BLADE RUNNER

Blade Runner hẳn nhiên là một trong những phim sci-fi kinh điển bậc nhất, và góp phần tái định hình lại các tác phẩm có bối cảnh cyberpunk sau này. Cyberpunk là một tương lai u tối, với công nghệ phát triển, nhưng kéo theo là đời sống của con người bị tụt xuống thê thảm. Blade Runner tất nhiên cũng không khác gì. Los Angeles năm 2019 của Blade Runner là một thành phố với vẻ ngoài ảm đạm, u tối, với những cơn mưa xối xả và những biển quảng cáo đèn neon sáng rực khắp nơi. Và trong cái thành phố đó, một cuộc săn đuổi đã diễn ra. Một “Blade Runner” về hưu được lôi trở lại để săn tìm một nhóm Replicant bỏ trốn. Và cũng chính nhóm Replicant ấy, mạo hiểm tất cả để được sống, được tự do. Và xuyên suốt câu chuyện ấy, người ta cũng đau đáu đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi quá sức vĩ đại.
Điều gì làm nên con người?
Replicant là Người Nhân Bản, được tạo ra từ bàn tay con người với chỉ một mục đích duy nhất: phục vụ nhân loại. Thân phận của họ chẳng khác gì nô lệ, mà có khi còn tệ hơn. Nô lệ, ít nhất họ còn có thể kiểm soát được sinh mạng của mình, còn các Replicant, thì không. Để tránh những hậu họa không đáng có, người ta đã giới hạn tuổi thọ cho các Replicant chỉ vẻn vẹn 4 năm. 4 năm ngắn ngủi, bị bóc lột, bị sử dụng, và khi chết đi thì bị vứt bỏ như những món đồ đã hỏng. Mạng sống của Replicant trong mắt con người chẳng có chút giá trị nào, vì người ta còn chẳng gọi hành động giết chết một Replicant là “sát hại”, mà là một cụm từ khô khốc: cho về hưu.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra, nếu như các Replicant ngày càng trở nên giống người hơn? Sẽ thế nào nếu họ bắt đầu tự hỏi mình là ai, mình là cái gì, mình có phải con người, hay là một cái gì đó khác? Và giả như họ bắt đầu đạt được sự thấu cảm, bắt đầu truy tìm bản ngã của chính mình, tự hỏi rằng một Replicant có thể có linh hồn hay không, thì sẽ thế nào?
Câu chuyện của Blade Runner đúng thực là đơn giản: Rick Deckard, một Blade Runner - những thợ săn tiền thường chuyên săn lùng Replicant - lao vào cuộc truy tìm một nhóm các Replicant bỏ trốn về Trái Đất. Nhưng chính phi vụ này đã đặt Deckard vào trung tâm của những câu hỏi đầy nan giải kia. Và nhất là khi anh ta gặp được Rachael. Rachael, một thiếu nữ tuyệt đẹp, một thiếu nữ sắc sảo, và cũng là một Replicant đời mới. Một Replicant với vô số ký ức được cấy ghép, khiến cô trở nên giống người hơn bao giờ hết.
Eldon Tyrell, cha đẻ của các Replicant đã nói với Deckard như thế này:
Có tính người hơn cả con người, ấy là tôn chỉ của chúng tôi
Một câu nói đậm chất triết lý, nhưng xét ra cũng đầy mâu thuẫn. Nếu thực sự muốn các Replicant có tính người, vậy sao coi họ chỉ như những công cụ vô tri vô giác? Sao còn giới hạn mạng sống của họ, đối xử với họ chẳng khác nào nô lệ? Và khi các Replicant chẳng còn nghe lời, thì lập tức không tiếc gì để các Blade Runner kết liễu sinh mạng của họ? Đấy đâu phải là cách đối xử với con người? Chính lời khẳng định của Eldon Tyrell về Rachael đã nói toạc ra bản chất của họ: “Rachael chỉ là một vật thí nghiệm, không hơn.” Vậy thì cái “tính người hơn cả con người” nằm chỗ nào đây?
Rachael quả thực đã trở nên giống con người hơn bao giờ hết. Cho dù cô chỉ là một vật sống nhân tạo, ký ức của cô cũng là của người khác được cấy vào, nhưng nhìn Rachael, ta vẫn thấy cô “con người” hơn bao con người thực thụ khác. Cô biết khóc, biết cười, biết nói đùa, biết giận dữ, và biết yêu. Còn gì con người hơn thế? Trong một cái thế giới đầy hỗn mang và nhân tính dần bị phai mờ, một Replicant lại tỏ ra con người hơn cả con người. Vậy cái gì làm nên con người? Được sinh ra thì sẽ là con người, còn được tạo ra thì không phải chăng? Nhưng nếu người được tạo ra lại có được sự thấu cảm như những người được sinh ra, vậy điều gì khiến con người và Replicant khác nhau?
Có người bảo, con người hơn ở chỗ là họ có linh hồn. Vậy linh hồn là gì? Là một thứ đặc quyền chỉ những người được sinh ra mới có chăng? Nhưng linh hồn được cấu thành bởi cái gì, nào có ai dám chắc? Ấy là thứ thầm kín, sâu thẳm nhất của một cá thể, vậy làm sao dám chắc chắn những Replicant kia lại không thể có một “linh hồn” của riêng họ? Những Replicant bỏ trốn kia bị truy sát, và quả thực là họ không từ thủ đoạn nào để đạt đến cái đích sau cùng của họ. Nhưng quan sát các Replicant ấy, ta giật mình khi thấy họ quan tâm đến nhau hơn cả những con người tự xưng là thực thụ kia. Họ là minh chứng cho cái tôn chỉ cao quý của Tập đoàn Tyrell: có tính người hơn cả con người. Nhất là thủ lĩnh của nhóm - Roy Batty. Anh ta tìm đủ mọi cách trốn xuống Trái Đất, xâm nhập vào Tập đoàn Tyrell, chỉ vì một lý do: tìm thêm sự sống. Anh ta muốn thoát khỏi cái giới hạn tuổi thọ 4 năm. Anh ta muốn sống, một cuộc sống thực sự, không phải như một Replicant, như một nô lệ, mà như một con người. Và khi biết chẳng có cách nào để kéo dài mạng sống, anh ta trở nên giận dữ, căm hận và điên cuồng chống trả Deckard. Kẻ đi săn giờ lại trở thành kẻ bị săn. Nhưng trong thời khắc quyết định, khi Deckard tưởng chừng như sẽ bỏ mạng, Roy Batty lại quyết định cứu anh, và nói một câu thực đáng suy ngẫm:
Trải nghiệm sống trong sợ hãi thực là đáng nhớ, phải không? Kiếp nô lệ là như thế đấy.
Và ngay sau đó, là một phân cảnh độc thoại kinh điển trong lịch sử điện ảnh. Roy Batty, cảm thấy cái chết đang tới, đã kể lại những ký ức đẹp đẽ nhất anh ta từng có ở ngoài vũ trụ, và rồi bảo rằng “Những khoảnh khắc ấy, thảy sẽ đều bị phai nhạt theo thời gian, như nước mắt rơi trong cơn mưa vậy. Giờ chết được rồi.” Và khi ta nhìn lại toàn bộ phim, sẽ nhận ra các Replicant ngày càng trở nên “con người”, với đầy đủ cung bậc cảm xúc, trong khi những “con người thực thụ”, lại vô cảm và lãnh đạm đến lạ kỳ. Vậy, đâu mới là con người thực sự?
Câu hỏi này còn trở nên nan giải hơn, khi chúng ta nhìn lại Rick Deckard. Anh ta là một con người, chứ không phải một Replicant, đúng chứ? Nhưng sau khi nói với Rachael về việc toàn bộ ký ức của cô là được cấy ghép, Deckard đã có một giấc mơ về một con kỳ lân sải vó trong cánh rừng mờ sương. Và ở cuối phim, khi cùng Rachael bỏ đi, Deckard đã nhìn thấy một con kỳ lân origami được Gaff - cộng sự bất đắc dĩ của anh ta - để lại. Những chi tiết này đã dấy lên câu hỏi đau đáu với vô số người trong hàng chục năm, rằng liệu Deckard có phải cũng là một Replicant hay không? Bởi vì việc Gaff để lại con kỳ lân origami, ám chỉ rằng ông ta biết về giấc mơ của Deckard, và cách duy nhất mà Gaff biết được rõ như vậy, chính là vì ông ta có thể truy cập vào trí óc của Deckard. Như thế, có nghĩa là cái trí óc của Deckard cũng là được cấy ghép, và anh ta cũng là một Replicant, giống như Rachael.
Nhưng có thật vậy chăng? Nếu không thì giấc mơ về con kỳ lân ấy có thể có ý nghĩa gì?
Hãy nhớ về tựa đề tiểu thuyết gốc của phim - “Người máy có mơ về cừu điện không?” Câu hỏi này nghĩa là sao? Ta hãy nhớ rằng trong thế giới ảm đạm của Blade Runner, tự nhiên đã bị hủy hoại nghiêm trọng, và các loài động vật gần như đã bị tuyệt chủng. Hình ảnh con kỳ lân origami là biểu trưng cho cái khao khát của Deckard nói riêng và nhân loại nói chung về một thế giới cũ đã mất. Kỳ lân là một sinh vật huyền thoại, nó không có thực, cũng như cái thế giới cũ của Blade Runner, đã trở thành một thế giới trong truyền thuyết vậy, bất khả thu hồi. Mà mặt khác, giấc mơ về con kỳ lân của Deckard cũng là một cách để nói về câu hỏi trên “Người máy có mơ về cừu điện không?”, hay nói cách khác, là để tự vấn rằng nếu như con người mơ về những sinh vật thực thụ, vậy các Replicant có mơ về các sinh vật nhân tạo giống họ không, vì bản chất tương đồng? Mà xa hơn nữa, giả như ta cho rằng Deckard là một Replicant, vậy việc anh ta mơ về một con kỳ lân bằng xương bằng thịt, có phải là minh chứng cho việc Replicant hoàn toàn có thể trở thành con người thực sự hay không? Nếu Replicant mơ về động vật thực thụ chứ chẳng phải nhân tạo thì sao? Cái giấc mơ đó phải chăng không thực tế như khi con người mơ? Làm sao chúng ta dám chắc nội tâm của một Replicant là nhỏ bé, là không đáng trọng như nội tâm con người? Vậy điều này dẫn ta về câu hỏi tối quan trọng, rằng điều gì làm nên một con người?
Phải, điều gì làm nên con người? Sự thấu cảm, hay là một linh hồn chăng? Vậy nếu một Replicant có thể học được sự thấu cảm, và có cho mình một linh hồn, một bản ngã, điều đó có khiến Replicant đó trở thành con người? Có lẽ, chính sự khó đoán về bản chất thật của Deckard, chính là một câu trả lời cho câu hỏi ấy. Chúng ta chẳng thể nào định nghĩa được như thế nào mới thực là con người, khi mà chính chúng ta còn chưa hiểu rõ về bản chất của mình.

BLADE RUNNER 2049

Nếu như Blade Runner của Ridley Scott được coi là một trong những phim sci-fi kinh điển nhất, và tạo nền móng vững chắc cho các tác phẩm mang bối cảnh cyberpunk, thì Blade Runner 2049 của Denis Villeneuve chắc chắn là một trong những hậu bản vĩ đại nhất. Vẫn là một tương lai u ám, nơi công nghệ phát triển và đời sống của con người gặp muôn vàn khó khăn. Los Angeles năm 2049 vẫn là một thành phố ảm đạm, với những cơn mưa xối xả, với những biển quảng cáo neon sáng rực buổi đêm, và với những màn sương mù dày đặc bao phủ vạn vật. Và trong cái thế giới sầu thảm và u tối đó, người ta vẫn trong hành trình truy tìm câu trả lời cho một câu hỏi tưởng như đã quá quen thuộc.
Điều gì làm nên con người?
Nếu như Blade Runner đặt ra câu hỏi này và khiến chúng ta phải suy ngẫm về bản chất của con người và các Replicant, thì Blade Runner 2049 còn đi xa hơn, khi đi sâu vào bản ngã của một cá thể, và đưa ra tham vọng tìm kiếm câu trả lời cho một câu hỏi khác, vĩ đại không kém: Linh hồn là gì?
Câu chuyện của Blade Runner 2049 mở đầu tưởng như rất đơn giản và có phần tương đồng với người đi trước. Vẫn là theo chân nhân vật chính - một Blade Runner, người chuyên đi săn lùng các Replicant. Chỉ có điều, nếu như bản chất của Rick Deckard trong Blade Runner là thứ mà không ai có thể biết chắc, thì K của Blade Runner 2049 lại chắc chắn là một Replicant. Anh ta không phải “con người”, anh ta là Người Nhân Bản, được tạo ra để săn đuổi chính đồng loại của mình. K là một Replicant đời mới, với “ưu điểm” là luôn luôn phục tùng mệnh lệnh, không hề phản đối hay cãi lại, và nhiệm vụ của anh ta là săn tìm những Replicant đời cũ. Sau các sự kiện của Blade Runner, hàng loạt vụ nổi loạn của các Replicant đã diễn ra, đến mức Chính phủ phải ban hành lệnh cấm sản xuất Replicant, dẫn đến sự phá sản của Tập đoàn Tyrell. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi một người tên là Niander Wallace đã mua lại Tyrell, và phát triển mẫu Replicant đời mới, phục tùng tuyệt đối. Và như thế, các Replicant đời cũ đã trở nên thừa thãi và là mối họa không đáng có, nhất là khi họ đều thuộc mẫu Nexus 8 với vòng đời mở, không còn bị ràng buộc bởi giới hạn 4 năm giống các mẫu đời Nexus 6 nữa. Chẳng ai biết có bao nhiêu Replicant đời cũ còn ở ngoài kia, vì vậy, chẳng ai biết nhiệm vụ của những Blade Runner như K bao giờ mới chấm dứt. Có lẽ người ta chẳng quan tâm, và K cũng vậy. Anh ta biết bản chất của mình là gì, anh ta biết mình là một Replicant, một cá thể nhân tạo. Anh ta không có quá khứ, không có người thân thích, thậm chí cô “bạn gái” Joi của anh ta cũng chỉ là một sản phẩm ảnh ảo ba chiều. Mọi ký ức mà K có trong đầu cũng chỉ là do người khác tạo ra và được cấy vào.
Hay nói cách khác, K không coi bản thân mình là “con người”, và do đó, anh ta cũng không coi Replicant, dù là đời cũ hay mới, là “con người”. Bởi vì anh ta tin rằng, Replicant được tạo ra chứ không phải được sinh ra, nên thảy họ đều không có linh hồn. Và nếu đã không có linh hồn, thì không phải là “con người”.
Nhưng linh hồn là gì? Nó là cái có trước cơ thể, hay chỉ khi có cơ thể, ta mới có linh hồn? Thứ gì tạo nên cái siêu hình, không thể nắm bắt ấy? Ta vẫn thường cho rằng linh hồn, hay nói rộng ra là bản ngã, là một “thứ” được tạo nên bởi suy nghĩ, cảm xúc, lý tưởng, ký ức và cả một niềm tin rằng mình là duy nhất, là khác biệt so với mọi thứ khác. Ồ, nếu nói như vậy, thì những Replicant như K quả thực chẳng hề có bản ngã. Suy nghĩ của họ bị giới hạn, bị ép trong một cái khuôn; họ chẳng hề tỏ ra có cảm xúc; họ chẳng có lý tưởng khi mà được tạo ra chỉ để phục tùng; ký ức của họ đều là giả, chẳng có thực.
Hay ít ra thì đó là cái mà K tin. Cho đến khi anh ta phát hiện ra một bí mật có thể xô đổ toàn bộ trật tự xã hội. Một Replicant, đã mang thai và sinh con. Đó chính là “phép màu” mà nạn nhân cuối cùng của K đã nói vào mặt anh ta trước khi bị “cho về hưu”. Và nhiệm vụ của K, chính là truy tìm và thủ tiêu đứa trẻ. Nhưng đây chẳng phải một đứa trẻ bình thường. Nó không hề được tạo ra, mà nó được sinh ra, vậy thì nó phải có một linh hồn, một bản ngã, phải không? Nhưng nó lại được sinh ra từ một Replicant, vậy nó là ai? Là con người, là Replicant, hay… một điều gì đó hơn cả thế nữa, đúng như lời Replicant kia đã nói, “một phép màu”? Nó là minh chứng cho “tính người” của một Replicant, rằng họ không chỉ là nô lệ, họ cũng có quyền được sống, được tự định đoạt số mệnh của mình. Đứa trẻ ấy, sẽ xóa nhòa ranh giới giữa con người và Replicant, giữa “được sinh ra” và “được tạo ra”.
Đứa trẻ ấy sẽ khiến cả thế giới rung chuyển, nếu nó xuất hiện.
Các Replicant tìm kiếm đứa trẻ, để biến nó trở thành lãnh tụ cho cuộc cách mạng của họ. Con người muốn đứa trẻ, để giữ vững trật tự mong manh của xã hội đầy hỗn mang này. Và Niander Wallace muốn đứa trẻ, để ông ta có thể thực sự trở thành Chúa trời của các Replicant, hoàn toàn nắm trong tay quy luật sinh tử của họ.
K là người truy tìm đứa trẻ, và trong quá trình ấy, anh ta đã khám phá ra nhiều điều. Đầu tiên là thân phận của đứa trẻ - nó là con của Rick Deckard, một Blade Runner như anh; với Rachael, một Replicant. Nhưng bên cạnh đó, anh còn phát hiện ra một điều kinh hãi hơn: những ký ức mà anh tưởng chỉ là nhân tạo của mình, hóa ra lại có thực. Bởi vì việc cấy ghép ký ức thật cho Replicant bị cấm hoàn toàn, mà cô tiến sĩ chuyên tạo ký ức lại khẳng định rằng những ký ức của anh là có thật, vậy chỉ có một kết luận khả dĩ: chúng là của anh, và chúng có thực, không phải chỉ là những ảo ảnh nhân tạo. Nếu vậy, K chính là đứa trẻ được sinh ra từ Replicant đó. Nếu vậy, anh đã “được sinh ra”, không phải “được tạo ra”. Anh có linh hồn, có bản ngã, có cảm xúc, có cha mẹ, có quá khứ. Anh là con người. Chính cái kết luận này đã thúc đẩy K đi đến những hành động vượt xa quy tắc của các Replicant thông thường. Anh là một con người tự do, không phải nô lệ. Anh có suy nghĩ riêng, không phải nhất nhất phục tùng mệnh lệnh. Anh được quyền sống, được quyền quyết định số mệnh của mình. Vì thế, anh lên đường tìm kiếm Deckard, để gặp ông, để hỏi ông lý do tại sao lại bỏ đi, tại sao lại không ở bên cạnh con của mình, để nó một mình suốt chừng ấy năm. Sau bao nhiêu lâu, lúc này K mới thực sự sống, không đơn thuần chỉ là tồn tại mà thôi.
Thế nhưng khi mà K còn chưa có được những câu trả lời mà anh muốn, thì mọi thứ lại sụp đổ. Anh và Deckard bị Tập đoàn Wallace tấn công, Deckard bị bắt đi, anh bị thương và bị ném bỏ lại, còn Joi - bạn đồng hành của anh, tình yêu của anh; thì bị phá hủy. Nhưng chưa hết, K còn rơi xuống một cái hố tuyệt vọng sâu hơn, khi anh biết được chân tướng. Đứa trẻ là con của Deckard cùng Rachael, là con gái. Và điều đó cũng có nghĩa, anh không phải là đứa trẻ ấy. Ngay từ đầu, anh cũng chỉ là một Replicant như bao Replicant khác. Anh không có gì đặc biệt. Anh vẫn chỉ là một cá thể “được tạo ra”. Anh không phải là con người…
Nhưng có đúng vậy không? K không phải là con người sao? Những động lực thúc đẩy dẫn đến các hành động trái với thông thường của K đến từ việc anh tin rằng mình là con người. Nhưng bản chất của K trước sau vẫn như một: anh là Replicant. Nếu vậy, chính cái niềm tin “mình là con người” đã tạo ra khác biệt, chứ không phải bản chất của K. Vì anh tin rằng mình là con người, nên anh mới trở nên đầy cảm xúc, và đầy tính người như thế. Vậy có phải là con người thực sự hay không, liệu có quan trọng đến thế, khi mà chỉ cần ta tin rằng mình là con người, thì đã có thể thay đổi nhiều đến như vậy? Cũng như Roy Batty với màn độc thoại kinh điển về “nước mắt trong mưa”, việc K có thể tin rằng mình là con người, đã minh chứng cho việc Replicant hoàn toàn có thể có bản ngã, có một linh hồn của riêng họ. Họ thật sự sống, chứ không chỉ tồn tại. Họ là chính họ, không phải công cụ của một ai khác. Họ có nội tâm, có xúc cảm, có ý chí. Họ có khao khát được sống, được yêu, được quan tâm, và được công nhận. Với K, điều đó đúng hơn bao giờ hết, khi ta nhận ra rằng “tình yêu của Joi với anh là không có thực”. Nó không thực ở chỗ, Joi chỉ là một AI, và Joi nói những điều mà K muốn nghe. Vậy “tình yêu" của Joi với K, thực chất chính là phản chiếu cho khao khát nằm sâu bên trong tâm hồn, sâu trong tâm khảm của K. Anh muốn được yêu, và cảm xúc của anh vô cùng mãnh liệt. K, là một “con người”. Cuộc trò chuyện của Niander Wallace với Deckard càng khẳng định rõ rằng, điều làm nên “con người”, không ở việc “được sinh ra” hay “được tạo ra”, mà nằm ở linh hồn, ở cảm xúc của người đó.
“Ông chưa bao giờ nghĩ rằng đó là lý do ông được gọi đến sao? Được tạo ra chẳng để làm gì khác ngoài việc yêu bà ấy ngay khi đó. Tất cả chỉ để tạo ra mẫu vật đơn nhất hoàn hảo đó. Là vậy đó, nếu như ông được tạo ra. Tình yêu, hoặc chỉ là sự chính xác của toán học. Đúng vậy, hoặc là không.”
Một Replicant cũng có thể yêu, và muốn được yêu. Một Replicant cũng có thể có sự thấu cảm, có cảm xúc, có suy nghĩ, có ý chí, có niềm tin. Vậy cái gì tạo nên những thứ ấy? Chỉ là những phép lập trình phức tạp, hay… một thứ gì đó khác, cái mà chúng ta gọi là linh hồn, bản ngã? Kỳ thực, con người và Replicant đâu quá khác biệt đến thế? Con người tự cho mình là Chúa trời của các Replicant, tự cho mình là vượt trội khi có bản ngã riêng. Nhưng nếu Replicant, tạo vật của họ cũng có bản ngã, thì con người “vượt trội” ở chỗ nào? Nếu con người có tham vọng bước vào nấc thang trở thành thần thánh, vậy Replicant cũng có thể bước đến nấc thang trở thành “con người”, chẳng phải vậy sao?
Mà, có lẽ vốn từ ban đầu, đã chẳng có sự tách biệt nào cả. Replicant truy tìm câu hỏi về bản chất và sự tồn tại của mình, cũng đâu khác gì con người tự vấn về bản thân? Mà thực ra, phân biệt giữa Replicant và con người liệu có quan trọng đến thế? Được sinh ra hay được tạo ra, có khác biệt nhau không, khi mà cho đến cuối cùng, những gì mà chúng ta làm, mới là thứ định nghĩa nên bản chất của chúng ta?
Chết vì điều đúng đắn là thứ con người nhất mà chúng ta có thể làm
Và quả thực là K… không, là Joe đã hành động đúng đắn như một con người thật sự. Anh không nghe theo lời nói của ai cả, ngoài ý chí và niềm tin của chính bản thân mình. Anh không giết Deckard, cũng không giết đứa trẻ, mà anh để cho họ gặp nhau, vì anh tin điều ấy là đúng đắn. Sau cùng thì, là Replicant hay con người, không còn quan trọng nữa, khi mà anh đã có thể tự định đoạt số mệnh của bản thân. Trong những giây phút cuối cùng, giữa những bông tuyết lạnh giá và cảm giác sự sống dần rời bỏ mình, Joe lại “sống” hơn bao giờ hết. Nỗi đau, nỗi buồn, niềm vui, ý chí, cảm xúc, tiếc nuối, mộng tưởng của anh; thảy đều là thật. Và lúc đó, Joe đã thực sự có linh hồn, và anh, đã là một con người chân chính.