Nàng thơ hay ảo ảnh không thật?
Gần đây, cụm từ “nàng thơ" được sử dụng một cách phổ biến và có phần tràn lan, đặc biệt là khi người ta nói về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Hiểu theo một cách nôm na, “nàng thơ" là những người con gái đã trở thành nguồn cảm hứng trong sự nghiệp âm nhạc của Trịnh. Đó là Bích Diễm, là Dao Ánh, là Khánh Ly (Lệ Mai), là Thanh Thuý,... Tuy nhiên, “Em và Trịnh" là phim điện ảnh tập trung khắc hoạ mối tình Trịnh - Ánh, hay nói cách khác phim có xu hướng “thần tượng hoá" nhân vật Dao Ánh. Vai trò của Dao Ánh trong cuộc đời và âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã được đạo diễn lý tưởng hoá trên màn ảnh rộng. Đối với Trịnh, Ánh là người tình “không chạm". Trong những lần gặp gỡ thuở ban sơ tại Huế, tình cảm ấy mới chỉ chớm nở như đoá hướng dương chưa tìm thấy mặt trời. Dao Ánh khi đó giống như một cô búp bê được trưng bày trong tủ kính nhà ông Đốc Khánh khiến Trịnh và những người bằng hữu khó lòng với tới. Đến khi Trịnh Công Sơn lên B'Lao dạy học, cuộc sống trở nên cô độc với một chàng thanh niên lần đầu rời khỏi vòng tay ôm ấp dịu dàng và thân thương của cố đô cổ kính. Thức ăn tinh thần của Trịnh lúc đó chỉ có mối tình dang dở với Ánh. Dao Ánh là toàn bộ niềm thân thuộc để cố nhạc sĩ bấu víu mà nuôi dưỡng cuộc sống hoàn toàn xa lạ nơi vùng núi Lâm Đồng. Nàng trong mắt chàng khi đó không là gì nhiều hơn một ảo ảnh, một ảo ảnh tan trong giấc mơ, tràn trề hiện thực.
Trịnh Công Sơn chưa bao giờ hoàn toàn có được Dao Ánh. Cuộc yêu của họ là 300 lá thư tình, là những đêm chong đèn ngắm mưa B'Lao mà nhớ về Huế, là những phút muốn lập tức lên chiếc xe liên tỉnh bỏ nghiệp giáo mà chạy về với đôi tay ấm của Ánh. Chuyện tình song phương nhưng lại ngỡ như mối tình thầm, mối tình câm mà Trịnh chưa một lần được tận hưởng trọn vẹn mọi giác quan. Trịnh Công Sơn biết yêu không phải khi ôm Dao Ánh trong vòng tay chật hẹp nỗi ghen tuông, mà là khi niềm nhớ thương và lòng lưu luyến về nàng tràn ra khỏi những khuông nhạc bất lực. Người ta thực yêu khi không được phép yêu hoặc khi đã đánh mất. Dao Ánh đối với Trịnh Công Sơn là cả hai. Ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai, Trịnh đều không thể có Ánh. Cuộc tình này phần lớn là những viễn cảnh nhuộm vàng mà cố nhạc sĩ đã tự phác hoạ suốt 4 năm ròng rã. Những khung cảnh mộng mị nuôi sống trái tim và bào mòn tâm trí Trịnh Công Sơn suốt một đời người.
“Cuối cùng, tình yêu cũng không giữ được người mình yêu".
Nhiều hơn một nàng thơ
Trong thời lượng 2 tiếng của một bộ phim điện ảnh, nhà làm phim đã không thể tái hiện tròn đầy đời tình của Trịnh Công Sơn. Với những nhạc phẩm của Trịnh, người có tai nghe có tim hiểu đều dễ dàng cảm được sự đa tình và phong lưu của kẻ cầm đàn. Đôi mắt ướt, nốt nhạc sầu ấy không chỉ dành cho một nàng thơ duy nhất. Dao Ánh là một quãng đời, một vài bản nhạc, vô vàn lá thư tình, nhưng không phải là toàn thể trái tim Trịnh. Trong một liên tưởng khác, Trịnh Công Sơn có lẽ giống những nhân vật trong các tác phẩm điện ảnh Vương Gia Vệ, phóng khoáng, tự do và tình tứ hơn hình tượng Phan Gia Nhật Linh đã tạc khắc. Nàng thơ của Trịnh không chỉ có Dao Ánh. Và người tình của cố nhạc sĩ cũng vậy. Mối tình với Bích Diễm mộc mạc, nên thơ và ngây ngô như một cơn cảm nắng chóng vánh của chàng trai cố đô còn rụt rè và e sợ trước một vẻ đẹp kiều diễm, kín đáo và thiêng liêng. Nàng Diễm với Trịnh giống như một ngôi đền ai ai cũng muốn hương khói và nguyện cầu. Nét đẹp kiêu sa đài các nhưng u sầu ấy đã khơi dậy những rung cảm đầu tiên, đặt nền móng cho biết bao cảm tình của người nhạc sĩ mãi về sau này.
Nếu như hai chị em nhà họ Ngô là giấc mơ không thật của Trịnh thì Khánh Ly lại có vẻ chân thật và gần gũi. Khánh Ly là lần đầu Trịnh Công Sơn biết đến cảm giác của đồng âm, đồng điệu và đồng hành. Những đêm diễn mưa rừng gió biển thổi vào trái tim họ tình yêu mãnh liệt như nhịp thở dồn dập trong hai lồng ngực vụn vỡ. Vẻ đẹp hoang dại, bất cần của một người phụ nữ hai con đã chinh phục và khuất phục chàng nhạc sĩ xứ Huế rụt rè, kín đáo. Mối tình sau những đau thương và đổ vỡ đằm hơn, đượm hơn, thấm thía hơn. Đối với Trịnh, Khánh Ly là tri âm với những nốt đồng điệu khó chối từ trong đời nhạc và đời người. Nỗi trăn trở cuối cùng của Trịnh Công Sơn cũng chỉ có thể trút lên chiếc ống nghe điện thoại với Lệ Mai năm nào: “Âm nhạc bỏ anh rồi".
Nàng thơ của Trịnh Công Sơn còn có Hồng Nhung - người con gái Hà Thành mang tên một loài hoa và kém Trịnh nhiều tuổi. Sự xuất hiện chớp nhoáng của Hồng Nhung ở những phút cuối phim đem đến cảm giác tiếc nuối cho người xem. Mối tình lúc xế bóng của Trịnh có lẽ còn nhiều điều để nói, để viết, để ngẫm ngợi hơn. Người đàn ông sương gió nặng hai vai với những ân tình dang dở và nàng thiếu nữ Hà Nội trăng tròn tiếng hát hồn nhiên trở thành cặp nghệ sĩ được giới mộ điệu ngưỡng mộ. Đoá hồng nhung đẫm sương mai đã giỏ những giọt tình tươi mới và ẩm ướt vào cuộc đời tưởng đã khô cằn của Trịnh. Nụ cười e ấp với chiếc răng khểnh duyên dáng đánh thức trái tim lâu ngày không còn réo gọi tiếng yêu.
Tái ngộ
Trong cuốn “Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau", tác giả Brian L. Weiss đã chứng minh một định luật: Có duyên gặp gỡ, còn duyên gặp lại. Những khoảnh khắc tương phùng luôn có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời mỗi con người. Thay vì những dòng nhạc, vài tấm ảnh, đôi ba lá thư tay đã rêu phong, giờ đây những người còn thương còn nhớ có thể nhìn thấy nhau, chạm vào da thịt, thỏa thuê phơi bày tấm chân tình giấu kín suốt tháng năm. Trong thế giới điện ảnh, những cuộc hội ngộ luôn được tái diễn trong trạng thái da diết, đau đáu, luyến thương. Gastby gặp lại Daisy, Tommy Shelby gặp lại Grace,... và Trịnh Công Sơn gặp lại Dao Ánh. Đến những ngày tháng cuối cùng của đời người, Ánh lại trở về bên Trịnh dưới mái hiên tím màu hoa giấy đợi chờ. Ánh ở ngay đây, đôi mắt Ánh gieo vào lòng Trịnh, tiếng thở thân thương của Ánh ve vuốt đôi tai đã lâu ngày không còn muốn nghe tiếng đàn của Trịnh. Nhưng Dao Ánh của 20 năm sau đã không còn hồn nhiên, vô lo, tư lự như tia nắng sớm mai thả đầy triền sông Hương thơ mộng. Nàng bây giờ đã là gái có chồng, đã mang thêm biết bao tiếng thở than trĩu nặng của đời người phụ nữ xa xứ. Ánh ở ngay đây, ở thật gần đây, nhưng vẫn không bao giờ thuộc về Trịnh.
"Khi còn trẻ, người ta dễ dàng từ bỏ một mối tình. Vì người ta nghĩ rằng những hạnh phúc, những điều mới mẻ nhất sẽ đến trong tương lai. Cũng có thể. Nhưng người ta đâu biết rằng những gì ta mong muốn và cần nhất chỉ đến một lần trong đời”.
Cuộc đời cứ trôi chảy như dòng sông cũ, chỉ có lòng người vẫn thầm kín mong đợi và sợ hãi những cuộc tái ngộ. Người ta lúng túng khi gặp lại, bồi hồi khi cả một pho kí ức sống dậy và nắm lấy đôi tay đã nguội ngắt, sợ hãi khi những đốm lửa hi vọng tưởng đã tàn lụi lại chớp chới cheo leo ngoài trời đổ gió. Đời người thì cứ trớ trêu như được sắp đặt. Những cuộc tái ngộ dù vô tình hay cố ý đều phá tan quỹ đạo quen thuộc, thiêu đốt tập kinh thư suốt mấy chục năm cuộc đời mòn mỏi ghi chép. Chỉ một cuộc gặp ngắn ngủi với Ánh đã khiến Trịnh có thể một lần nữa đặt bút viết nhạc - nhạc phẩm “Xin trả nợ người". Gặp gỡ là duyên, hội ngộ là nợ. Trong bức điện tín cuối cùng gửi sang Mỹ cho Dao Ánh, Trịnh Công Sơn đã tha thiết khẩn cầu gặp nàng trước khi giã từ cõi tạm trở về với cát bụi hư vô: “Mong gặp lại Ánh ở Sài Gòn trong những ngày sắp tới. Một lần nữa, chúc Ánh có được một cái Tết thú vị, dù chỉ một mình hay với nhiều người”.
Cây độc không trái
Tập trung khắc hoạ những mối tình thiết tha của Trịnh Công Sơn, nhưng phim điện ảnh “Em và Trịnh” vẫn tái hiện được sự cô độc đeo đẳng cố nhạc sĩ cả một đời người. Người ta dành phần lớn cuộc đời trong nỗi cô đơn. Cô đơn khi một mình, cô đơn bên cạnh người tình và cô đơn dưới một mái nhà. Nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã từng viết: “Ngày ngày kẹt giữa đám đông, chen chúc trên những con đường đông nghịt người, nhiều khi tôi giật mình, trời ơi, họ kia, đồng loại của mình kia, sao mình lại cô đơn đến rã rời. Lúc ấy, tôi có một cảm giác kì lạ, chỉ mình trên đời này, chỉ một mình. Chẳng ai là tri âm, chẳng ai cả…” Hình ảnh Trịnh Công Sơn ôm cây đàn, thả những hơi thuốc thật dài vào không khí ẩm ướt của Sài Gòn chính là sự hữu hình hoá của nỗi cô độc trọn kiếp.
Những viễn cảnh ái tình đẹp đẽ là giấc mơ dài, chỉ có nỗi cô đơn ôm ấp con người ta từ sớm tinh mơ nắng gọi tới chiều mưa phùn thê lương. “Nắng đẹp hay mưa đẹp?” Câu hỏi của cố nhạc sĩ họ Trịnh xoáy sâu vào nỗi đơn độc thường trực trong trái tim triệu người giữa nhân gian. Cô đơn nhất là nắng đẹp mà không biết tản bộ hân hoan cùng ai, mưa đẹp mà không biết ôm ấp ai trên chiếc ghế cũ mục ẩm ướt. Nhưng có ai không cô độc mà có thể sáng tác? Nghệ thuật đối với Trịnh Công Sơn và những người bằng hữu là một thế giới song song - nơi họ được sống trong những giấc mơ triền miên, hoang hoải. Đó là giấc mơ hoà bình, giấc mơ tự do, giấc mơ tình ái. Toàn những điều thiêng liêng không có thật trong đời sống lầm than này.
"Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn”.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất