Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:


Photo by Siala on Pixabay.
Có lẽ sắp tới mình sẽ chăm chỉ viết status linh tinh hơn, vì việc viết một cách không tính toán (hoặc tính toán rất ít) giúp mình có được cảm giác dễ chịu như những ngày đầu mới tập viết. Một cảm giác dễ chịu vừa đủ để tạo ra sự hài lòng ngắn hạn.
Tất nhiên mình hoàn toàn có thể viết ở Monster Box hoặc Spiderum, nhưng hai nơi ấy có những yêu cầu khắt khe hơn, vì thế cũng cần đầu tư nhiều tâm sức hơn. Phàm những việc cần đến sự đầu tư, dù muốn hay không, cũng khó tránh khỏi việc bắt đầu có những tính toán cân nhắc trước khi bắt đầu hành động.
Điều này thực ra vô cùng dễ hiểu, và chúng ta chẳng thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận nó như một sự thật khách quan. Chẳng hạn, trong một ngày ta chỉ có 24h (chưa kể một nửa thời gian ấy dùng để ngủ và làm những việc cơ bản chỉ để thắng entropy chứ chẳng tạo ra được gì mới), nhận ra phải bỏ ra ít nhất 5h (thường là x3 x4 số này) nếu muốn viết gì đó tử tế sẽ khiến chúng ta bắt đầu lấn cấn. Đấy là chưa kể có những ý tưởng cần đến vài ngày họa may mới đủ để trưng ra cho người khác đọc.
Vì thế, người bình thường, với tư duy bình thường trời mưa biết tìm chỗ trú sẽ bắt đầu suy nghĩ xem việc bỏ ra 5h tập trung tốn kém năng lượng sẽ đem lại gì? Đó có thể là tiền, có thể là danh tiếng, có thể là sự phát triển của bản thân, có thể là sự thoải mái ở sâu trong tâm khảm hay thứ gì đó khó gọi tên.
Sẽ thật tuyệt vời nếu việc viết có thể đem lại tất cả những thứ trên, như viết cho Monster Box. Vì thế, rất ít khi mình cảm thấy áp lực dù phải viết khá nhiều và đều đặn. Đó là do bài toán này ít nhất đến nay vẫn đủ cân bằng.
Nhưng ở những nơi khác, như Spiderum chẳng hạn, dù mình rất muốn viết trở lại, nhưng mong muốn ấy chưa bao giờ trở thành hành động thực. Có lẽ do bài toán chưa được giải xong. Đặt trường hợp rằng bản thân mình (và một vài người khác) vốn không cần đến tiền hay danh tiếng từ Spiderum (vì lúc mình viết Spiderum không cam kết cái này, mình cũng bắt đầu viết không phải vì hai cái này, nên đến nay quả thực không thể hình dung nổi cần bao nhiêu và như thế nào), thì cảm xúc hay trải nghiệm trả về từ việc viết trên ấy cũng sẽ giảm theo thời gian.
Sự suy giảm này chủ yếu đến từ độ lờn, cũng như ngưỡng kích ứng của mình ngày càng tăng cao, chứ không đến từ sự suy giảm thực. Nhưng chỉ cần bấy nhiêu thôi, bài toán ngày càng lệch, mất cân bằng và sẽ đến lúc mình cảm thấy không thể bỏ ra vài chục tiếng để đầu tư cho nội dung trên í được nữa. Và mình thấy cũng có kha khá người gặp phải vấn đề tương tự.
Tôi nghĩ bạn cũng biết rằng không phải lúc nào việc một ai đó, làm gì đó cũng vì động cơ tiền bạc, danh tiếng (hay thứ gì đó tương tự). Thực ra phần lớn chúng ta toàn đưa ra hành vi cảm tính và tuân theo niềm tin bản thân thay vì logic. Nhưng điều này đúng trong ngắn hạn, cũng như trong những hành vi đơn lẻ, còn quá trình càng kéo dài và càng yêu cầu sự ổn định càng hiếm gặp chuyện cảm tính như thế.
Vì thế, những nền tảng, cộng đồng mới nổi có thể khai thác sức mạnh tinh thần, sức mạnh niềm tin, phần thưởng cảm xúc để thu hút người dùng duy trì việc sáng tạo nội dung... trong thời gian đầu có nguồn lực eo hẹp. Từ đây, có 3 hướng để họ tiếp tục: (1) kéo dài, giữ nguyên và chết (như phần lớn các cộng đồng chết yểu bạn thường gặp) (2) phát triển, kiếm được giá trị thực trả về cho người dùng để giữ chân họ (các công ty truyền thông, tập đoàn giải trí, tòa soạn...) và (3) tận dụng sức mạnh thuật toán để liên tục nuôi người dùng bằng từng muỗng từng muỗng dopamine trong từng giây từng phút để khiến họ luôn gắn bó (các mạng xã hội).
Phần lớn rơi vào trường hợp 1. Sự khác biệt chỉ nằm ở việc họ chết đi như thế nào và để lại gì.
Vì thế, khi lập Group Monster Box với yêu cầu nội dung khắt khe, mình thừa biết trong 100 cửa có đến 90 cửa không thành. Căn bản vì chẳng thể nghĩ ra được xem mình có thể đem lại gì cho những người đóng góp, đủ để trở thành động lực khiến họ tiếp tục tạo ra những nội dung tốn công nhiều sức (vì vốn họ cũng đã đủ bận rộn cũng như mệt mỏi với cuộc sống thực rồi).
Vấn đề là như thế này, việc dùng phần thưởng là những cảm xúc tích cực cơ bản thiên về kết nối cộng đồng (như sự công nhận) chỉ đủ để hấp dẫn những bạn trẻ đang trong khoảng thời gian rảnh rỗi, hoặc đang lọ mò tìm kiếm sự công nhận (hoặc cả hai). Số này thì chắc 1000 rơi ra được vài người có triển vọng. Số có triển vọng sau khi phát triển cũng dần bị lờn, cũng như cuộc sống thực có nhiều biến đổi nên không còn nhiều thời gian... rồi cũng lại đi. Vì vậy, nhắm vào nhóm đối tượng này chỉ có cách thay máu thành viên liên tục. Nhưng chẳng ai muốn làm vậy hết, vừa mệt người, vừa mệt não. Một thời gian người quản lý chắc cũng không chịu nổi mà tự thay máu bản thân luôn.
Còn những phần thưởng cơ bản ấy lại không đủ để hấp dẫn những người cần được hấp dẫn - tức những người vốn đã xịn xịn một tí. Họ có thể vì thương tình, vì tinh thần ủng hộ, vì ham vui... mà chắp bút 1, 2 lần rồi lại thôi. Áp lực từ đời thực và áp lực từ bộ máy cảm xúc của họ bắt họ phải thôi. Tôi sẽ lấy làm lạ nếu họ không thôi. Thế thì có lẽ họ không xịn lắm, hoặc họ có một cuộc sống đáng mơ ước (và cửa thứ nhất thì cao hơn hẳn so với cửa thứ hai).
Vì vậy, muốn đổi những thứ căn bản lấy những thứ chất lượng phức tạp rất khó. Bao nhiêu trò bùa phép, ảo ảnh cũng chẳng giải quyết được gì. Bạn có thể tạo ra một cái wall of fame to đùng đẹp đẽ, có thể gọi tên họ trong những bài viết, có thể tạo ra bảng xếp hạng tuần/tháng/năm, có thể cho họ một đống chức danh... nhưng nếu tất cả khi quy về cũng chỉ là "sự công nhận từ cộng đồng" hay những phần thưởng ảo basic tương tự, thì bùa phép hình thức chỉ thay đổi được đúng duy nhất một điều là "bao lâu thì họ rời đi", chứ không thể thay đổi được việc họ sẽ rời đi.
Và theo kinh nghiệm của tôi thì thường không lâu lắm đâu.
Do vậy, cần phải có những giá trị thực. Giá trị thực không nhất thiết là tiền, nhưng phải là thực. Chức danh của tổ chức bạn ban cho họ không giúp được gì ở bất kỳ đâu, tức là ảo. Còn chức danh của các tổ chức học thuật như "Phó GS", "Tiến sĩ" cũng là chức danh, nhưng lại đem lại được giá trị, ấy là thực. Bảng xếp hạng của bạn không đem lại gì, hoặc không thể đo đếm được giá trị mang lại, cũng là ảo.
Thường những thứ như chức danh hay bảng xếp hạng vốn là cơ chế đặc thù của những tổ chức mạnh (và những tổ chức nhỏ thấy thơm nên bắt chước theo). Còn phần lớn những tổ chức bình thường họ trả bằng tiền cho nhanh, đơn giản và hiệu quả.
Nhưng lại có vấn đề thế này, không phải cứ trả bằng tiền là hay. Nếu tiền giải quyết được mọi vấn đề, thì cuộc sống này quả thực dễ quá. Vì thế, dễ dàng thấy đầy tổ chức dùng tiền nhưng nhân sự lẫn sản phẩm tạo ra đều như hạch, thậm chí còn thua cả những nhóm "làm vì đam mê".
Thế nên đây là vấn đề khó, khi muốn tạo dựng những tổ chức huy động sức mạnh từ cộng đồng, lại phải cho ra sản phẩm chất lượng cao, bạn sẽ cần tiền và hàng loạt những yếu tố khác đủ để kích thích người tham gia. Và phải kích thích đủ nhiều người, trong thời gian đủ lâu.
Thế nên những tổ chức lý tưởng như vậy dường như không tồn tại, hoặc chỉ ít đủ đếm trên vài đầu ngón tay. Vấn đề là thế này nữa, nếu nó dễ, thì cũng sẽ lại như nhiều vấn đề khác xã hội đã giải quyết được - tức người ta xem rằng nó bình thường và không nhắc đến làm gì nữa (thậm chí còn không nhận ra). Tức là không thể có bài viết này.
Vì thế, thứ tồn tại phổ biến ngày nay, phần lớn là những cộng đồng thả trôi, tận dụng nguồn lực cộng đồng may thì có được thượng vàng hạ cám, còn chủ yếu toàn tạo ra những sản phẩm tầm tầm hoặc tầm thường. Vì nếu chỉ đặt yêu cầu là những thứ tàu nhanh, dễ sản xuất dễ tiêu thụ... bài toán lại trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Khi mọi thứ dễ đến mức không cần tính toán trước khi làm, bạn sẽ thấy có rất đông người sẵn sàng làm dù chẳng nhận lại được gì ngoài vài cái like ảo. Những cộng đồng trước kia chất lượng, về sau không thể bám trụ nổi và thả trôi, cũng sẽ gặp tình trạng tương tự.
Ngay cả ở những nhóm vốn từ đầu đề cao sự "hardcore", rất dễ bị chuyển biến theo hướng ngày càng dễ dãi nếu quản trị viên không tỉnh táo. Xu hướng này chẳng khác nào entropy, mọi thứ cứ loãng ra như thể nó phải như thế.
Vì có nhiều thứ lòe rằng mọi thứ vẫn đang tốt lên, trong khi thực chất có thể song song với đó là sự mục ruỗng từ bên trong. Chẳng hạn việc gia tăng số lượng bài viết, gia tăng traffic có thể khiến QTV cảm tưởng như mọi thứ đang hoạt động rất tốt, nhưng rất có thể đó chỉ là sự tăng lên nhanh chóng của rất nhiều thứ có hại về lâu về dài. Những thành viên mới mẻ không được định danh cụ thể, rất có thể chỉ là phần thị trường vốn vẫn chưa được khai thác hết, chứ không phải sự tăng trưởng bền vững; trong khi lượng bài viết tăng nhiều khả năng đến từ sự dễ dãi của đại đa số thành viên. Biết rằng số đông luôn thích tàu nhanh, kể cả trong việc sản xuất lẫn tiêu thụ. Vì thế, đôi lúc tôi không quan tâm bài viết mình được khen ngợi bởi bao nhiêu người, mà quan tâm nhiều hơn việc chúng được khen ngợi bởi ai. Ít nhất trong những lĩnh vực không phải bầu cử, thì tôi không cho rằng ý kiến của mọi người tác động đến mình là bình đẳng.
Những group loãng với số lượng đông đảo ngoài kia (đông tới mức đôi lúc chúng ta bất ngờ khi lúc bắt gặp đã thấy nó rất to) vốn chỉ là những cái chợ dễ tính, thu hút nhiều người, đến rồi đi, và kiếm tiền dựa trên sự đến rồi đi ấy (traffic). Nhìn chung sản phẩm được cộng đồng tạo ra không có giá trị gì (ngay cả những thứ được khen ngợi ở đó), ngoài việc duy trì hấp dẫn ở mức tối thiểu cho những người thường xuyên lui tới. Đầy bọn lập nhóm gái xinh, hóng biến, viết lách linh tinh... cũng là vậy. Sản phẩm thì tệ, nhưng khi còn tự hấp dẫn lẫn nhau được, tức là còn traffic, tức là còn kiếm được tiền.
Bài toán này chỉ được giải bằng cách chờ đợi. Vì đó là sự thật khách quan, là dòng chảy lịch sử, là rất nhiều người, rất nhiều vấn đề phức tạp cắm sâu từ gốc rễ. Bạn không thể làm một bài phát biểu và dân trí từ đấy đi lên được. Không thể viết một status rồi thay đổi thế giới ngay lập tức. Mọi nỗ lực của chúng ta đúng là sẽ có ý nghĩa, tất nhiên là thế, nhưng thường không phải kiểu "ngay lập tức" như ta hay mong muốn. Thậm chí dùng đến những công cụ tốt nhất chính trị có được là chính sách và luật pháp, cũng sẽ cần đến độ trễ.
Và vấn đề là sẽ rất khó để trong đời được chứng kiến nhà nước tung ra những chính sách hay luật pháp triệt để như vậy vì: (1) những chính sách này không phải có sẵn trên kệ rồi cứ thế lấy xuống copy là xong, (2) thú thực là chẳng ai biết chắc rằng có tồn tại một chính sách hiệu quả thế hay không và (3) có nhiều vấn đề khác phải lo, và những vấn đề ấy cũng không có sẵn câu trả lời đúng 100% tương tự như vấn đề này.
Thế nên cứ kệ những bọn kiếm tiền bằng traffic ấy thôi. Cơ bản là nếu không để mặc chúng khai thác, thì cũng chẳng đảm bảo rằng mọi thứ sẽ tốt hơn được.
Còn việc của những người muốn tạo ra sự thay đổi, là phải bỏ chất xám ra để tìm mô hình, quy trình hiệu quả, sao cho: đem lại giá trị thực và đủ hấp dẫn, để về cuối cùng, có thể tận dụng hiệu quả nguồn lực cộng đồng và tạo ra những giá trị tốt đẹp. Có thể đơn giản như việc sản xuất nội dung cho nhóm thiểu số và nhận sự hỗ trợ của nhóm thiểu số ấy (như nhiều tạp chí chất lượng vẫn đang làm); hoặc có thể dùng thuật toán để xây một "trung tâm thương mại" thật to, nơi có traffic khủng để kiếm tiền từ đó, rồi dùng tiền đó để trả cho những người sáng tạo nội dung có công tạo ra traffic ấy (như YouTube hay nhiều nền tảng khác).
Cốt yếu vẫn là, đừng mơ đến chuyện lừa người khác giúp mình, cũng như chuyện có thể trao đổi không ngang giá nhưng dài lâu.
Bài toán này khó, tất nhiên rồi, nhưng trước nay luôn thế này: học sinh giỏi thích giải toán khó, còn người giỏi thích xử lý những vấn đề phức tạp.
*Note: Just a thought provoking.