"HOẢNG HỒN" VỚI 5 PHIM TÀI LIỆU TỘI PHẠM CÓ THẬT TRÊN NETFLIX
Bạn mong muốn được chiêm ngưỡng một tác phẩm đảm bảo tính xác thực về nội dung và mang tới cảm giác “rợn gáy" ngay sau khi xem? Top 5 phim tài liệu tội phạm có thật trên Netflix dưới đây chắc chắn sẽ giúp bạn thỏa mãn điều đó.
Bạn đã quá ngán dòng phim tâm lý tội phạm giả tưởng thông thường với những sự kiện nhạt nhoà đem lại cảm giác không thật? Bạn mong muốn được chiêm ngưỡng một tác phẩm đảm bảo tính xác thực về nội dung và mang tới cảm giác “rợn gáy" ngay sau khi xem? Top 5 phim tài liệu tội phạm có thật trên Netflix dưới đây chắc chắn sẽ giúp bạn thỏa mãn điều đó.
Conversations with a Killer: The Ted Bundy Tapes (2019)
Được cho là thủ phạm của một trong những vụ án gây chấn động nước Mỹ vào thập niên 1970, Ted Bundy có lẽ là cái tên khiến nhiều người nghe đến phải “khóc thét" bởi mức độ dã man và tàn bạo khi gây án của mình. Trước khi bị hành quyết năm 1989 ở tuổi 42, Bundy thú nhận đã dụ dỗ, cưỡng hiếp và giết 30 cô gái tại 7 bang của nước Mỹ. Dù sở hữu vẻ ngoài sáng sủa, tri thức cùng cách nói chuyện đầy lôi cuốn nhưng đằng sau hắn lại là một tên sát nhân máu lạnh đầy biến thái và hung hãn. Tất cả đã được thể hiện trọn vẹn trong Conversations with a Killer: The Ted Bundy Tapes - bộ phim tài liệu gồm 4 tập phát sóng trên Netflix.
Lấy kịch bản từ cuốn sách Ted Bundy: Conversations With a Killer của các phóng viên điều tra Stephen Michaud và Hugh Aynesworth với Bundy trong thời gian hắn bị giam cầm vào những năm 1980, bộ phim đã đưa tội ác kinh hoàng của tên sát nhân ra ngoài ánh sáng, từ đó, phơi bày sự bệnh hoạn, thâm hiểm và khốn nạn của tên tội phạm. Sử dụng các cảnh quay tin tức lưu trữ về những cuộc điều tra tội ác của Bundy và các vụ bắt giữ, xét xử sau đó của hắn, cùng nhiều cuộc phỏng vấn với các nạn nhân và nhân viên cảnh sát liên quan, phim đã mang tới góc nhìn chân thực đến rợn gáy đối với khán giả theo dõi.
Dù có một số điểm hạn chế như ít các chứng cứ pháp y của nạn nhân và lướt qua những hồi ức ở góc nhìn thứ nhất về Bundy, nhưng bộ phim vẫn rất thành công trong việc khắc hoạ mức độ gia tay tàn bạo, hiểm độc và bệnh hoạn của tên sát nhân này. Đồng thời, nó cũng cho thấy những đau thương mà nạn nhân và gia đình họ phải trải qua.
Abducted in Plain Sight (2017)
Được coi là một trong những phim tài liệu tội phạm kỳ quặc nhất trên Netflix, “Abducted in Plain Sight” theo dấu vụ án có thật của nữ diễn viên Jan Broberg. Cô từng là nạn nhân của hai vụ bắt cóc được dàn xếp bởi Robert Berchtold, với tên thường gọi là "B". Đây là một trong những vụ án cực kỳ phức tạp được thực hiện bởi một kẻ tâm thần xảo quyệt. Hắn bắt cóc Jan thành công không chỉ 1, mà tận 2 lần. Bên cạnh đó, để phục vụ mục đích của mình một cách trơn tru, Robert còn “tẩy não” cả bố và mẹ nạn nhân bằng cách làm bạn tình với họ.
Bằng phương pháp sử dụng diễn viên tái hiện lại các cảnh phim và lồng ghép lời tường thuật, “Abducted in Plain Sight” khiến người xem phải thảng thốt đến phẫn nộ trước những sự việc diễn ra. Những phân cảnh lột tả chân thực sự đau đớn đến nghẹn lòng như: gương mặt Jan khi bị cưỡng bức, những chiếc lá rơi thấp thoáng qua khung cửa sổ Jan nhìn để cố quên những thứ xảy ra với mình hay cảnh Robert nằm cạnh cô bé… đều khiến khán giả theo dõi bị ám ảnh và khó chấp nhận được.
Bên cạnh việc tái hiện thành công vụ án rúng động về tên tội phạm dùng sự thao túng của mình phá huỷ cuộc sống của cả một gia đình, bộ phim còn là lời cảnh tỉnh tới những cha mẹ về trách nhiệm bảo đảm sự an toàn cho con cái.
Don't Fuck With Cats: Hunting An Internet Killer (2019)
Giết hại những chú mèo nhỏ để câu view cho đến việc phanh phui một vụ án kinh hoàng, Don't Fuck With Cats: Hunting An Internet Killer sẽ đưa người xem đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Don't Fuck With Cats: Hunting An Internet Killer theo chân một nhóm người truy tìm tung tích của kẻ biến thái sát hại những chú mèo con. Với tài khoản ẩn danh, Luka Magnotta đã tung đoạn video lên mạng xã hội và liên tục dùng chiêu trò để tạo ra hàng loạt thông tin gây nhiễu loạn. Dẫn đầu nhóm điều tra tự phát là chuyên viên công nghệ Deanna Thompson và người bạn John Green. Tuy nhiên, chính họ không ngờ đoạn video chỉ là cái bẫy để dẫn đến một mưu đồ bệnh hoạn của tên sát nhân giấu mặt. Bộ phim dựa trên sự kiện có thật, được ghi lại bởi các nhân chứng cùng các tài liệu an ninh từ phía cảnh sát các bên.
Với series 3 tập cùng thời lượng gần 60 phút một tập, đạo diễn Mark Lewis đã liên tục đưa người xem vào những thước phim đầy kịch tính và nghẹt thở. Bạn sẽ khó có thể tin được Don't Fuck With Cats hoàn toàn là một phim tài liệu bởi cách dẫn dắt của các nhà làm phim quá thông minh. Bắt nguồn từ một câu chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt, phim đưa người xem đi từ bất ngờ này sang kinh ngạc khác. Câu chuyện quá bí ẩn, quá lắt léo đến mức khó có thể đoán được diễn biến tiếp theo. Bên cạnh đó, phim còn mang đến cái nhìn toàn diện khi tiếp cận câu chuyện qua góc nhìn của rất nhiều nhân vật. Cách họ mô tả về vụ án khiến khán giả dù không trực tiếp nhìn thấy hiện trường cũng phải rùng mình.
Đến với Don't Fuck With Cats: Hunting An Internet Killer, người xem sẽ được thỏa mãn trí óc bởi những pha suy luận, phá án li kì, đồng thời khám phá và rút ra những bài học về mặt tối của các trang mạng xã hội và ảnh hưởng tiêu cực của sự ham muốn nổi tiếng.
The Confession Tapes (2017)
Bạn sẽ làm gì nếu bị kết tội giết người mà bản thân không làm nhưng bị buộc phải thú nhận? Lúc đó bạn sẽ tìm cách phản kháng hay chấp nhận sự ép buộc? Tất cả những điều này sẽ được thể hiện trong The Confession Tapes - một bộ phim tài liệu tội phạm của Netflix dựa trên sự kiện có thật.
The Confession Tapes tập trung xoay quanh 6 vụ án giết người riêng biệt ở Mỹ từ những năm 1980 đến đầu những năm 2000. Điểm chung của những vụ án là các công tố viên đã sử dụng biện pháp cưỡng chế để ép nghi phạm ghi âm lời thú tội. Series 7 tập của tác phẩm được làm dựa trên những đoạn phim ghi lại các cuộc phỏng vấn nghi phạm, gia đình họ cùng các thám tử làm việc để tìm ra lời giải cho vụ án.
The Confession Tapes được xem là một trong những tác phẩm chân thực nhất khi làm sáng tỏ cách mà cảnh sát sử dụng để thao túng lời khai từ các nghi phạm dù họ có thể hoàn toàn vô tội. Ở mỗi tập phim, những đoạn băng ghi âm được bật lại giúp mạch phim liên kết tạo ra sức lôi cuốn và sự chú tâm cho khán giả khi theo dõi. Đặc biệt, với việc đưa ra các quan điểm khác nhau về cách thức mà tội ác có thể xảy ra hoặc bị dàn dựng nên, cùng sự tham gia của các chuyên gia về lời thú tội sai, chuyên gia luật hình sự chuyên nghiên cứu các trường hợp sai lầm của hệ thống tư pháp và các khía cạnh tâm lý học, phim đã đem tới cái nhìn đúng đắn về pháp luật và mặt trái của nó.
Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel (2021)
Đồng “cha đẻ” Joe Berlinger với bộ phim tài liệu Conversations With a Killer: The Ted Bundy Tapes, Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel là mùa đầu tiên trong chuỗi series về hiện trường vụ án. Lấy cảm hứng từ vụ mất tích bí ẩn của Elisa Lam, Netflix đã dựng nên bộ phim tài liệu này với quyết tâm tìm ra câu trả lời cho cái chết bí ẩn của cô gái xấu số. Bên cạnh đó, phim còn khai thác các khía cạnh lịch sử bí ẩn xoay quanh khách sạn Cecil.
Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel với 4 tập phim tái hiện 2 dòng thời gian quá khứ và hiện tại trong vụ án của Elisa Lam. Cùng với đó là 2 tuyến truyện, một phần về Elisa và một phần về lịch sử khách sạn Cecil. Việc phân chia như vậy sẽ giúp khán giả hình dung và tiếp cận câu chuyện một cách dễ dàng hơn. Các cảnh phim đều được dựng nên từ lời kể của những cá thể tương quan trực tiếp đến vụ án và những người bị cuốn theo sự huyền bí của nó tạo nên tính chân thực cho bộ phim. Đặc biệt, các tình tiết quan trọng được rải khắp phim buộc khán giả phải chú tâm trong quá trình theo dõi để có thể hình dung bức tranh tổng quát về vụ án và tìm ra câu trả lời cuối cùng cho sự mất tích bí ẩn này. Từ đó, phim xây dựng bầu không khí bí ẩn và gây cấn, vừa kịp lúc khơi dậy trí tò mò của người xem.
Dù còn những hạn chế về bố cục thời lượng cùng vài tình tiết thừa thãi và một số nội dung không được đề cập sâu thì Crime scene: The Vanishing at the Cecil Hotel vẫn là một phim tài liệu được làm chỉn chu. Các tập phim được thiết kế xây dựng tử tế, từng bước lột bỏ những vỏ bọc huyền bí bao quanh vụ án và giải thuật video thang máy nổi tiếng. Việc đó có thể làm mất đi tính ghê rợn bủa vây cái chết của Elisa Lam, nhưng đã giải đáp được sự thật đến cho khán giả.
Nếu muốn tìm một tác phẩm nhẹ đô trong những phần phim tài liệu tội phạm có thật thì Crime scene: The Vanishing at the Cecil Hotel sẽ là lựa chọn không tồi cho bạn.
Trên đây là top 5 phim tài liệu tội phạm có thật trên Netflix sẽ giúp bạn điều chỉnh lại tâm trạng chán ngán sau những bộ phim tội phạm giả tưởng nhạt nhoà. Hy vọng khi đến với các tác phẩm trên, bạn sẽ có hình dung rõ nhất về những tên tội phạm và trải nghiệm nỗi đau mà các nạn nhân đã phải hứng chịu, qua đó có cái nhìn chân thực về cuộc sống và những góc tối tồn tại trong mỗi con người.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất