Không có cách nào học vật lý tốt hơn là chui vào bếp nấu ăn. Trong bếp, bạn sẽ tìm thấy những ví dụ cực kỳ dễ hiểu về các hiện tượng vật lý mà thi xong cuối kỳ là chúng ta quên sạch. Khi hiểu rõ hơn về những hiện tượng này, bạn sẽ biết chọn bếp gì, lửa to hay lửa nhỏ, và nấu thế nào cho ngon. Nào, lấy giấy bút và xoong chảo ra, ta bắt đầu.

1. Hiện tượng dẫn nhiệt

Khi thức ăn tiếp xúc trực tiếp với vật nóng như chảo, nồi, vỉ nướng, năng lượng (nhiệt) được truyền thẳng từ bề mặt đó sang thức ăn. Nói rõ hơn là, năng lượng làm cho các phân tử trong chảo, nồi, vỉ nướng quẩy tưng bừng, rồi sự máu lửa đó truyền sang các phân tử của thức ăn, làm chúng cũng nhảy múa loạn xạ, từ đó nóng lên và chín. Vài cách nấu bằng dẫn nhiệt là áp chảo, xào (ít dầu), nướng thịt bò bít tết bằng chảo gang…


Khi nấu kiểu này, phần thức ăn tiếp xúc với bề mặt nóng rất nhanh chóng được nấu chín (và có khả năng cháy), nhưng bên trong khối đồ ăn thì lại nóng lên chậm hơn nhiều. Nên dùng cách này nếu bạn muốn làm cho đồ ăn trong chín tới, ngoài giòn rụm (coi chừng quá đà thành trong sống, ngoài cháy nhé). Cách này cũng làm thức ăn chín thật nhanh trước khi bị biến đổi quá nhiều, cũng vì thế mà khi xào thịt bò bạn nên để lửa to để thịt bò khỏi bị dai. Xào rau cũng nên để lửa to để rau giữ được nước và diệp lục, món xào sẽ không bị mềm nhũn hay lõng bõng nước, lại có màu xanh đẹp mắt.

2. Hiện tượng đối lưu

Đây là cách truyền nhiệt qua một chất lỏng hoặc chất khí. Với cách này, toàn bộ bề mặt thức ăn được nhận năng lượng nhiệt cùng một lúc. Ví dụ: luộc rau, chiên cá ngập dầu, đồ xôi. Khi luộc rau, bạn nên luộc với nhiều nước cho ngập rau, vì rau phải được nước bao bọc hoàn toàn thì mới chín đều được. Ngoài ra, chừng nào khối chất xung quanh thức ăn còn nóng, chừng đó thức ăn vẫn còn đang chịu nhiệt. Vì thế mà luộc rau xong bạn nên vớt ra ngay, rồi cời mớ rau cho hạ nhiệt, nếu không thì phần rau bên trong sẽ bị nấu quá đà.
Cũng vì hiện tượng đối lưu này mà khi tắt bếp rồi, thức ăn vẫn tiếp tục tự nấu chính nó. Luộc trứng chẳng hạn, nếu bạn muốn luộc trứng lòng đào, thì luộc xong là phải thả vào nước lạnh để ngăn không cho trứng tiếp tục tự nấu chính nó.

Độ chín của trứng theo thời gian luộc tính từ lúc nước sôi. Ảnh: Wet Market.

3. Kích thích phân tử

Đây là khi sóng vô tuyến trực tiếp kích thích các phân tử bên trong thức ăn, làm cho chúng chạy nhảy loạn xạ và nấu chín thức ăn từ trong ra ngoài. Lò vi sóng hoạt động theo kiểu này. Nước là thứ dễ bị sóng vô tuyến kích thích nhất và sẽ bay hơi. Hơi nước bị giam cầm trong lò vi sóng làm cho thức ăn không thể giòn được, mặc dù chúng được nấu rất nhanh. Vì thế, bạn không nên hâm nóng pizza bằng lò vi sóng. Cách hâm nóng pizza nhanh và dễ nhất là đặt đế bánh lên chảo không dầu rồi làm nóng trên bếp thường.

4. Cảm ứng điện từ

Cho một dòng điện xoay chiều chạy qua cuộn dây đồng... 

Nghe giống bài tập vật lý lớp 9 nhỉ? Cách nấu này chính là như thế đó. Trong bếp từ, một dòng điện xoay chiều chạy qua cuộn dây đồng, tạo ra một trường điện từ thay đổi liên tục. Trong cái nồi đặt trên bếp — hay nói chính xác là phần đáy nồi bằng sắt từ — các electron sẽ bị giựt qua giựt lại. Chúng chạy loạn, va chạm và tạo ra ma sát. Ma sát này sinh ra nhiệt, giống như khi bạn chà xát hai tay vào nhau cho ấm trong mùa đông vậy.
Vì các electron trong đáy nồi là nguồn cơn của sức nóng, nên khi nấu bếp từ, bề mặt bếp và cả không khí xung quanh sẽ không bị nóng như các cách nấu khác. Bếp từ là loại bếp ít hao năng lượng nhất, và cũng là loại bếp chống nóng tốt nhất, rất hợp để ăn lẩu trong ngày hè. Nhưng bếp từ cũng là loại bếp kén nồi nhất: đáy nồi phải làm bằng vật liệu sắt từ thì mới dùng trên bếp từ được.

5. Bức xạ nhiệt

Tia hồng ngoại là một loại tia sáng mà mắt người không nhìn thấy được, nhưng ta cảm thấy được. Khi bạn ngồi ngoài nắng hay giơ tay lại gần một bóng đèn dây tóc và cảm thấy da mình ấm lên, đó là do hồng ngoại. Khi bạn nấu ăn bằng bếp điện, đó cũng là sức nóng do hồng ngoại tạo ra. Quạt chả bằng than hoa cũng là một cách nấu chín bằng hồng ngoại. Mặc dù than hoa nhìn có vẻ âm ỉ, nhưng thực ra nhiệt độ rất cao, vì thế khi quạt chả (hay nướng ngô, nướng khoai), bạn nên lật giở thường xuyên để thức ăn chín đều và không bị cháy.
Cuối tuần này, hãy vào bếp trổ tài nấu ăn và ôn bài vật lý nhé!

Thích bài này? Theo dõi Facebook của zeal để đọc thêm ngay khi bài lên sóng nhé. Và nhớ ghé http://zeally.net để tìm kiếm những thử thách xoắn não hơn nữa.

Tập hợp các bài viết nhỏ về đồ ăn thức uống này đã được in thành sách Biết thì đã ngon. 


Tham khảo: