Bạn có một ngày tồi tệ? Sáng đi làm trễ bị sếp nhẹ nhàng cảnh cáo, trưa phải hoàn thành đống deadline của nhóm giao, tối đang lê đôi chân mệt mỏi đi về thì thấy crush nắm tay thằng nào đó đi dạo. Bạn về nhà, trùm chăn lại, móc điện thoại ra và đăng lên tin với dòng trạng thái: " Khi đêm xuống là lúc nỗi buồn lên ngôi, cô đơn bủa vây tâm trí này", kèm theo một đoạn nhạc nền Mít tờ Siro tâm trạng so deep. Có rất nhiều người lướt qua tin của bạn và sự thật là chẳng ai cóc thèm quan tâm đến cái so deep đó của bạn cả.
Thật vậy, Khi ở trong một nhóm hay một quần thể cộng đồng chúng ta có xu hướng nghĩ mình là trung tâm của mọi sự chú ý, mọi hành động và cử chỉ đều được người khác theo dõi một cách tỉ mỉ, tâm lý lo sợ người khác chú ý đến mình như trên gọi là hiệu ứng ánh đèn sân khấu (Spotlight effect). Mai là bạn phải thuyết trình thì hôm nay, đúng quy luật của vũ trụ, bạn mọc một cái mụn ngay giữa trán, bạn loay hoay không biết làm cách nào để xóa bỏ cái của nợ này hoặc ít nhất là làm cho nó mờ đi. Điều thú vị là sẽ chằng có ai để ý đến cục mụn đó, nếu họ có thấy đi nữa thì nó cũng sẽ biến mất ngay lập tức trong tâm trí họ, còn bạn thì đang lo mai có nên xin nghỉ không.
Năm 1996, sau khi nghiên cứu quan điểm về mức độ chú ý mà mọi người cho là hành vi và diện mạo của mình nhận được. Thomas Gilovich từ đại học Cornell đã cho ra đời định nghĩa về hiệu ứng ánh đèn sân khấu. Trong nghiên cứu này, ông cho sinh viên ăn mặc áo in hình khuôn mặt tươi cười của Bary Manilow (một nghệ sĩ nổi tiếng của Mỹ) bước vào phòng học có nhiều sinh viên khác đang ngồi học, và trước khi bước vào họ các sinh viên tham gia thí nghiệm phải gõ cửa, sau đó họ còn phải đứng lên để phát biểu. Ngay sau khi đặt mông ngồi xuống, họ sẽ bị lôi ra ngoài phỏng vấn. Những người tham gia thí nghiệm được yêu cầu phải ước tính số lượng người đã chú ý đến mình. Họ ước lượng rằng khoảng một nữa số người trong phòng đã chú ý và xem mình là một thằng hề khi mặc một chiếc áo quá tếu và không giống ai.
Khi những nhà nghiên cứu yêu cầu những sinh viên ngồi trong phòng từ đầu miêu tả về người mới gõ cửa bước vào, chỉ khoảng hơn 15% nhắc tới chiếc áo in hình tấu hài đó. Kể cả trong tình huống xây dựng với mục đích xây dựng sự chú ý, chỉ có 1/4 số người qua sát để ý tới trang phục kỳ lạ, không đến một nữa như những người tham gia thí nghiệm ước tính ban đầu. Golvich thậm chí đã lập lại thí nghiệm này trên một con phố đông đúc ở New York, mặc dù đối tượng tham giam nghĩ mình nên tìm một cái quần và đội lên cho đỡ quê thì sự thật là chẳng ai để ý đến họ cả.
Qua thí nghiệm trên bạn hoàn toàn có thể thấy mình chỉ là cái đinh của thế giới chứ không hẳn là cái rốn của vũ trụ như bạn vẫn tưởng. Nếu bạn đang ngồi tán dóc với lũ bạn thì thấy một chiếc Lamborghini Aventador mui trần đỏ chói chạy qua thì bạn sẽ nhìn con xe hay tập trung vào người cầm vô lăng? Khi đi vô lớp muộn hoặc đến rạp chiếu phim muộn thì chúng ta có cảm giác tất cả mọi người đang nhìn mình vậy. Chúng ta không thể thoát khỏi hiệu ứng tâm lý này nếu chúng ta ít giao tiếp và tương tác xã hội. Con người thường cường điệu hóa sai lầm của mình khi đối mặt với đám đông, dễ bị ảnh hưởng đến tâm lý nếu lỡ tấu hài trước mặt nhiều người và sự kiện đó bám lấy bạn rất lâu trong khi người khác sẽ quên ngay sau khi bạn rời đi.
Để tránh sự phóng đại sự ảnh hưởng của mình đến những người xung quanh, chúng ta nên suy nghĩ đơn giản hơn. Sau này khi thuyết trình mà bị mụn trên trán hoặc mắc lỗi khi thuyết trình thì đừng quá lo lắng vì không ai để ý đâu.
Bài viết có sử dụng tài liệu tham khảo từ cuốn sách: Bạn không thông minh lắm đâu - David Mcraney.