Hành trình chinh phục N2
Mình đã học để lấy N2 như nào Mỗi người có một phương pháp học tập khác nhau, có thể cách này hợp với người này nhưng lại không...

Mỗi người có một phương pháp học tập khác nhau, có thể cách này hợp với người này nhưng lại không áp dụng được với người kia. Nhưng dù là cách thức nào đi chăng nữa, thì muốn đạt được MỤC ĐÍCH thì phải đặt ra MỤC TIÊU và bắt tay HÀNH ĐỘNG để thực hiện nó.
Trước khi nói về phương pháp học tiếng Nhật của mình, mình xin bày tỏ quan điểm bản thân về tiếng Nhật. Những bạn nào đang, đã và sẽ theo đuổi tiếng Nhật, chắc hẳn đều biết các cấp độ trong tiếng Nhật: Thấp nhất là N5, rồi cao hơn là N4, N3, N2 và N1 thì được coi là đỉnh của chóp rồi.
Theo mình, học tiếng Nhật giống như bạn xây 1 ngôi nhà vậy, N5 và N4 là phần móng, đây là phần quan trọng nhất và đều nằm gọn trong nội dung 50 bài của giáo trình Sơ cấp Minna. Nếu như phần kiến thức cơ bản của tiếng Nhật mà bạn học không chắc, thì khi học lên cao bạn sẽ rất vất vả vì những lỗ hổng của mình trong phần kiến thức cơ bản.
Khi bạn xây tốt phần móng rồi, bạn thích xây lên mấy tầng đều được, hãy coi N3 là tầng 1 của căn nhà, phần mà bạn có thể giao tiếp cơ bản về đời sống thường Nhật một cách chỉn chu. Nếu bạn có phần móng tốt thì tầng 1 hay tầng 2 hay nhiều tầng nữa bạn có thể tự mình xây lên được.
Tiện đây cho các bạn sơ đồ về năng lực tiếng Nhật để các bạn có thể dễ hình dung và so sánh các cấp độ.

Trước khi nói về cách học của mình, mình xin sơ lược về lộ trình học của mình.
1. LỘ TRÌNH HỌC
Mình học tại 1 công ty XKLĐ trong vòng 6 tháng bằng giáo trình Minna no nihongo, 3 tháng đầu học hết 25 bài giáo trình Minna I (tương đương N5), 3 tháng sau học hết 25 bài giáo trình Minna II (tương đương N4). Sau đó thì mình về quê và chờ lịch nhập cảnh sang Nhật Bản. (Do trung tâm chỉ đào tạo hết 50 bài là về quê chờ bay).
Mình bắt đầu học tiếng nhật từ 8/11/2014 tới ngày 20/06/2015 (gần như các mốc thời gian quan trọng trong đời mình vẫn nhớ như in)
Ban đầu lịch nhập cảnh của mình dự kiến là tháng 7/2015 nhưng sau đó lại lùi sang tháng 9 rồi lại lùi tiếp và cuối cùng mình sang Nhật vào ngày 1/11/2015.
Tới tháng 7/2016, mình đăng ký thi N2, đó là lần đầu tiên mình thi năng lực tiếng Nhật và mình đã đỗ luôn trong lần thi ấy. Tuy không phải là 1 kết quả quá to tát hay đáng kinh ngạc, nhưng với mình nó cũng được coi là 1 thành công nho nhỏ trong con đường sự nghiệp của bản thân.
Mình sang Nhật theo diện Thực tập sinh, không phải du học sinh, nên sau khi nhập cảnh vào Nhật, mình có 1 tháng học tập và sinh hoạt tại nghiệp đoàn, còn lại là làm việc tại công ty suốt 3 năm và về nước, nên quá trình học tiếng Nhật của mình sau khi kết thúc 6 tháng học tại trung tâm thì đều là tự học. Và mình nhận ra rằng việc học chắc kiến thức 50 bài tại trung tâm là một điều vô cùng có ích cho việc tự học sau này của mình.
2. CÁCH HỌC CỦA MÌNH
* Từ vựng
Mình không hay viết từ vựng, mà thường là đọc từ vựng và liên tưởng sang một thứ gì đó thú vị để nhớ lâu hơn. Bạn nào học tiếng Nhật phần cơ bản chắc đều không lạ gì những câu như: Konichiha được biến thể thành Con chim bay qua, hay Ohayo gozaimasu sẽ là Ôm hai ôm ăn hai tát.
Ngoài việc liên tưởng cho dễ nhớ ra thì mình luôn nghĩ về nó mọi lúc mọi nơi. Đi vệ sinh cũng nghĩ xem: từ vựng bài này có những từ gì, hay thậm chí là đi ăn, đi tắm rồi cả lúc đi chơi cũng nghĩ và nhớ lại xem hôm nay mình đã học từ gì. Ta sẽ chỉ thực sự nhớ tới chúng khi ta thường xuyên nghĩ về chúng. Và đó là cách mà mình nhớ những thứ khó nhằn ấy.
Ngoài ra, khi học từ vựng, chắc các bạn đều biết từ vựng tiếng Nhật rất nhiều loại: Chữ Hán có, Katakana có, Hiragana có. Học mỗi chữ cứng với chữ mềm thôi đã đủ mệt rồi còn thêm ông chữ Hán loằng ngoằng đau đầu, nên hầu như khi học ai cũng rất dễ nản. Tuy nhiên, hãy học cách thích chúng, bạn sẽ thấy chúng thú vị. Và cách mình thích chữ Hán đó là từ vựng các bài mình luôn học luôn cả chữ Hán đi kèm của những từ đã có, tập viết các chữ đó, sau khi tập viết được rồi thì lại tập làm sao viết thật đẹp và NHỚ nó. Không cần nhìn sách vẫn viết lại được nó.
Ngày học tại trung tâm, thường thì vào T7 hoặc CN, mình hay xuống lớp và viết Kanji (chữ Hán) đầy 1 bảng. Viết bằng trí nhớ, lục tung hết những gì mình đã học, những chữ mình có thể nhớ và viết hết lại trên bảng, nó khiến mình nhớ lâu hơn và sâu sắc hơn những gì mình đã học.
Khi sang Nhật, lúc tự học tiếng Nhật thì mình giới hạn 1 ngày chỉ học khoảng 10 từ vựng, nhưng mục tiêu phải sử dụng triệt để và nhớ 10 từ đó. Ví dụ: bạn học 10 từ nhưng nhớ và dùng được cả 10 từ, sẽ hơn những người học 100 từ 1 ngày nhưng đến 3 ngày sau anh ta chẳng nhớ lại nổi từ nào, thậm chí chẳng dùng được từ nào trong 100 từ ấy để giao tiếp.
Nếu bạn học những từ đó mà không có cơ hội để giao tiếp với ai thì: Hãy tự nói chuyện 1 mình, :)))) đôi khi người khác thấy 1 kẻ vừa đi vừa nói chuyện 1 mình họ nghĩ rằng bạn Thần kinh, nhưng đừng ngại. Đã có rất nhiều người nghĩ mình ngẩn ngơ rồi, nhưng mình vẫn thấy vui về điều đó.
Nếu bạn học được 1 từ vựng, mà biết tự khai triển nó thành nhiều câu khác nhau, rồi nói lẩm nhẩm một mình thì sợ gì không có người Kaiwa (giao tiếp).
* Ngữ pháp
Phương châm của mình là: Mỗi ngày 1 ngữ pháp và nhớ tối thiểu 3 ví dụ về ngữ pháp đó. Nếu bạn thấy mỗi ngày 1 ngữ pháp là quá tải thì 1 tuần 3 ngữ pháp cũng rất là hợp lý.
Nhưng nhớ là học phải đi đôi với hành, không có người giao tiếp thì có thể tự mình đặt câu, tự mình thoại nhé.
*Đọc hiểu và nghe hiểu
Mình không có mẹo đọc hiểu nào cao xa cả, mà cứ đọc nhiều sẽ hiểu. Về cơ bản là không được nản, vốn từ vựng và ngữ pháp đủ tốt thì đọc sẽ hiểu. Mình luôn có thói quen đọc văn bản bằng miệng chứ không đọc bằng mắt.
Vì sao lại thế: Vì mình học tiếng Nhật để giao tiếp, nên cách mình diễn giải ý mình cho người khác bằng lời nói là rất quan trọng, hiểu mà không nói được thì vứt, nên việc nói ra được phải đặt làm mục tiêu hàng đầu. Và việc bạn rèn luyện đọc văn bản thường xuyên lại rất có ích cho việc giao tiếp.
Đọc lần 1, bạn sẽ vấp nhiều chỗ, giọng đọc chưa hay. Không sao đọc tiếp.
Đọc lần 2, lần này đỡ vấp hơn nhưng giọng nghe vẫn chưa được trôi chảy lắm. Không sao, đọc lần nữa.
Đọc lần 3, lần này không vấp nữa, nhưng giọng văn có vẻ chưa tự nhiên lắm. Không sao, đọc tiếp.
Đọc lần 4, không vấp, giọng đọc có vẻ thanh thoát tự nhiên hơn chút. Có động lực, đọc lại lần 5 xem sao.
Đọc lần 5, lần này đọc hay hơn, nhớ cả mấy từ vựng trong bài, nhớ cả ngữ pháp. Gấp sách lại nhớ cả nội dung bài đọc.
Đó, một thành công nhỏ chỉ trong sự kiên trì đọc văn bản. Ngoài ra, khi bạn đọc là tai bạn nghe, tai nghe sẽ quen dần với tiếng Nhật và nhớ mọi thứ được lâu hơn.
Và một phương pháp hữu hiệu cho việc luyện nghe là thường xuyên nghe nhạc, xem phim, hay các kênh truyền hình của Nhật, cái này thì hầu như ai cũng nói rồi nhưng nếu để học ôn thi thì những cái đó là chưa đủ.
Bạn có bao giờ nghĩ: tại sao 1 bản nhạc bạn thích bạn có thể hát theo mà không cần nhìn lời bài hát không?
1: Vì bạn thích
2: Vì bạn thích nên bạn nghe mọi lúc mọi nơi, hát theo và dần dần nội dung bản nhạc đi sâu vào tiềm thức.
Vậy tại sao bạn lại không học tiếng Nhật theo cách đó?
1: Vì bạn không thích.
2: Bạn còn bận nghe những bản nhạc bạn thích
:))))))
Ở thời đại 4.0 như hiện nay, chỉ cần bạn lên youtube gõ từ vựng tiếng Nhật bất cứ N nào hay ngữ pháp, đọc hiểu, nghe hiểu thì gi gỉ gì gi cái gì cũng có. Về cơ bản là bạn có nghe hay không, và bạn có nghe đi nghe lại để một ngày nào đó có thể đọc theo nội dung video 1 cách vanh vách hay không.
Chỉ cần bạn làm được điều trên thì tiếng Nhật chắc chắn sẽ chẳng bao giờ khó cả.
3. CÁCH LUYỆN THI
Về cách luyện thi của mình: Mình sẽ học từ vựng và ngữ pháp kèm đọc hiểu trong suốt quá trình trước kỳ thi 1 tháng. 1 tháng cuối cùng mình dùng để luyện đề, mua tất cả các bộ đề về làm rồi nghe đề thi nghe, cứ nghe đi nghe lại. Làm đề mà sai cái nào thì ghi chép lại và nhớ chúng.
4. NHỮNG BỘ SÁCH MÌNH ĐÃ HỌC
Từ vựng: Mình rất thích bộ Mimi kara oboeru vì có cả CD nghe từ vựng đính kèm, vốn từ vựng trong sách nhiều và lượng bài tập cũng rất nhiều và hay
Ngữ pháp + đọc hiểu và nghe hiểu: Mình đều dùng Shinkanzen.
Ngoài ra cũng có nhiều bộ sách khác rất hay mình xin chia sẻ ở bài viết khác.
5. MẸO HỌC TIẾNG NHẬT
Luôn đặt câu hỏi: Vì sao? Nghĩa của nó là gì? Dùng từ này khi nào?
Học hiệu quả nhất là học xuất phát từ sự tò mò và muốn tìm hiểu của chính bản thân mình. Chỉ khi bạn muốn biết, muốn hiểu bạn sẽ tìm mọi cách để hiểu và khi đó bạn sẽ nhớ chúng lâu hơn những gì mà bạn tưởng tưởng.
Chủ động tìm hiểu kiến thức sẽ hiểu sâu và hiểu lâu hơn là việc thụ động tiếp nhận kiến thức.
Cái gì cũng biết, mỗi xấu hổ là không biết
Rất nhiều bạn học tiếng Nhật nhưng ngại giao tiếp vì sợ phát âm sai, nói không đúng. Chính vì sợ, chính vì ngại nên chẳng bao giờ dám nói dẫn tới học nhưng không giao tiếp được. Chính vì không nói nên không ai biết để chỉ cho mình đang sai ở đâu. Chỉ khi sai bạn mới nhớ và nhủ lòng đừng bao giờ mắc phải. Chỉ khi tự tin nói ra mà không ngại sai lầm bạn mới có thể nói tiếng Nhật như bạn đang dùng tiếng Việt.
Có lẽ bài đã hơi dài và mình hơi buồn ngủ nên hẹn chia sẻ thêm về tiếng Nhật trong các bài viết tiếp theo.
Chúc các bạn học tiếng Nhật hiệu quả và vui vẻ.

Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Trần Hùng Phong
Em chào chị ạ.
Hiện tại em cũng đang ôn luyện N2 để chuẩn bị cho kì thi tháng 12 này (tức là còn khoảng 1 tháng). Nhưng mà mặc dù em cũng đã học từ vựng (Mimikara), ngữ pháp (Shinkanzen), KANJI (Soumatome) và em cũng đang học lại lần 2 nhưng mà cảm giác chữ rụng rớt rất nhiều ạ. Em muốn hỏi là trong 1 tháng cuối này thì nên ôn luyện lại như nào và chị có thể cho em xin file mềm toàn bộ tài liệu luyện đề đã sử dụng được không ạ.
Em cảm ơn nhiều ạ.
- Báo cáo

Caophuonghanh
Trong phần trả lời không gửi được ảnh nhỉ
Chị dùng 合格できる日本語能力試験N2 và 日本語能力試験模擬と対策N2. Luyện nghe thì chị thấy sách luyện nghe của Shinkanzen khá là hay
Trước chị hay tải sách trong trang này, em có thể tham khảo nha: http://www.studyjapanese.net/2013/03/tong-hop-tai-lieu-luyen-thi-jlpt-n1.html?m=1#more
- Báo cáo

Caophuonghanh
Bộ sách hồi chị học bên Nhật đều là đặt sách trên amazon về học chứ không học sách online mấy, lúc về nước thì chị cho hết lại bộ sách đó cho kohai, em tham khảo tìm tài liệu trong link kia nha
- Báo cáo

Trần Hùng Phong
Dạ em cảm ơn ạ.
- Báo cáo

Sunbeams
Mình đang gặp khó khăn trong việc học tiếng Trung, cảm ơn những chia sẻ của bạn. Đặc biệt là mình rất cảm kích sự nỗ lực trong tự học của bạn, chúc bạn mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống
- Báo cáo

Hùng Vũ
Cảm ơn bài viết của bạn rất nhiều. Mình mới bắt đầu tự học tiếng Nhật từ đầu được khoảng 2 tháng nay, và mới tạm gọi là học xong hiragana và katakana với khoảng 100 chữ kanji. Ngữ pháp thì mình thú thực cũng chưa có thời gian để học. Hiện tại mình đang đi làm khá là bận nên mỗi ngày có lẽ chỉ dành được 1-2 tiếng học tiếng Nhật thôi. Theo bạn thì thời gian học của mình như thế có đủ và hiệu quả không?
Còn nữa, về cách học Kanji sao cho hiệu quả thì mình cũng hơi thắc mắc. Liệu mình nên cố gắng học hết tất cả các mặt chữ Kanji + ý nghĩa trước rồi mới quay lại học các cách phát âm, hay là mình nên học chữ nào là học đầy đủ chữ ấy luôn bạn nhỉ? Mình ở Việt Nam nên chắc cơ hội giao tiếp tiếng Nhật sẽ không được nhiều.
- Báo cáo

Caophuonghanh
Chào bạn!
Về việc học thời lượng sao cho đủ thì cái này mình không có áp đặt học bao lâu là ổn. Mà mình thấy hiệu quả nhất là học nhưng áp dụng được triệt để và nhớ được những gì đã học là hiệu quả nhất. Trước đây khi mình tự học tiếng Nhật, thời gian mình dành ra để học mỗi ngày chỉ rơi vào tâm 1-2h, và thời gian đó mình học theo cách sau: học từ vựng khoảng 10 từ, tìm hiểu sâu về nghĩa và cách sử dụng của các từ đó rồi ghi chúng lại vào 1 tờ giấy nhớ hoặc 1 quyển sổ nhỏ, sau đó cầm đi làm. Những lúc mình rảnh rỗi hay thời gian thừa khác mình sẽ nhớ lại xem mình đã học 10 từ gì, kanji của chúng như nào và cách dùng chúng ra sao. Trong bài viết mình có nói là đặt câu với chúng và nói chuyện 1 mình đó. Khi đó thời lượng bạn học không phải là 1 hay 2 tiếng nữa mà là nhiều hơn bạn nghĩ, vì bạn học chúng ở mọi nơi, mọi lúc và nhớ chúng được sâu hơn.
Về việc học Kanji thì theo kinh nhiệm của mình , học từ nào thì học nghĩa và học luôn cách đọc từ ấy, đúng kiểu học đến đâu gọn luôn tới đó, và hơn nữa là khi học các từ kanji theo từ vựng các bài trong giáo trình thì những từ đó luôn xuất hiện trong đề thi.
Trường hợp lúc rảnh rỗi, bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về từ vựng đó thì có thể đọc sách về kanji, sẽ có những kiến thức ngoài lề về từ vựng như: âm On, âm Kun, các từ ghép với từ đó,.... hay những VD sử dụng từ kanji đó và đó là cách bạn khai triển học thêm nhiều nội dung từ 1 từ kanji cơ bản mà bạn đã biết.
Chúc bạn học tập hiệu quả.
- Báo cáo

Phạm Minh
Học Kanji thì bạn dùng bằng phần mềm Anki. Dễ nhớ, ôn lại tốt.
- Báo cáo

Caophuonghanh
Blog chia sẻ kinh nhiệm và truyền cảm hứng: https://www.caophuonghanh.com
Blog tiếng Nhật: http://www.caophuonghanh.cf">http://www.caophuonghanh.cf">http://www.caophuonghanh.cf
Học tiếng Nhật tại: https://www.youtube.com/channel/UC5-SxpyGgD231c3SZNDEwbQ">https://www.youtube.com/channel/UC5-SxpyGgD231c3SZNDEwbQ">https://www.youtube.com/channel/UC5-SxpyGgD231c3SZNDEwbQ
Giải trí tiếng Nhật tại kênh tiktok:
https://vt.tiktok.com/ZSJdkYkD7/">https://vt.tiktok.com/ZSJdkYkD7/">https://vt.tiktok.com/ZSJdkYkD7/
- Báo cáo

Caophuonghanh
video chia sẻ cách học của mình tại đây nhé: https://youtu.be/rFWgtE70L_I
- Báo cáo