“.. Tôi chưa bao giờ quen được với cảm giác của những chuyến bay. Cho  đến tận bây giờ khi đã bay đi bay lại rất rất nhiều lần rồi, đến độ quên  mất jetlag là gì. Từ cái thời mà cả thế hệ chúng tôi quá nửa đi du học.  Cái thời mà bay quốc tế là một điều cực kỳ xa xỉ.  
Cảm giác đó sẽ bắt đầu từ buổi tối cuối cùng khi bố mẹ nấu những món rất  cơ bản. “Cơ bản” ở đây nghĩa là đồ luộc: rau luộc, thịt luộc, còn cơm  thì tất nhiên luộc.. Vì đồ chiên rán là dễ đau bụng. Mà đau bụng khi bay  quốc tế 30 tiếng thì kỳ lắm. Bữa tối cuối luôn lạ lùng, ai cũng lòng  đầy tâm sự mà chẳng nói, như thể tiễn người lính chuẩn bị nhập ngũ vậy.  Cả nhà sống với nhau hơn 30 năm mà ngượng ngùng, xa lạ. Để rồi có xe đến  đón là mỗi người một tay vội vã mang hành lý xuống. Như thể có cái cớ  để lảng tránh. Mà lảng tránh điều gì ? 
Cảm giác đó sẽ tiếp tục khi ở sân bay. Từ Nội Bài bay sang các nước  phương Tây luôn là bay đêm. 12h đêm, cơ man là người đi kẻ tiễn. Đây có  lẽ là nơi tất nập nhộn nhịp nhất miền Bắc vào giờ này. Thủ tục, rồi xếp  hàng, rồi móc điện thoại ra nhờ vả cân kẹo, chỗ ngồi.. khiến người ta  quên đi được một lát. Và sau đó là ngồi chờ cho đến lúc cất cánh. Dù 20p  cũng cố nán lại. 50K một cốc nước chanh nhưng vẫn mua, dù sẽ chẳng nhớ  mùi vị của nó như thế nào. Và ai cũng thế, đầy tâm tư mà vẫn cố tỏ ra  bình thường, nói những câu chuyện vẩn vơ không đầu cuối.  
Vang vảng là những “hãng hàng không quốc gia Việt Nam xin thông báo..”  Lặp đi lặp lại. Nghe cũng được, mà không nghe cũng chẳng sao. Như thể  nhắc nhở một điều: dù ta có bay Korean Air, Singapore Air, Bikini Air..  hay bất kỳ một hãng thượng vàng hạ cám nào đi chăng nữa, dù có tích đủ  điểm thưởng để đi đến cùng trời cuối đất.. sẽ mãi một câu nói bất hủ ấy  mà thôi. Không thể nào quên được. 
Sau này tôi không bao giờ muốn người thân mình đi tiễn ở sân bay nữa.  Nặng nề lắm. Luôn gợi cho tôi nhớ lại cảm giác của 10 năm trước khi tôi  chỉ là một cậu thanh niên ngô nghê lần đầu đi du học. Rúm ró sợ ai đó sẽ  bắt chuyện với mình. (Mà hồi đó, tôi mặc vest đẹp hơn bây giờ rất  nhiều.) Những cái thuở đầu còn là ngôi sao tăng trưởng của Châu Á, của  hội nhập quốc tế, của toàn cầu hóa và những gì liên quan khác nữa.  
Chỉ khi đã vào khu cách ly quốc tế, còn lại một mình, đó là khoảnh khắc  trống rỗng vô ưu thật lạ lùng. Thuần thục cầm điện thoại, tháo SIM Việt  Nam ra và lắp SIM quốc tế vào. Thường thì không bao giờ có sóng roaming,  chỉ là những tín hiệu vô hồn. Như một sự chuẩn bị. Đó là lúc bắt đầu để  ý một khách du lịch nước ngoài đang chụp chiếc nón lá An Nam lên mặt mà  ngủ lăn lóc, một đoàn chính khách vừa đi qua, hay giản đơn hơn là một  siêu mẫu Hà Anh ở hàng mỹ phẩm (Yes I know what you are thinking..) 
Là sự ám ảnh đó, khi đã ổn định chỗ ngồi trên máy bay. (Thời đó chưa có  vụ United Airlines nên người ta chẳng ai sợ, chỉ biết mặc sức mà tâm  tư.) Cửa sổ máy bay trở thành mối liên hệ cuối cùng, thành hình ảnh cuối  cùng, ký ức cuối cùng cho những ngày vừa trải qua. Và không hiểu sao  bên ngoài trời lúc nào cũng mưa, ánh đèn đường băng luôn mờ ảo. Đến khi  cất cánh rồi, mọi thứ chậm rãi chỉ còn là những chấm sáng. Những ám ảnh  cuối cùng của quê hương Việt Nam cứ thế xa dần, xa dần, rồi biến mất.  Nếu muốn có một sự níu kéo cuối cùng, hãy bật một bài hát (và cắm tai  nghe). “.. Hà Nội ơi mỗi khi lòng xác xơ..” 
Con người luôn biết thích nghi thật nhanh. Mỗi lần như thế, tôi đều biết  rằng 30 tiếng đồng hồ sau đó, khi tỉnh dậy, sẽ đáp xuống một vùng đất  lạ lẫm. Mà tôi gọi là quê hương thứ hai, và bây giờ là thứ ba. Bước ra  khỏi máy bay thôi, thế sẽ là hết.  
Bên ngoài kia là một thế giới khác. Đó là một cuộc đời khác, của ta, mà  ta sẽ phải tiếp tục. Như không có gì ngắt quãng cả. Đó là ngoại ngữ  chuẩn âm, là hành xử văn minh, là luật lệ tuyệt đối. À, còn là than  phiền về thời tiết, về sự công bằng cho người da đen, về sắc lệnh nhập  cưu mới, hay tán dóc về một bộ phim những năm 90s. 
Những người tiếp viên hàng không sẽ là những gương mặt Việt cuối cùng mà  tôi gặp. “Xin cảm ơn anh chị” sẽ là lời tiếng Việt cuối cùng mà tôi  nói. Thường ở những năm đó, họ chẳng bao giờ thân thiện với tôi cả. (Có  lẽ cũng tại tôi 2 lần bấm nhầm nút gọi tiếp viên). Họ thường mặt đăm  đăm, hoặc lảng đi làm một việc gì đó, thay vì nhìn mắt tôi lúc tôi xách đồ đi ra khỏi cửa. Giống như ánh mắt thờ ơ người ta vẫn nhìn những cái  vali không phải của mình nằm bơ vơ trên băng chuyền vậy. 
Liệu rằng “Cảm ơn anh, xin hẹn gặp lại..” cũng sẽ là câu tiếng Việt cuối  cùng mà tôi được nghe? Mỗi lần như vậy, hẳn sẽ ngọt ngào lắm.  

Mà thôi, 
cũng không sao cả,  
dù có bợm bãi,  
tham nhũng,  
lạm phát,  
quay video clip,  
rượu chè,  
suy thoái,  
ô nhiễm môi trường,  
kẹt xe,  
nhà thầu Trung Quốc,  
đúng quy trình và xin rút kinh nghiệm,  
buôn heroin hay chậm phát triển...  
.. thì cũng không sao hết. 
Đều tha thứ được cho nhau. Miễn là … được  rồi.. 
Rồi ta lại về, phải không ta ?.. (*)” 


(Chapter 2, book 3, unannounced)  (*): ý thơ trong “Không khóc ở California” - Nguyễn Huy Thiệp