<i>The Republican Revolt</i>, tranh của Clay Bennett
The Republican Revolt, tranh của Clay Bennett
Thành thật mà nói, tôi thấy trớ trêu khi bài viết về chủ đề phản trí thức hôm nay được gợi hứng chủ yếu từ trò chơi nổi tiếng là trí thức: cờ tướng; cũng như tôi thấy trớ trêu không kém khi nhận ra cộng đồng cờ tướng Việt Nam là nơi có nhiều hạng người phản trí thức nhất mà tôi từng biết.
Trong bầu không khí cà khịa đêm nay, tôi thiết nghĩ chúng ta nên tạm gác qua một bên nỗi sợ hãi tẻ nhạt vì Covid-19 để cùng ngồi lại trò chuyện với nhau về những chủ đề thú vị hơn, như là về lí thuyết và thực tế, về lí luận và thẩm quyền, về quá trình và kết quả, về ý tưởng và ý thức hệ, và hơn cả, về trí thức và phản trí thức.
I. BẮT ĐẦU TỪ CỜ TƯỚNG VÀ CƠ THIẾU HOÀNG…
Mọi việc khởi sự từ bài gần nhất của tôi, từ ba tháng trước: Cờ vua và cờ tướng: Một so sánh tử tế [1]. Nhìn chung, phần nội dung chính của nó là thứ thuộc chủ đề hẹp, ban đầu tôi viết chỉ với mục đích thoả ham mê chơi cờ và chỉ bàn luận với vài cao thủ cờ tôi quen trong cộng đồng cờ mà thôi, tất cả đều phản hồi tốt.
Tuy nhiên, phần cuối bài viết ấy tôi có chia sẻ thông tin cá nhân về quá trình học cờ, cụ thể là tôi mới chỉ học một tháng nhưng đã chơi được 200 ván, với tỉ lệ thắng là 74% và đủ để hiểu biết về môn cờ này. Tất nhiên chia sẻ này đi kèm với lòng kiêu hãnh không cần giấu giếm, bởi một khi thành tích tỉ lệ nghịch với thời gian rèn luyện thì luôn cho thấy tiềm năng của người chơi hẳn phải rất lớn.
Thế nhưng, khi Spiderum chuyển thể bài viết đến người dùng Youtube thì phản ứng của lũ ngu làm người thông minh như tôi phải há hốc mồm ra.
Vâng, bằng một lô-gích khó hiểu nào đó mà một thứ vốn dĩ là niềm kiêu hãnh của người chơi bỗng trở thành nhược điểm của họ. Thay vì phản biện thẳng vào từng luận điểm và dẫn chứng tôi làm rất kĩ trong bài, người dùng Youtube chỉ biết soi vào thời gian chơi cờ để làm luận chứng cho kết luận rằng tôi không hiểu cờ tướng, thảm hại hơn, họ còn cố ý không dám đề cập đến tỉ lệ thắng của tôi nữa.
Tôi hiểu rằng một khi họ đã tránh né lí luận và tập trung vào thời gian chơi, cũng là ngầm tập trung vào trình độ chơi, có nghĩa là họ đang lựa chọn thẩm quyền thay vì lí luận, lựa chọn kết quả thay vì quá trình. Và họ cũng ngầm cho rằng khi đối phương giải quyết được vấn đề thẩm quyền thì đối phương sẽ thắng họ vô điều kiện ngay tức khắc. Buồn mà nói, họ chọn sai phe rồi.
Đỉnh điểm của tất cả là một người trong số họ công khai thách thức tôi đạt một trình độ nào đó ở app cờ tướng Thiên Thiên Tượng Kỳ. Tôi chấp nhận thách thức, một phần vì hiếu thắng, phần khác vì đằng nào tôi cũng đang luyện cờ tướng, một công đôi việc. Và đây là kết quả.
Chữ Tàu khoanh xanh: Thắng 189. Hòa 15. Thua 110. Xếp hạng cao hơn 94,23% số người chơi trong app
Chữ Tàu khoanh xanh: Thắng 189. Hòa 15. Thua 110. Xếp hạng cao hơn 94,23% số người chơi trong app
Bằng chứng này cho thấy nhiều điều. Thứ nhất, chính những người tin tưởng vào thẩm quyền nhất lại là người mang thẩm quyền nhỏ bé nhất. Người thách tôi chơi tự nhận đã chơi trên ngàn trận (con số này cho thấy có đầu tư thời gian đối với người nghiệp dư), thế nhưng trình độ chỉ ở tầm 5-1, trong khi tôi chỉ chơi 314 ván thôi (nếu tính cả các ván ngoài TTTK thì khoảng 500) mà đã lên 7-1 rồi, và tất nhiên vẫn lên được nữa nếu tôi đầu tư thêm thời gian và công sức. Bởi vì tuổi cờ tôi mới 4 tháng thôi, nên nhớ tuổi trẻ luôn là ưu điểm, vì nó cho thấy vẫn còn đà phát triển.
Thứ hai, tôi đã nói rằng họ chọn sai phe, bởi vì thật ngô nghê khi chọn thời gian chơi để đánh vào, vì thời gian chơi là cái tôi không ngừng tích luỹ và không bao giờ giảm đi được. Ba tháng trước họ chê tôi chỉ có một tháng tuổi cờ, bây giờ chắc chắn họ không dám dùng lại câu đó, và tôi đang tự hỏi không biết mười năm sau họ dám nói gì về tuổi cờ của tôi. Nhưng hơn cả ngô nghê, thật dại dột khi chọn phe thẩm quyền, bởi như vậy họ tự nguyện đồng ý rằng ai có thẩm quyền hơn họ là họ phải im miệng, họ tự nguyện làm nô lệ cho người khác. Trong lĩnh vực này, rõ ràng, tôi đang có thẩm quyền hơn.
Tuy nhiên tôi không lấy điều đó để bắt họ im miệng, vì tôi coi khinh thẩm quyền. Và tôi biết là rating 7-1, với con số thống kê cao hơn 94% số người chơi còn lại, vẫn có nhược điểm của nó. Người ta vẫn có thể nói 7-1 chưa đủ, chơi lên 8-1 mới đủ, rồi sau đó là 9-1 mới đủ, và đỉnh cao của lươn lẹo là phải vô địch thế giới mới đủ thẩm quyền để nói. Cũng tương tự với tuổi cờ, người lươn lẹo vẫn có thể chê bai tuổi cờ 10 năm để thách lên 20, 30, 40, 50, v.v. năm vậy.
Điểm thứ ba chúng ta thấy: chọn phe thẩm quyền tức là chọn phe lươn lẹo.
Thanh niên mửa ra cái đống này vào Spiderum, nói chuyện một hồi lòi ra là không biết chơi cờ vua, tôi cho vài đường cơ bản nên lượn rồi nhé
Thanh niên mửa ra cái đống này vào Spiderum, nói chuyện một hồi lòi ra là không biết chơi cờ vua, tôi cho vài đường cơ bản nên lượn rồi nhé
Kịch bản trên có vẻ giống trường hợp Cơ Thiếu Hoàng.
Cho những ai không biết, trường hợp Cơ Thiếu Hoàng là một cuộc tranh luận bỏ bóng đá người của một thanh niên tên Cơ Thiếu Hoàng, thay vì tranh luận vào ý tưởng, thanh niên ấy lại thách thức vào thẩm quyền của đối phương. Xui xẻo thay, đối phương là người có đủ thẩm quyền. Và như tôi đã nói bên trên, kết cục là người chọn phe thẩm quyền phải im miệng và trở thành một thứ nô lệ ngay lập tức.
Cư dân mạng có câu đùa không xa với sự thật bao nhiêu rằng “Cơ Thiếu Hoàng không phải một người mà là một hệ tư tưởng.” Bởi vì, rất đáng buồn, hạng người như Cơ Thiếu Hoàng có quá nhiều trong xã hội này. Và hạng người như thế không phải mới mẻ đối với lịch sử, nói một cách chuẩn tắc, tên gọi cho hạng người ấy là phản trí thức (anti-intellectualism).
II. … CHO ĐẾN HẠNG NGƯỜI PHẢN TRÍ THỨC
1. Người trí thức và phản trí thức
Người trí thức là một định nghĩa phức tạp và có nhiều thay đổi dọc theo chiều dài lịch sử nhân loại. Ở buổi bình minh của loài người, chúng ta coi những hành động miễn sao phục vụ tốt cho việc sinh tồn thì đều là có trí, bất kể hành động đó nếu xét theo tiêu chuẩn bây giờ thì là láu cá, khôn lỏi, xảo quyệt, v.v. chứ không phải hành động của người trí thức với nghĩa là trí thông minh.
Ví dụ ở phương Tây là câu chuyện về những người anh hùng Hi Lạp, như Palamède bày mưu khiến Ulysee phải tham gia cuộc chiến thành Troie, Ulysee với mưu kế ngựa gỗ thành Troie, và sau đó là Ulysee đánh lừa Cyclope, v.v. Tất thảy chúng nếu xét theo thời đại nay thì là xảo quyệt hơn là thông minh. Hoặc ở Việt Nam có giai thoại về Trạng Quỳnh nổi tiếng thông minh, nhưng với chúng ta bây giờ phải gọi đó là khôn lỏi thì đúng hơn.
Ngay đến trong kinh điển chính quy như Luận ngữ của Khổng Tử, hình mẫu con người có trí ở đấy cũng không tránh khỏi mục đích phục vụ tốt cho việc sinh tồn, và do đó, người có trí ít nhiều mang cả những tính cách thiên về lươn lẹo, xảo trá, nhẫn nhục để miễn sao tồn tại được. Xin trích các chỗ đề cập đến trí ở Luận ngữ:
IV.2: Nhân giả an nhân, trí giả lợi nhân. (Người có đức nhân vui lòng làm điều nhân, người thông minh sáng suốt biết rằng đức nhân có lợi cho mình và cho người nên làm điều nhân.)
V.20: Ninh Vũ tử, bang hữu đạo tắc trí, bang vô đạo tắc ngu. Kì trí khả cập dã, kì ngu bất khả cập dã. (Ông Ninh Vũ tử, khi nước có đạo thì tỏ ra là người trí; khi nước vô đạo thì làm ra vẻ ngu. Cái trí của ông, ta theo kịp, cái ngu của ông, ta không theo kịp.)
VI.20: Phàn Trì vấn trí. Tử viết: “Vụ nhân chi nghĩa, kính quỉ thần nhi viễn chi, khả vị trí hĩ”. (Phàn Trì hỏi thế nào là trí. Khổng tử đáp: “Chuyên tâm làm việc nghĩa giúp người, kính trọng quỉ thần nhưng tránh xa, như vậy có thể gọi là trí”.)
VI.21: Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn. Trí giả động, nhân giả tĩnh. Trí giả lạc, nhân giả thọ. (Người trí thích nước, người nhân thích núi. Người trí thì hoạt động, người nhân thì trầm tĩnh, người trí vui sống, người nhân sống lâu.)
IX.28: Trí giả bất hoặc. (Người trí thì không mê hoặc.)
XII.22: Vấn trí. Tử viết: “Tri nhân”. (Hỏi về đức trí, đáp: “Biết người”.)
Trích Luận ngữ, bản dịch Nguyễn Hiến Lê [2]
Có thể thấy, đối với người xưa thì khả năng lí luận, hoài nghi, tư duy trừu tượng, óc sáng tạo đều không được quan tâm và đề cập trong khái niệm “trí”. Người gọi là trí thức thời đó có học hành thì cũng chỉ là học thuộc lòng sách của thánh hiền, và cố nhiên thánh hiền thì không sai nên hoài nghi hay phản biện có rất ít chỗ đứng ở đây.
Mãi đến thế kỉ thứ mười bảy và mười tám, mà nay chúng ta đặt tên là Thời kì Khai sáng, thì lí trí (một từ ngữ mới mẻ) lên ngôi, kéo theo đó là thay đổi định nghĩa về trí thông minh. Thông minh từ nay trở đi đồng nghĩa với năng lực phê bình, mà có lẽ Kant đóng góp rất lớn vào quá trình này. Lí trí thay đổi mọi mặt cuộc sống, đặc biệt trong các lĩnh vực hệ trọng như pháp luật. Thời con người còn sống thành bộ lạc, luận tội chỉ là hành động thỉnh ý một người già để họ nhớ ra những câu ca dao tục ngữ hợp cảnh, sao cho nhiều người thấy có lí để cùng nhất trí phán xử [3]. Nay, luật pháp được xây dựng trên cơ sở lí luận, chặt chẽ và không bị ảnh hưởng bởi ý kiến đám đông, thậm chí sẽ là tội ác nếu ngày nay vẫn còn luận tội bằng tục ngữ như kiểu thời xưa.
Đến thời đại internet ngày nay, nơi thông tin thừa mứa và độc hại, thì năng lực phê bình càng trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Vì không như kiến thức, chúng ta không vay mượn năng lực phê bình được, không bắt chước hay copy nó từ người khác được. Học thuộc lòng dường như trở thành thừa thãi khi kiến thức có thể được gọi ra bất cứ lúc nào chỉ qua một nút bấm.
Khi đã có định nghĩa về trí thức, không khó để chúng ta xác định đâu là phản trí thức. Đó chính là hạng người không đề cao khả năng lí luận, phê bình, kiến tạo lí thuyết, thay vào đó họ đề cao thực hành hơn lí thuyết, thẩm quyền hơn lí luận, niềm tin hơn phê bình.
2. Con người của ý tưởng và con người của ý thức hệ
Nhưng cần phải nói rõ rằng phản trí thức không nhất thiết là hạng người vô văn hoá, vô học thức. Ngược lại, rất nhiều người có học nhưng vẫn cứ là phản trí thức vì sự khác biệt mong manh giữa ý tưởng (idea) và ý thức hệ (ideology).
Theo Arthur Schlesinger Jr, ý tưởng mang tính tương đối, trong khi ý thức hệ mang tính tuyệt đối [4]. Một trí thức, với đặc trưng là con người biết hoài nghi và lí luận, cố nhiên luôn đặt mọi thứ trở thành vấn đề, dù là những thứ quen thuộc nhất. Người trí thức luôn là kẻ lang thang trong thế giới tư duy, họ đưa ra ý tưởng nhưng không bám chết vào ý tưởng của mình, giữa họ và ý tưởng của họ bắt buộc có một khoảng cách luôn luôn cần phải giữ. Nói cách khác, người trí thức không tuyệt đối hoá ý tưởng để rồi từ đó ý tưởng trở thành ý thức hệ, mặt khác họ không ngừng đi tìm ý tưởng mới, và đôi khi ý tưởng mới xung khắc đến nỗi phải phá bỏ ý tưởng cũ.
Nếu coi trí thức là kẻ lang thang thì có thể coi phản trí thức là kẻ bỏ hết trứng vào một rổ, với cái rổ là ý thức hệ mà họ tôn thờ, và trứng là những thứ thiết thân như tiền bạc, danh vọng, tình cảm, thời gian mà họ không nỡ vứt bỏ. Càng cắm rễ vào ý thức hệ sâu bao nhiêu, hạng người phản trí thức càng khó rút chân ra bấy nhiêu. Ngoài ra, vì mọi thứ lợi ích bị dính chặt với nhau một cách chồng chéo, phản trí thức sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tư duy rành mạch.
Trở lại với thứ gợi hứng cho bài viết này, mặc dù vẫn khẳng định bài viết so sánh của tôi công tâm, nhưng cạnh đó tôi cũng thừa hiểu lí do vì sao cộng đồng cờ tướng giãy như sắp bị chọc tiết, trong khi cộng đồng cờ vua thì không. Nguyên do nằm ở cách đặt câu của tôi như “Quân cờ tướng không cơ động bằng cờ vua”, “Cờ tướng liên kết kém hơn cờ vua” (hoặc ngược lại cũng thế, “Quân cờ vua cơ động hơn cờ tướng”, “Cờ vua liên kết tốt hơn cờ tướng”). Và nguyên do tôi chọn các giá trị cơ động và liên kết đơn giản vì đây là các giá trị cơ bản của hai môn cờ này.
Đối với người có tư duy rành mạch thì “cơ động hơn” không bao giờ có thể đồng nghĩa với “hay hơn” được, hoặc “liên kết kém hơn” không thể nào có nghĩa là “dở hơn” được cả. Nói cho chính xác thì suốt cả bài tôi còn chủ ý không dùng mấy từ mơ hồ như “tinh hoa cờ tướng” hay “tinh hoa cờ vua” kia. Tuy nhiên, sẽ là ngây thơ nếu đòi hỏi tư duy rành mạch ở những người suốt ngày còm dạo trên Facebook với Youtube, và sẽ càng ngây thơ hơn nếu hi vọng có kiểu viết nào vừa lòng được tất cả lũ ngu trên đó.
Chính kiểu nói nịnh bợ “tinh hoa” như thế này mới là cảm tính đấy
Chính kiểu nói nịnh bợ “tinh hoa” như thế này mới là cảm tính đấy
Căn nguyên của tư duy nhập nhằng nằm ở cách sống nhập nhằng. Có thể nói là những người giãy nảy vì cách đặt câu của tôi không thực sự coi cờ tướng như một thú chơi thuần tuý kiến thức, mà họ coi nó như một cách xác định căn tính của bản thân, mọi thứ từ tình cảm, lòng kiêu hãnh, trí tuệ, tự tôn đều được họ đồng hoá vào cờ tướng. Bởi vì mọi thứ nhập nhằng với nhau nên việc chỉ ra một khía cạnh nhỏ mang tính chất “kém hơn” của cờ tướng cũng đồng nghĩa với tuyên bố toàn bộ cờ tướng và toàn bộ cuộc đời họ là “kém hơn” so với cờ khác và với người khác.
Thảy sự này chỉ vì họ không có khả năng giữ một khoảng cách mong manh giữa bản thân họ và ý tưởng. Khi khoảng cách mong manh ấy biến mất, ý tưởng trở thành ý thức hệ, ý thức hệ không còn là công cụ của con người, mà con người mới là công cụ của nó. Họ tin tưởng nó tuyệt đối và làm nô lệ cho nó một cách tự nguyện.
Những người đó không chơi cờ tướng, mà chính cờ tướng đang “chơi” họ.
3. Tư duy trọng xỉ
Đã có thời gian dài loài người nhập nhằng giữa người thông thái và người thông minh, nhưng rồi cũng như mọi lĩnh vực khác, việc thế giới ngày càng phẳng hiện nay đã thay đổi nhiều giá trị. Thông thái vốn mang nghĩa là hiểu biết nhiều, và theo cách truyền thống để có được nhiều hiểu biết, người ta chỉ có cách duy nhất là sống lâu. Hiện tượng này sinh ra tư duy trọng xỉ (trọng người già), bởi tuổi đời cao khi ấy là biểu hiện bên ngoài của việc tích luỹ kiến thức.
Nhưng, như tôi đã cân nhắc câu từ, đó chỉ là biểu hiện bên ngoài mà thôi. Bởi vì thời đại có quá nhiều sách vở và máy móc phục vụ con người như hiện nay, anh chị không nên lấy làm lạ khi nhiều thanh niên tích luỹ kiến thức nhiều hơn cả mấy ông già. Chúng ta thường mang suy nghĩ trọng xỉ chỉ bởi vì đó là dấu vết cho thấy bản năng con người tiến hoá không kịp với tốc độ phát triển của xã hội mà thôi.
Do đó, không lạ khi biểu hiện tiếp theo của phản trí thức là tư tưởng coi nặng tuổi tác hơn lí lẽ. Sau bốn tháng đã và đang lăn lộn trong cờ tướng, tôi càng hiểu hơn căn nguyên cho những suy nghĩ trong ảnh trên.
Đó là do điều kiện chơi và học cờ tướng ở Việt Nam vô cùng tệ hại, không một app hay web chơi cờ tướng ở Việt Nam nào có tích hợp chế độ phân tích nước đi để giúp người chơi học cả. Các app và software có phân tích thì thường phải bỏ tiền ra mua mới được dùng, và tất cả đều là app của Trung Quốc. Sự lạc hậu của app Việt Nam (Kỳ chiến, Ziga, PlayOK, Hihuc, v.v. các kiểu) bên cạnh việc ngu hoá người chơi, còn dẫn đến hệ quả là một số người chơi khôn lỏi dùng software để chơi, mà hệ thống không đủ hiện đại để phát hiện và ngăn chặn.
Chính vì điều kiện tệ hại như thế nên người chơi cờ tướng mới bấu víu một cách cực đoan vào yếu tố tuổi cờ, bởi họ không biết rằng ngoài biển lớn mọi thứ đang vận hành rất khác. Để dễ tưởng tượng, nó giống như nền văn minh thời đồ đá so sánh với nền văn minh internet vậy. Không khó hiểu vì sao con người ở nền văn minh đồ đá lại trọng xỉ đến như vậy, bởi vì với họ, sống lâu gần như là cách duy nhất để họ tích luỹ kiến thức.
Nếu chịu đảo mắt ra biển lớn, ta sẽ biết rằng Thiên Thiên Tượng Kỳ của Trung Quốc có tích hợp đầy đủ các tính năng phân tích và chống gian lận bằng software, sân chơi TTTK là nơi khá công bằng. Ở bên cờ vua thì những tính năng phân tích và chống software còn xuất hiện từ sớm hơn cả TTTK, và đều miễn phí trên các sân chơi nổi tiếng như ChessCom và Lichess. Các kì thủ thế hệ sau ELO cao hơn thế hệ trước, độ tuổi trở thành đại kiện tướng cũng trẻ hơn, đây là thực kiện không thể chối cãi về chuyện tuổi tác thời nay là một yếu tố không hề quan trọng.
4. Trọng thực hành hơn lí thuyết
Ở một bài viết trước đây, tôi đã giới thiệu đến anh chị khái niệm Philistine chủ nghĩa (Philistinism) [5]. Nói về lí thuyết và thực hành, Philistine gần giống với phản trí thức ở chỗ cả hai đều coi nhẹ lí thuyết và dùng thực hành như một hình thức lấy kết quả biện minh cho phương tiện. Tuy nhiên, khác nhau ở chỗ Philistine thì không quan tâm đến kiến thức, còn phản trí thức thì quan tâm nhưng ở mức độ hời hợt và sai bậy. Mà hành động thường gặp nhất là trích dẫn ngoài ngữ cảnh để phục vụ ý đồ riêng.
Lâu nay ta vẫn thường thấy người đời dẫn tục ngữ Trăm hay không bằng tay quen để củng cố tư duy coi trọng thực hành hơn lí thuyết, ngoài ra còn ngầm cho rằng mọi thứ tri thức đều nên có tính thực dụng trực tiếp với cuộc sống, những con người học chỉ vì mục đích thuần tuý là yêu tri thức và ham hiểu biết là những người thuộc tầng lớp học trò Dài lưng tốn vải, không được đánh giá cao.
Đi xa hơn, không còn trích dẫn ca dao thành ngữ, một bộ phận không nhỏ người Việt truyền tai nhau câu thơ của Goethe “Mọi lí thuyết đều xám xịt, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi,” với mục đích cho rằng một thi sĩ vĩ đại như Goethe cũng đồng ý với họ là thực hành quan trọng hơn lí thuyết. Việc trích dẫn Faust một cách hùng hồn như vậy khiến cho người biết đôi chút về văn chương kinh điển như tôi, một lần nữa, lại phải há hốc mồm ra.
<i>Faust and Mephistopheles</i>, tranh của Eugène Delacroix
Faust and Mephistopheles, tranh của Eugène Delacroix
Đúng là câu trên của Goethe, nó được trích trong kịch thơ Faust, Phần I, Phòng làm việc, dòng thơ 2037-8, thoại của con quỷ Mephisto, nguyên văn “Grau, teurer Freund, ist alle Theorie, / Und grün des Lebens goldner Baum.” (Thảy lí thuyết đều xám ngắt, bạn tôi ơi, / Chỉ cây vàng của đời là xanh tươi mãi mãi). Đến đây ta có thể kết luận câu nói ấy không nhất thiết là quan điểm của Goethe, mà nó là thoại của Mephisto để phục vụ mục đích nào đó trong văn cảnh. Cụ thể, mục đích ấy là gì?
Bấy giờ, trong vở kịch, là lúc quỷ Mephisto vừa mới hoàn tất giao kèo với Faust, rồi đột ngột có một sinh viên đến muốn tham vấn Faust về ngành học. Faust không có tâm trạng tiếp khách nên Mephisto xin được giả trang Faust để tiếp chuyện chàng sinh viên. Đầu cuộc chuyện Mephisto vẫn giữ thái độ đạo mạo của Faust, nhưng về sau hắn thấy chán nên trút bỏ thái độ đạo mạo để nói về những dục vọng nhằm mê hoặc chàng sinh viên, để chàng không đi theo con đường trí thức nữa.
Vậy ra “Thảy lí thuyết đều xám ngắt” chỉ là câu nói lừa mị của Mephisto, thế còn “Cây vàng của đời xanh tươi mãi mãi” là sao? Than ôi, là quyến rũ phụ nữ, là buông xuôi trước cám dỗ, là để lửa dục chế ngự trái tim. “Cây đời xanh tươi” của văn cảnh ấy là như thế đấy. Sau đây là bản tiếng Việt của đoạn hội thoại.
MEPHISTO (Nói riêng):
Ta đã chán ngấy rồi giọng học giả khô khan,
Thôi, giờ ta lại quay về đóng vai anh quỷ sứ.
(Nói to)
Nội dung môn y học muốn hiểu ra, cũng dễ,
Thế giới nhỏ, thế giới to, khi anh học qua rồi,
Thì quên phéng nó đi,
Phó mặc nó cho Trời.
Làm khoa học mà lượn quanh chỉ uổng công phí sức,
Mỗi người chỉ nên học cái gì mình học được;
Nhưng người nào biết nắm lấy thời cơ,
Người đó mới là kẻ tài ba.
Anh là một chàng trai, trông cũng ra dáng lắm,
Và chắc anh không thiếu lòng dũng cảm,
Nếu anh tin vào chính bản thân mình
Thì người đời rồi cũng sẽ tin anh.
Và nhất là, anh phải học cách nuông chiều phụ nữ;
Họ đau trăm ngàn thứ,
Luôn thở ngắn than dài,
Điều trị ở một nơi là họ sẽ khỏi ngay.
Và nếu anh phần nào tỏ ra mình quân tử
Thì tất cả đàn bà sẽ nghe anh chui vào trong chiếc mũ.
Anh phải chưng ra học vị để trước hết họ tin rằng:
Anh hơn hẳn nhiều người bởi tài nghệ tuyệt trần.
Rồi, để chào mừng họ nhiệt thành, anh sờ lần đủ thứ,
Nơi kẻ khác bao năm chỉ mon men do dự;
Phải biết cách bắt mạch sao cho thật dịu dàng,
Ánh mắt đón đưa thật tình tứ nồng nàn,
Rồi đưa tay ôm eo lưng thon thả,
Như thể muốn thử xem cô ả
Thắt đáy lưng ong, dây buộc chặt hay chưa.

SINH VIÊN:
Môn này hay hơn cả, thưa tôn sư!
Ta còn thấy được cái Ở đâu và Vì sao, không chán ngán.

MEPHISTO:
Anh bạn quý mến ơi,
Mọi lý thuyết đều là màu xám
Chỉ có cây vàng Cuộc Đời là mãi mãi tươi xanh.
Trích Faust, bản dịch của dịch giả Quang Chiến [6]
Việc trích dẫn ngoài ngữ cảnh để hiểu sai câu của Goethe không chỉ là một minh chứng cho sự phản trí thức ở chính những người trích dẫn nó, mà còn manh nha có dấu hiệu lạm dụng thẩm quyền ở đây nữa.
5. Uý kị những gì nhiều chữ
Cuối cùng, có lẽ ở đâu đó trong những người phản trí thức còn sót lại một chút nhu cầu tìm kiếm tri thức, nhưng bi kịch thay, đặc điểm cuối cùng của phản trí thức lại ngăn cản họ làm điều đó. Họ sợ phải đọc những gì nhiều chữ, và họ cho rằng nhiều chữ là bày vẽ ra, chứ thực tế mọi thứ đều có thể được diễn đạt ngắn gọn và đơn giản. Thái độ phản trí thức này bám rễ sâu đến nỗi sản sinh ra trên đời này cái gọi là Explain like I'm 5 (ELI5).
Về vấn đề ELI5 tôi đã có bài viết riêng xử lí rồi nên không nói lại ở đây nữa [7]. Ở đây tôi chỉ muốn nói rằng không có con đường tắt để tìm kiếm tri thức, chúng ta chỉ có những phương pháp học hiệu quả hơn, nhưng về cơ bản thì quá trình hấp thụ tri thức vẫn như thế và cần phải như thế – nỗi đau khổ. Mỗi khi hoài nghi là phải biết quen với cơn đau đầu của lí luận, giữ bản thân có một khoảng cách với ý tưởng để sẵn sàng gạt bỏ nếu nó sai là một việc đầy đau đớn, bỏ nhiều giờ mỗi ngày để học một cách nghiêm túc là quá trình đòi hỏi sự nghiêm khắc với bản thân.
May thay, phần thưởng cho người trí thức là tư duy rành mạch, và với tư duy rành mạch người trí thức có thể tách biệt mọi thứ, ngay cả nỗi đau khổ khi học và niềm vui sướng khi có được tri thức, để khi đó họ có thể thốt lên rằng:
“Tôi vui sướng với nỗi đau khổ của mình!”

Chú thích:

[2] Khổng Tử và Luận ngữ, Nguyễn Hiến Lê nghiên cứu, chú dịch và giới thiệu, NXB Văn Học, 2003.
[3] Postman, Neil. Amusing Ourselves to Death : Public Discourse in the Age of Showbusiness. London, Methuen, 2007.
[4] Arthur M. Schlesinger, Jr., “Intellectuals in American Politics”, Great Ideas Today (Chicago: William Benton Publisher, 1968), 54.
[6] Faust, Johann Wolfgang von Goethe, Quang Chiến dịch, NXB Văn Học, 2015.

Các bài viết gợi ý tưởng:

TORNAD
18/8/2021