The Act of Killing (2012) - IMDb
Poster phim.
Phim tài liệu, khi đặt lên bàn cân với những thể loại phim khác, có thể thu hút được ít độc giả hơn. Tuy nhiên, những thông điệp của những bộ phim tài liệu thường thẳng thắn, rõ ràng và nhiều bộ phim cũng ẩn chứa không ít giá trị nghệ thuật, triết học. Hành Động Giết Chóc – The Act of Killing, là một bộ phim như vậy.
The Act of Killing (TAoK) là bộ phim tài liệu năm 2012 về cuộc tàn sát ‘Cộng sản’ những năm 1965 – 1966 tại Indonesia. Quay trở về thời điểm đó, Chính phủ Indonesia bị lật đổ bởi quân đội. Những người phản đối chế độ này đều bị quy chụp là Cộng Sản, trong đó bao gồm cả những người nông dân, nhà trí thức, Hoa kiều…v…v… Họ đều bị bôi nhọ, tra tấn và cuối cùng là giết hại dã man bởi các tổ chức Bán quân sự hay các băng nhóm tội phạm (gangsters) từ các vùng quê lên tới thành phố. Kết quả là, có tới gần một triệu người bị giết hại sau cuộc diệt chủng đó.
Bộ phim theo chân Anwar Congo, một “cựu gangster”, một kẻ đã trực tiếp sát hại tới 1000 người, giờ đang sống cuộc đời điền viên an nhàn cùng con cháu. Hành trình của Congo, ngạc nhiên thay, không phải hành trình đi tìm lại quá khứ, mà là tái hiện quá khứ tàn bạo trong một bộ phim khác, bộ phim được rất nhiều các phe phái cánh hữu bảo thủ ở Indonesia ủng hộ.
TAoK bắt đầu bằng việc Congo miêu tả phương thức giết người sao cho hiệu quả nhất, ít máu me và đỡ tốn sức nhất, rồi làm thế nào để lôi xác nạn nhân đi mà không bị chú ý. Rồi bộ phim chuyển đến những hồi ức về quá khứ của ông, về cuộc đời của một “gangster” mà ông cho là “những kẻ tự do”, từ bảo kê rạp phim cho tới sự nghiệp thảm sát cả những người thân quen. Ông còn bàn luận với bạn bè, chiến hữu năm xưa về các phương thức tra tấn mà chẳng chút hối hận, dù biết đó là việc xấu. Họ còn miêu tả những việc đó như là việc phải làm, dùng tiền để định nghĩa cho hành động đạo đức.

Họ vui vẻ nói về việc làm bộ phim này để thể hiện sống động sự tàn ác của Cộng Sản cũng như đè bẹp các thế lực “lật sử”, “xét lại”, đòi công bằng cho Cộng sản ở Indonesia.

Ở cuộc sống hiện tại, nền kinh tế nơi Congo sống vẫn bị áp lực nặng nề từ những phe phái hà hiếp, ăn chặn dân, ban ngày ban mặt vào chợ thu họ. Bộ phim mà Congo đóng thì ngày càng trở nên khó phân biệt với TAoK, với những lời kể quá khứ và cuộc sống hiện đại đan xen vào nhau, với việc Congo phải đóng cảnh thành nạn nhân cho chính những hành động của mình, rồi những cuộc thảm sát, phóng hoả những ngôi làng vô tội.

Mình sẽ không kể kết phim vì nó khá nặng nề và là sự kết thúc hoàn hảo cho mở đầu của bộ phim. Chỉ cần hiểu, thông điệp của TAoK vừa rõ ràng vừa nhân đạo, và không phải chỉ là nhân đạo với những nạn nhân của cuộc diệt chủng tàn ác năm xưa, mà nhân đạo với cả những người đã ra tay thi hành cuộc diệt chủng đó.

The Act of Killing là một bộ phim diễn tả lại đúng y đúc những triết lý của Hannah Arendt trong quyển “Sự tầm thường của tội ác” (The Banality of Evil). Tội ác ở đây, ngay cả khi đã kinh khủng như tự mình đoạt mạng sống của cả nghìn người, đã trở thành việc hàng ngày, việc bình thường, việc vốn nó phải như vậy. Trong sách của Arendt, nếu Eichman (nhân vật trung tâm của cuốn sách) bị ám ảnh và lệ thuộc máy móc vào triết học đạo đức kiểu Nghĩa vụ Luận (Deontology) của Kant nhưng thay “Ý chí cá nhân” (Free Will) bằng “Ý chí của Hitler”, thì ở đây, ngay từ những lúc khởi đầu, với việc làm bảo kê một rạp phim, Anwar Congo đã luôn bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng phương Tây. Congo vừa giết người vừa nhảy một điệu của Elvis, vừa giết người vừa nghĩ các phương thức hạ sát sao cho giống trong phim, từ phim viễn tây đến phim Mafia.
Sự tầm thường của tội ác, nói chính xác lời của Arendt, bắt nguồn chính từ “sự thất bại của suy nghĩ” (the failure to think). Trong TAoK cũng tương tự. Sự “không nghĩ” của Congo và đồng bọn đã khiến nhiều người trong họ, ngay cả khi về già, vẫn chẳng chút ăn năn về hành động của mình. Họ biết là họ “cũng độc ác như lũ Cộng Sản, có khi còn độc ác hơn”, hay “họ không xấu, họ là người bình thường”, nhưng họ không còn khả năng và nhận thức về tội ác của họ như chính nó nữa. Đúng như lời của Congo nói, “linh hồn họ đã biến thành một diễn viên phim sến (soap opera)”. Những kẻ hành quyết nhìn bằng con mắt người thứ ba, con mắt không tự nghĩ cho bản thân và có khi còn tự hào về điều đó...

Về mặt nghệ thuật, bộ phim được dàn ra vô cùng thong thả nhưng ám ảnh. Ngay sau những thú nhận về các phương pháp giết người không ghê tay, về việc ép trẻ con lớp 1 lớp 2 xem phim giết Cộng Sản hàng tháng, là hình ảnh của chính kẻ giết người đó đang ôn tồn nhắc nhở trẻ con phải ‘xin lỗi con vịt’ vì làm bị thương nó. Ngay sau những cảnh vui vẻ nhất về những phe phái cực hữu hô hào quyết tâm, khẩu hiệu, là hình ảnh của Anwar Congo, một kẻ đàn anh đàn chị được ngưỡng mộ nhất nhì của phe phái đó, đang trằn trọc nằm trong một căn nhà nghèo nát.
Cái hay nhất của bộ phim, đối với mình, là sự hoà lẫn của thực tại vào quá khứ, của thực tại vào bộ phim, của bộ phim trong bộ phim. Bộ phim mà Congo đóng dường như ngày càng trở thành hiện thực, thành những mong muốn và nỗi sợ của Congo, còn cuộc đời của ông thì ngày càng trở nên lép vế trong chính bộ phim mà mình làm nhân vật chính. Ngay cả chính tên phim – The ACT of Killing – cũng là một cách chơi chữ. Nó vừa có nghĩa là “hành động” giết chóc, nhưng cũng có nghĩa là “phân cảnh” giết chóc, nhìn về sự giết chóc như một hình ảnh. Nó giống như là một hiện thực - ảo, một dạng Simulacra ngày càng trở nên thực tại hơn.

Tóm lại, The Act of Killing là bộ phim đốt chậm và sâu, các tầng nghĩa cũng như tầng hình ảnh của nó vừa thẳng thắn nhưng cũng vừa hoà quyện thực tế - hình ảnh để nói lên cái nhìn nhân tính nhất cho những kẻ sát nhân. Sự độc ác của họ bắt nguồn từ đâu? Từ những bộ phim phương Tây hay từ tư tưởng độc tài hay gì nữa. Và họ đã đối mặt với quá khứ của mình như thế nào?
Với người Việt Nam, chúng ta cũng rơi vào cảnh nồi da nấu thịt, cũng đấu tranh lý tưởng, nhưng chúng ta ở phía bên kia của lịch sử. Nhìn về lịch sử, chúng ta phải nhìn nhận ra sao? Kẻ thắng cuộc được định nghĩa lịch sử, và, giống như một kẻ sát nhân trong phim nói, “chẳng nên phơi bày mọi sự thật làm gì, nếu không nó sẽ ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ”, liệu có đúng không? Đấy là những câu hỏi đau đáu mà bộ phim có thể sẽ trả lời phần nào.
"Lịch sử được viết nên bởi kẻ chiến thắng"
Vậy, có thể nhiều bạn xem rồi, nhưng mình cũng mới xem thôi nên xin được chia sẻ và cùng thảo luận về bộ phim.