4 học giả nước ngoài đáng đọc khi tìm hiểu văn học Việt Nam
Bốn nhà nghiên cứu Christopher Goscha, John Schafer, Peter Zinoman và Jason Gibbs, tuy không phải người Việt, nhưng đã dành nhiều tình...
Bốn nhà nghiên cứu Christopher Goscha, John Schafer, Peter Zinoman và Jason Gibbs, tuy không phải người Việt, nhưng đã dành nhiều tình cảm và tâm huyết cho các vấn đề thuộc về lịch sử và văn học Việt Nam. Họ khai mở những vùng đất vắng dấu chân của những nhà biên khảo trong nước, đồng thời mang đến một cái nhìn toàn diện và khách quan hơn cho những vấn đề thường bị chính trị hóa. Bài viết này sẽ giới thiệu qua tiểu sử và các công trình của họ, hy vọng sẽ giúp ích cho những ai cần.
Christopher Goscha
Sử gia người Mỹ-Canada Christopher E. Goscha, sinh năm 1965, là chuyên gia về lịch sử chiến tranh lạnh ở châu Á và chiến tranh ở Việt Nam. Ông giảng dạy tại Université du Québec à Montréal và là thành viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật, Nhân văn và Khoa học của Canada từ năm 2019.
Christopher Goscha đã xuất bản nhiều đầu sách tiếng Anh và tiếng Pháp về lịch sử Việt Nam, gần đây nhất là cuốn Vietnam: A New History, in năm 2016. Viết Vietnam: A New History, Christopher Goscha mong muốn chia sẻ một cái nhìn khác với cái nhìn của nhiều sử gia trong nước về Việt Nam. Trong cái nhìn đó, Việt Nam không tồn tại như một thực thể cố định và đồng nhất, mà liên tục biến thiên, phân hóa và tái hợp trong một tranh chấp không ngừng giữa các sắc dân, các dòng tộc và các đảng phái chính trị xuyên suốt lịch sử từ thời Lê Mạt, Nguyễn Sơ đến tận sau Đổi Mới.
Cá nhân tôi được biết đến Christopher Goscha không phải thông qua bất kỳ cuốn sách nào kể trên, mà công trình của ông tôi đọc đầu tiên là một bài báo về Nguyễn Văn Vĩnh, bài ‘The Modern Barbarian': Nguyen Van Vinh and the Complexity Of Colonial Modernity in Vietnam [tạm dịch: ‘Người man di hiện đại’ Nguyễn Văn Vĩnh và tính chất phức tạp của thuộc địa hiện đại ở Việt Nam]. Vì Nguyễn Văn Vĩnh từng bị các sử gia bảo thủ gán cho cái mác “tay sai cho Pháp”, nên trước đây người ta tránh đề cập đến ông, và bây giờ thì ít người biết về ông. Nhưng vì hứng thú về con người và tài năng của Nguyễn Văn Vĩnh, nên tôi tìm đọc, thì thấy rằng ngoài bài viết của Nguyễn Văn Tố trên Bulletin de la Société d'Enseignement Mutuel du Tonkin, chỉ có bài báo của ông Christopher Goscha và bài của Emmanuelle Affidi là không rơi vào một đánh giá hẹp hòi, vụn vặt về Nguyễn Văn Vĩnh.
John C. Schafer
Giáo sư John C. Schafer từng giảng dạy tiếng Anh và văn học Việt Nam tại Humboldt State University, Arcata, California. Trước khi về hưu năm 2004, ông chỉ xem công việc biên khảo về Việt Nam như một sở thích, nhưng sau khi về hưu, sở thích đó trở thành mối quan tâm chính của ông.
Cùng với vợ mình là bà Cao Thị Như Quỳnh, John C. Schafer đã biên soạn nhiều đầu sách và bài báo về nhiều nhân vật Việt Nam như Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn, Phạm Duy, Võ Phiến, Trịnh Công Sơn, Dương Thu Hương, Phan Nhật Nam, Lê Lựu, Lê Vân, vân vân.
