Hiểu "Hệ Quy Chiếu Cá Nhân" Qua "Đúng Việc" – Mình Đã Vững Vàng Hơn Trên Hành Trình Phía Trước
Điều gì thực sự quan trọng với mình?
Khi quyết định từ bỏ công việc dạy học ổn định để theo đuổi viết lách, không ít lần mình đối diện với sự hoài nghi: “Liệu mình có đang đi đúng đường? Sự kiên trì này có đáng không? Liệu mình có đang mộng mơ quá không nhỉ?" Nỗi lo về thu nhập bấp bênh, thử thách của công việc sáng tạo và cả nỗi sợ thất bại cứ thế bủa vây.
Sự hoài nghi ấy càng lớn hơn khi mình trải qua một biến cố sức khỏe nghiêm trọng vào năm ngoái. Vì chưa biết cách quản lý giữa công việc, kỳ vọng và giới hạn của bản thân, mình đã suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trở về nhà, khi thấy mình xanh xao, gầy đi, bố mẹ không giấu được sự lo lắng. Mẹ nhẹ nhàng khuyên: “Làm gì cũng phải giữ gìn sức khỏe con ạ. Đừng để đến lúc hối hận mới nhận ra đã quá muộn.” Có lần hai mẹ con tâm sự, mẹ nói: “Nếu không đủ sức thì đừng cố nữa, tập trung vào dạy học để ổn định đi.” “Không phải cái gì cứ cố gắng là sẽ thành công ngay cả khi đó là đam mê.” “Nhà mình không có ai có thiên hướng nghệ thuật, tại sao lại có Mai Anh nhỉ?” (Ý mẹ mình viết lách chính con đường nghệ thuật và nhà mình không ai có khiếu văn chương)
Mình biết, mẹ không trách móc, chỉ là lo lắng cho mình. Nhưng những lời nói ấy đã vô tình chạm đến nỗi bất an sâu thẳm trong lòng. Là một người nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến xung quanh, lòng mình càng rối bời.
Giữa những ngày chông chênh ấy, mình chợt nhớ đến hệ quy chiếu cá nhân trong cuốn Đúng Việc của tác giả Giản Tư Trung. Khi đọc lại, mình nhận ra: Để vững vàng trên hành trình phía trước, mình cần một hệ quy chiếu xuất phát từ những giá trị cốt lõi của bản thân, thay vì lung lay từ những ý kiến xung quanh.
Vậy nên, mình đã dành thời gian lắng nghe bản thân, sau đó mình ngồi viết lại một hệ quy chiếu rõ ràng. Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ với bạn về hệ quy chiếu cá nhân, khái niệm giúp mình vượt qua hoài nghi, tự ti và vững tin hơn vào con đường mình chọn.
Nếu bạn cũng đang loay hoay giữa mong muốn cá nhân và áp lực từ những ý kiến xung quanh, mong rằng bài viết này sẽ mang đến cho bạn một góc nhìn hữu ích, giúp bạn tìm thấy con đường phù hợp cho riêng bạn.
I. Giới thiệu đôi nét về cuốn sách và tác giả
1. Về cuốn sách:

Xin lỗi tác giả, mình đem cuốn sách khắp nơi để đọc đi đọc lại, nên cuốn sách bị bận tèm nhem
Đúng Việc của tác giả Giản Tư Trung là một cuốn sách khai mở tư duy về giáo dục, trách nhiệm cá nhân và vai trò của con người trong cộng đồng.
Cuốn sách giúp người đọc hiểu rõ hơn về khái niệm "khai minh"và "khai tâm", sự khác biệt giữa con người văn hóa và con người chuyên môn, cũng như ý nghĩa thực sự của tự do. Khái niệm tự do được tác giả đề cập không phải kiểu tự do theo nghĩa thông thường "muốn làm gì thì làm" mà là sự tự do vượt lên những ràng buộc vật chất, danh vọng, quyền lực để sống đúng với giá trị của bản thân.
Bên cạnh đó, Đúng Việc còn gợi mở nhiều vấn đề quan trọng như quyền của nhân dân, vai trò của nhà nước, cũng như trách nhiệm của người làm giáo dục. Dù không đưa ra giải pháp chi tiết, nhưng điểm hay của cuốn sách là khơi gợi suy ngẫm về xã hội và trách nhiệm của mỗi cá nhân.
2. Tác giả

Internet
Giản Tư Trung là một nhà hoạt động giáo dục tâm huyết, hiện giữ vai trò Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED và Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.
Ông là người khởi xướng nhiều dự án giáo dục ý nghĩa, như Giải thưởng Sách Hay nhằm lan tỏa văn hóa đọc, Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL dành cho thế hệ lãnh đạo trẻ, Trường Khai phóng Trực tuyến OpenEdu hỗ trợ người tự học, Tomorrow Leaders Academy dành cho sinh viên đại học, và PLEMS Education hướng đến học sinh phổ thông.
Ngoài nghiên cứu, giảng dạy và diễn thuyết, tác giả Giản Tư Trung còn xây dựng 5 tủ sách thiết yếu nhằm phục vụ nhiều đối tượng độc giả: Tủ sách Kinh điển cho học giới, Tủ sách Doanh trí cho doanh nhân, Tủ sách Giáo dục cho giáo giới, Tủ sách Lịch sử và Tủ sách Khai phóng dành cho công chúng. Những đóng góp của ông đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người học và cộng đồng tri thức tại Việt Nam.
Bạn có thể đọc thêm thông tin về tác giả tại đây.
Hoặc bài phỏng vấn tác giả trên các kênh Vietsuccess, Vietcetera.
II. Hệ quy chiếu cá nhân theo tác giả Giản Tư Trung:
1. Hiểu về hệ quy chiếu
Theo tác giả Giản Tư Trung:
“Hệ quy chiếu chính là những tư tưởng, hệ thống quan điểm, hệ điều hành riêng để dựa vào đó mà vạch ra lằn ranh cho mình.”
Trong đó:
“Tư tưởng chính là hệ thống các quan điểm hoặc tín niệm làm cơ sở cho việc hình thành ước muốn, cũng như cách thức nhằm đạt được ước muốn đó. Hệ thống các quan điểm nền tảng này cũng có thể gọi là hệ điều hành, hệ giá trị hay hệ ý thức của mỗi người.”
Nói cách khác, hệ quy chiếu chính là những niềm tin cốt lõi ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá bản thân, đặt mục tiêu và đưa ra quyết định trong cuộc sống (bao gồm công việc, mối quan hệ, phong cách sống). Dù ta có ý thức về nó hay không, hệ quy chiếu vẫn âm thầm vận hành và định hình cuộc đời mỗi người.
Ví dụ, một người tin rằng có thật nhiều tiền mới hạnh phúc, họ sẽ dành phần lớn thời gian, công sức để kiếm tiền, cố gắng làm giàu nhanh nhất có thể.
Ngược lại, một người khác có niềm tin rằng hạnh phúc nằm ở việc kiếm đủ tiền để sống thoải mái và có thời gian cống hiến cho xã hội, họ sẽ tìm kiếm công việc phù hợp với giá trị này. Dù công việc đó không mang lại thu nhập cao nhất, nhưng với họ, nó đáng giá vì giúp họ cân bằng giữa vật chất và ý nghĩa cuộc sống.
Ở đây không có đúng và sai, ai hơn ai, chỉ có phù hợp hay không phù hợp đối với từng người.
2. Vì sao hệ quy chiếu cá nhân lại cần thiết?
Vì hiện nay, chúng ta đang sống trong một xã hội có nhiều sự nhiễu loạn: thông tin tràn lan, giá trị sống biến đổi không ngừng, ranh giới giữa đúng – sai, thật – giả ngày càng mơ hồ. Những điều tốt đẹp như sự tử tế, lòng tốt thường bị xem nhẹ, cái xấu đôi khi lại được tung hô.
Như tác giả viết:
"Trong xã hội mà kim tiền lên ngôi, vàng thau lẫn lộn, các thang giá trị bị đảo lộn, việc minh định được “cái gì là cái gì” (đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà, tốt - xấu, hay - dở, nên - không nên, đáng trọng - đáng khinh) quả thật không dễ chút nào."
Không chỉ ở những giá trị sống bị tha hóa, ngay trong đời sống hàng ngày, sự nhiễu loạn ấy cũng hiện diện. Một người trẻ đứng giữa kỳ vọng của gia đình và đam mê cá nhân, một người làm nghệ thuật bị xã hội xem là “phi thực tế”, hay một người đi con đường khác biệt bị hoài nghi – tất cả đều phản ánh sự xung đột giữa các hệ giá trị. Nếu không có một tiêu chuẩn riêng để phân định điều gì thực sự quan trọng, ta dễ rơi vào hoang mang, mất phương hướng.
Tác giả Giản Tư Trung cho rằng mỗi người “có thể” xây dựng hệ quy chiếu của riêng mình. Nhưng theo mình, không chỉ là “có thể” mà là “nên có”.
Hệ quy chiếu cá nhân giống như chiếc la bàn giúp ta định hướng giữa muôn vàn quan điểm xã hội, giữ vững bản thân trước những áp lực và kỳ vọng từ bên ngoài. Khi biết mình coi trọng điều gì, ta có thể đưa ra lựa chọn phù hợp, kiên định với con đường của mình mà không bị cuốn theo ý kiến của người khác.
Khi viết về hệ quy chiếu, mình nhớ đến chị Quỳnh Đỗ (The Introvert Writer) – người đã từ bỏ công việc văn phòng để làm việc tự do, dù vấp phải sự phản đối từ gia đình. Với nhiều người, từ bỏ một công việc ổn định có thể là quyết định dại dột, nhưng với chị, điều quan trọng nhất là có thời gian cho gia đình và xây dựng sự nghiệp theo cách riêng. Nhờ có hệ quy chiếu rõ ràng, chị giữ vững lập trường mà không bị lung lay bởi những ý kiến xung quanh.
Bạn có thể đọc Ebook Sống Hòa Hợp Giá trị Cốt Lõi của chị tại đây. Giá trị cốt lõi cũng được xem là trọng tâm của hệ quy chiếu, định hướng phần lớn các quyết định trong cuộc sống.
Từ đó có thể thấy, hệ quy chiếu cá nhân không chỉ giúp ta xác định hướng đi mà còn là tấm lá chắn bảo vệ trước những áp lực xã hội. Khi hiểu rõ điều gì thực sự quan trọng với mình, ta không còn dễ bị chi phối hay hoài nghi về con đường đã chọn. Và ngay cả khi có những lúc lung lay, hệ quy chiếu sẽ là điểm tựa giúp ta vững vàng hơn.
III. Cách xác định hệ quy chiếu cá nhân
Hành trình tìm ra hệ quy chiếu cá nhân không hề dễ dàng. Đó là một quá trình dài, đòi hỏi mỗi người không ngừng khám phá bản thân, học hỏi, tích lũy trải nghiệm và chiêm nghiệm sâu sắc. Tuy nhiên, dù đang ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, bạn vẫn hoàn toàn có thể xác định cho mình một hệ quy chiếu phù hợp.
Để làm điều này, tác giả Giản Tư Trụng gợi ý bạn hãy dành thời gian suy ngẫm về những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống thông qua các câu hỏi:
- Thế nào là thành công? Thế nào là độc lập? Thế nào là tự do? Thế nào là hạnh phúc? Điều gì thực sự đáng để tự hào? Ý nghĩa của cuộc đời tôi nằm ở đâu? Thế nào là "đúng việc" trong công việc hay sự nghiệp của mình?
Hay những câu hỏi vĩ mô hơn:
- Thế nào là con người?
- Thế nào là công dân?
Việc trả lời những câu hỏi nêu trên, phần nào sẽ giúp bạn định hình rõ hơn về hệ quy chiếu cá nhân và hướng đi trong cuộc sống.
Quay lại câu chuyện của mình
Sau khi trở lại thành phố, ngoài thời gian làm việc và nghỉ ngơi, mình thường dành những khoảng lặng để suy ngẫm và tự đặt câu hỏi:
Điều gì thực sự quan trọng với mình?
Mình thử gạt bỏ mọi định kiến và kỳ vọng bên ngoài để tự hỏi: Nếu không vì áp lực tài chính hay sự so sánh với người khác, mình thực sự muốn gì? Và câu trả lời luôn dẫn mình về với viết lách – với mong muốn trở thành một người sáng tạo nội dung, một cô giáo có thể tạo ra giá trị ý nghĩa, được sống và làm việc theo đúng khả năng cũng như tốc độ phát triển của riêng mình.
Định nghĩa thành công của mình là gì?
Nếu thành công chỉ đơn thuần là một công việc ổn định với thu nhập tốt, có lẽ mình đã không băn khoăn nhiều đến vậy. Với mình, thành công của mình là kiếm được tiền từ công việc mình thích: viết lách và dạy học, làm việc tự do đồng thời có thời gian chăm sóc bản thân.
Nếu từ bỏ viết lách để tập trung hoàn toàn vào dạy học, liệu mình có hạnh phúc không?
Mình yêu việc dạy, nhưng nếu chỉ dạy mà không viết, mình sẽ cảm thấy như mất đi một phần quan trọng của bản thân. Mình không muốn sống một cuộc đời chỉ vì an toàn và ổn định mà phải gác lại đam mê. Vì thế, mình chọn đi trên con đường song song giữa hai lĩnh vực.
Dù thu nhập hiện tại còn bấp bênh, liệu con đường mình chọn có tiềm năng không?
Mình nghiên cứu và tìm hiểu về những người đã thành công với viết lách và sáng tạo nội dung. Họ cũng từng chật vật, nhưng nhờ kiên trì, không ngừng học hỏi, cải thiện kỹ năng, cuối cùng họ đã xây dựng được sự nghiệp vững vàng. Điều đó khiến mình tin rằng nếu nghiêm túc đầu tư, đây có thể trở thành một hướng đi bền vững.
Tại sao bố mẹ và người thân thường khuyên mình từ bỏ viết lách?
Từ góc nhìn của bố mẹ, mình hiểu rằng nỗi lo của họ xuất phát từ những trải nghiệm của một thế hệ từng chứng kiến những khó khăn mà người làm nghệ thuật phải đối mặt. Với họ, viết lách có thể chỉ là một sở thích mơ mộng, không đủ vững vàng về tài chính. Nhưng ngày nay, lĩnh vực này không còn chỉ gói gọn trong sáng tác thơ văn mà đã trở thành một nghề chuyên nghiệp với nhiều cơ hội phát triển. Nếu có tư duy đúng đắn và sự nỗ lực bền bỉ, đây hoàn toàn có thể là một con đường vững chắc.
Khi hệ quy chiếu đã rõ ràng hơn
Khi xâu chuỗi những mong muốn, định nghĩa và giá trị quan trọng của bản thân, mình nhận ra con đường phù hợp nhất với mình chính là kết hợp giữa viết lách và dạy học, đồng thời xây dựng một cuộc sống tự do theo cách mình mong muốn.

Khi đã xác định được hệ quy chiếu cá nhân, mình cũng bắt tay vào xây dựng một kế hoạch làm việc cân bằng và lành mạnh. Năm 2025, sức khỏe của mình đã dần hồi phục, nhưng mình vẫn chọn ưu tiên chăm sóc bản thân, đồng thời tiếp tục phát triển và mở rộng các dự án viết lách.
Sau khi hiểu rõ bản thân và xác định được tầm nhìn dài hạn, mình cảm thấy vững tin hơn vào những quyết định trên hành trình phía trước. Khi hệ quy chiếu đã rõ ràng, mình không còn băn khoăn quá nhiều về sự lựa chọn của bản thân, bởi mình biết rằng mình đang đi trên con đường phù hợp nhất với chính mình.
Một vài gợi ý dành cho bạn
Nếu bạn đang chênh vênh giữa những lựa chọn, cảm thấy lạc lõng trước những ngã rẽ của cuộc đời, hãy dành cho mình một khoảng lặng để suy ngẫm. Đừng vội tìm kiếm câu trả lời từ những tiêu chuẩn bên ngoài, bởi đôi khi, điều bạn cần nhất không phải là lời khuyên của người khác, mà là sự thành thật với chính mình.
Bạn có thể tìm đọc Đúng Việc của Giản Tư Trung để hiểu về phần hệ quy chiếu cá nhân.
[Lưu ý: Hệ quy chiếu trong "Đúng việc" không hoàn toàn đầy đủ hay mang tính hướng dẫn chi tiết, vì tác giả tập trung vào bàn luận về khai minh, khai tâm nhiều và phần hệ chiếu cá nhân chỉ là một phần nhỏ. Vậy nên, khi đọc bạn cần chắt lọc và lý giải về những điều tác giả chia sẻ.]
Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể ngồi xuống, cầm bút lên và tự hỏi bản thân một vài câu hỏi quan trọng:
- Điều gì thực sự quan trọng với mình?
- Định nghĩa thành công của mình là gì?
- Nếu không có áp lực tài chính hay kỳ vọng từ người khác, mình sẽ chọn con đường nào?
- Mình muốn sống một cuộc đời như thế nào? Mình muốn làm công việc gì, ở đâu, bên cạnh những ai?
- Điều gì khiến mình cảm thấy hạnh phúc và muốn gắn bó lâu dài?
- Và quan trọng nhất, mình có đủ can đảm để chịu trách nhiệm cho lựa chọn của chính mình không?
Không ai có thể cho bạn câu trả lời trọn vẹn hơn chính bạn. Có thể hành trình tìm kiếm sẽ mất nhiều thời gian, có thể bạn vẫn sẽ hoài nghi hay lạc lối, nhưng khi dám đối diện với chính mình, bạn sẽ dần nhận ra điều gì thực sự quan trọng.
Hãy cho mình thời gian, không cần vội vã. Chỉ cần thực sự nghiêm túc và sẵn sàng lắng nghe bản thân, từng bước thử nghiệm, con đường sẽ dần rõ ràng hơn.
Lời kết
Không có một câu trả lời đúng tuyệt đối, chỉ có câu trả lời phù hợp. Cuộc đời cũng vậy, không hẳn là đúng hay sai, mà quan trọng là nó có thực sự phù hợp với mình hay không. Một cuộc đời phù hợp chính là một cuộc đời tốt đẹp nhất.
Mẹ mình từng nói: "Ổn định với việc dạy học và chỉ tập trung vào làm một thứ là tốt nhất." Thực ra, mình cũng thích sự ổn định. Nhưng khi dấn thân vào viết lách, bước đi trên một con đường khác biệt với bao niềm vui và thử thách, mình nhận ra rằng: Nếu dám thử một điều gì đó mình thật sự yêu thích, rất nhiều cánh cửa sẽ mở ra phía trước.

Con đường này không hứa hẹn toàn điều tốt đẹp. Mình đã học hỏi rất nhiều từ thất bại, thành công, niềm vui, nước mắt, cô đơn.. kể cả biến cố lớn về sức khỏe trong năm qua. Nhưng sau cùng, đối với mình, tất cả đều là những trải nghiệm đáng giá. Như tác giả Giản Tư Trung đã chia sẻ, điều quan trọng không chỉ là tìm ra điều đúng với bản thân, mà còn là dám sống hết mình với lựa chọn đó:
"Nếu ta có những quan điểm đúng đắn (dựa trên chân lý, tự do, nhân bản và tình thương) về những vấn đề hệ trọng trong đời và sống đúng với những quan niệm đó, ta sẽ có cuộc đời mong muốn. Ngược lại, nếu ta mang trong mình những quan niệm sai lầm, lệch lạc (mà mãi đến cuối đời mới nhận ra, hoặc thậm chí đến chết vẫn không nhận ra), thì hậu quả sẽ ra sao? Cuộc đời ta rồi sẽ ra sao?"
Vậy nên, khi có một hệ quy chiếu phù hợp và đúng đắn, chúng ta sẽ sống một cuộc đời trọn vẹn hơn với trái tim mình.

Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này