Hạnh Phúc Mãi Về Sau [Truyện Vừa] (Viết tiếp Ngồi Khóc Trên Cây)
Viết tiếp câu chuyện của chàng Đông.
Trích một đoạn của: Ngồi Khóc Trên Cây:
Trong nhiều phút liền, trái tim tôi chạy đua với đủ thứ cảm xúc. Kinh ngạc, hân hoan, nghi ngờ, hạnh phúc, mừng mừng tủi tủi, tất cả cùng một lúc ùa vào tôi khiến tôi giống như người say sóng. Cuộc sống của tôi những ngày qua bị số phận nhốt trong hầm tối, bây giờ nắp hầm đột ngột mở ra khiến tôi như con thú bị phường săn rọi đèn, choáng váng, ngắn ngơ, ý nghĩ trong đầu lúc tan chảy cùng lại rồi lại tan ra... ra lúc đông. Như vậy là con Rùa đã giữ lời hứa. Nó cố lớn, và cố sống, để đợi tôi về. Đầu óc lơ lơ lửng lửng, tôi không biết tôi ngồi xuống chạc cây từ lúc nào. Tay vẫn bám chặt thân cây, hai chân buông thõng, tôi cứ ngồi trơ ra đó, mắt hướng về phía cửa hang, tê liệt mọi phản ứng, cả tiếng nói dường như cũng đánh rơi đâu đó dưới chân đồi. Chỉ có nước mắt tuôn ra dàn dụa trên mặt tôi, thi nhau rơi xuống... Thẳng Thục và bé Loan đứng dưới gốc cây đợi một hồi không thấy tôi nói gì, tự nhiên thấy ướt trên tóc, liền đưa tay xoa đầu, ngước cổ kêu lớn: - Không có trái bứa nào thì xuống đi anh! Trời sắp mưa rồi đó! ( Phân đoạn cuối của: Ngồi Khóc Trên Cây)
Nối tiếp một tác phẩm: Ngồi Khóc Trên Cây
Nhan đề bài viết: HẠNH PHÚC MÃI VỀ SAU
Tác giả: Tú Vũ Đăng
Vài lời từ từ bản thân người đăng: Mình xin phép sửa lại một ít chính tả trong câu trong truyện của bạn Tú, để mọi người dễ theo dõi hơn. Nếu bạn Tú có gì không hài lòng, vui lòng liên hệ mìnhThực sự không ảnh hưởng nhiều đến câu truyện bạn Tú viết
1
Bên một sườn đồi nọ
Đầy tình yêu thương
Có cô Rùa nhỏ
Nghị lực phi thường
Chân tay băng bó
Cùng anh lên đường ...
Tiếng reo của tụi nhỏ như chặn lại dòng cảm xúc ngổn ngang trong tôi, nhắc nhở tôi việc mình cần làm bây giờ không phải ngồi đó khóc
lóc. Dường như tức thì, tôi mở rộng vòng tay ôm lấy thân cây và tuột xuống như thể thời gian không cho phép tôi chậm thêm một giây nào. Mặt tôi tái nhợt đi ngay khi tiếp đất và thằng Thục vội đỡ tôi dậy, lo lắng hỏi:
- Có sao không anh?
- Kệ tao! - Tôi giật phát tay thằng Thục ra và chạy một mạch về hướng cô gái đang ngồi trên tảng đá, bỏ lại thằng Thục và bé Loan mặt đầy hoang mang phía sau.
Ôi! Dáng ngồi đó làm tôi bất giác nhớ lại cái ngày tôi thông báo với nó về việc tôi sắp phải về thành phố ba năm trước, cái ngày chúng tôi thổ lộ với nhau và nó bảo tôi chờ nó lớn, đúng là giờ nó đã lớn thật!
Cô em gái bị mọi người chê là kỳ quặc giờ đã trở thành một thiếu nữ duyên dáng với mái tóc đen dài có biết bao người tới hỏi cưới, và điều đáng mừng là con Rùa vẫn luôn kiên nhẫn đợi tôi về với niềm tin ngây thơ của nó. Những ý nghĩ đó xuất hiện kèm với biết bao khó khăn mà chúng tôi đã trải qua, càng thúc giục tôi phóng một cách điên dại về hướng nó đang ngồi. Tôi sợ nếu không tiến đến giữ chặt nó trong lòng thì thực tại sẽ lại quấn nó đi xa khỏi vòng tay tôi. Tôi muốn nói với nó rằng tôi thương nó như thế nào, nó quan trọng với tôi ra sao và những lần nó ghé thăm giấc mơ của tôi trong ba năm qua.
Giấc mơ mà tôi thấy có một cô gái ngồi tựa trên tảng đá, ánh mắt long lanh sáng dưới rèm mi dài, xa xăm nhìn về phía bầu trời, thỉnh thoảng lại liếc sang chỗ tôi. Và giờ đây, chẳng mất đến ba mươi giây để cái khung cảnh trong mơ đó hiện ra trước mắt tôi, ba mươi giây dài đằng đẵng đó khiến trái tim tôi nặng trịch khi nghĩ đến những thứ con Rùa đã trải qua suốt ngàn ngày.
Đến khi chỉ còn cách nó vài mét, tôi khựng lại, véo mạnh vào tay như để trừng phạt và xác nhận rằng trước mắt tôi chắc chắn là con Rùa. Bờ vai ấy… sao mà thân thuộc quá! Vậy là tôi cứ đứng sừng sững ở đó ngắm nhìn nó. Mặc dù tôi muốn kể hết, tôi muốn nói với nó bao điều.
Cho đến khi con Rùa phá vỡ bầu không khí yên tĩnh đó:
- Anh Đông hở, anh?
Tôi nghe thấy một dòng suối mát lạnh chảy qua tim tôi, êm dịu nhưng mãnh liệt cuốn hết thảy những tuyệt vọng những đau khổ xa khỏi tầm mắt. Dòng suối đó ngang qua, để lại trên mặt tôi chút gì đó ngân ngấn. Tôi định tiến đến ôm con Rùa thật chặt nhưng chợt nhận thấy những vết băng bó trên người nó, nên tôi chỉ dám khẽ đặt tay lên bờ vai.
Lúc này, con Rùa mới nghiêng đầu lại, để lộ khuôn mặt pha lẫn nụ cười thoáng qua trên môi nó. Trông nó có vẻ chẳng chút ngạc nhiên về sự xuất hiện của tôi. Có lẽ nó chắc rằng tôi sẽ tìm ra nó, và lần nữa kể cho nó nghe cuốn “Aterix và lưỡi liềm vàng”, phiên bản làng Đo Đo, nắm tay cùng nó tung tăng bên đồi và đặt lên môi nó một nụ hôn.
Tôi ngồi xuống bên cạnh, và con Rùa ngay lập tức tựa đầu lên vai tôi như tìm kiếm một chỗ dựa an ủi tâm hồn chính mình. Có lẽ nó đã sợ lắm, nhưng nếu chọn lại, tôi tin chắc con Rùa vẫn chọn liều mình cứu những bạn học nhỏ tuổi, để mặc thân mình trôi theo dòng lũ.
Tôi nhẹ nhàng quàng tay qua vai để sát lại gần nó hơn. Chúng tôi cứ lặng lẽ tận hưởng những giây phút bình yên đó, ngắm nhìn những tia nắng nhảy nhót trên thảm cỏ xanh trải dài vô tận và thỉnh thoảng có vài ong bướm đủ màu sắc tô điểm.

Ảnh do bạn: Tú Vũ Đăng vẽ.
2
Chúng tôi mon men theo con đường đất cũ để trở về làng, nơi mà bà nội con Rùa, cô út Huệ và rất nhiều người đang khóc thương cho sự ra đi của nó.
Có lẽ họ sẽ sửng sốt, bất ngờ, cũng sẽ vui mừng, nức nở và những giọt nước mắt hạnh phúc sẽ ngay lập tức thế chỗ cho những mất mát trước đó. Mặt trời đã lên đến đỉnh và tôi có thể nghe thấy tiếng thở hổn hển khi đang sải bước của thằng Thục, cùng những giọt mồ hôi chậm rãi lăn trên gò má của bé Loan. Ấy vậy mà mặt đứa nào đứa nấy vẫn tươi tỉnh trò chuyện với con Rùa đang dựa hai tay trên vai tôi (do em vẫn chưa thể tự đi), nhất là thằng Thục.
Khi mà trước đây nó không hề ưa con bé này một chút nào, thậm chí còn buồn bực vì tôi đã dành nhiều thời gian để chơi với con Rùa hơn là chơi với thằng em họ, trong quá trình về quê ngắn ngủi. Có lẽ do nó đã tận mắt chứng kiến những bất hạnh trong cuộc tình của tôi và con Rùa, hoặc đơn giản do nó đã là một thiếu niên mười bảy tuổi, đã biết yêu và điều đó đã giúp nó cảm thông cho hành động vô tâm thằng anh họ. Giờ đây nó mừng cho con Rùa, mừng cho cả tôi nữa. (Chắc nó đã táy máy đọc bức thư mà tôi nhờ nó gửi cho cô Út Huệ, để rồi biết rằng tôi và con Rùa không có bà con gì hết. Chuyện này sớm muộn tôi cũng sẽ nói rõ với nó một lần). Chỉ có tôi là hơi hụt hẫng trên đường trở về, dù sự hụt hẫng đó không bõ bèn gì so với niềm vui đang lấp đầy tâm trí tôi lúc này.
Chuyện là hồi nãy, khi tôi và con Rùa còn mải mê đắm chìm vào bầu không khí im lặng, khi lí trí đã nhường chỗ cho cảm xúc và tôi quay sang nhìn con Rùa, thủ thỉ:
- Rùa nè….
Tôi âu yếm vuốt ve lấy gò má con Rùa và như đọc được suy nghĩ của tôi, nó nương theo đà ôm. Chúng tôi có thể cảm nhận được hơi thở của nhau, ấm áp, thơm nồng. Tôi nhắm mắt lại để nghe vọng vào trong tâm trí âm thanh của núi rừng, chim chóc và nghe nhịp tim của tôi như hoà làm một với con Rùa. Những thước phim về quá khứ bắt đầu xoẹt qua và tôi bồi hồi khi chúng tôi đã hai lần vượt qua thứ đau đớn nhất trong tình yêu: sinh ly và tử biệt. Điều đó càng thôi thúc tôi kéo sát Rùa lại. Khi khoảng cách giữa chúng tôi với nụ hôn chỉ còn tính bằng số trang giấy thì một tiếng hét từ đâu vọng lại làm cả tôi và con Rùa giật bắn về sau:
- Anh Đông! - tiếng bé Loan gọi, và ngay sát phía sau là thằng Thục - Chờ tụi em với!
Rốt cuộc nó cũng trông thấy tôi, và dĩ nhiên là thấy cả con Rùa bên cạnh tôi nữa:
- Trời, chị…chị Rùa, chị Rùa đó phải không?
Phản ứng của nó còn dữ dội hơn tôi nghĩ, dù đây đúng là một tin vui động trời. Nó mở to mắt, chạy nhanh và tôi cảm tưởng như cằm của
nó sắp chạm đến những cây cỏ cây dưới chân. Thằng Thục cũng không kém cạnh khi nó ngay lập tức tận dụng sức vóc của một đứa con trai mười bảy tuổi, chạy một mạch về phía tôi và con Rùa, như thể nếu nó không chạy thì cả tôi và con Rùa sẽ biến mất ở một phương trời nào đó, nơi mà chắc chắn nó sẽ không còn cơ hội gặp lại chúng tôi.
Bé Loan chạy chậm hơn, chỉ kịp thốt lên hai tiếng “ Chờ em!” và dĩ nhiên là bị thằng Thục ngó lơ, như những đứa trẻ vòi quà của người bà hiền từ, đứa nào cũng muốn nhận được chiếc bánh cốm thơm nức đó trước. Nhưng khi đã giành được chiếc bánh đó, giống như tôi, thằng Thục đứng lặng như thóc, chỉ biết nhìn con Rùa rồi quay sang nhìn tôi với ánh mắt dò hỏi.
Trái ngược với thằng Thục, bé Loan thốt lên:
- Chị Rùa, chị còn sống thật! - nó oà khóc và nắm chặt lấy tay của con Rùa để xác nhận đó không phải linh hồn con Rùa hiên về nói lời từ biệt với chúng tôi - Em còn tưởng…
Có lẽ khi tận mắt chứng kiến sự tàn khốc của con sống Kiếp Bạc cuốn trôi thân xác con Rùa, khi phải đối diện với ánh mặt hiu hiu của nó trên di ảnh, bé Loan, và cả thằng Thục, đã không còn dám hi vọng về một phép màu. Có lẽ chúng đã đau khổ, và càng đau khổ khi thấy tôi tuyệt vọng lúc va phải cái tin dữ ấy, như quả chín rụng lăn lóc dưới sân vườn. Bánh răng của số phận đã xoay chúng tôi như chong chóng, nhưng chính nó cũng đã cho chúng tôi một cái kết mà tôi cho rằng là tốt nhất.
Đột nhiên tôi nghĩ, nếu như tôi không thoát khỏi căn bệnh ung thư quái ác, nếu tôi không trở về làng và nếu như tôi không nảy ra ý định vào rừng để tìm lại ký ức vui vẻ giữa tôi và con Rùa. Thì không biết liệu con Rùa còn phải cô đơn bên cây vảy ốc bao nhiêu ngày nữa. Chắc nó sẽ nhớ mọi người và nhớ tôi lắm, dù nó vẫn còn những thằng Miếng Vá, con Tập Tễnh để bầu bạn, rồi một ngày nó sẽ trở về làng với sự giúp đỡ của những người bạn đó. Suy nghĩ đó khiến cả sự hụt hẫng và hạnh phúc trong tôi dịu đi một chút. Nhưng tự nhiên tôi thấy thương con Rùa ghê!
Con Rùa ngồi sau lưng tôi, có lẽ thấy tôi im lặng hơi lâu, nên nó ôm chặt cổ tôi hơn:
- Anh mệt hả?
- Đâu có, anh đang suy nghĩ vài chuyện. – Tuy nói vậy, nhưng đúng là tôi có hơi đuối, phần vì cái nắng, phần vì đường dài, phần vì sự thiếu máu dinh dưỡng thế chỗ cho căn bệnh ung thư. Nhưng tôi chối
phát, sợ nó thấy ấy náy.
- Những chuyện gì thế? - Rùa nói khẽ
- Anh đang cảm ơn ông trời vì đã để anh tìm lại được em... - Tôi đáp lại
Chúng tôi dừng chân bên một gốc phong lá đỏ, vì bé Loan đã loạng choạng chạy trong khi cố gắng để theo kịp cả bọn. Tôi cũng kiếm cho
mình một chỗ để nghỉ ngơi, sau khi cùng thằng Thục khẽ đặt con Rùa
tựa lưng bên gốc cây.
- Ăn không anh? - Thục nói , và nó chìa nắm xôi đậu phộng ra trước mặt tôi
-Thế mày ăn gì? - Tôi nhìn nó và hỏi lại
Thằng Thục lúc nãy chỉ đem theo ba nắm xôi , vì chúng tôi đều không ngờ rằng sẽ tìm thấy con Rùa ở bên kia đồi. Vì thế đắn đo nó đưa cho bé Loan một nắm, con rùa một nắm và nắm còn lại (nó là đang muốn nhường cho tôi phần nó).
- Em không đói – Nó quả quyết, nhưng ngay sau đó xịu mặt xuống vì tiếng sôi sục của cái bụng nó.
- Bớt xạo đi mày! – Tôi đẩy nắm xôi lại chỗ nó – Tao lớn nhất, không lẽ lại giành ăn với em mình! - “Rộp rộp”. Lần này đến lượt cái bụng phản bội tôi.
- Anh ăn phần của em đi. - Con Rùa quơ quơ nắm xôi đã cắn một miếng của nó cho tôi. Nó biết phần xôi này không được chuẩn bị cho nó.
Thử ngẫm, tôi nhận ra, mặc dù đã gần nửa tháng nay nó chỉ ăn trái cây do thằng Miếng Vá hái về và uống nước mưa (hoặc là nước suối) để cầm cự qua ngày. Nhưng vì nó thương tôi hơn cả cách mà tôi thương nó, nó sẽ không nỡ để tôi đói (mặc dù cơ thể gầy gò của nó đang rất cần thứ gì đó vào bụng).
Bé Loan chợt reo lên:
- Hay anh ăn phần của em đi!
Nhưng tôi lắc đầu.
Cuối cùng sau khi đùn đẩy qua lại, chúng tôi quyết định chia ba nắm xôi đều cho bốn người, rắc lên một chút muối mè thằng Thục mang theo và ngồi ăn ngon lành. Gió đã bắt đầu hiu hiu thổi và tiếng líu lo dần dần vang lên trên những ngọn cây. Trong phút chốc, chúng tôi đã quên đi sự mệt mỏi hoặc chính sự mệt mỏi đã quên đi chúng tôi.
3
Làng Đo Đo hiện ra trước mắt chúng tôi khi phiên chợ sáng đã kết thúc từ lâu, phải đó là lý do mà hai bên đường chỉ còn lại lác đác vài ba sạp hàng kẹp tóc, lược, cúc áo chịu ở lại qua trưa để giữ cho mình vị trí đẹp trong phiên chợ chiều. Cùng đợi chợ chiều là các sạp trái cây, có vẻ hàng hoa quả ế khiến cho nét mặt của các chủ sạp trông chẳng tươi hơn chúng là bao.
…Mọi người đều có lo lắng của riêng mình và đó có thể là lý do trên đường chúng tôi trở về, không ai nhận ra con Rùa, mặc dù em đã từng quên mình để cứu rất nhiều đứa trẻ trong làng. Có lẽ họ đều đã nghe kể về sự tích đó, thậm chí có thể trong những đứa trẻ được cứu có cả con em của họ. Nhưng tôi đã nghĩ có ít người biết mặt con Rùa, và cả biết mặt tôi – một người con đã đi xa xứ hơn mười ba năm.
Sự vô hình chỉ biết kết thúc khi chúng tôi bước vào nhà con Rùa. Tôi không tự chủ, mà lần nữa nghĩ đến sự háo hức của bà con Rùa khi bước ra cửa đón chúng tôi, dù tôi (và chắc là cả con Rùa) đã nghĩ về điều đó vô số lần trên đường về nhà.
Trái với suy nghĩ đó, “người’’ ra tiếp đón chúng tôi đầu tiên lại là con Cổ Dài. Nó lạch bạch lao tới chỗ chúng tôi, miệng kêu quàng quạc, làm cho thằng Thục vô thức lùi lại sau lưng bé Loan. Rốt cuộc thay vì mổ thằng Thục một phát đau điếng, thứ làm con Cổ Dài chú ý là con Rùa đang ngồi trên lưng tôi và nó cứ chạy vòng tròn quanh chúng tôi để bày tỏ niềm vui khi được gặp lại cô chủ.
Một lần sau này, có lần vợ kể tôi: con Cổ Dài đã suýt bị những người hàng xóm làm thịt trong mâm cơm ngày mọi người tưởng em ấy mất. Về lý do thì là vì ngày tưởng em mất, nó (con Cổ Dài) mất đi sức sống, nằm im một chỗ và không chịu ăn uống gì. Người nó xanh xao và ai cũng nghĩ là nó sắp chết nên muốn thịt luôn. (May sao là bà nội của em, người hiều rõ tình cảm của cháu mình với con Cổ Dài, đang ngăn chặn và giữ nó lại để trông nhà.)
Bước qua cái sân. Bầu không khí bỗng trở nên im lặng khi chúng tôi bước vào nhà và bắt gặp bà nội con Rùa đang ngồi trước tấm di ảnh của nó. Tay bà lần chuỗi tràng hạt và lẩm bẩm điều gì đó như đang cầu siêu.
Bóng lưng già nua ấy gợi cho tôi về lần đầu đến nhà con Rùa chơi, vẫn trên chiếc chiếu cói đã sởn màu, hình bóng thầy Điền gõ gõ chiếc mõ màu vàng nâu và cả ánh mắt của thầy khi nghe tôi giới thiệu mình là cháu ông Chín Ngạc.
Bà của con Rùa. Không ai biết bà đã phải chịu đựng những gì trong thời gian qua. Cuộc đời bà đầy rẫy những bất hạnh, khi mà nỗi đau mất thầy Điền chưa nguôi ngoai, thì tin dữ về con Rùa đã lần nữa ngã vào thế giới trong bà. Khi con Rùa bị cuốn đi, chỉ còn mình bà lầm lũi trong căn nhà đó, cô độc và hiu quạnh. Khác hẳn với con Rùa được chúng bạn rừng xanh vây quanh, bà lại chẳng có ai kề cạnh. Và bà cũng không thể bầu chuyện với Cổ Dài hay Đít Đỏ, nên chắc tâm hồn bà càng vắng lặng hơn (và nếu có thể nói chuyện với mấy con thú trong nhà, thì chắc bà cũng không có tâm trạng để làm điều đó).
Tôi thấy khóe mi cay cay nhưng mắt tôi chưa kịp ướt thì vai tôi đã ướt trước. Những giọt sương lăn trên má con Rùa rồi rơi xuống vai tôi ngày càng nặng hạt, và nó hét lên một tiếng nghe mà nhói tim:
- Bà ơi!!
(Đó là lần đầu tiên tôi thấy em (vợ) khóc nhiều đến vậy)
Bà nó nghe thấy, quay sang chỗ tôi. Và tất nhiên cả bà nó cũng không kiềm được những giọt nước mắt...
4
Trong ba ngày tiếp theo, căn nhà vắng vẻ của con Rùa được lấp đầy bởi hàng xóm, cha mẹ của những đứa trẻ được cứu sống. Hay thậm chí là cả những người lắm chuyện, có sự tò mò đối với một cô gái có thể trở lại từ dòng sông Kiếp Bạc - rốt cuộc họ muốn được trông cô có hình hài như thế nào.
Họ mang đến cho con Rùa nào hoa quả, nào cái trứng, nào mớ rau. Hơn hết họ còn giúp bà con Rùa, gọi cho Rùa một thầy lang...
Theo lời thầy lang, trên người con rùa có rất nhiều vết thương do va đập với cành cây, tảng đá khi bị cuốn đi, nhưng lại không có vết thương nào nguy hiểm đến tính mạng. (Sau này có lần, Rùa kể với tôi, khoảnh khắc trước khi em mất đi ý thức và cơ thể dần chìm xuống dòng sông, em đã lờ mờ thấy một gương mặt thân thuộc, đưa tay kéo em về bờ. Có thể có chỉ là ảo giác và thực tế là em ấy đã tự bơi lên bờ, cũng có thể linh hồn của ông (ba vợ) Hương, sau khi chết dưới dòng sông này, vẫn luôn dõi theo con gái mình và cứu lấy vợ tôi vào thời khắc quan trọng nhất.)
Tối hôm đó như mọi tối, sau khi no nê với món cá kho cô Út Huệ làm, tôi hứng khởi chạy sang nhà con Rùa.
Con Rùa đập vào mắt tôi ngay khi tôi vừa băng qua vườn cải, điều đó làm tôi ngạc nhiên. Vì lẽ ra giờ này con Rùa đang phải nằm trong giường cho mau lành. Vì thầy lang bảo: "Dù vết thương không quá nghiêm trọng và Rùa cũng đã tự chữa cho mình bằng thảo dược trong rừng. Tuy nhiên vẫn phải hạn chế vận động trong khoảng một tuần nữa."
Giờ mới là ngày thứ tư nhưng sự năng động của con Rùa đã không cho phép nó nằm lì trên chiếc giường đó thêm chút nào. Con Rùa vẫn ngồi chỗ cũ, trên phiến đá xanh cạnh cây bướm bạc quen thuộc của nó. Nó chăm chỉ ngắm nhìn bầu trời đêm quen thuộc (dù nó đã làm điều đó không biết bao nhiêu lần). Có lẽ, nó đang suy nghĩ về một thế giới xa xăm, nơi mà cuộc đời của nó sẽ không va phải những tảng đá bi kịch. Trông con Rùa khi ấy... thật cô đơn, và ánh trăng càng tô đậm sự cô đơn của nó.
- …Rùa nè - Tôi mở lời trước - Sao em không nằm trong nhà nghỉ ngơi?
Con Rùa vẽ vội trên một nụ cười rồi quay sang đáp lời tôi:
- Em ra đây hóng mát một chút - Rồi nó nói thêm (sợ tôi quở) - Nằm trong nhà hoài chán lắm !
Tôi đưa tay ra, khẽ xoa trán nó rồi ngồi xuống bên cạnh. Tôi chụp lấy tay nó và cảm nhận một thứ đang tràn về (một cảm giác yên bình, mà lần đầu tiên tôi thật sự có lại sau ba năm). Lần gần nhất tôi trở về làng (cách đây mấy tháng), cái vai "anh em" đã khiến tôi không có đủ can đảm để nắm tay nó và ngay cả khi hiểu lầm đó được gỡ bỏ, căn bệnh hiểm nghèo vẫn cản trở tôi đến với hạnh phúc (cùng với con Rùa).
- Sao lần này anh về sớm thế - Con Rùa mỉm cười, sự cô đơn dần tan biến khỏi đôi mắt nó - Em cứ nghĩ sẽ không được gặp lại anh nữa - Ánh mắt nó lại đượm buồn (chắc nó lại đang nhớ lại lúc bị dòng nước cuốn đi).
Câu hỏi của con Rùa làm tôi nhớ lại lý do tôi trở về làng. Có lẽ niềm vui khỏi bệnh của tôi đã bị dập tắt ngay khi nghe tin con Rùa chết. Và bây giờ thì nó lại lu mờ trước việc con Rùa còn sống. Phút chốc, tôi nhớ lại mình đã hạnh phúc như thế nào. Vì khỏi bệnh không chỉ có nghĩa là tôi được sống tiếp, mà còn là được sống tiếp với con Rùa tôi yêu thương. Tôi nghĩ... đã đến lúc phải nói cho nó những thứ nó đang được biết:
- Rùa nè... - Tôi lại gọi tên nó, vì tôi không biết phải bắt đầu thế nào
- Có chuyện gì hả anh? - Con Rùa lại nhìn vào mắt tôi
- Em có nhớ lần đầu anh gặp em ở gốc cây bên bờ sông...
Tôi đã cắn răng, và tôi đã bắt đầu kể hết mọi chuyện. Giống như lúc tôi kể cho nó câu chuyện về Asterix (chỉ khác những gì tôi kể bây giờ không có chút nào là bịa). Tôi đã nói hết cho nó nghe hết, nghe cả về thân thế của nó (mặc dù tôi nghĩ nên kể điều đó vào một ngày xa hơn. Nhưng sau những câu chuyện mà chúng tôi gặp phải, tôi đã sợ sự trì hoãn của tôi. Và tôi sợ, nếu không kể, thì không biết "ngày mai" có còn cho tôi cơ hội nói với nó hay không.)
Con rùa vẫn luôn chăm chú theo dõi câu chuyện tôi kể, như ngày nào. Nhưng tôi không còn thấy được những tiếng tấm tắc quen thuộc từ nó nữa. Thứ gia vị mà con Rùa nêm vào câu chuyện của tôi bầy giờ là sự im lặng (đến đắng ngắt. Có lẽ nó đang xâu chuỗi hạt lại hết những thứ tôi kể để giải đáp biết bao nhiêu thắc mắc bấy lâu nó tìm kiếm. Hoặc đúng hơn là nó đang đếm xem tôi đã nói dối nó bao nhiêu lần). Trong màn đêm tĩnh lặng đó, chỉ có tiếng nói của tôi cùng những giọt tí tách lăn trên má con Rùa trước khi tan hòa làm một với thảm cỏ.
- Giờ thì em hiểu rồi - Con Rùa nói và lấy tay gạt đi những giọt nước mắt - Em không biết anh đã phải trải qua những chuyện đó.
- Anh xin lỗi - Tôi nói xin lỗi vì tôi không biết nói gì hơn vào lúc này. Dưới ánh sao mờ, liệu con Rùa có hiểu được lòng tôi?
Con Rùa đáp lời bằng cách dúi đầu của nó vào ngực tôi. Sau tất cả những gì tôi gây ra cho nó, cuối cùng tôi cũng nói được một câu xin lỗi (dù tôi không chắc điều đó có khiến nó bớt đau hơn không).
- Em vui lắm! - Con Rùa thủ thỉ sau khi khóc ướt đẫm phần ngực áo tôi - Vậy là trước giờ anh chưa từng hết thương em... - Rùa nói nhè nhẹ
5
Đã ba ngày kể từ hôm tôi nói hết sự thật cho con Rùa. Con Rùa đã không còn gặp khó khăn trong việc đi lại, nhưng nó vẫn được nghỉ học đến khi khỏi hẳn (nhà trường đã đặc biệt khen thưởng cho hành động quả cảm khi trước của con Rùa).
Bé Loan và thằng Thục thì khác, bọn nhóc đã phải nài nỉ suốt buổi chiều để được nghỉ học ngày thứ hai (ngay sau hôm chúng tôi đứa con Rùa rồi trở về). Vì có tôi đỡ lời, lại thêm đang vui mừng, cô Út Huệ và thím Lê đồng ý cho tụi nhỏ nghỉ một hôm.
Bé Loan ngồi chơi với con Rùa cả ngày hôm đó. Còn tôi và thằng Thục thì phụ bà con Rùa tiếp những vị khách đến thăm. Đến thứ Ba, thằng Thục đã vô lại Tam Kỳ học, còn bé Loan thoạt đầu khóc lóc đòi ở nhà với con Rùa (cuối cùng con Rùa phải dỗ mãi nó mới chịu đi học). Nhưng tối đó bé Loan vẫn ở nhà vào buổi tối, còn thằng Thục thì mới về chiều hôm qua.
Cả tuần nay, tôi chôn chân bên nhà cô Út Huệ (để tiện ở cạnh con Rùa). Lâu đến nỗi thím Lê phải lên tận nơi, báo với tôi rằng: tôi cần về nhà để chữa bệnh và tiếp tục việc học (vậy là hai ngày nữa tôi phải về lại Sài Gòn). Khi tôi bảo với con Rùa tin này, mắt nó lại rưng rưng:
- Chiều nay anh vô rừng chơi với em nghen?
Tôi nói từ chối với con Rùa, vì con Rùa vẫn chưa bình phục hẳn, nhưng ngẫm nghĩ kĩ, vẫn đồng ý đi cùng với nó đến bìa rừng.
- Đi chậm thôi, em! - Tôi gọi, khi thấy con Rùa có vẻ vội vàng - Em vẫn chưa lành hẳn đâu đó! - Con Rùa giảm tốc và nó ngoái lại nhìn tôi.
- Em có chuyện gì cần làm trong rừng hả? - Tôi hỏi thử
- Dạ! - Rùa hào hứng
- Chuyện gì thế? - Tôi tiếp tục thử
- Em có hẹn ở đây - Con Rùa nói và nó nắm lấy tay tôi. Chúng tôi tiếp tục thong dong đi về phía rừng, và con Rùa ngó nghiêng ngay khi chúng tôi bắt gặp những cái cây đầu tiên.
- Hôm nay tụi nó không đến rồi. - Con Rùa hụt hẫng khi không tìm thấy “người” nó hẹn.
- Ý em là tụi Miếng Vá hả? - Tôi quay sang nhìn nó
- Dạ, Em hẹn tụi nó ba ngày sau đến đây, nhưng giờ đã một tuần mất rồi. - Rùa nói (vẻ buồn)
- Dạ, Em hẹn tụi nó ba ngày sau đến đây, nhưng giờ đã một tuần mất rồi. - Rùa nói (vẻ buồn)
Tôi xoa đầu con Rùa an ủi:
- Về thôi em, mai anh sẽ dẫn em vào sâu hơn.
Con Rùa “dạ” một tiếng đầy chán nản. Nhưng khi chúng tôi chỉ mới đi được ba bước thì một tiếng khọt khẹt quen thuộc vang lên, khiến cả tôi và con Rùa quay ngoắt lại:
- Thằng Miếng Vá!
Không chỉ Thằng Miếng Vá, một vài con sóc, con nhím, con chim, cũng
lần lượt thò ra từ các bụi cây. Tất nhiên không thể thiếu đó là con Tập Tễnh, mặc dù chân của con Tập Tễnh đã lành từ rất lâu nhưng con Rùa vẫn thích gọi nó với cái tên đó, và con Tập Tễnh thì tỏ vẻ không có vấn đề gì, hoặc đơn giản nó không hiểu ý nghĩa cái tên con rồi đặt cho nó.
Con Tập Tễnh ngoe nguẩy cái đầu, nó bước ra khỏi bụi rậm và tiến lại gần phía chúng tôi. Nó ngẩng đầu lên nhìn chúng tôi, rồi cúi xuống liếm vào các vết xước trên chân con rùa. Trông điệu bộ chuyên nghiệp của con Tập Tễnh thì có lẽ nó đã làm điều tương tự suốt nửa tháng con Rùa bị kẹt ở đây.
- Nhột chị! - Con Rùa vui sướng nhìn những người bạn của mình, nó thích thú vuốt ve vành tai con Tập Tễnh.
- Vậy là các em vẫn luôn chờ ở đây hả? - Con Rùa nói, và tôi có thể nghe thấy sự cảm động trong đôi mắt của nó - Cảm ơn các em nhiều! -Cuộc hội ngộ với bọn Tập Tễnh đã khiến cho con Rùa trông tươi tỉnh hơn nhiều.
Cả buổi chiều hôm đó, tôi với con Rùa đã làm đủ trò, quây quần bên những con thú và cuộc vui chỉ kết thúc khi bầu trời bị ai đó nướng thành một màu vàng.
Chúng tôi trở về nhà sau khi con Rùa dặn dò thằng Miếng Vá đưa những con thú nhỏ về bên kia đồi. Cảnh hoàng hôn ở làng quê là một thứ gì đó rất khác biệt so với thành phố. Bầu trời cao xanh thẳm và những đám mây trắng hồng bồng bềnh như đang du ngoạn. Trên cành cây, những cơn gió rượt đuổi nhau qua từng kẻ lá, và những chú chim bắt đầu bay về nơi cư ngụ. Hoàng hôn ở thành phố là một cái lồng được dựng lên bởi các tòa nhà chọc trời. Và điều làm hoàng hôn ở thành phố thua kém hẳn hoàng hôn nơi làng quê, là vì ở đó không có người con gái tôi thương.
Chợt nhận ra chỉ hai ngày nữa, tôi sắp phải rời xa làng quê yêu quý và trở về với cuộc sống tấp nập.
- Tối nay anh về lại xóm dưới.
- Anh về chơi với bạn Thục, hả?
- Ờ, sáng mai nó vô lại Tam Kỳ rồi. Anh về chơi với nó một chút - Tôi nói và tôi nhận ra lời hứa sẽ chơi với thằng Thục nhiều hơn của tôi đã trôi đến phương trời nào không hay.
- Dạ - Con Rùa lí nhí và cúi gằm mặt xuống.
Tôi nắm chặt tay con Rùa và nói (lòng đầy yêu thương):
- Trưa mai anh lại qua chơi với em.
Nhưng tôi đã không thực hiện được lời hứa đó, vì tôi phải chạy sang nhà con Rùa ngay giữa đêm tối.
6
...Khuya hôm đó, khi những cơn gió vừa mới cuốn tôi vào giấc ngủ thì tiếng thằng Thục đánh thức tôi dậy :
- Anh Đông! Nguy rồi, dậy đi anh! - Thằng Thục nó nói và lay cánh tay tôi.
- Mày khùng hả Thục? Mới có hơn một giờ mà? - Tôi ngồi dậy, cáu mình nhìn thằng Thục và thấy loáng thoáng bé Loan đứng cạnh nó.
- Bà của chị Rùa... bà chị Rùa sắp mất rồi!
Bé Loan vừa nói vừa nức nở khóc, nước mắt đã giàn dụa trên mặt nó và cả trên mặt tôi (người đã lao như bay đến nhà con Rùa ngay sau khi nghe cái tin dữ ấy).
- Anh Đông! Lên xe em chở đi!
Thằng Thục chở tôi lên xóm trên và bé Loan đi xe theo sát đằng sau. Khi chúng tôi đến nơi, hàng xóm đã túm tụm đứng rì rào trước nhà con rùa
- Nhường đường với! - Thằng Thục hét lên
Và tôi lao vào đám đông, chen giữa hàng người. Để rồi thấy con Rùa đang ngồi bên cạnh chiếc giường bà nó nằm, úp mặt xuống khóc nức nở. Tôi có thể thấy rõ vẻ xanh xao của bà nội Con rùa, bà trở nên rất khó khăn trong việc vươn bàn tay ra xoa lấy mái tóc của Rùa. Với ánh mắt buồn hiu nhìn về phía cháu gái của mình, bà đang lo sợ cái chết hay bà đang lo rằng sau khi bà chết con Rùa sẽ lẻ loi một mình trên thế gian này?
Mười lăm phút trước khi tôi đến, thầy lang đã đến đây. Và ông chỉ lắc đầu bất lực sau khi khám cho bà con Rùa. Ông bảo là bà mắc bệnh tim mạch thường thấy ở người già và bà đã từng khám ở chỗ ông nhưng giấu con Rùa vì sợ nó lo lắng. "Hôm nay tái phát, chắc chắn không qua khỏi canh ba", thầy lang nói lời sau cùng.
Bà cứ nằm đó, lặng thinh. Dù bà còn cả trăm điều muốn dặn dò con Rùa (đứa cháu không cùng máu mủ mà bà hằng yêu quý). Thi thoảng bà cũng nhìn ra chỗ tôi, ánh mắt bà nhìn tôi như muốn nhắn nhủ "Con trông nom con Rùa giùm bà nghen".
Cho đến phút giây sau cùng. Lúc bà thở những hơi thở mệt nhọc, tay bà vẫn cố vỗ về đứa cháu thêm một lần nữa.

Nguồn: Tú Vũ Đăng
7
Tôi ngồi trên chuyến xe đò trở về Sài Gòn, lòng ngổn ngang khó tả. Hôm qua, tôi và nhà cô Út Huệ đã lo chuyện ma chay cho bà con Rùa. Suốt cả ngày, tôi và con Rùa chẳng nói với nhau được lấy một câu, chỉ thỉnh thoảng “chậu ở đâu hả Rùa?” hay “anh lấy giùm em cái khăn”. Tôi không dám đối diện với con Rùa, vì tôi biết, nếu lúc này tôi
đang buồn một thì nó phải buồn trăm. Bằng chứng là nó đã quên khoá van nước mắt, mặt trở nên vô hồn và bắt đầu nặn ra những nụ cười miễn cưỡng với mọi người.
Nó đã sống với bà nội mười mấy năm nay, bà là người đã bù đắp cho nó lỗ hỏng trong tim nó (những lỗ hổng mà ba mẹ nó để lại). Đối với con Rùa, mất bà chẳng khác nào mất thêm một người cha và một người mẹ. Và khác nào là đã mất đi một phần thế giới trong tâm hồn đầy nhạy cảm của con Rùa.
Đến tối muộn hôm bà nội con Rùa mất, tôi mới có cơ hội bắt chuyện với con Rùa.
- Rùa nè - Tôi lí nhí, cố không làm nó giật mình.
- Dạ - Con Rùa đáp, nhưng nó không nhìn tôi mà nhìn về về một góc trời xa xôi nào đó. Rồi như nó đoán tôi định nói, nên nó hỏi - Mai anh về lại Sài Gòn hả ?
- Không, ...anh không đi nữa - Tôi đưa ra một quyết định mà tôi nghĩ sẽ khiến mẹ tôi giận, nhưng tôi tin bà sẽ hiểu cho đứa con trai này - Anh không thể bỏ em đi bây giờ được.
- Không, không cần đâu, anh - Con Rùa lắc đầu, phản ứng với câu nói của tôi - Anh còn phải lo cho việc học của mình nữa - Rồi nó nói thêm - Nếu vì em mà việc học của anh dang dở, em còn mặt mũi nào bên cạnh anh.
Tôi nhìn xoáy vào Rùa, rồi quay lại nhìn những ánh sao. Người lớn hay bảo: "Mỗi khi có một sinh linh mất đi, trên trời sẽ nhiều thêm một vì sao. Vậy liệu trên bầu trời kia, bà con Rùa có đang ngước xuống cười với cháu mình?", tôi tự hỏi.
Trước khi quay về nhà thím Lê sắp xếp đồ đạc cho ngày mai, tôi có nghe được cuộc trò chuyện giữa con Rùa, cô Út Huệ và một vài người trong nhà. Và khi tò mò tiến lại gần xem thì tôi ngạc nhiên vì những gương mặt quen thuộc đó: ông Bốn Lai, ông Bảy Thành, ông Hai Sắn và chú Ngãi. “Họ làm gì ở đây vào giờ này nhỉ?”, tôi tự hỏi và ngay lập tức nhận được câu trả lời khi cô Út Huệ, khi cô nhận ra sự tò mò của tôi:
- Các bác muốn nhận nuôi con Rùa đó con.
Tôi ngạc nhiên và chắc chắn rằng đây là một tin vui. Vì tôi đã từng nghĩ đến vấn đề này và đã tự thử hỏi mình: "con Rùa đã rất đau đớn khi bà mất, nhưng còn một vấn đề to lớn hơn đang chờ nó phía trước. Tiếp theo nó sẽ sống thế nào? Nó sẽ phải bỏ lại việc học còn đang dang dở, nó sẽ phải lăn lộn trong các hàng quán tạp nham, nơi mà người ta chịu thuê người chưa đủ mười tám, nhưng sẽ trả những đồng lương còn chẳng thể nhét đầy bụng"
Vấn đề về con Rùa, tôi đã định bàn với cô Út Huệ và thím Lê. Vì tôi tin chắc rằng, hai người sẽ vì tôi và vì sự cảm thương với con Rùa, mà cưu mang nó. Cũng vì, dẫu sao thì sau khi tôi lớn và cưới con Rùa, dù gì nó cũng sẽ chính thức là một thành viên trong gia đình, dòng họ tôi.
Chỉ là tôi không ngờ, những người thợ săn từng ghét con Rùa cay đắng, lại vẫn đưa ra quyết định đầy tính người như vậy. "Những người thợ săn này, chắc chắn là sẽ không biết cách chăm sóc cho con Rùa bằng thím Lê hay cô Út Huệ. Nhưng dẫu sao nhà cô Út Huệ và thím Lê cũng không phải là khá giả gì. Nếu mình nhờ, thì họ vẫn nhận con Rùa thôi, nhưng thực sự không đáng. Vẫn nên để những người thợ săn nhận trách nhiệm này thì hơn", tôi tự nhủ.
- Nhưng con Rùa không chịu con à - Cô Út Huệ nói. Và nó như phá vỡ viễn cảnh tôi đang tính toán giúp con Rùa (vợ tôi). Rất rõ ràng, con Rùa chỉ muốn sống trong căn nhà quen thuộc của bà nó, và nó không muốn trở thành gánh nặng với bất kì ai.
Nhưng sau khi khuyên nhủ một hồi, dù con Rùa vẫn không đồng ý theo ai. Nhưng bốn ông chú, vẫn quyết định sẽ chu cấp cho con Rùa đến khi nó đủ sức tự nuôi bản thân, và sẽ yêu thương nó như đứa cháu nhỏ của mình (dù con Rùa có coi họ là gì, họ mặc).
Như thế cũng hay. Còn hơn là nó sẽ phải bươn chải sớm tuổi. Cũng như vậy, Con Rùa vẫn sẽ tiếp tục việc học của nó mà không gặp trở ngại gì, có lẽ linh hồn bà nó vẫn quanh quẩn bên cạnh và phù hộ cho nó chăng? Điều đó khiến chặng đường đi vào phương Nam của tôi nhẹ nhõm hơn một chút.
8
Trở lại Sài Gòn, tôi vùi đầu vào việc học (ra sức bù đắp lại những kiến thức mà tôi đã bỏ lỡ) nhưng không phải để quên đi con Rùa như lần trước nữa. Lần này tôi cố gắng để nhanh gặp lại nó hơn. Nhưng rốt cuộc, tôi vẫn không về quê được sớm như dự tính. Quãng thời gian tôi bỏ học để chữa bệnh và về quê đã khiến tôi trượt vài môn. Tôi đã ra trường muộn một kỳ và cầm trên tay tấm bằng loại khá. Nửa năm trôi qua từ ngày bà con rùa mất - cũng tức là đã nửa năm tôi chưa gặp lại con Rùa.
"Không biết giờ này nó đã nguôi ngoai nỗi mất bà chưa?" Tôi tự nhủ và không thôi nghĩ về nó. Trong gần sáu tháng tôi không về làng một dù một lần, và cũng trong khoảng thời gian ấy, tôi liên tục muốn rồi lại thôi việc nói với mẹ (quyết định học xong sẽ dọn về quê luôn). Nhưng rồi tôi cũng đã nói và mẹ tôi đã suýt ngất lần thứ năm khi tôi đề cập đến việc đó:
- Con nói gì cơ, Đông? - Bà mở to mắt, hỏi lại tôi, và lắc đầu. Dĩ nhiên ban đầu bà không chịu. Bỏ về quê đồng nghĩa với bao công sức ăn học mười mấy năm ở Sài Gòn của tôi đổ sông đổ bể.
Gia đình tôi chưa bao giờ khá giả ở đất Sài Gòn này, khỏi phải nói cũng biết mẹ tôi đã kỳ vọng vào tôi biết bao. Bà kỳ vọng rằng tôi sẽ học thành tài (không thì thành nhân) ở nơi đây.
Bỏ về quê còn có nghĩa là bỏ lại hết những hình bóng quen thuộc đã gắn bó với gia đình tôi, điển hình là gia đình nhỏ Bích Lan. Phải mất vài ngày giải thích, do dự, mẹ tôi mới đồng ý sẽ dọn nhà về làng Đo Đo với tôi.
Tôi đã kể với mẹ rằng mình phải lòng một con nhỏ ở quê, và bà chỉ biết đến con Rùa thông qua thân phận cháu thầy Điền của nó. Trái ngược với suy đoán của tôi, bà chưa từng biết về mối tình ngang trái giữa ông nội tôi và bà nội con Rùa (do đó bà cũng chưa từng hiểu lầm về mối quan hệ giữa tôi với nó, vậy là tôi đỡ tốn khá thời gian để giải thích thêm cho mẹ, việc con Rùa không cùng máu mủ gì với tôi hết).
Tôi không nghĩ tài ăn nói của mình đủ để thuyết phục mẹ đồng cảm với cuộc tình của tôi. Tôi nghĩ bà đồng ý dọn về quê vì bà biết đứa con trai ngày nào còn tè dầm của bà đã không còn bé bỏng và dễ bảo nữa. "Đã đến lúc nó cần có những quyết định của riêng mình", tôi nghĩ mẹ nghĩ vậy. Và bà sẽ tin tưởng, ủng hộ nó trong cương vị của một người mẹ.
Tôi không nghĩ tài ăn nói của mình đủ để thuyết phục mẹ đồng cảm với cuộc tình của tôi. Tôi nghĩ bà đồng ý dọn về quê vì bà biết đứa con trai ngày nào còn tè dầm của bà đã không còn bé bỏng và dễ bảo nữa. "Đã đến lúc nó cần có những quyết định của riêng mình", tôi nghĩ mẹ nghĩ vậy. Và bà sẽ tin tưởng, ủng hộ nó trong cương vị của một người mẹ.
Đôi lúc tôi thấy có lẽ mình thật sự là một đứa không có hiếu. Tôi sẽ dằn vặt nhiều, nếu ai đó ép tôi phải cứu một trong hai người, hoặc mẹ, hoặc Rùa, khi con Rùa và mẹ tôi rơi xuống nước (vì lựa chọn nào cũng sẽ khiến đau khổ đeo bám tôi suốt phần đời còn lại). Tôi chỉ thở phào, thoải mái được khi nhớ ra con Rùa còn bơi giỏi hơn tôi nhiều.
Chúng tôi (mẹ và tôi) quyết định dọn về quê vào tuần sau, sau khi mẹ tôi đã nhờ một người họ hàng ở quê chạy cho tôi một việc làm trên thị trấn phù hợp với mình.
Suốt một tuần đó, Mẹ tôi lo sắp xếp công việc, rao bán những vật dụng quá cồng kềnh trong nhà và chia tay với những người quen trong thành phố. Gia đình con nhỏ Bích Lan đã rất sốc khi nghe tin ấy, nhất là nhỏ Bích Lan. Nó đã chui vào phòng khóa sập cửa lại không chịu gặp tôi trong vài ngày liền. Ngay cả trong bữa cơm chia tay trước hôm chúng tôi lên đường, nó cũng chỉ lầm lũi ngồi nghe mọi người bàn về dự định trong tương lai.
Đến tận sáng hôm sau, mẹ nhỏ Bích Lan vẫn không thể thuyết phục đứa con gái ra tiễn mẹ con tôi lên đường, vì rất có thể chúng tôi sẽ không trở lại thành phố này thêm lần nào nữa. "Không phải Lan làm vậy vì yêu mình (điều đó chắc chắn). Chỉ là Lan đã coi mình như một cậu em. Và việc cậu em đi vội, quá nhanh, không nói một lời nào với người chị. Điều đó đang khiến Lan khó mà chấp nhận được". tôi tự ngẫm. Và tự nhiên tôi thấy có lỗi ghê gớm. Nhưng chẳng biết nói gì hơn. Nên sau một khắc đứng trước cửa phòng nó, do dự một hồi rồi lên tiếng vắn tắt:
- Lan bảo trọng nha, tôi đi đây.
Ai dè nó gắt lên:
- Lan ghét anh!
Tôi nghe giọng nó như đang khóc, chắc nó giận tôi ghê gớm lắm. "Đành vậy", tôi ngậm ngùi vác hành lý lên, rồi cùng mẹ ra bến đón xe về chợ Kế Xuyên.
Bến xe chỉ cách nơi chúng tôi sống vài trăm mét, trên con đường mà tôi vẫn đi cả ngàn lần trong những năm sinh sống tại Phương Nam. Tôi và mẹ cố tình đi chậm để ngắm nhìn khung cảnh quen thuộc sắp trở nên xa lạ. Tôi nhận ra một vài điều thú vị mà tôi chưa từng phát hiện trước đây: Hàng cây bên đường xanh hơn, không khí trời xuân thật dễ chịu và tình yêu tôi dành cho nơi đây lớn hơn tôi tưởng.
Mẹ tôi xếp đồ đạc ra sau cốp rồi bước lên xe. Tôi vẫn cảm thấy có chút vấn vương khi sắp phải rời xa quê hương thứ hai này, và đó là lí do tôi ngoái lại nhìn mảnh đất đó lần cuối. Nhưng tôi lại nhìn thấy con nhỏ Bích Lan. Nó đang hối hả chạy về phía đường quốc lộ mà xe đò dừng chân. Tôi ngạc nhiên và thấy nó vẫy tay hét lớn:
- Anh Đông!
Nó thở hổn hển và ngay khi tôi định hỏi sao nó lại đến đây thì nó đã bật khóc:
- Anh đáng ghét lắm! - Nó đưa tay lên dụi đôi mắt đã sưng vù - Nhưng Lan không ghét anh đâu!
Tôi cảm động và để mặc nó nắm chặt lấy tay tôi.
Chắc hẳn, mọi sự giận dỗi sẽ là vô ích, nếu mình không chịu nói lời chào sau cùng với người sắp đi biệt, người đã gắn bó rất lâu với bản thân. "Khi họ đến, ta đã vui, thì khi họ đi, mình cũng nên tiễn chào tươi tắn", mẹ của Lan đã nói với nó trong đêm trước (tôi vô tình nghe trộm được).
Nhiều năm sau, trong một dịp công tác ở Sài Gòn, tôi đã gặp lại Bích Lan. Lan là người đã chủ động lại gần tôi. Hơi xấu hổ vì mất khá lâu để tôi nhận ra Bích Lan. Sau một thoáng ngại ngùng, chúng tôi tạt vào một quán cà phê gần đó ôn lại chuyện cũ. Tôi được biết Lan đang rất hạnh phúc bên Triều chồng của cô. Theo lời cô ấy nói, mẹ Lan đã rất hài lòng khi Triều hoàn thành việc học và trở thành một kỹ sư xuất sắc. Hiện tại cô ấy đã có một đứa con gái và đang tận hưởng cuộc sống tốt đẹp. Đó là tương lai chứ bây giờ thì tôi vẫn nghĩ sẽ không gặp lại Bích Lan lần nào nữa nên:
- Tôi cảm ơn Lan nghen!

Nguồn: Tú Vũ Đăng
9
Tôi và mẹ tôi đáp xuống tại chợ Kế Xuyên.
Con đường từ đây về làng vẫn chẳng thay đổi gì so với lần cuối tôi gặp nó, chỉ khác là đã khá lâu tôi chưa về làng cùng lúc với mẹ mình.
Trước khi về mẹ tôi đã bắn tin chuyển nhà về đây cho thím Lê, và cô Út Huệ. Mọi người đều rất mừng và thím Lê rất đỗi vui vì việc đó. Tôi còn đặc biệt bảo mẹ dặn thím Lê đừng tiết lộ với thằng Thục, tôi muốn cho nó một bất ngờ sau những lần bỏ bê nó để chơi với con Rùa. Vả lại cuối tuần nó mới được nghỉ học, cứ để nó tập trung cho kì thi vài tháng tới.
Sắp xếp một chiếc xe thồ chở hành lý về nhà thím Lê, mẹ tôi quay ra dặn: "Con về nhà trước đi, mẹ ghé qua gặp vài người bạn ở đây rồi về”.
Thế là tôi đi bộ về làng Đo Đo một mình theo lời mẹ, nhưng tôi không về nhà thím Lê ngay, mà lên thẳng nhà cô Út Huệ. Tôi háo hức gặp lại con Rùa, dù tôi biết cũng phải đến tối nó mới đi học về. "Không biết giờ này con Rùa đã lớn thêm chút nào chưa", tôi mỉm cười khi nghĩ.
Làng Đo Đo đã bước sang mùa giấy kính, khắp dọc đường từ làng vào nhà cô Út Huệ tôi bắt gặp hàng tá trẻ con và dễ dàng bị thu hút bởi những tờ giấy đầy màu sắc trên tay chúng. Tôi bất giác nhận ra mình đã quá tuổi để thấy thế giới màu xanh màu đỏ như hồi xưa, thế giới của người lớn có nhiều màu sắc, màu tình yêu, màu tình bạn... nhưng tiêu biểu là màu của sự mệt mỏi hoặc màu của sự muộn phiền, dù tôi không biết chúng thực sự có màu gì.
Bước vào nhà cô Út Huệ, tôi cất túi xách, lấy nước rửa mặt rồi chạy sang nhà con Rùa. Từ ngày bà con Rùa mất, ngôi nhà vốn đã vắng vẻ đó lại hiu quạnh thêm mấy phần. Tôi không còn bắt gặp hình ảnh bà con Rùa bên thềm giếng như ngày nào nữa. Tôi mừng vì vẫn thấy thấp thoáng bên bờ ao là bộ lông trắng của con Cổ Dài, nhưng nó đã không còn rượt đuổi tôi dù lần này tôi không đi cùng con Rùa. Cả nhà cô Út Huệ và nhà con Rùa đều chẳng thấy bóng ai. Tôi bước vào nhà con Rùa, thắp cho bà nó nén hương rồi ngồi thiếp đi trên cái phản lúc nào không hay.
Lúc tôi mở mắt ra, bé Loan và con Rùa đã đứng trước mặt tôi:
- Anh dậy rồi hả?- Con Rùa cười và tôi đoán nãy giờ nó đã đứng nhìn tôi ngủ.
- Em về rồi à Rùa? - Tôi ngồi dậy và dụi dụi mắt
- Sao em lại ở bên này? - Tôi mơ màng
- Đây là nhà em mà - Con Rùa khó hiểu
Con Rùa nói tôi mới nhận ra tôi đã ngủ quên bên nhà nó, và cũng khiến tôi nhận ra câu hỏi của mình ngớ ngẩn thế nào. Bất giác, bé Loan với con Rùa cười phá lên khiến tôi quê một cục rồi cười theo:
- Các em dám cười anh hả!? - Tôi cố gỡ gạc thể diện của mình bằng cách cốc vào đầu con Rùa và bé Loan. Tin mừng đó là, con Rùa không còn bị lún sâu sau sự ra đi của bà nó nữa.
Tối hôm đó, do bữa cơm mừng chúng tôi chuyển về đây mà đến tận khuya tôi mới sang được nhà con Rùa. Mặc dù vậy, con Rùa vẫn ngồi trên cây bướm bạc của nó, tay ôm con Cổ Dài đợi tôi đến. Con Cổ Dài thấy cô chủ lặng thinh, nên cũng không dám phát ra tiếng động gì. Mãi đến khi thấy tôi sang, con Rùa với thả con Cổ Dài xuống:
- Em đi ra ngoài chơi một xíu đi - Rùa nói. Và con Cổ dài lạch bạch chạy đi, nhường chỗ cho chúng tôi trò chuyện.
- Rùa nè - Tôi nói và âu yếm vuốt ve mái tóc nó - Anh học xong đại học rồi.
- Dạ - Rùa khẽ đáp
- Lần này anh dọn về đây luôn - Tôi tiếp tục sẽ câu bỏ lửng trước đó
- Thiệt hả anh?- Con Rùa tươi tỉnh hẳn lên.
- Ờ. Cả mẹ anh cũng dọn về luôn. Anh sẽ không đi đâu nữa hết - Tôi tiếp tục xoa vào sự vui mừng của con Rùa
Con Rùa vui sướng nắm lấy tay tôi và sau một hồi tỉ tê, nó bảo tôi đi ngủ, sáng mai nó dẫn tôi đi một nơi. Đêm đó tôi nào ngủ được, tôi thao thức cả đêm không biết con Rùa định dẫn tôi đi đâu mà thần thần bí bí thế. Cuối cùng sáng hôm sau, chúng tôi vẫn băng qua hang động và đi sang sườn đồi bên kia.
- Em định cho anh xem gì hả Rùa?- Tôi tò mò hỏi và nó đáp lời tôi bằng cách dẫn tôi đến trước một thân cây hoàng yến mảnh mai.
- Em mai táng tro cốt bà dưới đây đó anh. Hồi đó bà hay bảo muốn được chôn ở một nơi yên bình, cách biệt với thế giới bên ngoài.
Nói đến đó, nước mắt con Rùa lại rơi xuống, nhưng nó gạt đi ngay, cố không khóc và nói:
- Đây là điều duy nhất em làm được cho bà.
Sau một hồi cầu chúc cho bà bình an, tôi và con Rùa trở lại bãi cỏ xanh nơi tôi tìm thấy nó. Không khí mùa xuân đã ùa về và thời tiết rất thích hợp để nằm phơi mình bên thảm cỏ.
- Rùa nè..khi nào tròn mười tám, em đồng ý lấy anh nghen.
Tôi ngại ngùng nói và liếc sang nhìn nó, nhưng con Rùa đã thiếp đi từ lúc nào. Chắc nó chưa nghe thấy lời tôi đâu, tôi cũng mong vậy. Sau tất cả, chúng tôi đã không còn gặp thêm trở ngại nào nữa. Vài tháng nữa là con Rùa đủ tuổi, lúc đó tôi sẽ xin mẹ hỏi cưới nó và chăm sóc cho nó suốt phần đời còn lại.

Cre: Tú Vũ Đặng
Cuộc đời con Rùa đã gặp phải quá nhiều bất hạnh, mỗi bất hạnh trong số đó đều như một lưỡi dao găm sâu vào trái tim nó, để lại những vết thương mà phải mất cả đời người để lành lại.
Nhất định tôi sẽ bù đắp cho nó hết thảy, nhất định chúng tôi sẽ hạnh phúc.
Thuận Thành, Ngày 11 Tháng 7 năm 2024 ~ Đăng Tú
Đôi lời của tác giả: Các bạn vừa đọc xong một mẩu truyện ngắn của tụi mình, nối tiếp phần kết của “Ngồi khóc trên cây”. Đó là tác phẩm rất hay mà chúng mình đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần nên chúng mình đã cố gắng để giúp cho Đông và Rùa có một cuộc tình thật trọn vẹn, cố gắng để ngôn ngữ thật giống với câu chuyện gốc (cũng khá khó khăn vì tụi mình là người Bắc, đôi khi viết sẽ có sai sót nên mong các bạn bỏ qua). Mong rằng sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi người. Nếu có đánh giá, nhận xét gì rất mong các bạn sẽ trao đổi với chúng mình. Cảm ơn rất nhiều !! Tác giả: Vũ Đăng Tú Biên soạn - Minh họa : Đặng Đức Tài MB Bank: 0367534397 (Vũ Đăng Tú) Mong các bạn ủng hộ cho bọn mình chút mì tôm :<<

Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất