Harvard và Hạnh phúc và Thành công
Mấy ngày vừa qua, mình đọc được bài rất hay (link ở đây nhé, bản dịch tiếng Việt), ý là chưa chắc “Thành công” sẽ có “Hạnh phúc”, nhưng...
Mấy ngày vừa qua, mình đọc được bài rất hay (link ở đây nhé, bản dịch tiếng Việt), ý là chưa chắc “Thành công” sẽ có “Hạnh phúc”, nhưng những con người “Hạnh phúc” thì rất dễ tới “Thành công”, mình xin trích một vài đoạn nhé:
“Shawn Achor là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất The Happiness Advantage (Tạm dịch: Lợi thế của hạnh phúc) và trong nhiều năm làm việc ở Harvard ông chỉ nghiên cứu mỗi một thứ: là hạnh phúc.
Ông ấy có bài nói chuyện trên TED vô cùng nổi tiếng (và theo tôi thì đó là bài nói chuyện hài nhất mọi thời đại. Bằng giọng kể vô cùng hài hước, ông đưa ra nhiều minh chứng, từ câu chuyện của những đứa trẻ đang bị đau nhưng được xoa dịu bằng những lời nói dối đơn giản khiến chúng vui lên mà quên mất đau đớn, đến những công trình khoa học xác minh cho việc: hạnh phúc sẽ đem lại thành công.). Xem video có phụ đề tiếng Việt
Và quan điểm của ông ấy còn thu hút sự chú ý của Oprah Winfrey, bà đã có một cuộc phỏng vấn với ông.
Vậy nghiên cứu của Shawn có gì đặc biệt? Nghiên cứu của ông ấy cho thấy thành công không mang lại hạnh phúc – mà ngược lại, hạnh phúc đem đến thành công. (…)
1) Thành công đem lại hạnh phúc? Không. Hạnh phúc dẫn đến Thành công.
Tất cả chúng ta đều theo đuổi thành công với hy vọng nó sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc:
Tôi sẽ hạnh phúc khi nhận được thăng chức.
Tôi sẽ hạnh phúc khi được tăng lương.
Tôi sẽ hạnh phúc khi giảm được 15 pounds.
Nhưng nghiên cứu cho thấy điều đó không đúng. Bạn đạt được một mục tiêu và bạn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ hơn trong phút chốc…nhưng sau đó bạn lại hướng tới những mục tiêu lớn tiếp theo.
Nghiên cứu của Shawn chỉ ra khi bạn đảo ngược công thức và tập trung vào việc gia tăng hạnh phúc thì cuối cùng bạn sẽ làm tăng thành công.
Theo Shawn:
Nếu chúng ta có thể làm cho một ai đó tăng mức độ lạc quan của họ hoặc tăng cường kết nối xã hội hoặc tăng hạnh phúc của họ, thì kết quả kinh doanh và thành tích học tập lại cải thiện đáng kể. Bạn có thể gia tăng mức độ thành công trong suốt phần đời còn lại của bạn và mức độ hạnh phúc của bạn sẽ vẫn đứng yên, nhưng nếu bạn tăng mức độ hạnh phúc và lạc quan thì đến lượt nó lại gia tăng đáng kể mức độ thành công so với thái độ tiêu cực, trung tính hoặc stress.
(…) Bởi vậy thái độ của bạn ảnh hưởng cực lớn đến mức độ thành công của bạn. Điều thú vị nhất mà Shawn học được là gì khi nhìn vào những trường hợp ngoại lệ về hạnh phúc ấy?
2) Xem các vấn đề nảy sinh như là thách thức, không phải mối đe dọa
Shawn đã làm một cuộc nghiên cứu các giám đốc ngân hàng ngay sau khi cuộc khủng hoảng ngân hàng nổ ra. Hầu hết các giám đốc này đều bị căng thẳng dữ dội. Nhưng một số vẫn vui vẻ và kiên cường. Những nhà lãnh đạo này có điểm gì chung? Đó là bởi họ không xem vấn đề là các mối đe dọa mà xem đó là thách thức cần phải vượt qua.
Theo Shawn:
Điều mà những ngoại lệ tích cực này đã làm khi xuất hiện những thay đổi trong bối cảnh kinh tế hoặc chính trị hoặc tại một tổ chức giáo dục đó là họ xem những thay đổi này không phải là mối đe dọa, mà là những thách thức.
Vậy những người đó có kết cấu khác người thường và chúng ta chỉ biết ganh tỵ với họ thôi phải không? Không.
Shawn đã thực hiện một cuộc thử nghiệm chứng minh thái độ này có thể học được: cho các nhà điều hành ngân hàng xem một đoạn video giải thích cách làm thế nào để xem căng thẳng, sức ép như một thách thức và kết quả là ông đã giúp biến những nhà điều hành đang rầu rĩ trở thành những người lạc quan và tích cực.
Theo Shawn:
Và chúng tôi quan sát nhóm người này trong ba đến sáu tuần tiếp theo, và chúng tôi phát hiện thấy nếu chúng tôi có thể khuyến khích họ xem stress như một thách thức thay vì là mối đe dọa, thì các triệu chứng liên quan đến stress căng thăng giảm tới 23%. Không chỉ vậy, mức độ hạnh phúc của nhóm người này cũng tăng cao và quan trọng hơn là mức độ hăng say với công việc cũng tăng lên đáng kể.
Nhưng nếu có quá nhiều việc phải làm thì sao? Có thể bạn phải đối mặt với quá nhiều “thách thức” hơn khả năng xử lý của bạn.
Có phải chúng ta nên từ bỏ cơ hội cân bằng cuộc sống-công việc? Hủy bỏ những kế hoạch gặp gỡ bạn bè và dành nhiều giờ hơn cho công việc?
Một lần nữa câu trả lời là hoàn toàn ngược lại.
3) Gấp đôi công việc đồng nghĩa với việc bạn cần dành thời gian gấp đôi cho bạn bè.
Trong thời gian còn làm giám thị ở trường Harvard, Shawn đã giúp các sinh viên năm nhất thích ứng với môi trường cạnh tranh và căng thẳng.
Nhiều sinh viên đã đối phó với lượng bài vở dày đặc bằng cách xem thư viện là nhà và thậm chí ăn uống ngay trên giường để tranh thủ thời gian học hành.
Liệu các sinh viên này có học tốt hơn? Không hề, ngược lại, họ còn bị đuối sức. Một số không chịu nổi sức ép đã xin chuyển trường.
Shawn cho biết những sinh viên này đã vô tình cắt đứt đi nguồn sống quan trọng nhất: hạnh phúc.
Đây là lý do khiến họ không chịu nổi sức ép trong môi trường đại học. Trong khi đó, những người vượt qua được sức ép lại là những người đã tăng được mức độ kết nối xã hội.
Theo Shawn:
Những người sống sót sau stress tốt nhất là những người tăng cường đầu tư vào các mối quan hệ xã hội của họ khi đối mặt với stress, điều này trái ngược với những gì hầu hết chúng ta làm.
Hóa ra kết nối xã hội là yếu tố dự báo lớn nhất về hạnh phúc của chúng ta khi tôi xem xét chúng trong các nghiên cứu của tôi.
Chúng tôi thấy rằng kết nối xã hội là vô cùng quan trọng để dự đoán thành tích học tập.
Muốn chống lại stress, tăng năng suất và được thăng tiến? Đừng chỉ tìm kiếm sự trợ giúp từ mối quan hệ xã hội — mà hãy giúp đỡ người khác.
Điều này đã được xác nhận bởi nghiên cứu hàng đầu của giáo sư trường Wharton Adam Grant, người hay giúp đỡ mọi người nhận được lợi ích lớn nhất.
Shawn nhìn thấy điều này không chỉ ở các sinh viên của ông tại trường Harvard mà còn kể cả khi ông ấy khuyên một phần ba trong số 100 công ty Fortune – và nó cũng hiệu quả.
Theo Shawn:
“¼ những người đầu danh sách vị tha trong công việc làm tăng gấp 10 lần sự kết nối hơn so với ¼ những người nằm cuối danh sách, hoàn toàn hạnh phúc hơn và 40% có khả năng cao nhận được sự thăng chức trong 2 năm tiếp theo.”
Một số người có thể đang nghĩ rằng, “Được rồi, hạnh phúc làm bạn đạt được thành công hơn. Tôi hiểu rồi. Nhưng tôi phải làm sao để hạnh phúc hơn?
Nó đơn giản hơn bạn nghĩ.
4) Gửi email “Cảm ơn” vào mỗi sáng
Bạn có thể cho rằng hạnh phúc chỉ đến khi giành được một hợp đồng lớn, hay đạt một thành tựu lớn lao gì đó. Thế nhưng, bạn đã sai. Nghiên cứu cho thấy những điều nhỏ nhặt lại quan trọng hơn thế.
Theo Shawn, để tìm cảm giác vui vẻ hạnh phúc, không ít người chọn đi nghỉ mát, nhưng thay vì thế, hãy làm những thứ nhỏ nhặt và thường xuyên để phát triển chúng thành thói quen giống như là đánh răng mỗi ngày vậy. Vì những thói quen này sẽ tạo cho bạn hạnh phúc lớn qua thời gian. Điều đơn giản nhất có thể làm ngay là bỏ ra chỉ 2 phút để viết một email nói lời cảm ơn ngay khi bạn đến văn phòng làm việc.
Theo Shawn:
Điều đơn giản nhất bạn có thể làm trong 2 phút là viết email khen ngợi hoặc cảm ơn một người nào đó mà bạn biết. Chúng tôi đã làm điều này ở Facebook, US Foods cũng như ở Microsoft. Chúng tôi yêu cầu họ viết email ca ngợi hoặc cảm ơn một người mà họ biết và mỗi ngày lại viết cho mỗi người khác nhau trong 21 ngày liên tiếp. Chúng tôi khám phá ra điều đó đã làm tăng mức độ kết nối xã hội của họ, vốn là nguồn mang lại hạnh phúc lớn nhất trong các tổ chức. Nó cũng cải thiện được tinh thần làm việc theo nhóm. Chúng tôi đã đo chỉ số IQ tổng cộng của các nhóm và cả số năm kinh nghiệm của nhóm nhưng cả hai chỉ số này đều bị bỏ xa bởi yếu tố kết nối xã hội”
Shawn còn đề xuất những thói quen nhỏ hằng ngày nào mang lại hành phúc?
- Liệt kê những điều mà bạn thấy biết ơn
- Thiền định.
- Tập thể dục.
Hơn 120,000 người nhận email từ tôi hàng tuần. Và nó được gửi từ địa chỉ email thật của tôi. Người ta có thể hồi âm. Và họ đã làm thế.
Câu hỏi chung nhiều người thường thắc mắc là gì?
“Eric, anh đề nghị tất cả những điều rất tuyệt. Tôi đã đọc. Đã đồng ý. Nhưng tôi không thực hiện theo bất kỳ điều nào. Tôi có thể làm như thế nào đây?”
5) Quy tắc 20 giây
Điều gì khiến bạn không muốn thực hiện các thay đổi mà bạn biết mình nên làm? Shawn gọi đó là yếu tố “năng lượng kích hoạt”, tức là phần năng lượng bạn cần lúc ban đầu để “tự nhấc mông mình ra khỏi ghế và đi vào phòng tập thể dục”.
Phần khó nhất là bắt đầu.
Nếu bạn giảm năng lượng kích hoạt cần thiết thì những việc khó khăn sẽ trở nên dễ dàng. Hãy tạo ra thói quen mới: chỉ mất tối đa 20 giây là có thể khởi động một việc gì đó.
Shawn sẽ mặc quần áo thể dục đi ngủ và đặt đôi giày thể thao cạnh giường và điều đó làm ông ấy có nhiều khả năng đi tập thể dục khi thức dậy.
Ông lấy ví dụ một căn tin có thể giảm lượng tiêu thụ đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe bằng cách dịch chuyển chúng xa hơn khỏi tầm với.
Con người là một loài động vật vô cùng lười biếng, vậy nên nếu vượt quá tầm tay, nhiều người sẽ từ bỏ vì quá ngại nhích mình thêm vài cm.
Hoặc để giúp mình đọc sách nhiều hơn, hãy đặt vài cuốn tiểu thuyết ngay cạnh điều khiển TV và cất pin điều khiển sang phòng bên cạnh. Đến lúc muốn xem HBO, bạn sẽ quá lười chạy đi lấy pin, vậy nên có thể lôi cuốn sách ngay trước mặt ra đọc.
Quy tắc vàng cần ghi nhớ là: xua đuổi các tật xấu của bạn cần cách xa ít nhất “20 giây”, trong khi đặt các kích thích tạo thói quen tốt nằm ngay trong tầm mắt và tầm với.
Dưới đây là một số cách áp dụng:
Muốn mình ngừng uống rượu? Hãy đặt các chai rượu lên ngăn tủ cao nhất, khó với tới được.
Muốn ngừng xem TV cả ngày vào cuối tuần? Hãy rút cáp HDMI ở phía sau.
Muốn không ôm việc vào buổi tối? Cất Iphone và laptop của bạn ở căn phòng nào xa nhất.
Tóm tắt:
- Những điều chúng ta có thể học được từ Shawn là:
- Thành công không đem đến hạnh phúc. Hạnh phúc mang lại thành công.
- Xem các vấn đề nảy sinh như thách thức, chứ không phải mối đe dọa.
Khối lượng công việc nhiều hơn nghĩa là bạn cần nhiều sự hỗ trợ xã hội hơn. Và hỗ trợ mọi người thì tốt hơn là nhận hỗ trợ.
- Gửi email “cảm ơn” vào mỗi sáng trong 2 phút.
- Sử dụng quy tắc 20 giây để xây dựng thói quen.
- Một số người có thể nghĩ rằng quá khó để hạnh phúc hơn. Có thể họ đang bị trầm cảm.
- Hoặc họ đọc được nghiên cứu nói rằng mỗi chúng ta có một “điểm hạnh phúc định sẵn”, và gen di truyền của chúng ta quyết định mức độ hạnh phúc của ta.
Bạn có biết điều truyền cảm hứng nhất mà Shawn nói với tôi là gì không? Nghiên cứu mới nhất cho thấy những thói quen tốt có thể chế ngự gen di truyền.
Theo Shawn:
Khi bạn nhìn vào các ngoại lệ trên biểu đồ, bạn thấy những người phá vỡ được sự chuyên chế của yếu tố gen di truyền và môi trường bằng cách ý thức tạo ra những thói quen tích cực, giúp họ tương tác với cuộc sống theo cách tích cực hơn, đem lại mức độ thành công cao hơn, ít căng thẳng hơn và mức độ phục hồi sau thất bại lớn hơn. Họ làm điều đó bằng cách thay đổi thái độ của họ và thay đổi các thói quen của họ, và nhờ thế mà họ thực sự chế ngự được yếu tố di truyền.
Phần lớn mọi người thừa nhận rằng họ sinh ra đã vậy và họ sẽ mãi như vậy trong suốt phần đời còn lại, và năm ngoái con người họ như thế nào thì năm nay họ cũng vẫn như thế . Tôi nghĩ rằng tâm lý học tích cực cho chúng ta thấy điều này thực tế không đúng.
Hãy gửi ngay một email bày tỏ lòng biết ơn. Bạn chỉ mất 2 phút thôi. Và ngày mai lại gửi một email khác.
Thói quen đó sẽ làm bạn hạnh phúc hơn. Và hạnh phúc hơn sẽ giúp bạn thành công hơn và tăng cường các mối quan hệ của bạn.
Hạnh phúc. Thành công. Những mối quan hệ bền chặt. Còn điều gì khác quan trọng nữa không?
Nào bây giờ chúng ta trở lại chính với…Harvard và câu chuyện các bạn trẻ Việt: Hôm nay thì đọc được một share này với ý niệm rất thú vị, rằng Harvard thì nên là một điểm hay trong chặng đường đi tới tương lai, có khi là khởi phát, chứ không phải “đỉnh cao” mà ta đã đạt tới, từ một chia sẻ trên facebook của nick Chau Thanh Vu:
“CẦN GÌ ĐỂ VÀO HARVARD?
1. Một lá thư ngỏ do một sinh viên Harvard gốc Việt đang tạo sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng mạng. Tự mô tả bản thân “được huấn luyện bởi bố mẹ từ nhỏ để vào Harvard”, “được bố mẹ đặt sách Toán SAT trước mặt khi chưa tròn 6 tuổi”, “tự sốc bản thân khi đạt được 800 điểm phần SAT Reading khi mới lớp 9”, và nay khi đã vào Harvard, cậu bạn muốn “làm tốt hơn cuộc sống của hàng trăm bạn trẻ Việt Nam” thông qua chương trình hè HVIET.
Phần lớn ý kiến phản đối (1) lối suy nghĩ rằng mục tiêu lớn nhất của một bạn trẻ từ nhỏ lớn lên là vào trường top như Harvard, và (2) việc phải đánh đổi tuổi thơ cho nhiều giờ cày luyện SAT để đạt được ước mơ ấy. Mình rất đồng cảm với những ý kiến này. (Ngoài ra, mình nghĩ lá thư của bạn này viết dông dài, thiếu luận điểm, thiếu liên kết.)
2. Những gì mọi người đã nói, mình sẽ không nói thêm. Ở status này, mình chỉ muốn ngẫm lại câu hỏi “Cần gì để vào Harvard?” vì hai lý do.
Thứ nhất, về mặt thực tiễn, vẫn có nhiều người có “giấc mơ Harvard” chính đáng, không phải vì Harvard là đích đến cuối cùng, mà vì những trường top như Harvard có tài nguyên (về tri thức, mạng lưới, và tiền bạc) để làm bệ phóng cho những điều bạn muốn làm. Thứ hai, mình không muốn mọi người hiểu nhầm rằng câu chuyện “cày SAT từ năm 6 tuổi” của bạn Khai-Leif là con đường duy nhất để vào Harvard.
Trước tiên, đúng là để vào Harvard, bạn cần các loại điểm: SAT, TOEFL, GPA (điểm trung bình). Tuy nhiên, để vào Harvard, bạn vừa cần ít hơn là các con điểm tuyệt đối, vừa cần nhiều hơn nó.”
Biểu tình yêu cầu chống phân biệt đối xử trong tuyển sinh ở ĐH Harvard (nguồn từ báo The New Yorker)
Còn bạn, nếu bạn/con em sẽ được/đã được nhận vào Harvard, bạn coi đó là Hạnh phúc hay Thành công, hay là một Ga Tàu (chưa chắc đã bằng trường Tomoe trong chuyện Tốt-tô-chan, cô bé ngồi bên cửa sổ đâu nhỉ ;)??? ), hay là điều gì khác :)???
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất