Pin by T.U.N 0055 on Mine-ilicous | Cute love gif, Cute love cartoons, Hug  gif

Trong tình yêu, những mức độ thân thiết mà bạn làm với người mình yêu là gì?
Nắm tay – Ôm – Thơm má – Hôn – Làm tình.
Trong số đó, tôi đặc biệt thích ôm hơn cả. Không nhẹ nhàng như cái nắm tay. Không mãnh liệt như hôn và cũng không bạo liệt như sex, tôi đặc biệt thích ôm. Nó đủ, vừa vặn, thân mật, nhưng nhẹ tênh. Có một lần anh người yêu bảo với tôi rằng
“Anh thích cách em yêu anh qua những cái ôm, em ôm anh mọi lúc mà em có thể, và anh cảm thấy như mình đặc biệt và quan trọng.”
Bạn đã bao giờ, muốn nhận được những cái ôm khi lòng đau yếu và trao đi những cái ôm khi bạn nghĩ người đối diện cần sự an ủi hay chưa?
Tôi đọc ở đâu đó rằng, thế giới của chúng ta bây giờ là thế giới của những người cô đơn. Cô đơn, lạc lõng và không tìm thấy yêu thương trong đời khi ta nhìn qua nhau một cái màn hình, qua sóng wifi và hàng chục ứng dụng kết nối. Có lẽ chúng ta cần một điều gì đó. Một sự tiếp xúc da thịt. Những cái ôm ghì chặt, để cuộc đời vơi đi nỗi cô đơn. Hôm nay, tôi muốn viết về những cái ôm. Không chỉ là những cái ôm trong tình yêu, tôi chỉ mượn câu chuyện đó để nói về nhiều cái ôm khác trong cuộc đời.
Yêu sức khỏe của bản thân qua những cái ôm
Nhà sư người Việt Thích Nhất Hạnh cho rằng ôm cũng là cách để ta thiền định. Việc giữ một người trong vòng tay và điều hòa nhịp thở, tâm trí bạn có thể thực sự kết nối với người đó. Khi ta ôm nhau, ta có thể kết nối, hòa giải, chữa lành, hiểu biết và nhiều hạnh phúc.
Ngoài ra, rất nhiều các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc ôm người khác khiến chúng ta cải thiện được sức khỏe. Một cái ôm được chỉ ra là có khả năng làm tăng nồng độ oxytoxin – hormone được sinh ra trong máu khi con người cảm thấy được yêu thương. Điều này giúp giảm nồng độ cortisol (loại chất làm gia tăng căng thẳng), ổn định đường huyết. Việc lưu thông máu cũng dễ dàng hơn, tim mạch phát triển khỏe, phòng chống tăng huyết áp.
Những cái ôm chữa lành
Con người thường dùng ngôn ngữ, âm nhạc, hội họa, cho nó là nghệ thuật để bày tỏ tình cảm giữa người với người. Nhưng có lẽ ôm cũng là một cách sơ khai nhất, nhưng vì nó nguyên thủy, trần trụi và chân thật, không màu mè và hoa mỹ nên ít được nhắc đến như một loại hình điển hình. Nó thể hiện nỗi khát khao yêu thương và được yêu thương của con người. Như J.Quest cũng nói “Nơi tuyệt vời nhất trên thế giới là bên trong vòng tay ôm lấy bạn”. Khi ta tiếp cận một người, cái ôm là một hành động vừa đủ. Nó không quá thân mật đến mức bạn khó chịu vì mất quyền riêng tư, nó cũng không quá xa lạ và khoảng cách, hoàn toàn gợi lại sự gần gũi.
Nhà tâm lý học Danielle Forshee cho biết “Xúc giác là giác quan điều tiên phát triển trong bụng mẹ và hoàn thiện trước khi các giác quan khác phát triển”. Dù con người có ngôn ngữ để thể hiện tình cảm riêng, nhưng việc ôm một người là một điều thiết thực và thể hiện sự quan tâm bạn dành cho họ khi ngôn từ vì một vài lý do nào đó mà trở nên bất lực.
Đôi khi cái ôm vô giá hơn núi vàng bạc. Vì điều quan trọng mà ta truyền đạt hơn tất thảy mọi thứ qua cái ôm, cao hơn lời nói, đó là YÊU THƯƠNG. Trong đời, cũng có đôi lần tôi lấy những cái ôm làm động lực sống cho mình, nhận hơi ấm từ nó và dùng nó để an ủi những người bạn sống bên mình.
Bố tôi không phải người dễ khóc, cả đời hơn 20 năm tôi chỉ thấy bố khóc đúng hai lần. Một lần là khi chị tôi tưởng như sẽ không thể sống nổi. Và lần hai là khi tôi xa nhà. Bố cũng vốn không phải người ngọt ngào, hay nói lời yêu thương, hay thể hiện tình cảm ngoài mặt. Những năm cấp 3, vì những đau đớn và xích mích, tôi và bố chỉ trực xa nhau. Tôi đã từng không muốn về nhà, tôi chọn con đường xa nhất để về nhà mình, để ít thời gian gặp bố hơn nữa. Nhưng ngày tôi xa nhà, trong giấc mộng mị buổi trưa cuối cùng nằm trong căn phòng đi cùng mình hết cả tuổi thơ, tôi cơ hồ thấy bố đang ngồi bên cạnh. Khi tỉnh giấc, bố tôi vào lòng như ngày còn nhỏ, mắt bố ướt nhòe. Tôi nhớ vòng tay của bố, rộng sao mà quá rộng. Dù rằng bố chẳng nói ra bất cứ lời nào, nhưng cái ôm rộng ấm của bố là điều duy nhất mà tôi hiểu bố yêu tôi như thế nào.
Đó là khi lòng tôi thực sự trống rỗng. Tôi từng là kẻ lạc quan cho đến giai đoạn đen tối đó. Đau đớn, lạc lõng, mất phương hướng, sự quen thuộc nhiều năm rời bỏ, mất an toàn, đau ốm về bệnh tật. Tôi yếu đuối và tuyệt vọng đến mức không muốn ra đường, chỉ thực sự ở nhà, nằm, ngồi, và nhìn ra cửa sổ trong bất lực. Tôi cũng chẳng buồn đánh son hay làm cho mình xinh đẹp khi ra đường. Cho đến một ngày nỗi buồn ngập đến mi mắt, tôi nhớ đó là vào một sáng đông trời còn hanh hao, tôi thấy người bạn cùng nhà của mình cũng có những vấn đề chẳng giải quyết. Nỗi đau của tôi lan đến cùng cực, chẳng thể chịu được nữa. Lúc đó bạn ôm tôi, chúng tôi vỗ vỗ vào lưng nhau và khóc, giống như mấy năm trước khi chúng tôi ôm nhau trên sân thượng của trường học để an ủi nhau. Tôi không nhớ chúng tôi đã gào thét với nhau những gì, nhưng lòng tôi chợt nhẹ và dịu đi nhiều hẳn. Không cần nói ra thành lời, nhưng tôi biết bạn của tôi cũng vậy. Có thể một cái ôm không làm các vấn đề của chúng tôi được giải quyết, nhưng chắc chắn nó đã giữ cho chúng tôi không rơi tiếp xuống hố sâu của tuyệt vọng. Những cái ôm đã cứu chúng tôi.
Và thế giới đã vắng đi những cái ôm…
Thế giới của chúng ta dường như thiếu những cái ôm. Nhất là khi con người càng trưởng thành hơn, cái ôm dường như cũng ít đi hơn. Sự ngại ngùng cố hữu trong nền văn hóa Á Đông, sư bận rộn hàng ngày hay cảm giác quen thuộc về sự hiện diện của người đồng hành khiến ta dần bỏ nhẹ đi việc thể hiện tình cảm trong cuộc sống gia đình.
Ta dành hàng giờ trong công việc, công việc và công việc, ta sợ tụt hậu, ta áp lực trước thành công của những người xung quanh và đầu hàng trước tham vọng của bản thân
Ta cho rằng gia đình, bạn bè hay người mình thương sẽ mãi mãi ở đó, luôn luôn và sẽ không bao giờ đổi.
Và ta đánh mất đi những cái ôm để xích gần lại nhau hơn.
Ta thiếu đi những cái ôm khi bạn bè buồn nhất. Ta ôm người mình thương trong sự buông lơi để rồi khoảng cách ngày càng tăng lên đến khi hoàn toàn im lặng. Ta quên mất mình đã lâu không về nhà, ôm lấy đôi vai đã hao gầy của bố mẹ.
Tuy vậy, tôi không khuyên bạn tự dưng chạy đến ôm bất cứ ai, chỉ vì bạn thấy vui mà không quan tâm người đối diện ra sao. Hãy ôm khi cần, khi bạn cần họ, họ cần bạn, ôm khi bạn mong muốn thể hiện tình yêu mãnh liệt trong những hoàn cảnh cụ thể. Cái ôm nên đến từ những điều tự nhiên nhất.
Giống như những câu chuyện mà tôi đã kể, cái ôm là sự khởi đầu cho sự sẻ chia. Chúng ta đều có những vấn đề riêng, những nỗi đau và sự khó khăn riêng. Nhưng ôm nhau, đó là một hành độn tiếp xúc hai chiều. Từ sự an toàn về mặt cơ thể, họ sẽ thấy an toàn hơn về mặt tinh thần. Có thể vấn đề sẽ chưa thể giải quyết trực tiếp, nhưng một cái ôm – một sự san sẻ tình cảm có thể là động lực để con người tiếp tục đứng lên để đi tiếp trên con đường đời.
Hôm nay bạn có buồn không? Nếu có, hãy để mình gửi cậu một cái ôm thật chặt