Tiểu luận gần đây nhất của John C. Schafer mà tôi đọc là Hồ Biểu Chánh and the early development of the Vietnamese novel [tạm dịch: Hồ Biểu Chánh và sự phát triển thời kỳ đầu của tiểu thuyết Việt Nam]. Trong tiểu luận này, ông chứng minh rằng không phải Hoàng Ngọc Phách hay Nguyễn Trọng Thuật, mà chính những nhà văn miền Nam như Hồ Biểu Chánh hay Trần Chánh Chiếu mới là những tiểu thuyết gia đầu tiên. Ông cũng đưa ra những lý giải vì sao các nhà văn học sử miền Bắc như Dương Quảng Hàm hay Vũ Ngọc Phan lại bỏ qua Hồ Biểu Chánh khi bàn về sự hình thành của thể loại tiểu thuyết.
Bạn có thể vào trang www.johncschafer.com để tìm đọc.
Peter Zinoman
Giáo sư Peter Zinoman giảng dạy về lịch sử và nghiên cứu Đông Nam Á ở University of California, Berkeley. Cũng tương tự như John C. Schafer, có lẽ phần nào tình yêu của Peter Zinoman cho Việt Nam đến từ việc người bạn đời của ông là một người phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Nguyệt Cầm. Cùng với sự hỗ trợ của vợ mình, ông đã dịch thuật và biên soạn nhiều đầu sách về lịch sử cùng văn chương Việt Nam, trong đó, nhân vật thu hút sự chú ý của ông nhất chính là Vũ Trọng Phụng.
Quyển Vietnamese Colonial Republican - The Political Vision of Vũ Trọng Phụng khảo cứu về khuynh hướng chính trị của Vũ Trọng Phụng qua các trước tác của họ Vũ cũng như những ghi chép của người cùng thời, từ đó nhìn nhận nhà văn này như một trong những khả năng chính trị khác biệt đã bị khuất lấp bởi hai cực chống Pháp - thân Pháp trong lịch sử giai đoạn trước cách mạng tháng tám, cũng như lý giải những cấm đoán hay tiếp nhận Vũ Trọng Phụng về sau này.
Peter Zinoman cũng viết nhiều bài báo về Nhân Văn Giai Phẩm hay Nguyễn Huy Thiệp đăng trên Journal of Vietnamese Studies. Ông cũng là cây viết thường xuất hiện trên trang Mekong Review.
Jason Gibbs
Tuy mối quan tâm của Jason Gibbs là lịch sử âm nhạc Việt Nam, khác với ba học giả nói trên, nhưng ông cũng xem xét nó trong một mối tương quan mật thiết với chính trị và văn học.
Sinh năm 1960, Jason Gibbs vốn là một nhà soạn nhạc, nghệ sĩ trình tấu kèn basson và tiến sĩ âm nhạc người Mỹ. Vào năm 1985, khi đang ăn món canh chua và gà kho sả ớt trong một nhà hàng Việt Nam tại thành phố Pittsburgh, Jason Gibbs được nghe những bài hát mà những người Việt ở hải ngoại rất thích. Ông mua một vài đĩa nhạc về nhà nghe và bắt đầu yêu thích âm nhạc Việt Nam. Jason Gibbs nhờ một người phụ nữ Việt Nam dạy tiếng Việt cho mình và học thêm tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, chuyên tâm nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Ông được biết đến và được coi là người có những khảo cứu và tư liệu đầy đủ nhất về nhạc Việt Nam từ thời tiền chiến cho tới nay.
Jason Gibbs chủ yếu viết các bài nghiên cứu đăng báo, nhiều trong số chúng được Nguyễn Trương Quý dịch và đăng trên diễn đàn Talawas trước đây, sau được tập hợp lại và in thành sách Rock Hà Nội, Bolero Sài Gòn - Câu chuyện tân nhạc Việt Nam.
Bốn nhân vật trên đây tất nhiên không phải là toàn bộ những nhà nghiên cứu nước ngoài quan tâm đến Việt Nam. Ngoài họ ra, có thể kể đến Daniel Heremy - một sử gia nghiên cứu về diễn tiến của phong trào Đệ Tứ Quốc Tế ở Việt Nam, Philippe M. F. Peycam - người viết cuốn sách về sự ra đời của báo chí chính trị Saigon trước 1945, hay Harry Aveling - người đã tìm hiểu và làm sáng tỏ phần nào cuộc đời của Phạm Duy Khiêm. Họ không chỉ góp phần quan trọng trong việc làm cho thế giới thấu hiểu Việt Nam hơn, mà cũng làm cho người Việt bây giờ có thêm những chỉ dẫn để tìm hiểu về lịch sử của chính mình.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất