâm lý và sự phân biệt chủng tộc
Annie - một sinh viên không muốn cung cấp họ của mình, đang theo học ngành thương mại ở Đại học New South Wales và là một người Úc gốc hoa, nhận xét rằng cô thấy có một sự mâu thuẫn lớn giữa trải nghiệm của học sinh nội địa và học sinh quốc tế.
“Những học sinh quốc tế, đặc biệt là những bạn đến từ các nước không nói tiếng Anh, cảm thấy lạc lõng trong lớp học,” cô kể cho ABC. “Bạn sẽ thường thấy các học sinh bản địa thì chơi chung với nhau và học sinh quốc tế thì chơi thành nhóm riêng [do rào cản ngôn ngữ].”
Các mối lo lắng về chất lượng cuộc sống của học sinh quốc tế thì không chỉ bao gồm kết quả học hay là trình độ tiếng Anh, nó còn bao gồm cả việc họ thường xuyên gặp phải căng thẳng liên quan tới tài chính, bị bóc lột lúc đi làm, gặp các vấn đề tâm lý và bị phân biệt chủng tộc, chia sẻ bởi Bijay Sapkota, Chủ tịch Hội Sinh viên Quốc Tế.
Theo Sapkota thì học sinh quốc tế không được tiếp cận đủ các dịch vụ thiết yếu giúp hỗ trợ họ một cách đầy đủ. “Học sinh quốc tế phải trải qua một quy trình nghiêm ngặt rồi mới được giúp đỡ. Đầu tiên họ phải đến trung tâm tư vấn sinh viên, sau đó thì đến đơn vị phụ trách quốc tế, rồi mới đến dịch vụ tư vấn, và bạn biết đấy, họ phải trải qua hết các bước này trong khi họ đang đối mặt với nhiều khó khăn với vốn tiếng Anh eo hẹp.”
Tuy nhiên, các trường đại học và một số cơ sở trong ngành khẳng định rằng những nhóm học sinh nói trên chỉ chiếm thiểu số. Trưởng khoa Kỹ Sư của Đại học New South Wales ông Mark Hoffman nói rằng ông tin là những tuyên bố về việc học sinh bị bỏ mặc đã bị nói quá lên, và thực tế ở đại học thì rất khác.
“Với những học sinh quốc tế ai cũng lập tức nói rằng họ gặp vấn đề với kỹ năng ngoại ngữ, nhưng thực chất phần lớn vấn đề họ gặp đến từ văn hóa và đủ loại vấn đề khác nhau mà bất kỳ ai đến sinh sống ở một quốc gia mới đều gặp phải.”
“Khả năng giao tiếp và làm việc nhóm của họ cải thiện đáng kể trong suốt quá trình học và chúng tôi có áp dụng các biện pháp hỗ trợ họ.”
“Nếu bạn chạm vào bề mặt vấn đề, bạn sẽ thấy rằng học quốc tế và học sinh bản địa cũng chơi chung với nhau và việc họ đến từ đâu thực sự không tạo ra khác biệt gì lớn.”
Các kết quả khảo sát tiếng Anh khó phản ánh được thực tế
Giám Đốc điều hành khối đại học Úc, bà Catriona Jackson không nêu rõ ý kiến của bà về chuẩn đầu vào tiếng Anh, nhưng bà nói rằng khi tốt nghiệp thì các học sinh quốc tế cũng đạt được kết quả tương đương với học sinh Úc.
“Chuẩn đầu vào tiếng Anh cho các đại học Úc cũng gắt gao như ở các hệ thống cao học khác trên thế giới,” bà Jackson phát biểu với ABC.
Cũng trong một phát biểu dành cho ABC, Đại học RMIT phủ nhận bất kỳ tuyên bố cho rằng họ đang cho phép các học sinh không đạt đủ chuẩn tiếng Anh tham gia vào các khóa học của họ.
“Các sinh viên quốc tế cũng trải qua những quy trình giống như các học sinh khác, họ phải đạt được chuẩn tiếng Anh yêu cầu để đảm bảo họ có đủ nền tảng để thành công trong tương lai,” trường nói.
Một người phát ngôn đại diện cho Đại học Sydney cũng nói rằng họ đang có kế hoạch tăng số lượng sinh viên quốc tế và nói rằng chuẩn đầu vào tiếng Anh mà họ đặt ra là phù hợp.
“Chuẩn đầu vào tiếng Anh của chúng tôi là tương đương với những đại học hàng đầu khác và với một số môn thì còn yêu cầu điểm IELTS còn cao hơn”, cô nói trong một phát biểu.
Các chuyên gia chỉ ra vấn đề là các trường đại học và Chính phủ Liên Bang phụ thuộc quá nhiều vào kết quả khảo sát sự hài lòng của sinh viên để đưa ra kết luận.
Cuộc khảo sát chính được thực hiện bởi Commonwealth Department of Education - cuộc khảo sát tên là Các chỉ số đo lường chất lượng việc học và giảng dạy (QILTS). Đó là một cuộc khảo sát tự nguyên trên mạng với các câu hỏi bằng tiếng Anh, và kết quả cho thấy có 75% học sinh quốc tế đánh giá họ có trải nghiệm tích cực suốt thời gian học, chỉ thấp hơn một chút so với mức 79% của học sinh bản địa.
Quan trọng hơn, một cuộc khảo sát khác tên là Khảo Sát Sinh Viên Tốt Nghiệp về việc liệu sinh viên tốt nghiệp có kiếm được việc và liệu việc đó có liên quan tới ngành họ đã học, chỉ công bố kết quả cho học sinh nội địa - kết quả khảo sát cho sinh viên quốc tế thì không được công bố.
Đài ABC đã yêu cầu Bộ Giáo dục liên bang cung cấp kết quả khảo sát nhưng đã bị từ chối.
Có nhiều chuyên gia và người quan sát nói với ABC rằng rất nhiều nhà tuyển dụng không muốn thuê sinh viên quốc tế, và thường yêu cầu các sinh viên này phải có điểm số cao hơn nhiều so với khả năng họ có thể đạt được, ngoài ra việc chỉ có visa đi học ngắn hạn cũng là một trở ngại đáng kể cho các sinh viên này.
Chuyên gia truyền thông Jenny Weight nói rằng thông qua trải nghiệm của cô, sinh viên quốc tế đến từ Trung Quốc với vốn tiếng Anh eo hẹp thường sẽ không tham gia vào khảo sát, còn những ai tham gia thì thường làm những cái không quan trọng.
“Phần lớn các sinh viên quốc tế thì đến từ Trung Quốc và họ không quen với việc bày tỏ chính kiến hay quan điểm chính trị cho bất kỳ người cầm quyền nào,” cô nói.
“Tôi biết điều này vì họ kể với tôi rằng họ cảm thấy không thoải mái khi phải chia sẻ ý kiến của họ [trong cuộc khảo sát].”
Michael Fay là người đầu tiên thành lập chương trình cho học sinh quốc tế ở Úc, từng làm nghiên cứu ở Đại học công nghệ Sydney và hiện đang vận hành một công ty tư vấn ở khu vực Đông Nam Á.
Ông nói với ABC rằng cách cuộc khảo sát này được thực hiện cũng như cách đặt câu hỏi cần phải xem lại.
“Có vẻ như có một vài người không muốn những câu hỏi khó - nếu bạn thực sự hỏi những câu hỏi đó, nhiều nơi sẽ không cho bạn câu trả lời vì họ biết rắc rối có thể đến với họ.”
Vậy ai chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng học sinh quốc tế?
Việc quản lý học sinh quốc tế thì nằm trong một nhóm rối rắm các quy định điều hành giữa bang và chính phủ liên bang.
Cơ quan chính đảm nhiệm việc điều hành mảng này là Đơn vị Giám sát Chất Lượng Giáo Dục Cao Học và Tiêu Chuẩn (TEQSA), với trách nhiệm đảm bảo rằng cả ELICO và các chương trình đại học đều đạt các chuẩn của quốc gia về mặt nội dung cũng như khâu kiểm tra.
Nhưng mà cả 5 nhân viên của đơn vị phải kiểm tra toàn bộ 170 trường khác nhau ở khắp tất cả các lĩnh vực trong khối ngành cao học, chưa kể đến các khóa tiếng Anh. Theo báo cáo thường niên của đơn vị, họ đang gặp rất nhiều khó khăn với vô vàn các vấn đề không được giải quyết và tồn động từ năm này qua năm khác. Kết quả là họ thường phải tập trung vào các cơ sở giáo dục nhỏ và để yên cho các trường đại học vì các trường đại học được đánh giá là ít rủi ro hơn.
Một người phát ngôn cho TEQSA nói với ABC rằng trung bình mỗi năm họ nhận được 200 thư phàn nàn từ các học sinh, nhưng họ không thể khẳng định được rằng bao nhiêu trong số đó đến từ sinh viên quốc tế bởi vì từ năm 2017 trở lại đây, họ không còn phân loại thư phàn nàn giữa học sinh bản địa và học sinh quốc tế nữa.
Và trong khi TEQSA thì làm bổn phận kiểm tra nội dung giáo dục cũng như các kỳ thi, thì các thanh tra của bang sẽ đảm nhận các vấn đề liên quan tới quy trình nhập học cũng như xử lý đơn khiếu nại của học sinh ở khối cao học - ví dụ như học sinh bị trục xuất khỏi một khóa học một cách không chính đáng - còn nhân viên thanh tra Commonwealth thì lại đảm trách các chương trình đào tạo nghề cũng như vấn đề liên quan tới trường tư.
Nhưng thường thì lằn ranh giữa các trách nhiệm này bị xóa mờ và không ai biết rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cho nên học sinh thường gửi đơn khiếu nại đến sai nơi.
Từ tận những năm 2011 đã có người nêu lên mối lo về các vấn đề mà học sinh quốc tế gặp phải. Trong năm đó, một nhân viên của bang Victoria đã điều tra và thấy rằng trong khi có một vài dịch vụ hỗ trợ hoạt động hiệu quả, nhiều dịch vụ khác lại đang bị lạm dụng như là để “thay thế cho một tiêu chuẩn tuyển sinh” và “không hỗ trợ cho nhiều sinh viên đang gặp các rủi ro và cần giúp đỡ.”
“Mọi người đang đặt câu hỏi cho chất lượng các trường đại học Úc”
Phó giáo sư Fran Martin từ Đại học Melbourne đã dành nhiều thời gian giảng dạy cho sinh viên quốc tế cũng như thực hiện các nghiên cứu về họ, nói rằng có rất nhiều vấn đề ngày càng hiện rõ ra.
“Có nhiều trường đại học đang rất thoải mái thu tiền từ học sinh quốc tế hoặc có nhu cầu thu các khoản phí đó, nhưng họ không bỏ công sức và tiền bạc để đầu tư nghiêm túc vào việc cải thiện trải nghiệm của học sinh,” cô nói với ABC.
“Thật là điên rồ khi mọi chuyện đã đến mức này.”
Trưởng khoa Kỹ Sư của Đại học New South Wales, giáo sư Mark Hoffman nói rằng khoa của ông đã dành rất nhiều công sức và nguồn lực để hỗ trợ cho các sinh viên, nhưng cũng nói rằng sinh viên cần phải có trách nhiệm với chính họ.
“Chúng tôi có rất nhiều chương trình hỗ trợ, nhưng yếu tố chính nằm ở việc sinh viên có đủ tự tin để đến và tham gia các chương trình hỗ trợ đó.” Nếu chỉ đưa cho mọi người một trang web và nói rằng ‘khi có vấn đề hãy vô đây và làm điều này’ là không đủ để khiến một người hành động. Nhưng cách mà chúng tôi làm là tạo ra một môi trường thân thiện để họ có thể tự tin và tự khám phá các dịch vụ này.”
Xailan Tang là một cựu sinh viên quốc tế bây giờ đang làm ở Trung Quốc với công việc tuyển dụng học sinh đi du học. Cô kể với ABC rằng ngày càng khó để thuyết phục mọi người qua Úc đi du học.
“Mọi người đang nghi ngờ chất lượng của các đại học Úc khi mà các học sinh bị từ chối nhập học ở các trường hàng đầu ở nơi khác có thể dễ dàng được nhận vào các trường cùng đẳng cấp ở bên Úc,” cô nói với ABC.
“Họ nghĩ rằng chuẩn đầu vào cho các trường ở Úc đang khá là thấp.”
Zhao Chen là một cựu sinh viên khoa kiến trúc của Đại học Melbourne, tốt nghiệp năm 2014. Cựu sinh viên 29 tuổi nói với ABC rằng cô thấy chuẩn đầu vào của đại học Úc là rất thấp.
“Tôi có cảm giác như là rất dễ để vào được một trường hàng đầu ở Úc bởi vì yêu cầu đầu vào là vô cùng thấp,” cô nói. “Tôi có cảm giác là tôi có thể dễ dàng vô được nhiều khóa học ở đây.”
Phó giáo sư Fran Martin của Đại học Melbourne nói rằng bằng cấp của đại học Úc bây giờ không còn hấp dẫn ở Trung Quốc như trước nữa.
“Ngay cả 10 năm trước, một tấm bằng đại học Úc là thứ gì đó sẽ khiến bạn nổi bật giữa đám đông - nhưng giờ đây dường như ai cũng đi ra nước ngoài học và có bằng,” cô nói.
“Do đó tấm bằng đó giờ không còn là thứ giúp bạn nổi bật trong con mắt nhà tuyển dụng nữa.”
Bài gốc:
Are Australian universities using international students as 'cash cows'?
Each year hundreds of thousands of Chinese students flock to Australia to study, lured by promises of enhanced career prospects. They spend tens of thousands of dollars on what is sold to them as a life changing experience — but are they getting what they pay for?www.abc.net.au
Each year hundreds of thousands of Chinese students flock to Australia to study, lured by promises of enhanced career prospects. They spend tens of thousands of dollars on what is sold to them as a life changing experience — but are they getting what they pay for?www.abc.net.au
Bài viết được tài trợ dịch thuật bởi anh Minh Triet Luu, founder của công ty Soft Decor với mong muốn đóng góp cho Spiderum những nội dung chất lượng, qua đó góp phần xây dựng một cộng đồng người trẻ Việt ham học hỏi, văn minh và giàu tri thức.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất