Hôm vừa rồi bạn của mình gửi mình nghe bài hát này. 

LaLaLa (Gotta learn to love myself)

Mình là người ít nghe kiểu nhạc này nhưng thấy cũng hay, ưng ý và chỉ vậy thôi, nó chỉ là một bài hát hay bình thường như bao bài hay khác. Mình chỉ thay đổi góc nhìn về nó khi bạn mình nói rằng bài hát tiếng Anh này được sáng tác bởi một cô gái Việt Nam. Mình khá bất ngờ và còn ngạc nhiên hơn vì chủ đề cô gái này chọn lại là self-love, một chủ đề mình thấy khá xa lạ với nhạc Việt. Trong nhạc Việt và các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam mình thấy chủ đề yêu thương bản thân hầu như ít nhắc đến hoặc nếu có chỉ là thoáng qua, hoặc nói gián tiếp. Đa số nhạc việc do người trẻ viết chỉ là những chuyện tình đau khổ hoặc về những rung động của tuổi trẻ.

Và mình vui khi có người đã viết ra một bài hát để nói về vấn đề này.

Có một lần mình hỏi bạn mình, là sinh viên đang học sắp tốt nghiệp, rằng tại sao sinh viên khi đi học xa nhà thì lại “trở nên hư” nhanh như thế, rằng sinh viên năm nhất cứ 10 đứa thì 8 đứa đã buông lỏng. Tại sao tệ nạn trong sinh viên lại nhiều như thế? Những sinh viên ngoan thì mau chóng tập uống rượu bia, thức khuya thường xuyên để coi phim, hoặc tiêu tiền vô tội vạ để rồi cuối tháng gia đình chưa gửi tiền là ăn mì gói tạm bợ. Bạn tôi mới liệt kê cho tôi nhiều nguyên nhân, như là được thả lỏng bởi gia đình, tâm lý xả hơi sau khi thi đại học, ý thức thấp.

Mình thấy những lý do đó tuy đúng nhưng vẫn chưa đủ. Thế rồi khi mình nghe bài hát này, nó đã khiến mình nhận ra cái lý do còn thiếu đó. Đó là sự thiếu yêu thương bản thân. Rất rất nhiều tân sinh viên khi lên thành phố lớn để học đại học đã không được giáo dục rằng họ cần phải biết yêu thương, chăm sóc bản thân mình và chỉ đến khi trải qua những bài học cay đắng họ mới nhận ra được điều đó.

Sự thiếu vắng của khái niệm chăm sóc bản thân, yêu thương bản thân là điều dễ hiểu. Từ nhỏ đến lớn, những đứa trẻ không hề được dạy rằng nó phải làm một điều gì đó vì điều đó là tốt cho nó. Nếu nó đi học thì nó phải đạt được điểm cao cho bố mẹ vui, cho bố mẹ nở mày nở mặt. Đi học là để báo hiếu cha mẹ. Sống ở nhà thì phải ngoan, bố mẹ nói gì thì cũng phải nghe để bố mẹ không buồn lòng. Còn rộng hơn thì chúng phải thành công dân gương mẫu để đóng góp cho đất nước. Khi chúng ta làm một cái gì đó cũng phải là để nở mày nở mặt gia đình, dù nó là những điều ta không thích, như đi học ngành bố mẹ muốn, thi vào trường bố mẹ chọn. Rồi thì ta làm gì, ở đâu cũng phải nghĩ đến thể diện cha mẹ, con nhà trí thức thì không được lao động chân tay kiếm thêm tiền vì người ta nhìn vào nó kì lắm. Con nhà trí thức nên cũng phải ráng thi vào đại học cho bằng được dù không có khả năng. Thế rồi lớn hơn chút nữa thì cưới ai cũng phải cưới sao cho hợp ý bố mẹ.

Tôi không phản đối việc suy nghĩ như vậy, đúng là khi ta làm một việc gì đó quan trọng ta phải cân nhắc yếu tố gia đình và người thân vào, nhưng NẾU CHỈ CÂN NHẮC NHỮNG YẾU TỐ ĐÓ không thì không đủ. Không đủ vì ta không đặt bản thân ta vào đó. Và vì chúng ta từ nhỏ đến lớn chưa hề được phép đặt lợi ích của mình vào trong những quyết định quan trọng nên ta đã không hiểu được, biết được là cái gì tốt cho ta, cái gì không.

Cho nên không lạ gì khi mà những đứa trẻ lớn tuổi đó khi được bung ra, khi được một lần tự do thoải mái làm những điều chúng thích, chúng ta lại thấy được khía cạnh con người thật của chúng, những người “non nớt” trong việc biết chăm lo bản thân, biết sống tự lập một mình.

Khi đứa bạn tôi đi nhậu liên tù tì, khi nó nâng chai bia thứ 5, thứ 6 lên để uống, nó không nghĩ đến sức khỏe của lá gan hay thận nó, nó chỉ nghĩ đến sĩ diện của nó với mấy đứa chung quanh.

Khi đứa bạn tôi nó thức khuya nhiều ngày liền, thức đến 2h sáng, nó chỉ nghĩ là nó muốn coi phim, chứ nó không quan tâm là cơ thể nó rất cần một giấc ngủ sâu và dài.

Khi đứa bạn tôi cúp học để ở nhà chơi game, bỏ bê bài tập, nó chỉ nghĩ đến những pha giao tranh ác liệt và kích thích, nó không nghĩ đến tương lai của nó, công việc sau này.

Khi một đứa bạn khác cứ ăn vặt ở những nơi dơ bẩn, và ăn uống không điều độ, thích ăn giờ nào thì ăn, nó chỉ nghĩ đến sự thoải mái, sự thèm ăn vặt, sự vui vẻ tức thời, nó không nghĩ đến việc dạ dày nó đang bị hủy hoại từ từ và lá gan của nó đang bị nhiễm độc từng ngày.

Khi một người tôi biết lụy vì tình, điên cuồng bám riết một người chỉ lợi dụng nó, lừa dối nó, nó chỉ nghĩ đến con người mà nó say mê kia, nó chỉ nghĩ đến cái cảm xúc đang dâng trào trong người nó, nó không nghĩ đến rằng bản thân nó cần được yêu thương và tôn trọng chứ không phải là đọa đày về mặt tình cảm.

Rốt cuộc thì chính chúng ta là người phải chịu trực tiếp những kết quả hay hậu quả của hành động và suy nghĩ của chúng ta. Vậy mà từ nhỏ đến lớn ta lại không được dạy để nhìn về bản thân mình, để yêu thương và chăm sóc nó. Do đó mình viết bài này để mong những người trẻ chúng ta dành một phút suy nghĩ về bản thân chúng ta, rằng có phải chúng ta đã thực sự quan tâm đến tiếng nói, mong muốn của mình. Chúng ta đã dành thời gian nghĩ xem chúng ta nên làm gì để tốt nhất cho mình, hãy mặc kệ ai đó đàm tiếu, mặc kệ những lời hù dọa, ép buộc bởi vì những người đó sẽ không trải qua những gì ta trải qua, bởi vì những cay đắng hay ngọt bùi ta sẽ là người nhận nhiều nhất.

Đừng làm điều gì đó vì như vậy mới trông ngầu trong mắt mọi người.

Đừng làm điều gì đó vì người khác thích.

Đừng làm điều gì đó vì một người lạ viết lên báo và ghi rằng: “Những điều con trai/con gái tuổi XYZ cần ghi nhớ.”

Hãy suy nghĩ và làm điều gì đó có ích cho mình, có ích bây giờ và có ích sau này, cho mình, và nếu được, thì cho cả những người xung quanh.

Hãy như cô gái trong bài hát:

“Lalalala
Gotta learn love myself
Lalalala
gotta bid you a good farewell
Lalalala
It’s better for my mental health
Lalalala
gonna live to tell”

(Ảnh từ Internet)