Hãng V phá sản, hãng R đóng cửa... thì sao nhỉ?
Hãng V phá sản, hãng C ngừng sản xuất, hãng X đóng cửa... Hôm qua đến giờ bạn bè trên FB liên tục copy mẩu tin này, với thông điệp...
Hãng V phá sản, hãng C ngừng sản xuất, hãng X đóng cửa... Hôm qua đến giờ bạn bè trên FB liên tục copy mẩu tin này, với thông điệp cuối bài là: "Nếu bạn còn đang có công việc, được trả lương thì hãy cảm thấy may mắn và tích cực làm việc đi".
Các bạn muốn biết mình thấy gì qua mẩu tin đó hông?
1. Mình thấy rằng chúng ta không cần phải đưa ra một bất hạnh của ai đó để an ủi rằng mình hạnh phúc. Có một câu nói nổi tiếng khác của một cầu thủ bóng đá: Tôi từng buồn vì mình không có đôi giày xịn, cho đến khi tôi thấy người không có chân để mang giày. Nếu như mình vô tình nhìn thấy sự bất hạnh nào đó, và cảm thấy may mắn thì cũng tạm được, chứ còn đưa ra sự bất hạnh của một người hay một nhóm người để chỉ cho người khác rằng họ đang may mắn, thì mình thấy không hay.
2. Dù chưa xác minh, mình cũng rất nghi ngờ về độ chính xác của mẩu tin nói trên, nên mình không copy lại. Một đặc điểm của dân mạng là thích copy, thích share những thứ có vẻ ghê gớm, những số liệu mà bản thân họ chưa hề kiểm tra qua. Cứ gắn tên tuổi các hãng lớn lên là thấy hoành tráng rồi. Chưa bàn đến có chính xác hay không, chỉ cần mỗi khi thấy một thứ gì đó được copy và đăng hàng loạt như vậy mình lại thấy mắc cười sao đó.
3. Từ hồi đầu dịch Covid này, mình đã nhìn thấy nhiều ảnh hưởng đến các khía cạnh đời sống, kinh tế và các giá trị của xã hội. Tất cả mọi thành phần kinh tế đều bị ảnh hưởng, nhưng riêng các nhãn hàng cao cấp, các vật phẩm trang trí xa hoa nếu như thật bị đóng cửa, phá sản, thì nó cho ta thấy điều gì? Không phải là thấy may mắn vì mình còn có công việc để làm, mà là thấy điều gì là cần thiết, điều gì không.
Nói kiểu triết học một chút thì khi xã hội dư thừa lực lượng sản xuất sẽ sinh ra những sản phẩm, dịch vụ với đủ thứ ý nghĩa được gắn vô, nhiều thứ khiến người ta cảm thấy thoải mái, cảm thấy mình "đẳng cấp" hơn. Điều này cũng thỏa mãn con người một phần nào đó, nhưng nhiều người lại bị cuốn theo và xem nó như một mục đích sống, làm mọi thứ chỉ để có được những thứ xa xỉ ngoài khả năng của họ, điều đó khiến người ta thấy khổ vì không có, chịu khổ để có, có rồi cũng không hết khổ, vì nó là một vòng lặp vô tận với những thứ càng cao hơn, xa xỉ hơn.. Hiện tượng này còn tiêu hao nhiều tư liệu sản xuất, gây hại cho trái đất.
Dịch bệnh này có thể hiểu như một dấu hiệu trên diện rộng, tùy người nhìn nhận nó theo cách khác nhau, nhưng đều là dịp để mỗi người nhìn lại xem những giá trị mà mình theo đuổi trong cuộc sống này là gì, những thứ mình đau khổ truy cầu có thật đáng giá vậy không?
Mình muốn sống một cuộc đời như thế nào nếu không cần phải đuổi theo những giá trị cũ đó?
Càng lúc càng làm nhiều, thu nhập càng cao đến độ phải tìm chỗ để tiêu tiền, thì sẽ có người tạo ra sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho nhu cầu đó. Nếu bây giờ không còn chỗ tiêu nhiều tiền nữa, cũng không còn nhiều việc làm nữa, làm ít lại một chút, hưởng thụ ít lại một chút, thì vui hơn hay buồn hơn?
Mọi thứ xung quanh mình đang chuyển động thật nhanh, mình có vai trò gì trong đó, và mỗi hiện tượng tự nhiên, xã hội đang muốn nói gì với mình? Chỉ cần để tâm một chút, từ từ mỗi người sẽ có câu trả lời.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất