Ngay lúc này đây, dù đã có chủ đề và một vài ý tưởng nhưng mình vẫn không sao viết được nên câu chữ. Chợt tự hỏi, những tiền bối lão làng trong nghề, chắc chắn họ đã từng trải qua những giây phút này nhiều lần, vậy lúc đó họ làm như thế nào?
Làm thế nào để mình, từ một con số 0, có thể bước đến đỉnh vinh quang của nghề, theo đúng nghĩa của nó và theo như lời mọi người vẫn hay chúc nhau về thành công trong sự nghiệp? Họ đã làm 1, mình cần làm 10, hay còn điều gì khác?

Mình vẫn đang đi đúng hướng theo sự chỉ dẫn của người hướng dẫn của mình. Nhưng đôi lúc mình vẫn cảm thấy lạc lối, rằng nếu cứ thế này thì mình vẫn luôn chạy sau những người đủ tâm huyết + tài năng + kinh nghiệm khi họ đã đi trước mình 5, 10, 20 năm và cả hơn thế nữa. Câu trả lời đúng đắn nhất mình cần lúc này là gì?
Có phải là cứ đặt bút, và viết không?
Nếu chỉ đơn giản như vậy, mình sẽ làm.
Nếu khó hơn nữa, mình vẫn làm được.
Nếu rất khó và cực kỳ khó, mình vẫn bắt buộc phải làm. 
Vì đó là cách duy nhất để bất kỳ ai làm được một điều gì đó có ý nghĩa thực sự. 
Mình phải biết rằng: trong tất cả mọi ngành nghề của sự nghiệp hay trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, luôn có người giỏi hơn bạn, đi trước bạn và có mọi điều kiện thuận lợi hơn bạn. Nhưng thế giới vẫn quay, sự đổi thay vẫn diễn ra từng ngày. Sự bất ngờ về những tấm gương thành công không bao giờ kết thúc. Sự tiến bộ là từ những bước đi và mọi trải nghiệm mỗi ngày. Không ai giống ai, và tất cả mọi người đều có cơ hội. 
Mình đã từng nghe: giấc mơ Mỹ, rằng ở nước Mỹ không gì là không thể. Một cụ ông 60 tuổi ngồi chăm chú nghe giảng về lĩnh vực mà ông quan tâm. Một ông chủ doanh nghiệp thành công với gia đình có 3 người con vẫn ngồi ngang hàng trên giảng đường cùng với một em sinh viên năm nhất. 
Họ tiến bước trên con đường của riêng họ. Sự so sánh lúc này là khập khiễng. Họ gặp nhau tại điểm chung là nơi họ cần lĩnh hội kiến thức hoặc trải nghiệm cần có. Họ kiên định và bền bỉ với con đường riêng. 
Mình được an ủi. Mình biết rằng mình đang tiến bước trên con đường của riêng mình. Mình vẫn bất an, nhưng mình vẫn bước đi. Mình vẫn phải có niềm tin vào bản thân, tin vào tương lai và những cơ hội.
Mình biết và tự nhắc nhở bản thân rằng: đã là kỹ năng thì có thể luyện tập. Năng khiếu sẽ không là gì nếu không có sự luyện tập. 
Dù trong lúc viết lách bế tắc, tự cho rằng không thể viết được gì, mình vẫn mở máy và gõ những dòng này. Tức là mình vẫn đang thêm một lần luyện tập cách viết, cách tạo câu chữ rành mạch từ những suy nghĩ lớn bé trong đầu. Mình dặn lòng cứ kiên nhẫn chờ đợi đến một ngày tự khắc mọi thứ tốt lên, là bởi mình đã làm đủ nhiều cho đến khi nó tốt. 

Mình học cách nói “Tôi luôn tìm ra được cách giải quyết vào đúng thời điểm”, “Tôi đang gom góp ý tưởng để cho ra một bài viết ưng ý” thay vì “Mình thật kém cỏi”.
Mình thử làm những điều mới: đặt ra một bài viết ngắn bắt buộc phải hoàn thành trong 15 phút (để huy động não bộ làm việc tối đa, tập thói quen viết nhanh, đưa ra nhiều ý tưởng trong thời hạn nhất định), hay viết về một chủ đề chưa bao giờ viết để tập tính sáng tạo. 
Mình có thể hỏi người hướng dẫn.
Mình đọc. Đọc tài liệu mới, hoặc có thể đọc đi đọc lại một vài tài liệu mà mình vô cùng tâm đắc.
Mình đã bắt đầu nhận ra ranh giới của sự mâu thuẫn và giá trị của sự cân bằng. Đó là mình cần áp lực nhưng cho phép sự thoải mái và sáng tạo. Áp lực và sự thoải mái không mâu thuẫn. Nếu có mâu thuẫn, mình học cách phát triển từ mâu thuẫn đó. Khi đó mình đang cân bằng chúng. Áp lực là bắt buộc phải có nếu mình muốn rèn luyện lên một cấp độ mới, sự thoải mái cũng không thể thiếu để mọi ý tưởng có thể bật lên trong đầu mình. 
Mình cứ viết dù không biết viết gì, viết mà chưa cần chỉnh sửa vì khi này việc cần làm là khai thông được sự bế tắc, đưa được câu chữ ra bên ngoài suy nghĩ. 
Đôi khi thật buồn cười khi bảo ai đó viết, trong khi rõ ràng người đó đang tâm sự rằng không biết viết gì. Nhưng đó lại là cách mình đang áp dụng thấy hiệu quả, cũng là cách nhiều người đi trước từng thực hiện. Với nhiều người, đó còn là cách tốt nhất, đưa ra tất cả những gì chứa đựng trong bộ não, viết thoải mái, không ngẫm nghĩ nhiều và không cần trau chuốt.  
Stephen King, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ từng nói: “Đọc và viết bốn đến sáu tiếng mỗi ngày. Nếu bạn không tìm nổi thời gian cho việc này, bạn không thể kỳ vọng mình trở thành một người viết tốt được”.
Nên mình cứ viết và viết. Suy cho cùng, mình khao khát được vượt qua những giới hạn của chính bản thân mình và sẵn sàng đón nhận mọi điều đang đến.