Một thế giới không có phân biệt hay thành kiến, chỉ có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng.

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Thư (Tegami – 2003)
– Tác giả: Keigo Higashino
– Dịch giả: Thu Hiền
– Thể loại: Tiểu thuyết tâm lý xã hội
Có một vài tác giả khiến tôi sẵn sàng bỏ tiền ra mua bất kì tác phẩm nào của họ. Như J.K Rowling là để tiếp tục đồng hành phiêu lưu cùng nhân vật chính. Như Dan Brown là để đi du lịch miễn phí cùng những kiến thức khoa học phong phú. Như Murakami là để được thấy bản thân mình qua những nam chính đầy khiếm khuyết…
Và gần đây, là Keigo, do sự dạng trong chủ đề và phong cách nhưng luôn chân thực đến ám ảnh. Không to tát sáo rỗng, không hô hào sự cao thượng mà gần gũi, thực tế đến nao lòng. Thư, là tác phẩm tâm lý xã hội tiếp theo của ông được đánh giá cao từ độc giả khắp nơi trên thế giới.

2. Về tác phẩm

Truyện kể về quãng đời bị kì thị của một thanh niên có anh trai là sát nhân, từ khi cậu là học sinh cuối cấp cho đến lúc có vợ con. Câu truyện hoàn toàn tuyến tính, cách kể cũng đi thẳng vào vẫn đề, thuật lại chi tiết những cảm xúc và suy nghĩ của nam chính sau mỗi sự kiện trong đời. Xen kẽ câu truyện là những bức thư, sợi dây kết nối với người anh phạm tội và cũng là bằng chứng hùng hồn cho vết nhơ mà cậu luôn chối bỏ.
Chủ đề chính là vấn đề kì thị. Đối tượng ở đây là những người thân của tội phạm, người không gây ra tội ác nhưng lại phải hứng chịu hình phạt còn nặng nề hơn cả thủ phạm. Sự gai góc của chủ đề lại rất hợp với lối kể và bối cảnh đơn giản kể trên, vì nó làm nổi bật nỗi đau và sự thiệt thòi, cho thấy được tác động của nó vào cuộc sống một cách “hiển nhiên” đầy tàn nhẫn.
Nhân vật được xây dựng không quá cá tính, mang đủ những hỉ nộ ái ố rất thường tình, một người có thể bắt gặp ở bất kì đâu. Nhờ sự lựa chọn “bình thường” như vậy, mới giúp người đọc thấm thía rằng, bản thân sự bị kì thị thôi là quá thiệt thòi rồi, không cần bất kì sự éo le nào khác nữa cũng đủ nhấn chìm bất kì tâm hồn lạc quan nào.
Về tâm lý nhân vật, chỉ là những cảm xúc rất hiển nhiên thôi, nhưng sao mà tội nghiệp thế. Nó hiển nhiên tới tàn nhẫn khi chính người đọc cũng biết, rằng ở hoàn cảnh đó, ta phải chấp nhận như vậy. Dù có thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận thế nào đi nữa, thì dự bất công vẫn ở đó, không suy xuyển, lảng tránh không được, đối mặt cũng không xong. Gấp sách lại khi vấn đề không được giải quyết, không có happy ending nào như trong phim, chỉ còn sự cay đắng đeo đẳng.
Lại là một tác phẩm đáng nhớ nữa của Keigo. Lần này không có gì cầu kì trong tình tiết, không có những pha lật bàn bất ngờ, chỉ đơn giản là chọn đúng vấn đề, đặt nó vào một nhân vật bình thường như bao người, và kể nó một cách thản nhiên. Vậy thôi mà cũng khiến người đọc phải suy ngẫm, phải day dứt và không ngừng tự vấn bản thân.

3. Tản mạn

Họ kì thị cũng là điều đương nhiên.
…Nếu nói theo kiểu tàn nhẫn, chúng tôi bắt buộc phải phân biệt đối xử với cậu, để tất cả tội phạm hiểu rằng chỉ vì mình phạm tội mà người thân phải chịu rất nhiều khổ sở.
Một quan điểm rất mới với tôi, khi đồng thuận và cho rằng kì thị là cần thiết. Họ tin rằng, khiến người thân phải đau khổ, là một cách trừng phạt kẻ phạm tội, qua đó răn đe, buộc mọi người phải cân nhắc trước khi làm điều không đúng.
Tôi phải công nhận ngay, điều này đúng. Vì sự cao thượng được các tác phẩm ở đủ mọi thể loại khác đề cao quá mức, thậm chí phi thực tế, kết quả là những màn mùi mẫn cảm động tới mức, ta quên luôn tội ác đã xảy ra, và vô hình chung, làm giảm đi độ nghiêm trọng và sự nhìn nhận đúng đắn về kẻ phạm tội. Vì đóng vai tốt luôn được ưa chuộng hơn mà…
Sự tàn nhẫn cần thiết này, ta chỉ có thể đồng thuận, hoặc ngó lơ, chứ không thể phản đối. Nếu cố gắng đi ngược dòng, người bị kì thị sẽ càng bị phân biệt hơn mà thôi. Nên hãy quên việc thay đổi cách suy nghĩ của mọi người xung quanh đi, mà hãy tập trung vào bản thân.
Nhưng chọn cách đối mặt, cố gắng hiên ngang mà sống, hay tìm cách đoạn tuyệt, chôn giấu tới cùng? Nam chính đã thử hết, và cách nào cậu cũng phải đánh đổi một điều gì đó, mãi mãi không có sự trọn vẹn.
Tuy sự thật nghiệt ngã là không thể tránh khỏi, nhưng vẫn có cách để giảm bớt phần nào, và không để vấn đề đi quá xa, đó là sự kiên định. Chọn cách nào cũng được, những hãy quyết định thật nhanh và kiên trì cùng nó. Vì khi ở trong  hoàn cảnh như vậy rồi, mọi phép thử đều khiến tình hình phức tạp và éo le hơn mà thôi.
Phúc
2020.03.28

Đọc thêm: