Lời tựa: Lần đầu tiên mà cuốn sách mình ưng nhất năm lại là một cuốn về kinh tế, mà thậm chí còn là cuốn mình đọc lại chứ không phải đọc lần đầu. Vậy nên muốn mượn "The value of everything" của Mariana Mazzucato để chia sẻ một vài suy nghĩ của mình về giá trị của mọi thứ - "The value of everything".
Bài này thuộc dạng ngồi uống chè tàu bàn chuyện thế giới. Nhưng có lẽ đôi lúc cũng cần phải nhìn rộng một chút, để tạo cho mình một tâm thế vững vàng hơn trước những biến chuyển của thời cuộc, và cũng để tiếp thu ý kiến của 500 anh em Nhện nữa.
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
The value of everything" của Mazzucato bàn về sự thay đổi trong quan niệm về giá trị xuyên suốt lịch sử các học thuyết kinh tế, từ thời Classical economics của Adam Smith, Ricardo rồi đến Marx cho đến Neoclassical economics của Samuelson rồi Marginal economics của Marshall. Điểm cốt lõi là sự thay đổi quan niệm giá trị từ những ngành sản xuất (nông nghiệp, công nghiệp - những ngành thực sự tạo ra sản phẩm), tức là quan niệm giá trị tạo ra vật giá thị trường (value determines price), mọi thứ đã bị quay 180 độ để trở thành vật giá quyết định giá trị (price determines value). Đây là nguyên nhân chính để một loạt những ngành trung gian trước đây, mà đặc biệt nhất là ngành tài chính, có thể vin vào để nâng tầm quan trọng của mình. Trước đó tài chính chỉ đơn thuần là một ngành đóng vai trò trung gian - chuyển vốn từ chỗ thừa đến chỗ thiếu sao cho hiệu quả, chứ hoàn toàn không tạo ra giá trị gì. Đến tận những năm 1970s, ngành tài chính vẫn chưa được cho là có bất cứ đóng góp gì vào GDP.
Thực ra, mình nghĩ nếu nhìn vào lịch sử, mọi thứ không đơn giản như cách giải thích khá lý thuyết về kinh tế học này của bà giáo sư Mazzucato. Mình nghĩ phải lật ngược lại từ thời kỳ sau thế chiến thứ 2, khi các ngành công nghiệp nặng thực sự được chuyển sang các nước đang phát triển. Khi đó, bắt buộc các nước phát triển, mà đặc biệt là Mỹ và Anh phải chọn những ngành khác để tập trung phát triển, nhằm bảo vệ vị thế cường quốc của mình. Và không khó hiểu khi 2 ngành mà họ chọn là công nghệtài chính: công nghệ là nhắm tới việc luôn không ngừng nâng cấp máy móc, thứ sẽ giúp họ tiếp tục chi phối và có tiếng nói với các nước đang phát triển; và tài chính là về tiền bạc, để giữ cho đồng tiền của họ luôn mạnh và khiến họ trở thành trung tâm tài chính của thế giới. Kết quả dễ thấy nhất là 2 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới hiện nay chính là London và New York.
Điều đáng ngạc nhiên là từ bước đi có thể nói là rất dễ hiểu và có vẻ đúng đắn ấy, mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ. Chính sự ưu ái của chính phủ cho ngành tài chính, tháo bỏ gần như tất cả những luật lệ áp buộc trong những năm 70, đã khiến ngành tài chính có cơ hội phát triển và mở rộng. Nhưng, như những gì Minsky đã cảnh báo từ chính những năm 70 đó: thị trường tài chính luôn tiềm ẩn sự bất ổn trong chính nó (mà chả mấy ai quan tâm, chỉ đến khi khủng hoảng 2007-2009 nổ ra thì người ta mới bắt đầu nhắc nhiều đến ông). Minsky cho rằng chỉ có luật lệ của chính phủ mới có thể cân bằng và bình ổn nó mà thôi.
Nhưng giờ, thật đáng buồn là hậu quả đã quá khó để có thể cứu vãn. Bạn có tin được rằng trong bảng cân đối tài sản của các ngân hàng Anh, 70% tài sản cho vay của các ngân hàng này là cho các tổ chức tài chính khác. Chỉ có 3% tài sản là cho vay các công ty không thuộc lĩnh vực tài chính (Nguồn #1 bên dưới). Hay như chính câu nói rất nổi tiếng của bà Mazzucato: "Finance finances finance" (dịch ra hơi khó, nhưng đại loại là ngành tài chính giờ chỉ phục vụ chính nó). Tức là tiền chỉ được trung chuyển trong chính hệ thống tài chính mà thôi, và từ đó mà hàng loạt những con sâu cứ thế bòn rút và làm giàu cho chính mình.
***
Nhưng ở bài này, mình muốn chỉ ra một hậu quả về xã hội của việc lập lờ thay đổi quan điểm về giá trị mọi thứ đó, mà sự trầm trọng có lẽ vượt xa tất cả những hậu quả về kinh tế ấy.

Đó là khi giá trị các ngành nông nghiệp hay sản xuất không được định đúng giá trị của chúng, thì thực ra tất cả xã hội đều sẽ phải chịu hậu quả.

Vì giá trị của nông nghiệp, ngành đóng vai trò quan trọng nhất trong việc duy trì sự sống của con người, bị hạ thấp, mà tỷ trọng của nó ngày càng thấp, và hiển nhiên giá nông sản ngày càng rẻ. Điều này bắt buộc nông dân phải triển khai nhiều vụ, vắt kiệt sự phì nhiêu dinh dưỡng của đất đai, và thậm chí phun nhiều thứ thuốc độc hại. Từ đó đất đai ngày càng cằn cỗi, ít dinh dưỡng hơn, bị nhiễm độc, khiến cho sản phẩm nông sản ngày càng giảm chất lượng và tăng phần độc hại. Bạn có biết rằng ngày nay, nhiều sách báo về sức khoẻ đã khẳng định rằng cho dù bạn có ăn uống khoa học thế nào cũng rất khó để đủ chất cho cơ thể, mà vẫn sẽ phải bổ sung các thực phẩm chức năng hay các loại vitamin quan trọng (và bạn có thực sự cho rằng việc uống trực tiếp các loại thực phẩm chức năng này là hoàn toàn vô hại không?). Trong khi ngày xưa khi đất tốt thì chỉ cần ăn những loại nông sản tự nhiên là gần như đã đầy đủ chất rồi. Đấy là chưa nói đến các loại bệnh tật do thuốc độc hại gây ra.
Kết: Thực ra, mình nghĩ ngành tài chính, chính nó đã trở nên quá lớn để có thể kiểm soát. Chẳng thế mà cụm từ được nhắc đến rất nhiều từ sau khủng hoảng 2007-2009 là: "too big to fail" - (quá lớn để có thể để cho sụp đổ). Và như bạn thấy đấy, khi chính phủ quyết định thắt chặt lại luật lệ về cho vay, các khoản đảm bảo, và các hoạt động tài chính khác, thì ngay lập tức một thị trường tiền điện tử mới toanh đầy cuốn hút và hứa hẹn ra đời để tránh việc kiểm soát ấy.
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Dù thực ra mà nói, thì không hẳn là không có giải pháp, ví như:
(1) phải giảm được giá trị của tiền trong nhận thức của mọi người
Quá viển vông đúng không???
hoặc (2) Tất cả mọi người phải hiểu được rằng: chúng ta ăn để sống, chứ không phải sống để ăn. Từ đó, chấp nhận ăn uống giản dị, không chạy theo những thứ cao sang mỹ vị. Và từ từ đẩy lại giá cả nông sản lên đúng với giá trị của chúng.
Cũng chẳng kém viển vông chút nào, đúng không?
...
Nên thôi thì, đành viết ra trải lòng vậy thôi!!!
...
A Dreamer
Nguồn:
#1: Other People's Money | John Kay | Talks at Google
Link: https://www.youtube.com/watch?v=rkhxMdilxJE&list=WL&index=51&t=2s