Trinh thám là một thể loại văn học được miêu tả đan xen giữa yếu tố nghệ thuật và những dòng logic bao trùm lên các mặt của đời sống kể cả tâm lý con người. Có lẽ nhờ sự thú vị đó, nó đã tạo ra cho mình một lực lượng fan hùng hậu đến từ khắp mọi miền trên thế giới. Tạm gác trinh thám cổ điển sang một bên, 2019 vừa qua là một năm vô cùng mãn nhãn đối với những bạn trẻ đam mê truyện trinh thám khi hai tác phẩm "Ác Ý" của Keigo Higashino và "13.67" của Trần Hạo Cơ ra đời. Hai tác phẩm trên như hai viên ngọc sáng, không chỉ về phong cách phá án với những cú twist mà còn chứa đựng cả triết lý nhân sinh trong cuộc sống, khiến con người ta mãi trằn trọc về cái kết bất ngờ của chúng.
 Ác Ý là câu chuyện trinh thám kể về cái chết của một nhà văn ăn khách tên Hidaka Kunihiko ở phòng làm việc của chính mình trước ngày cùng vợ mới dọn đến nước ngoài để sinh sống. Người phát hiện ra cái xác, là vợ và bạn thân của anh- một thầy giáo dạy môn quốc ngữ ở trường cấp hai- Nonoguchi- đồng thời cũng là một nhà văn như Hidaka, khác biệt phải chăng cũng chỉ ở sự nổi tiếng . Khi cảnh sát đến nơi để làm việc, Nonoguchi vô tình gặp lại một đồng nghiệp cũ, giờ đây là thanh tra Kaga-người đứng ra thụ lý vụ án. Vốn là một tác giả, lúc về nhà Nonoguchi đã ghi chép lại chi tiết của vụ án này với lý do "Một ngày như vậy hẳn là không có lại trong một đời người" rồi đưa cho Kaga đọc thử. Câu chuyện bắt đầu bằng lời kể của Nonoguchi, mở màn qua sự việc con mèo nhà hàng xóm của Hidaka bị sát hại mà nghi phạm số một lại là nhà văn nổi tiếng ấy. Chưa kể, Hidaka còn vướng vào rắc rối với em gái của nhân vật chính trong câu chuyện "Vùng Cấm Săn Bắt" được lấy ý tưởng từ một người bạn học cấp hai của anh ta vì cô ta không muốn anh trai mình bị bới móc quá khứ. Những tranh chấp tuy nhỏ nhặt nhưng cũng có thể thấy được một phần con người Hidaka qua lời tự sự của người bạn thân, đồng thời khoanh vùng được nghi phạm cho vụ án. Song song đó, thanh tra Kaga cũng có những suy luận logic và hợp lý cho riêng mình để đi đến một kết luận: Thủ phạm chính là Nonoguchi. Thật kỳ lạ rằng có vẻ anh ta đã chuẩn bị phong thái "không còn gì để mất" cho việc giết người. Liệu anh ta có phải hung thủ? Với tư cách là một người bạn thân từ thuở thiếu thời, động cơ để anh ta giết Hidaka là gì?
 
Đây mới thực sự là điểm quan trọng của vụ án. Từ lời khai của những người quen biết nạn nhân, cả những vật chứng đã được vùi theo năm tháng, Keigo dẫn chúng ta về nhiều năm trước để lục lại sự thật khó tin: cái chết của người vợ cũ của Hidaka, hiện tượng đạo văn, bạo lực học đường,... Để rồi sau một hồi dài đi tìm động cơ gây án, người thanh tra Kaga đã đem đến cho bạn đọc một cái kết mà ai cũng ngả mũ thán phục, đó chính là ác ý- tên của tác phẩm. Song, cũng không ít độc giả cho rằng cái kết này không có sức thuyết phục. Riêng về phần tôi, nó không thấm đẫm tính drama như các bạn mong muốn mà thôi, chứ về mặt phổ biến trong đời sống và tâm lý con người thì nó hoàn toàn thuyết phục. Mượn hành động ghi chép để kể lại vụ án, Keigo đã tài tình miêu tả nhẹ nhàng nhưng sinh động giọng điệu và suy nghĩ của từng nhân vật, bỏ qua những đoạn hội thoại dài dòng vô nghĩa, vì bản thân tác phẩm cũng đã có nhiều chi tiết được lồng ghép phức tạp. Có nhiều nút thắt kịch tính, lôi cuốn người đọc không thể gấp cuốn sách lại vì cứ sau mỗi chương, một bí ẩn lại được lật mở. Đây là một lựa chọn phù hợp cho những bạn thích trinh thám kiểu fair-play, tức là tính khách quan của câu chuyện. Ác Ý còn được giới phê bình đánh giá cao bởi tính bất ngờ và yếu tố trinh thám mang đậm chất tâm lý con người.
13.67 khi xuất hiện trong thị trường sách Việt Nam dưới một cái bìa "truyện tranh" với tên tác giả không được phiên âm ra rõ ràng, nó không thu hút được một số bộ phận bạn trẻ đam mê sách giấy. Nhưng "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", sau khi đọc cuốn sách này, ngoài hai chữ "bàng hoàng" và "thỏa mãn", tôi dường như không thể nhận xét thêm được gì. 13.67 là sáu mẩu truyện trinh thám được viết ngược dòng thời gian từ năm 2013 trở về năm 1967 và người thực hiện giải đáp các vụ án trên là Quan Chấn Đạc- chỉ huy cấp cao của sở cảnh sát Hồng Kông với tỷ lệ phá án thành công là 100%. Mẩu chuyện thứ nhất "Đen và Trắng"  bắt đầu bằng cái chết của chủ tịch tập đoàn Phong Hải do Lạc Tiểu Minh- một học trò của Quan Chấn Đạc điều tra. Vì sự rắc rối của vụ án, Lạc Tiểu Minh đã liên hệ với thầy của mình- giờ đây chỉ còn là một ông lão nằm liệt giường vì bệnh gan bằng chiếc máy thần kỳ có thể đọc được suy nghĩ. Câu chuyện 1 kết thúc bằng một cú twist, làm người đọc ngỡ ngàng và gật gù bởi câu nói của vị chỉ huy đáng kính trước lúc ra đi "Cách thức có thể đen nhưng mục đích thì phải trắng." Đó chính là thông điệp chính nghĩa của một người cảnh sát mẫu mực cương trực, sẵn sàng phá bỏ quy tắc trong ngành để cứu lấy mạng sống của người dân. Mẩu chuyện thứ hai "Đạo nghĩa giang hồ" miêu tả một Hồng Kông năm 2003 đứng giữa những thế lực xã hội đen mà chính cảnh sát cũng khó bề can thiệp và thật không may, cô ca sỹ trẻ tuổi nổi tiếng Đường Dĩnh có liên quan đến những băng đảng này đã bị sát hại một cách kì quái mà nhóm của Tiểu Minh phải vất vả lắm mới điều tra được đúng hướng dưới sự cố vấn của Quan Chấn Đạc. Khi đọc 13.67, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần cái kết sẽ không như chúng ta nghĩ nhưng rốt cuộc lại phải há hốc miệng mồm vì mức độ lật ngược vấn đề của truyện. Tiếp theo, vụ thứ 3 "Ngày dài nhất" xảy ra năm 1997 có lẽ là vụ khá kịch tích khi tên tội phạm nguy hiểm đứng đầu danh sách truy nã -Thạch Bản Thiêm đã vượt ngục, kèm theo đó là những rối loạn của Hồng Kông sau hai đợt ném đạn axit của một số thành phần phản động. Điều thú vị là, cả hai vụ vượt ngục và đạn axit kia đều được Quan Chấn Đạc phá giải chỉ trong vòng một ngày ngắn ngủi ngay trước lúc nghỉ hưu của ông. Vụ án kết thúc bằng khởi đầu của vụ thứ 4 "Cán cân Themis", là câu chuyện 8 năm về trước khi Thiêm chưa bị bắt còn Thắng- em trai Thiêm kiêm luôn tội phạm giết người khét tiếng đã bị chết trong một trận đấu súng với một cảnh sát. Đây hẳn là vụ án kinh dị nhất, và cũng là vụ án kinh hoàng nhất, bởi tính biến chất trong nhân cách con người đã lên đến đỉnh điểm, nó mang lại cái kết nghiệt ngã mà cả Quan Chấn Đạc cũng không thể không thất vọng, mặc dù chính ông là người suy luận được đến kết quả ấy. Sang đến chương thứ 5 "Mượn không gian" là vụ bắt cóc con trai của Graham- nhân viên ICAC, ta thấy được phong thái làm việc chính trực của Quan Chấn Đạc, không vì lợi ích trong ngành mà luôn sẵn lòng đứng về phía công dân, phải chăng phong cách đó, đã bị ảnh hưởng từ vụ án thứ 6 năm 1967, vụ nổi tiếng đưa ông trở thành một cảnh sát tài ba? Hồng Kông 1967 là cả một bầu trời hỗn loạn giữa phe phản động đối với chính quyền và cảnh sát dưới sự khống chế của thực dân Anh. Hai con người, nhưng hai lý tưởng khác nhau, đã cùng nhau sát cánh để phá giải được vụ đánh bom giải cứu cảnh sát trưởng. Câu chuyện tưởng như đã kết thúc như vậy, nhưng không, sau khi vụ án này được giải quyết, một sự thật đã được phơi bày ở cuối truyện mà ngay lúc đọc xong, tôi đã giở cuốn sách lại về những trang đầu tiên vì quá bất ngờ. Đó chính là sức mạnh của thời gian, không chỉ bào mòn về sức khỏe, trí tuệ mà còn cả lương tâm của con người. 
Sáu mẩu chuyện, sáu cú twist, với lối hành văn thực dụng và tếu táo, ta thấy được bản chất cảnh sát Hồng Kông càng lúc càng rõ theo mạch truyện ngược thời gian, và cả quan điểm cương trực, chính nghĩa của một cảnh sát điển hình là Quan Chấn Đạc mà tác giả muốn gửi gắm cho những thế hệ cảnh sát mai sau. Điểm độc đáo của 13.67, là bỗng dưng, cái kết của mỗi phần được hé lộ mà không một lời tuyên bố "đã tìm ra thủ phạm", khiến càng đọc ta càng hoang mang "Liệu vị ông ấy khi nào mới phá án đây?". Mỗi lời dặn dò, mỗi một câu nói của Quan Chấn Đạc đều vô cùng đắt giá, nó không chỉ riêng cho ngành cảnh sát, mà mang nhiều tầng nghĩa trong đời sống bởi lẽ "Trước khi nhớ mình là cảnh sát, nhất định phải nhớ mình cũng là con người". Cuốn sách ấy, đem đến sự bằng lòng cho tất cả mọi độc giả.
Ác Ý và 13.67, có lẽ ta không nên đặt chúng lên bàn cân so sánh vì cả hai đều là những tuyệt phẩm trinh thám hiện đại. Tôi hy vọng rằng, trong năm 2020, những bạn trẻ chưa có cơ hội đọc hai tác phẩm này nên đọc qua một lần để không phải nuối tiếc như tôi rằng "tại sao mình lại không đọc sớm hơn?"...