Groundhog years
Năm 2020 ngồi trong phòng khách mới dọn với ánh đèn cây thông Noel tĩnh lặng mình thấy có gì đó hoài cổ. Mình nhớ lại những ngày ở...
Năm 2020 ngồi trong phòng khách mới dọn với ánh đèn cây thông Noel tĩnh lặng mình thấy có gì đó hoài cổ. Mình nhớ lại những ngày ở Missouri, mình cũng có rất nhiều giây phút tĩnh lặng như thế này. Missouri là bang ở giữa nước Mỹ, khí hậu rất khô và khắc nghiệt. Mình sống ở đó gần 10 năm, đó là nơi mình có rất nhiều bạn bè và kỷ niệm.
Bốn năm đầu mình ở phía Bắc Missouri, mùa hè thì nóng chảy mỡ không kém gì Việt Nam, mà mùa đông thì rét buốt da buốt thịt, có những ngày rét hơn cả Bắc Cực.
Mùa hè thì mình nhớ những phố phường ở đó vào những buổi trưa vắng hoe, người ta chỉ kéo ra đường để đi ăn uống rồi lại đi về làm. Người Mỹ ở nơi đó thường không có thói quen đi uống cà phê cà pháo, bia bọt, tâm sự gì hết vào bất cứ giờ nào trong ngày. Sáng dậy là một người bình thường lục tục cho con đi ăn rồi cho đi nhà trẻ rồi đi làm, trưa đi ăn fast food hoặc ăn thức ăn mang từ nhà đi. Người ta thường ăn trưa trong một tiếng rồi làm tiếp thẳng một mạch không nghỉ trưa, chiều 5h về với gia đình. Khi về thường là trời vẫn còn nắng. Trời còn nắng lâu lắm cho tới 8-9h tối vẫn chưa hết mặt trời. Hè đầu tiên mình làm ở đó, năm giờ chiều mình làm xong là đạp xe đạp 40 phút tới trường cao đẳng cộng đồng để học lớp ngữ văn, mồ hôi chảy ròng ròng. Mình học một tiếng hai tiếng gì đấy, khi học xong 8h, đi về vẫn thấy đường bình thường. Trời ở đó rất trong xanh, hôm nào cũng có thể chụp ảnh được, không như trời ở Hà Nội nhờ nhờ đục đục.
Ở Missouri mùa hè mà giữa trưa được một cốc đá bào có vị hoa quả uống thì đã lắm. Ở Mỹ có một cái trò bán hàng ăn gọi là Drive-through, tức là người muốn mua gì ngồi yên trong xe ô tô và lái qua một cái tổ hợp xếp hàng xe - đặt đồ ăn qua microphone - trả tiền - nhận đồ ăn qua cửa sổ là một quy trình khép kín. Còn có một trò khác ít phổ biến hơn gọi là Drive-in, tức là xịch xe vào một bãi đậu, đặt đồ ăn rồi có người sẽ bưng ra cho mình ăn. Muốn đỗ ở trong ô tô ăn, muốn đi, muốn ra ngoài ngồi bàn ngoài trời thì tùy. Chuỗi hàng ăn bán cho mình đá bào vị hoa quả là Sonic Drive-in. Trưa nào nóng quá là chị sếp sẽ chở mình đi uống Sonic và trả tiền cho. Mình mà được trả tiền cho thì thường là không dám gọi cốc to, nhưng cốc to của Sonic thì nó to lắm, to bằng bốn lần cốc uống bia vỉa hè của người Việt Nam - mà giá có 4-5 đô gì đó thôi. Mua vào giờ vàng họ còn giảm cho một nửa. Mua cốc nước buổi trưa thì mút mát được đến tối. Sau này về đến California, mình mua Sonic thấy nó không sướng như hồi ở Missouri nữa không hiểu tại sao. Mình không biết là mình già đi hay là tại trời mát hơn, làm gì cũng không thấy hừng hực như vậy nữa.
Khi về nhà thì vẫn còn nhiều thời gian rỗi. Buổi tối thường mát mẻ hơn nên đi lại làm gì cũng thấy sướng. Nhiều khi buổi tối mà đi bộ ngoài đường trời hun hút gió thì cảm thấy cuộc đời cũng nhiều điều thi vị. Nhưng cũng nhiều khi cuộc sống không thế. Mình nhớ có năm mình nhờ nhà bạn cho đỡ tiền và cho vui -- ở trên tầng hai của một quán ăn Trung Quốc. Tầng hai tồi tàn, không có khóa, đầy ruồi muỗi và mùi đồ ăn mà lại không có điều hòa. Có hôm nóng quá bọn mình trèo cửa sổ ra mái cởi trần ra rồi ngủ trên cái mái đó. Ở đó, có lúc mình nhìn thấy anh đầu bếp ở phòng bên cạnh lủi thủi đi ra hút thuốc lá. Anh ta ở một thành phố nhỏ toàn người da trắng mà một từ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết. Vậy nên sự hiện diện của anh ta có hay không cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình hay mọi người. Có lẽ người ta cũng nên biết ơn anh ta, vì có lẽ đó cũng là một phần lớn lý do mà người ở đó được thưởng thức những món ăn Trung Quốc với giá phải chăng. Đồ Trung Quốc kiểu Mỹ có thể tóm tắt là cái gì mình ăn ở Việt Nam, cho ví dụ thịt gà hay là rau cải, đầu tiên rán với dầu, sau đó trộn qua dung dịch đường đặc và ớt quả, thì ra cái món người ta bán. Vậy mà người Mỹ ở đấy rất thích ăn.
Mùa hè kết thúc khi sinh viên vào học lại vào kỳ Thu, khoảng cuối tháng 8, đó là thời gian rất đẹp. Cuối thu khoảng tầm tháng mười, có những khoảng thời gian mà cả cánh rừng đổi một màu mới. Hoặc cũng có thể chỉ một nửa cánh rừng đổi màu, vì lý do nào đó, một bên cánh rừng vẫn còn xanh trong khi một bên đã đỏ rực. Khi đó thì thấy mùa thu Hà Nội đẹp nhưng không lại được với mùa thu bên xứ Ôn đới, thật là một cảnh tượng hoành tráng. Sau khi lá chuyển màu rồi cây trụi hết thì cũng là thời gian bắt đầu lạnh. Thời gian mình ở, tuyết thường bắt đầu rơi từ khi nghỉ lễ Tạ ơn, nhiều khi nghỉ xong, về học lại là đi trên tuyết. Và khi đã bắt đầu đi trên tuyết thì cứ xác định là mình sẽ đi trên tuyết trong 5 tháng nữa.
Trời tuyết thì xem ra chỉ có thú vị với hai loại người: Một là người ở Việt Nam chưa bao giờ nhìn thấy tuyết, hai là bạn mình ở California. Chứ với người phải đối mặt với băng tuyết 4-5 tháng thì câu trả lời sẽ rất khác.
Khi bắt đầu có tuyết rơi đầu mùa là một trong những lúc nguy hiểm và dễ gây tai nạn nhất, vì cái xe nào bị mòn lốp hay điều khiển không tốt, hay lái xe ẩu hoặc non tay sẽ gặp phải nhiều rắc rối. Còn một khi tất cả những chiến sĩ dễ tạch này đã tạch thì những xe còn lại không sao hết. Khi có dự báo tuyết rơi, người ta sẽ cho xe đi rắc muối đường xá, cầu thang, những chỗ đi lại để giảm thiểu tai nạn. Ấy thế mà khi đi học thỉnh thoảng mình lại thấy có một người phải chống nạng đến lớp vì trượt chân trên tuyết. Đi xe trên tuyết thì không sao, đi xe trên băng là có lúc sẽ cảm thấy xe nó tự lái mà mình không cần làm gì hết, mà cũng không làm gì được hết, cái xe nặng hàng tấn mà trôi cả chục mét cứ như không.
Khi tuyết mới rơi lớp mới, thì rất xốp, trắng và đẹp. Lúc đó ra mà bốc chơi, ném nhau, hay nếm thử cái (mặc dù người ta vẫn bảo không nên nếm nhưng mình kệ, trên đời này cũng phải có lúc ăn tuyết chứ) thì cũng thấy khoái. Nhưng chủ yếu cuộc sống với tuyết là cuộc sống rất tĩnh lặng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa bóng là sẽ có ít hội họp đàn đúm hơn. Nghĩa đen là không hiểu sau, cứ đêm nào có tuyết rơi là đêm đó yên ắng lắm, yên hơn cả yên nữa. Đi về đêm mà có tuyết là nó cứ rộp, rộp, rộp trên đường có thể đếm được cả bước chân.
Nhiều khi có những tuần, những ngày lạnh thê lương, lạnh đến mức chỉ muốn ngồi trong nhà mà uống cà phê hay ca cao rồi nhìn ra trời tuyết. Khi đó thì ai có ý định đọc cái gì hay làm cái gì hoành tráng, cần tập trung cao độ, cả đời ấp ủ sẽ bỏ ra. Vì thật ra những việc điên rồ đều xuất phát từ việc người ta không thể ngồi yên một chỗ mãi.
Năm 2020 có thể coi với mình là một phần như vậy. Mình làm được nhiều việc về mặt kỹ thuật vì có thời gian ngồi yên một chỗ nhưng lại không chịu được. Vì thế khi nhìn lại 2020 mình thấy vui, vui không chỉ vì cuộc sống cá nhân gặp may, mà vui vì như tìm được người bạn cũ. Người bạn đó có tên nhàm chán, nhưng chính trong sự nhàm chán đến tuyệt vọng đó là những sự sáng tạo mà chỉ khi không có việc gì khác thì mới làm được. Năm 2020, ngoài làm việc chính, nửa đầu năm mình bỏ ra không dưới 100 giờ để reverse engineer cho chiếc radio của mình, và không dưới 24 giờ để viết lại. Nửa sau 2020, mình bỏ ra không dưới 500 giờ để làm firmware cho webcam, một dự án mà mình cả thấy rất hài lòng về mặt kỹ thuật. Trước đó mình chỉ làm hack (tức là giật gấu vá vai), nhưng dần dần với thời gian mình cảm thấy chính mình cũng xây dựng được những sản phẩm có đầu có đũa. Đó là một điều mình luôn hài lòng khi nhìn lại năm nay.
Vấn đề vẫn luôn là sự nhàm chán, nhưng là sự nhàm chán có mục đích. Mỗi khi chán mình lại thấy biết ơn mảnh đất cho mình quỹ thời gian đặc biệt đó bằng việc không có gì đặc biệt, không có gì thú vị cả. Mình học được từ mảnh đất này là mình có thể kêu ca cả đời về sự nhàm chán hoặc là làm gì để không còn nhàm chán nữa. Con người là cây sậy, có rất nhiều sự hạn chế nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ, có những ước mơ và dự án, dự định để làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Càng về sau mình càng thấy, sự thú vị không phải ở đích đến, sự thú vị là ở con đường đi. Nếu không làm gì thì cả đời mình là Groundhog day/month/year, nhưng nếu làm thì Groundhog day cũng có thể trở thành một câu chuyện hay để kể.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất