Trong một thí nghiệm nổi tiếng thực hiện bởi nhà tâm lý học người Mỹ Bertram Forer vào năm 1949, 39 học sinh tham gia được yêu cầu làm một bài kiểm tra tính cách. Sau khi làm xong, mỗi học sinh nhận được một bản mô tả tính cách dựa trên kết quả của bài kiếm tra. Những học sinh này sau đó phải đánh giá độ chính xác của bản mô tả so với tính cách thực sự của họ, cũng như đánh giá tính hiệu quả của bài kiếm tra trong việc tìm hiểu bản thân trên thang điểm từ 0 đến 5.
    Kết quả trung bình, các học sinh chấm độ chính xác của bản mô tả tính cách lên đến 4,26 và tính hiệu quả của bài test ở mức 4,13.
Điều mà họ không ngờ được là, tất cả học sinh tham gia đều nhận được cùng một bản mô tả tính cách, hơn nữa, bản mô tả này còn được trích bừa trong một cuốn sách chiêm tinh học vốn không hề có liên quan gì đến kết quả bài kiếm tra của họ cả.
    Phòng khi bạn tò mò, thì đây là một vài nhận xét trong bản mô tả tính cách của các học sinh này:
    - Bạn khao khát việc được người khác yêu mến và ngưỡng mộ.
    - Bạn có xu hướng hay tự chỉ trích bản thân.
    - Bạn cho rằng mình là một người biết suy nghĩ độc lập và sẽ không bao giờ tin vào những lập luận thiếu căn cứ xác đáng.
  - Đôi khi bạn không biết liệu mình đã đưa ra những quyết định chính xác hay chưa.

    Những nhận định như trên được gọi là Barnum statements.
    Một thí nghiệm nhanh khác của nhà tâm lý học Norman Sundberg sẽ giúp bạn nhận ra vì sao chúng ta lại dễ đồng tình với những Barnum statements đến vậy. Trong thí nghiệm này, người tham gia được nhận 2 bản mô tả tính cách: một là bản mô tả dựa trên tính cách thật của họ và bản còn lại chứa đầy những nhận định chung chung, chủ yếu là những tính cách được xã hội đề cao, còn gọi là Barnum statements. Kết quả là, khi người tham gia thí nghiệm được yêu cầu đánh giá độ chính xác của 2 bản mô tả (tất nhiên với điều kiện họ không biết đâu là bản thật), thì có đến 59% cho rằng bản mô tả với những Barnum statements đúng với tính cách của họ hơn so với bản mô tả thực sự. 

Đến đây thì có lẽ bạn cũng đã nhận ra cách thức mà chiêm tinh hay bói toán hoạt động: Nói những gì bạn muốn nghe. Con người có xu hướng tin những gì họ muốn tin, và chẳng ai muốn điểm xấu của mình bị chỉ ra. Những Barnum statements thường khá chung chung để chúng ta có thể liên hệ đến bản thân nhiều nhất có thể, và quan trọng nhất là, chúng thường đi kèm những nhận định hay dự đoán mang tính tích cực. Hiệu ứng Barnum từ đó đã cho chúng ta thấy rằng, con người sẽ nhìn thấy bản thân ở bất cứ cung hoàng đạo nào mà bạn cho họ xem 
Vậy những gì chúng ta trước giờ quan tâm, ví dụ như các cung hoàng đạo, các con giáp đều là vô ích? Thực tế không hẳn vậy. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng việc đọc về cung hoàng đạo có thể giúp bạn nhận thức cũng như sáng tạo tốt hơn. Điều này là vì "một thứ gì đó dù không có thật vẫn có thể mang lại một hiệu quả có thật" và đôi khi việc tin vào một điều gì đó là tất cả những gì bạn cần. Điều này còn được biết đến trong hiệu ứng Placebo (hiệu ứng giả dược) mà mình sẽ đề cập trong bài viết sau.