1. Ở bang Texas (Mỹ) có một người đàn ông tên là Marcos Peres, người mới được vinh danh bởi trong suốt cuộc đời ông đã hiến 120 gallon (khoảng hơn 454 lít) máu - tôi mới đọc được trên CNN. Theo như bài báo đó, ông Peres lúc chào đời bị sinh non và cần truyền máu. Vì thế cha ông đã phải cầu cứu họ hàng và bạn bè hiến máu cho ông, do thời đó chưa có các ngân hàng máu. Ông Peres đã được cứu sống và bắt đầu hiến máu từ khi còn học phổ thông. Ông còn chọn hiến huyết tương và tiểu cầu thay vì hiến toàn phần để có thể hiến nhắc lại sau mỗi hai tuần. Sau 37 năm, ông đã hiến được 962 lần, giúp được hơn 3000 người, và dự định sẽ tiếp tục cho tới khi người ta không thể để ông hiến tiếp. Ở Việt Nam chúng ta cũng không hề thiếu những tấm gương hiến máu hàng chục, thậm chí hàng trăm lần, và họ có thể là bất cứ ai quanh ta, có người lái xe ôm, có người hoàn cảnh cũng không có gì khá giả, có người là cán bộ, có người là một nhân viên y tế. Xuất thân khác nhau, nhưng dường như hiến máu đã trở thành đam mê của họ.

  Hồi sinh viên, tôi cũng máu me lắm. Anh họ tôi, lúc ấy 26 tuổi và là một giảng viên đại học thấy tôi rủ đi hiến máu, đã bảo sao phải đi, mình hiến tặng nhưng bệnh viện lại bán cho bệnh nhân đấy và chốt đơn bằng câu: Chỉ có ngu mới đi hiến máu. Từ đó tôi không bao giờ nhắc đến vụ đó nữa (cho tới hôm nay), và thấy ít mến người anh đó hơn. Đôi khi nhớ lại, không biết người giảng viên nhân dân có còn giữ quan điểm như vậy nữa không, khi mà anh đã không còn 26 tuổi và cưới một người vợ làm trong ngành y.

Đọc thêm:

  2. Từ năm 2017, mỗi công dân Pháp sẽ trở thành người hiến tạng sau khi chết, nếu khi còn sống người đó không bày tỏ sự phản đối hoặc để lại di nguyện gì khác. Nhưng mà cũng tại Pháp, vào tháng 11/2019, tờ báo L'Express đã công bố phóng sự điều tra về việc hàng chục thi thể người bị chất đống và phân hủy trong trung tâm hiến tạng trường đại học Paris-Descartes. Ngôi trường này đã bị cáo buộc để các xác chết trong điều kiện tồi tàn, thối rữa, bị chuột gặm, thậm chí mổ xẻ bán cho công ty tư nhân với các mục đích phi pháp, kết quả là họ phải xin lỗi các thân nhân, đóng cửa cơ sở đó và gây ra tiếng xấu cho ngành y. Quay lại nước ta, về xứ Kinh Bắc, có hai mẹ con bà Lê Thị Thảo và chị Bùi Thị Hòa. Hai mẹ con bà đã tự nguyện hiến một quả thận cho bệnh nhân, rồi khi người ta tới hậu tạ thì bà quyết từ chối, cuối cùng nhận một bao ngô và ít trái cây. Một câu chuyện khiến người đời, kẻ thì cảm phục, kẻ thì xì xào. Cũng là thời nay, ở Lâm Đồng, có bà Mừng, người đã ký đơn hiến tạng người con trai bị tai nạn, cứu sống sáu người - những người xa lạ từ bắc chí nam. Để rồi nhận được sự phản đối từ bên nội, để xung quanh mọi người đàm tếu, kêu bà sống trên xác con, khiến bà khủng hoảng tâm lý, chẳng dám ra khỏi nhà.
Mới đây một nhóm đối tượng tổ chức mua bán tạng tại Việt Nam cũng đã bị bắt. Nghe họ khai mà thấy sầu. Không riêng gì trong nước, chính Mỹ cũng đã phanh phui các vụ xẻ bán tạng người. Ra là thế, con người cũng như con vật, chết đi bị mổ bán khác gì trâu bò.

Đọc thêm:

  3. Tôi đã đăng ký hiến tạng (sau khi chết não) từ hơn ba năm trước. Tôi chỉ nói với vài người bạn và mẹ tôi sau khi nhận được tấm thẻ với mã số VN0007042 từ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Tấm thẻ ấy đã trở thành một thứ giấy tờ tùy thân quan trọng hơn cả chứng minh thư của tôi. Tôi còn nhớ cảm giác mình đưa tấm thẻ cho mẹ xem, mẹ tôi nhìn tôi bằng một ánh nhìn không hài lòng và nói vài tiếng gì đó mà tôi không nhớ nổi. Cảm giác là tôi muốn khóc, như mình vừa củng cố lại cái hình hài được bà mẹ kia sinh ra sau hai mấy năm, và cũng vì tôi đã báo thành công cho người thân biết về nguyện vọng của mình. 

  Tôi đã tự hỏi tại sao? Vì cuộc đời không suôn sẻ nên tôi muốn sống thêm cuộc đời nữa để làm lại cho mọi thứ ngon hơn. Vì tôi yêu biết mấy cuộc đời này nên phải sống thêm cuộc đời nữa để tận hưởng. Vì tôi tham lam, cái gì cũng muốn trải nghiệm hai lần cho bõ. Vì tôi ngu ngốc nên phải sống hai lần để bù đắp thiếu sót. Vì tôi nghèo tiền nghèo bạc nghèo tài năng nghèo ý chí, chẳng có gì giá trị hơn để mà trao đi. Vì tôi thấy sức khỏe mình thật tốt, phải để các thứ tim, gan, giác mạc,... hồi sinh khi não tôi tử trận. Tôi phải đập lại, phải bơm máu thật hăng, phải kết nối lại một thân xác bệ rạc, phải hướng sáng thêm một lần nữa. Trộm vía tôi từ khi bé xíu bị lọt xuống gầm giường mà không chết nên bà mụ cứ nâng niu quyết không cho bệnh tật nào khiến tôi đổ gục. Khi hiến máu cũng chỉ mất dưới 10 phút là đầy bịch nên tôi càng yêu thêm cái cơ thể rắn rỏi của mình. Và khi tôi biết có hàng bao bệnh nhân khắc khoải chờ được ghép tạng, dù những người nghèo thì chẳng mấy ai chi trả đủ kinh phí cho một ca ghép hàng tám chín số không. Nhưng dù tài khoản của một bệnh nhân lên tới mười mấy hai mươi con số không, mà không có tạng tương thích được hiến thì cũng lấy gì mà ghép cơ chứ. Tôi tin vào nhân quả và luân hồi. Khi hy sinh thì đương nhiên phải chịu thiệt rồi, thế thì mới cần trân trọng chứ. Vậy nên tôi nghĩ, cứ quyết tâm trao đi bằng tấm lòng muốn cứu rỗi sự sống, còn lại thì hãy tin vào điều kỳ diệu (mà điều kỳ diệu ấy là hàng dãy các chỉ số sinh hóa và hai cái gật đầu - của người tặng và người nhận).

Đọc thêm:

Có một bài Ted Talk, kể về một người đàn ông tên là Dan Drew. Ông đã tặng một quả thận cho một phụ nữ. Sau đó họ cùng nhau tổ chức các chiến dịch vận động hiến tạng hay tuyên truyền nhận thức về ung thư. Bài nói đó được trình bày bởi chính Dan, người chỉ còn một bên thận nhưng vẫn khỏe mạnh và tiếp tục làm thị trưởng.

Và, lựa chọn vẫn là ở mỗi người. Tôi luôn bằng lòng và hạnh phúc với quyết định hiến tạng của mình. Tôi sẽ quay lại bài báo ban đầu và dẫn lại lời của một ông tên là Roger Ruiz, chuyên gia gì đó, tôi chẳng quan tâm nhưng ông ấy đã nói rất hay:
Bạn không cần phải là một vận động viên siêu sao hay siêu anh hùng để có thể tạo ra thay đổi. Tất cả việc bạn cần làm là kéo ống tay áo lên. Không ai trong chúng ta mặc áo choàng nhưng đây là cách khiến chúng ta trở thành những anh hùng cho xã hội này.



Và đây là thánh đường của tôi