Mình vẫn còn đang bị sốc với sự việc thương tâm mà mình xem được vào đêm hôm qua.
Một người bạn gửi tin nhắn cho mình biết về sự việc đáng buồn ấy, và hỏi xem mình suy nghĩ thế nào. Mình không biết phải trả lời bạn ấy ra làm sao bởi vì mình quá sốc, bạn ấy không hề cho mình biết nội dung của video mà bạn ấy gửi là gì, nên mình đã bấm vào xem mà không hề suy nghĩ trước.
Từ sáng tới giờ mình cũng có theo dõi thêm về sự việc, xem thêm nhiều bài viết chia sẻ về các khía cạnh khác nhau của câu chuyện này. Mình thấy những lời cảm thông, thương xót cũng nhiều; những lời lẽ cay nghiệt, trách cứ cũng nhiều; và cũng có không ít những lời mỉa mai, châm biếm.
Cũng đã có thêm nhiều người liên hệ với mình để hỏi xem mình suy nghĩ như thế nào, nhưng mình đều thành thật mà thú nhận rằng mình cần có thêm thời gian để suy xét, để nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của chính mình chứ không phải của bất kỳ ai khác. 
Có lẽ thông qua nhiều bài viết chia sẻ từ những cây viết thông thái và dày dặn kinh nghiệm sống hơn mình, các bạn cũng đã nắm được phần lớn các khía cạnh đáng để chúng ta lưu tâm thông qua sự việc đau buồn này rồi.
Mình hoàn toàn đồng tình với đa số các bài viết mà mình đã đọc được. Mình đang muốn nói tới những bài viết nhằm tới mục đích hỗ trợ nâng cao nhận thức của xã hội chúng ta về suy nghĩ tự vẫn, về chuyện chúng ta vẫn còn đang quá ngại ngùng khi nói về 2 từ "tự vẫn", về những loại áp lực tinh thần khổng lồ mà các bạn trẻ đang phải chịu đựng,...
Mình cũng không thích cái lối suy nghĩ theo kiểu "phải tìm ra thủ phạm" ở nhiều bài viết mang tính trách móc, bởi lẽ mình cho rằng trong một vụ việc thương tâm thế này, thì mọi cá nhân liên quan đều là những nạn nhân cả. 
Từ góc nhìn của cá nhân mình, sau khi đọc được những dòng chữ cuối cùng mà bạn trẻ ấy để lại cho người thân, mình nhận ra sự việc đau buồn lần này có thể chính là một ví dụ đáng suy ngẫm cho hiện tượng "mất kết nối" giữa cha mẹ và con cái. 
"Kết nối" ở đây mình đang muốn nói tới từ "communication", là hành động trao đổi thông tin giữa người với người. Sự kết nối này có thể là thông qua lời nói (verbal), cũng chính là hoạt động giao tiếp; hoặc không thông qua lời nói (non-verbal), ví dụ như biểu cảm, hành động hay cử chỉ. 
Tại sao cái "kết nối" này nó lại quan trọng tới vậy trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái? 
Con cái học được cách giao tiếp và hành xử thông qua quá trình quan sát cha mẹ. Nếu như các bậc cha mẹ biết cách giao tiếp cởi mở và hành xử đúng đắn, khả năng rất lớn là những cô bé, cậu bé quan sát họ mỗi ngày cũng sẽ có được những kỹ năng này. Rèn luyện được những kỹ năng "kết nối" vững chắc sẽ tạo nên những lợi ích hỗ trợ cho các con trong cả cuộc đời. 
Các con cũng sẽ bắt đầu hình thành nên những lý tưởng, những niềm tin nơi bản thân dựa trên cách mà cha mẹ chuyện trò và hành xử với con. Đây là quá trình diễn ra trong suốt cả chiều dài chặng đường trẻ trưởng thành, chứ không phải chỉ diễn ra khi trẻ còn bé. Chừng nào các con còn được ở bên cha mẹ, còn có thể tìm tới cha mẹ, sẽ có những lúc con quay sang cha mẹ để mưu cầu sự hỗ trợ.
Khi cha mẹ có thể tìm được cách giao tiếp với con hiệu quảtích cực, cũng chính là lúc các con sẽ cảm thấy được tôn trọng. Các con sẽ có những cảm xúc tích cực rằng con đang được lắng nghe, đang được thấu hiểu, đang được sẻ chia bởi các đấng sinh thành.
Tuy nhiên, ở mặt đối lập, khi sự "kết nối" giữa cha mẹ và con cái trở nên kém hiệu quả, hay trong nhiều trường hợp là trở nên tiêu cực; vô hình trung khiến cho các con mang mặc cảm. 
Các con sẽ nghĩ rằng con không quan trọng, không được lắng nghe và thấu hiểu. Những cô bé, cậu bé đang bị "mất kết nối" với cha mẹ, thường sẽ nghĩ về cha mẹ như những người không đáng tin cậy, rằng chia sẻ những khó khăn với họ là một chuyện vô ích, rằng họ sẽ không bao giờ làm gì để giúp các em vượt qua. 
Mình từng chia sẻ trong một bài viết rằng: Rất nhiều phụ huynh thường xuyên quên mất, hoặc không kịp nhận ra rằng "con mình đã lớn tới nhường nào rồi". Tuổi dậy thì luôn là giai đoạn nhạy cảm, thậm chí là khó khăn với nhiều cô bé, cậu bé. 
Rồi mình nhận ra rằng có vẻ như nhiều phụ huynh cũng thường xuyên quên mất, hoặc đang xem nhẹ những khó khăn và thử thách mà các con đang phải đối mặt hằng ngày trên bước đường trưởng thành. 
Đúng, các bậc cha mẹ không đọc nhầm đâu ạ, ngày nay các con cũng phải đối mặt với rất nhiều áp lực đấy. 
Thầy giáo hồi cấp 3 của mình, một người mình rất ngưỡng mộ, từng chia sẻ trong 1 buổi họp phụ huynh rằng: "Học là việc khó nhất trên đời, bởi nếu ngừng học thì đời sẽ rất khó."
Thầy cũng đùa rằng: Nếu bố mẹ có bao giờ hỏi các em là "Sao có mỗi việc được điểm 9-10 mà cũng không làm được?", thì các em cứ hỏi lại là "Thế sao có mỗi việc giàu như Bill Gates mà bố mẹ cũng không làm được?"
Mình nghĩ thầy không hề có ý muốn cổ súy cho chúng mình trở nên hỗn hào với cha mẹ. Thầy đang muốn cha mẹ của chúng mình hiểu rằng việc học rất quan trọng, nhưng nó cũng đồng thời đang gây nên nhiều áp lực cho các con. 
Rằng cha mẹ nên cổ vũ và khích lệ cho các con theo đuổi con đường học hành dài đằng đẵng; chứ không nên áp đặt, ép buộc hay tạo thêm áp lực cho các con nữa mà làm gì.
Nếu bài viết này đang có cơ hội được đọc bởi một người cha, một người mẹ, hay một người con, mình chỉ muốn nhắn gửi một thông điệp rằng: Vẫn chưa quá muộn để xây dựng lại mối "kết nối" đâu ạ. 
Hãy bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Hãy tìm cách lắng nghe và hỏi han các con một cách chân thành, các con cũng hãy mạnh dạn thử "kết nối" lại với cha mẹ nhé. 
Hãy tìm phương pháp để giao tiếp với cha mẹ theo những cách mà họ có thể hiểu được, các cha mẹ cũng hãy chủ động "kết nối" để có thể hiểu các con nha. 
Sẽ chẳng có sự "kết nối" nào hết nếu không có được cú "nhấc máy" từ cả hai bên.
Cha mẹ và con cái nên cùng hành động để gỡ bỏ đi những hiểu lầm chưa bao giờ được nói ra, đập đi những hàng rào vô hình của sự lạnh nhạt.
Với vị trí của chúng ta, là những người trưởng thành, những người có nhiều kinh nghiệm hơn với tâm lý vững vàng hơn, và bởi vì chúng ta thương yêu các con, mình khuyên những bậc làm cha mẹ cũng hay có thái độ chủ động. 
Chủ động tiếp cận với con đi, cha mẹ ơi. Kết nối với con đi, cha mẹ ơi. Trò chuyện với con đi, cha mẹ ơi. Hãy luôn chú ý tới những biến đổi bất thường nơi con trẻ, dù chỉ là những dấu hiệu nhỏ nhặt. 
Mỗi ngày bên nhau qua đi cũng sẽ là một ngày gần hơn với cái ngày chia ly trong những hàng nước mắt, đừng quá thờ ơ, để rồi khiến ngày đó chính là hôm nay. 
Đương nhiên, nói thì luôn dễ hơn là làm, thực tế cũng luôn đầy khó khăn và phũ phàng. Mình hoàn toàn hiểu rằng mỗi nhà mỗi cảnh, và rằng mỗi người sẽ tiếp nhận thông điệp này của mình theo những góc nhìn rất khác nhau. Mình chỉ là một kẻ lạ mặt, mình hoàn toàn không có quyền gì mà can dự vào chuyện gia đình của bất cứ ai hết.
Mình cũng chỉ là một người trẻ, kinh nghiệm có thể còn non nớt, suy nghĩ có thể còn chưa chín chắn, cuộc đời có thể vẫn còn ngổn ngang. Nhưng cũng chính vì vậy nên mình rất quan tâm tới những bạn trẻ đang không ngừng đấu tranh, không ngừng học tập, bất chấp cho bao khó khăn và áp lực đè nặng lên đôi vai.
Những gì mình chia sẻ trong bài viết này, ngoài thông tin từ hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân, mình cũng tham khảo bài nghiên cứu với tiêu đề "Parent/Child Communications", được thực hiện bởi tiến sĩ Kristin Zolten, Đại học Y Arkansas. 
Vấn đề này không còn mới, nhưng nó vẫn còn nhiều. Bài viết này mình viết dựa trên tinh thần đóng góp và hy vọng cũng sẽ hỗ trợ nâng cao nhận thức của mọi người, về một hiện tượng đang âm thầm gặm nhấm những giá trị tốt đẹp nhất của tình cảm gia đình. Mình hy vọng nó sẽ không gặm tới tâm trí của bất cứ người trẻ nào nữa. 
Sức khỏe tâm lý của con cũng quan trọng tương đương với sức khỏe thể chất của con. Cũng giống như rau xanh giúp con lớn lên khỏe mạnh, những lời hỏi thăm cũng sẽ giúp tâm hồn con trưởng thành.
Trò chuyện với con đi, cha mẹ ơi.
Chấp bút: Tom.