Hồ Biểu Chánh - Nhà văn đại chúng
Đầu thế kỉ XX, cùng với sự xuất hiện của chữ quốc ngữ, tiểu thuyết Việt Nam hiện đại bước vào giai đoạn mới, dần bỏ lại các sáng tác...
Đầu thế kỉ XX, cùng với sự xuất hiện của chữ quốc ngữ, tiểu thuyết Việt Nam hiện đại bước vào giai đoạn mới, dần bỏ lại các sáng tác bằng chữ Hán, chữ Nôm để đến gần hơn với chữ quốc ngữ. Văn học giao thời Việt Nam hiện đại ghi nhận một trường hợp khá đặc biệt: một nhân vật đóng vai trò là cây cầu “bắc ngang văn học cổ với văn học hiện đại, bắc ngang những giá trị tinh thần truyền thống với con người trong xã hội văn minh vật chất” (Hoài Anh); một nhân vật được mệnh danh là cây bút sáng giá của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại với bút lực hết sức dồi dào, đã sống với nghiệp văn cho đến tận hơi thở cuối cùng; một nhân vật vốn sinh ra là “con đẻ” của vùng quê Nam bộ, am tường và thấu hiểu sâu sắc những đắng cay khổ cực của người nông dân; một nhân vật có tấm lòng nhân hậu, tin tưởng đạo nghĩa ở đời, thể hiện nhân sinh quan nơi niềm tin bất diệt đối với sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác; nhân vật ấy không ai khác, chính là Hồ Biểu Chánh – người có vị trí rất quan trọng trong chặng đầu của quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX.
Gắn bó nghiệp cầm bút năm mươi năm, ông đã để lại cho đời một khối lượng trang viết đồ sộ với hơn 100 tác phẩm bao gồm: tiểu thuyết, dịch thuật, thơ, hài kịch, cải lương, biên khảo-phê bình… Có thể nói, Hồ Biểu Chánh là nhà văn thành công ở nhiều thể loại, song nhắc đến ông, người ta luôn nhớ ngay đến một nhà tiểu thuyết với những áng văn đậm chất Nam bộ mộc mạc không trộn lẫn. Tiểu thuyết của ông là một bức tranh toàn cảnh sinh động, phong phú về cuộc sống người dân Nam bộ từ nông thôn đến thành thị trong những năm đầu của thế kỉ XX. Đó là bức tranh xã hội trong buổi giao thời: từ bối cảnh cho đến tâm lí con người được diễn tả hấp dẫn và xúc động dưới ngòi bút tài tình Hồ Biểu Chánh. Hầu hết, tiểu thuyết của ông đều có cốt truyện đơn giản mang tư tưởng chủ đạo là: ở hiền thì gặp lành, ác thì gặp ác. Tác giả lấy “đạo đức làm khuôn mẫu, lấy luân lý làm nền tảng” (Phong Cầm).
Ông tên thật là Hồ Văn Trung, tự là Biểu Chánh, sinh năm 1885 tại làng Bình Thành, tổng Hòa Đồng thượng, hạt Gò Công (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nho học nghèo. Ông lớn lên giữa một vùng quê nước mặn đồng chua. Cuộc sống còn lắm cơ cực, vất vả. Nhưng chính tất cả những yếu tố đó lại khơi gợi cho ông một nguồn cảm hứng bất tận, hun đúc nên một tâm hồn nhạy cảm, một trái tim nhân hậu. Xứ Gò tự hào là nơi sinh quán của ông, để rồi dấu ấn Gò Công luôn hiện hữu trong từng trang viết Hồ Biểu Chánh. Một số tác phẩm được ông lấy bối cảnh quê mình như: Hai vợ, Ngọn cỏ gió đùa, Con nhà nghèo, Vợ già chồng trẻ… Đặc biệt, có tác phẩm được ông sử dụng rặt tiếng Gò Công như Cay đắng mùi đời. “Thằng Ðược vừa thấy cha thì lật đật đi vô buồng, đứng núp sau vách, rồi kề con mắt chỗ lỗ vách rách mà ngó. Nó thấy má nó chào khách rồi dẹp đồ may đi lấy trầu cau để trên khay cho khách ăn. Nó dòm ông già ấy thì thấy ổng mình mặc một cái áo xuyến dài cũ, trong có áo cổ giữa trắng, dưới mặc quần lãnh đen, đầu bịt khăn be nhiễu đen, chơi đi giày hàm ếch da láng, người vóc lớn, miệng rộng, môi dày, râu thưa mà dài lại bạc hoa râm, trán cao, mặt dùn da mà cặp mắt lớn, đôi chưn mày rậm. Còn con nhỏ đi theo ổng tuy nó mặc một cái áo lụa xanh cũ với một cái quần đen cũng cũ, nhưng mà da trắng môi son, đầu xước lược cày, tóc xuống nửa lưng, mặt mày sáng rỡ, nhắm coi chẳng kém chi mấy đứa con gái của hương chức giàu trong làng. Thằng Ðược lại thấy ông già ấy để lại cái bao bằng vải xanh với một cây đờn trên ván, gần chỗ ổng ngồi đó, nó biết cây đờn ấy kêu là đờn cò, song nó không hiểu hai cái bao ấy đựng vật gì ở trỏng”. Hay những đoạn tả cảnh miền Nam, bằng một giọng rất “miền Nam”: “Ai đi đường Chợ Lớn xuống Gò Công hễ qua đò Bao Ngược rồi lên xe chạy ra khỏi chợ Mỹ Lợi tới khúc quanh, thì sẽ thấy bên phía tay trái cách lộ chừng ít trăm thước có một xóm đông, kêu là xóm Tre nhà ở chật, cái trở cửa lên, cái day cửa xuống, tre xanh kịch bao trùm kín mít, ngoài vuông tre thì ruộng bằng trang sấp liền từ giây, Qua mùa mưa cây đượm màu, ruộng nổi nước, thì trông ra chẳng khác nào cù lao nằm giữa sông lớn”.
Không chỉ viết về quê hương của mình, Hồ Biểu Chánh còn sải dài bước chân qua những vùng đất Long An, Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Châu Đốc, Bạc Liêu, Cà Mau. Vì công vụ nên ông luân chuyển khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đời công chức đã không hề cản trở sự nghiệp viết văn của ông, mà ngược lại, còn giúp ích cho ông rất nhiều. Đây là cơ hội để nhà văn đặt dấu chân khắp các nẻo đường, tha hồ quan sát và thu thập nhiều tài liệu về miền đất đồng bằng này. Văn của ông không đi theo hướng bác học mà đi theo hướng sử dụng tiếng của dân chúng đồng bằng sông Cửu Long. Từ lời ăn tiếng nói, sinh hoạt đời thường, cho đến các phong tục tập quán… đều mang đậm màu sắc phương Nam. Nam bộ trong trang viết của Hồ Biểu Chánh luôn trở nên gần gũi, thân thiết vô cùng! Cũng chính vì lẽ đó mà hầu như không người dân Nam bộ nào không biết đến tiểu thuyết của ông; đặc biệt là thế hệ ông bà, cha mẹ của chúng ta đã yêu mến bút danh Hồ Biểu Chánh hơn tên tộc của viên quan Hồ Văn Trung.
Ông học rất giỏi, 8 tuổi đã học chữ nho đến 12 tuổi chuyển sang học quốc ngữ và Pháp ngữ. Ông đỗ bằng Thành chung năm 1905, từng làm thông phán các tỉnh Cà Mau (1913), Long Xuyên (1914), Gia Định (1918), sau đó chuyển về làm tại văn phòng Thống đốc Nam kỳ. Năm 1921, ông thi đỗ thủ khoa Tri huyện, thăng Tri phủ năm 1927. Ông được bổ làm chủ quận ở Càng Long (Trà Vinh-1927), Ô Môn (Cần Thơ-1932), Phụng Hiệp (Cần Thơ-1934). Năm 1936, ông được thăng Đốc phủ sứ cho đến năm 1941, ông về hưu. Sau khi tái chiếm Nam bộ (1946), thực dân Pháp lập “Nam kỳ quốc”, ông được mời làm Đổng lý văn phòng, cố vấn cho chính phủ bù nhìn Nam kỳ tự trị của Nguyễn Văn Thinh, nhưng chỉ được vài tháng thì chính phủ ấy sụp đổ, ông trở về quê Gò Công vui thú điền viên và tiếp tục sáng tác. Đa số tiểu thuyết của ông đều được mọi người gọi là tiểu thuyết “có hậu”, gần gũi với cuộc sống. Nhà phê bình Huỳnh Phan Anh đã có lời nhận xét về ông như sau: “Hồ Biểu Chánh trước tiên là người kể chuyện. Chuyện ông kể căn cứ vào một hoàn cảnh xã hội và lịch sử có thật, nền tảng sống của chính ông. Nó đơn giản, mộc mạc, hồn nhiên, mặc dù không kém phần phong phú hay lôi cuốn…”, “…Hồ Biểu Chánh vĩ đại không phải nhờ những câu văn ông viết ra. Ông không cần tới điều đó. Ông chỉ mượn ngôn ngữ để chuyên chở những câu chuyện đời. Ngôn ngữ Hồ Biểu Chánh chính là lời nói, lời kể. Và lời nói, lời kể ở đây gần gũi với đời sống hơn hết”.
Hồ Biểu Chánh mất năm 1958 tại Phú Nhuận (Gia Định). Trong di chúc để lại, ông viết: “Tuy là tay sai của quan Pháp, song nếu mình cứ lấy lòng siêng năng ngay thẳng mà làm việc, đừng a dua, đừng bợ đỡ, phải thì ở, không phải thì đi, nói oan dám giận, nói bậy dám cãi, thì phận mình khỏi hổ, mà thiên hạ lại được nhờ nữa”. Ông cũng từng dạy con: “Ba chỉ nói với con rằng sự nghiệp của ba để lại cho các con hiện thời chỉ có một tấm gương thẳng ngay và trong sạch mà thôi. Ba ước mong con noi theo tấm gương ấy mà lập thân. Theo con mắt của đời nay…thì tấm gương ấy hình như mất giá. Nhưng nếu con ngó xa ra một chút, thì con sẽ thấy phú quý tuy rực rỡ mà ít vững bền, còn đạo đức tuy êm đềm, song vui vẻ…” (Thư riêng cho con).
Trải qua bao thế hệ, xã hội có nhiều đổi thay, cuộc sống văn minh và hiện đại, song sức hấp dẫn của tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn còn vẹn nguyên. Người cùng thời hâm mộ văn Hồ Biểu Chánh không hề ít. Các tiểu thuyết của ông hầu hết đã tái bản, một số được chuyển thể thành phim rất ăn khách như: Con nhà nghèo, Ngọn cỏ gió đùa, Khóc thầm, Cay đắng mùi đời… Dù ông đã xa chúng ta hơn nửa thế kỉ, nhưng người đọc vẫn luôn nhắc nhớ đến các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Sức sống mạnh mẽ của các tác phẩm ấy có được chính là nhờ nhà văn đã thổi hồn vào từng đứa con tinh thần của mình. Cái hồn ấy không chỉ ở chất văn gần gũi, ở những tiếng nói, tiếng lòng nhân dân, mà còn tư tưởng đạo đức, luân lí xã hội mà ông gửi gắm qua từng trang viết. Cây bút hội tụ cả tài, cả tâm ấy luôn luôn đề cao đạo lí trong các sáng tác của mình. Đạo lí ấy là trong gia đình, con cái phải hiếu thảo với mẹ cha, vợ chồng phải chung thủy với nhau, anh chị em ruột thịt phải yêu thương đùm bọc nhau…còn ngoài xã hội, đạo lí ấy là trọng nghĩa trọng tình, xem nhẹ bạc vàng danh lợi, gieo nhân nào thì gặt quả ấy, ở hiền thì gặp lành…. Những triết lí ấy, dù đối với thời đại nào cũng đều đúng đắn. Bởi lẽ, nó luôn hướng con người đến những giá trị nhân văn cao đẹp, đến cuộc sống hạnh phúc an nhiên. Đó có lẽ cũng chính là ước mong mà Hồ Biểu Chánh gửi gắm.
Các con ông kể lại rằng, khi sức khỏe đã yếu dần, dù gia đình ngăn cản, Hồ Biểu Chánh vẫn lén mọi người viết văn. Xót xa thay khi gia đình tìm thấy cuốn tiểu thuyết thứ 65 vẫn còn đang viết dở trên bàn làm việc của ông. Con người ấy đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho văn học. Ông viết không mỏi mệt, dồn trọn sức lực và tâm hồn để viết như lời ông nói: “Viết văn để cho người mình đọc chuyện xảy ra ở nước mình bằng chữ nước mình”.
Cuộc sống vẫn tiếp nối, ngày nối ngày và thời gian trôi qua như dòng sông không bao giờ trở lại, nhưng chúng ta đều tin tưởng rằng: các tác phẩm của ông vẫn sẽ mãi mãi in đậm dấu ấn trong lòng độc giả, vẫn sẽ mãi mãi vững vàng giữa dòng nước tưởng chừng vô hạn ấy.
Cuốn tiểu thuyết thứ 65, xin hãy để thế hệ đời sau lấp đầy giúp ông bằng tất cả sự ngưỡng mộ, lòng kính mến vô bờ.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất