Từ tận đáy lòng gã nhận ra, giờ chỉ mình gã mới là gia đình thật sự của người con gái này, trên cuộc đời này chỉ còn mỗi gã và nàng mà thôi.

1. Thông tin chung

- Tên tác phẩm: Bí Mật Của Naoko
- Tác giả: Keigo Higashino
- Thể loại: Tiểu Thuyết Trinh Thám

Tự nhiên nhớ ra, lâu rồi không đọc truyện Trinh Thám.Đây mới là thể loại yêu thích từ bé của mình mà nhỉ? Chẳng biết vì sao, nhưng cái cảm giác tò mò, hồi hộp và cả sợ sệt nữa, luôn gây hứng thú với tôi.
Đang là những ngày cuối ở Nhật, nhớ lại những đầu, cách đây hơn 5 năm, tôi đã đọc là "Phía sau nghi can X" của Keigo, và thực sự ấn tượng. Nhưng cũng do mới sang, đi học đi làm tốn nhiều thời gian, nên việc đọc bị gác lại. 1 năm gần đây mới rảnh rỗi hơn, bắt đầu viết blog, nhưng chẳng hiểu sao toàn chọn thể loại buồn buồn lãng đãng, mơ mơ mộng mộng. Nên cần chút đổi gió bằng sở thích cũ, bắt đầu lại với Keigo nên tôi chọn "Bí Mật Của Naoko" - cuốn sách đầu tiên đưa tên tuổi ông đến với mọi người.

2. Đánh giá tổng quan

Không phải truyện trinh thám, mà là truyện tình cảm gia đình các ông ạ 😞.
Tôi khổ quá mà, muốn đọc cái gì kịch tính, ép cơ thể phải tiết ra adrenalin, não phải căng như dây đàn, rốt cuộc lại phải vẩn vơ ngẫm nghĩ về chuyện gia đình.
Thôi bỏ qua vụ trinh thám đi, đây là một cuốn về tình cảm gia đình hay.
Đặt vấn đề độc đáo.
Một người đàn ông phải làm sao khi linh hồn của vợ sống trong cơ thể của con gái mình?
Một người phụ nữ nội trợ sẽ làm gì khi có cơ hội thiết kế lại cuộc đời nhiều hối tiếc của mình?
Tuy kể theo góc nhìn của người chồng là chính, nhưng tương tác giữa 2 vợ chồng là rất nhiều, nên có thể coi truyện có 2 nhân vật chính cũng được. Vì tập trung vào sự tương tác, nên các đoạn hội thoại rất nhiều, tưởng như có thể dễ dàng bê đi dựng kịch hay làm phim luôn cũng được. Cũng chính vì lẽ đó, người đọc không mất công tưởng tượng, mà hiểu rất nhanh vấn đề đang diễn ra là gì.
Yếu tố trinh thám vẫn xuất hiện (ừ thì xuất hiện, nhưng đừng hòng bắt tôi công nhận đây là tiểu thuyết trinh thám). Có bí mật, có hiểu nhầm, có truy tìm câu trả lời, có plot twist, nhưng tất cả vẫn rất nhẹ nhàng, vừa đủ để làm mạch truyện hấp dẫn hơn. Kể ra lối kết hợp này khá thú vị, khi đọc được 1/3 cuốn truyện tôi đã tự cho não trái nghỉ ngơi, bật chế độ “đa sầu đa cảm” lên và thưởng thức.
Ai cũng có nỗi niềm, cũng phải lựa chọn, cũng phải day dứt. Một cái kết vẹn toàn cho câu chuyện quá trớ trêu này là không thể, nhưng vẫn đủ hợp lý, vì chuyện về cảm xúc yêu thương mà, sao có thể giải quyết mạch lạc như phá một vụ án cho được.
Nói chung là hay, chứng tỏ Keigo viết truyện không bị một màu, tạo động lực để khám phá tiếp các tác phẩm khác của ông.
Hợp với ai?
- Đã lập gia đình.
- Cần những thông điệp tích cực về chuyện vợ chồng nhưng sợ các câu truyện sướt mướt.
- Hoặc muốn đổi gió với một cuốn “trinh thám trá hình”. 
Tiếp theo đọc gì?
Vẫn cay cú vì hụt một cuốn trinh thám đúng nghĩa, nên sẽ đọc Bạch Dạ Hành hoặc Ác Ý, chắc chắn có giết người rồi nên chắc không lộn nữa đâu ha.

Đọc thêm:

3. Tản mạn

Sau đây là vài lời tản mạn về các chủ đề đã gây cho tôi sự chú ý, hoàn toàn là cảm nhận cá nhân, không phải đánh giá nội dung cuốn sách.
Hối hận
“…Ngày nào em cũng nghĩ xem nên làm gì. Và em đã có câu trả lời. Đó là phải sống mà không hối hận như ngày trước.”
Lập gia đình không khác gì một canh bạc.
Rất nhiều người đồng ý như vậy, nhất là những người lập gia đình sớm 🙂.
Lý do thì nhiều lắm, nhưng tất cả đều dẫn tới cảm giác “hối hận”.
Trong truyện, người vợ khi được trao cho cơ hội sống lại một cuộc sống mới, đã nhanh chóng bộc lộ khát khao được sống “khác” đi, chứng tỏ sự hối hận đã luôn hiện hữu, chỉ chờ có “lý do” là sẽ trỗi dậy và trở thành hành động.
Tôi tin là ai cũng vậy, ít hay nhiều, đều có một vài điểm không hài lòng về hôn nhân của mình. Tôi có thể chia làm 2 loại: “biết trước” và “không biết trước”.
Loại “biết trước” là trước khi kết hôn, ta đã ý thức được sẽ đánh mất cái gì, và ta chấp nhận điều đó, vì hạnh phúc lớn hơn. Trong hầu hết trường hợp, loại hối hận này không nguy hiểm lắm, vì ta đã chấp nhận hi sinh được một lần, thì chỉ cần thấy đối phương còn xứng đáng, là ta còn có thể chấp nhận.
Loại thứ 2 – “không biết trước” – mới đem lại nhiều rủi ro. Đó là những cái ta chưa hề gặp, chưa hề có trải nghiệm, cứ tưởng người ta chọn là phù hợp rồi, ai ngờ lại gặp được người phù hợp hơn. Lúc đó thì biết bao cảm xúc lẫn lộn và mới lạ bùng nổ, lý trí bị lép vế, tất cả mọi hành động đều do cảm xúc dẫn dắt. Lúc này chỉ trông chờ vào bãn lĩnh và lý trí thôi, tuy cảm xúc rất dữ dội, nhưng lý trí vẫn có thể thắng, nếu ta được rèn luyện đủ lâu. Đàn ông thường vượt qua sự hối hận kiểu này dễ dàng hơn, vì cái giống “đàn ông lý trí” điều khiển cảm xúc giỏi lắm, ít nhất là biểu hiện và hành động, họ sẽ biết phải làm gì thôi. Dù sâu trong lòng lâu lâu vẫn quặn thắt…
Dù là loại nào đi nữa, thì “hối hận” vẫn là loại cảm xúc nên có, phải biết hối hận là gì, thì mới biết cách để vượt qua. Vì theo tôi, không có người “không hối hận”, chỉ có người “biết vượt qua hối hận” mà thôi.
Phụ nữ độc lập
“Không phải vậy. Phụ nữ độc lập vẫn có thể làm nội trợ. Điều em không thích chính là hình mẫu những người phụ nữ không có khả năng tự lập, buộc phải ở nhà làm nội trợ. Giả sử có không thích chồng mình,” anh đừng hiểu lầm nhé, đây chỉ là ví dụ thôi, “giả sử vậy thì có rất nhiều phụ nữ không thể thoát khỏi gia đình vì họ không thể tự lo cho mình. Đúng không nào?”
Trích đoạn trên đã miêu tả quá rõ thế nào là phụ nữ độc lập rồi. Họ có thể hi sinh vì người đàn ông của mình, nhưng nhất quyết không được phụ thuộc.
Và thật may mắn, tôi đã chọn được một người như vậy làm vợ 🙂.
Tôi đã được chứng kiến em một mình xoay sở cho đám cưới cho 2 đứa thế nào khi tôi ở xa; em buồn và stress ra sao khi phải bỏ việc theo tôi đóng vai một cô vợ phải ở nhà suốt ngày; rồi em khi vui vẻ với công việc mới, đem lại cho em sự tự tin dù 2 đứa lại phải xa nhau. Vậy là quá đủ để tôi yên tâm về em, em thương tôi, cần tôi, nhưng không hề phụ thuộc vào tôi. Nó cho tôi một sự thoải mái nhất định, bớt cho tôi một phần áp lực gánh vác gia đình, vì tôi biết, em luôn sẵn sàng và có khả năng san sẻ nỗi lo cùng tôi.
Cám ơn em.
2019.12.26
Phúc

Đọc thêm: