Với những người tìm hiểu lịch sử – chính trị Trung Đông nói chung và Iraq nói riêng, hai cuộc cách mạng vào các năm 1958 và 1963 là hai sự kiện bao phủ rất lớn lên tiến trình lịch sử. Có thể nói, đó là các cuộc cách mạng đã định hình toàn bộ lịch sử Iraq trong thời kỳ hiện đại từ thế kỷ 20.
Tuy nhiên, một thực tế là gần như khó có thể tìm thấy tư liệu tiếng Việt nào về các sự kiện này, kể cả là trên Internet. Điều này đang gây ra tình trạng ”trắng sử” rất lớn trong các cuộc tranh luận mỗi khi có sự kiện liên quan đến Iraq và Trung Đông. Nó tất yếu gây ra rất nhiều việc hiểu sai bản chất, bịa đặt, đánh tráo khái niệm về lịch sử, chính trị Iraq,…do đó người ta sẽ không thể giải thích nổi những câu hỏi, như tại sao Liên Xô không giúp Iraq chống lại Mỹ trong chiến tranh Vùng Vịnh?
Bài viết này tổng hợp những tư liệu về 2 cuộc cách mạng 1958 và 1963 ở Iraq, nhằm giải thích được những vấn đề căn bản của lịch sử, chính trị Iraq và Trung Đông thời hiện đại. Hy vọng có thể xóa bớt 1 vùng trắng trong kiến thức lịch sử Iraq hiện nay, để các cuộc tranh luận có thêm cơ sở kiến thức lịch sử.

Phần I: Các mạng 14 tháng 7 (1958) và sự thành lập Nhà nước Cộng sản ở Iraq
Nhiều người sẽ nhanh chóng nhận ra, ngày 14 tháng 7 chính là ngày phá ngục Bastille trong Cách mạng Pháp. Thực ra đó chính là dụng ý của những người Cách mạng Iraq. Họ đã chọn đúng ngày Cách mạng của nước Pháp để làm một cuộc cách mạng với ý nghĩa tương tự ở đất nước mình: phá bỏ nền Quân chủ, thiết lập nền Cộng hòa!

1/Tình hình Iraq trước Cách mạng

Cho đến hết Chiến tranh thế giới thứ nhất, phần lớn lãnh thổ Iraq ngày nay nằm dưới sự chiếm đóng của Đế quốc Ottoman. Với sự thất bại của Ottoman trong Thế chiến 1, Iraq được trao cho người Anh quản thác. Năm 1920, người Anh trao độc lập một phần cho Vua Iraq, nhưng Iraq vẫn là một lãnh thổ phụ thuộc Vương Quốc Anh. Đến năm 1932 thì độc lập của Vương quốc Iraq được trao trả hoàn toàn.
Từ năm 1932 đến năm 1941, Vương quốc Iraq trải qua nhiều xáo trộn, bất ổn với nhiều cuộc nổi dậy, bạo động đến từ cả những người dân trong nước lẫn những dân tộc thiểu số ly khai như người Kurd, người Yazidi,…buộc nhà vua phải có nhiều cải cách, trong đó đã đưa Iraq thành nước quân chủ lập hiến, chia sẻ quyền lực cho một thủ tướng. Những năm gần thế chiến 2, chủ nghĩa phát xít xâm nhập và trỗi dậy ở Iraq, đe dọa nhà vua. Năm 1941, trong Thế chiến 2, những kẻ Phát xít đã chiếm quyền kiểm soát đất nước trong một cuộc đảo chính. Để dập tắt sự nổi lên của Phát xít và cũng để duy trì đường viện trợ cho Liên Xô, quân đội đồng minh do Anh đứng đầu đã quay lại tấn công lật đổ chính quyền Phát xít vào cùng năm 1941. Từ đó, người Anh quay lại chiếm đóng Iraq lần 2. Từ đó cho đến hết Chiến tranh thế giới thứ 2, chính quyền Iraq là chính quyền thân Anh do Thủ tướng Nuri as-Said lãnh đạo bên cạnh Quốc vương Faisal II của Iraq (lên ngôi khi mới 6 tuổi). Điều này được duy trì đến năm 1958.

Trong gần 20 năm từ 1941 đến 1958, trong khi tình hình khu vực thay đổi đáng kể, thì Iraq vẫn dậm chân tại chỗ với chế độ quân chủ bảo thủ. Nền quân chủ phục vụ cho lợi ích của nước ngoài và hoàng tộc, phần lớn tài nguyên dầu mỏ rơi vào tay các công ty Anh Quốc, đời sống nhân dân Iraq khó khăn, lạm phát phi mã,…Trong xã hội, chính quyền quân chủ thân Sunni, đàn áp sắc dân Shia, người Kurd, người Yazidi,…Tình cảm bất mãn nền quân chủ, chống người Anh dâng cao trong xã hội Iraq. Trong bối cảnh đó, cách mạng ở Ai Cập do tướng Nasser lãnh đạo đã thổi luồng gió mới của chủ nghĩa Xã hội Arab vào chính trường, đe dọa thổi bay các chế độ quân chủ lỗi thời. Đỉnh điểm vào năm 1958, nước láng giềng gần gũi với Iraq là Syria gia nhập một liên minh thống nhất với Ai Cập, gọi là nhà nước ”Cộng hòa Arab thống nhất”. Lo ngại làn sóng cách mạng từ Syria tràn qua nước mình, giới quân chủ Iraq đã chọn cách liên minh tương tự với nền quân chủ ở Jordan để bảo vệ chế độ. Tháng 5 năm 1958, Iraq và Jordan thống nhất một nhà nước “Liên bang Arab”, đối đầu với ”Cộng hòa Arab thống nhất” của Ai Cập và Syria.
Quyết định này gây nên sự phẫn nộ lớn trong dân chúng Iraq. Thậm chí trong giới sĩ quan quân đội, nhiều người đã tỏ ra chống đối nhà vua. Trong bối cảnh này, Đảng Cộng sản Iraq (ICP), vốn là một đảng phái thành lập từ năm 1932 nhưng bị đàn áp dữ dội, đã nổi lên. Tận dụng tình hình quần chúng bất mãn với nhà vua, Đảng Cộng sản đã mở rộng hoạt động, và có được sự ủng hộ của cả những sĩ quan quân đội cấp tiến. Cao nhất trong số này là Thiếu tướng Abd al-Karim Qasim, người sau này lãnh đạo cuộc Cách mạng.
 Thiếu tướng Abd al-Karim Qasim và Đại tá Abdul Salam Arif 
2/Cách mạng ngày 14/7/1958
Vào ngày 14 tháng 7 năm 1958, một nhóm Sĩ quan Tự do dưới sự lãnh đạo của Thiếu tướng Abd al-Karim Qasim và Đại tá Abdul Salam Arif đã làm binh biến lật đổ nhà vua Faisal II. Họ chọn đúng ngày phá ngục Bastille trong cách mạng Pháp.
Vào chiều ngày hôm đó, đại tá Abdul Salam Arif đã chiếm thủ đô Baghdad, nơi ông có bài diễn văn trên truyền hình tố cáo chủ nghĩa đế quốc, nền quân chủ tay sai và ủng hộ nền cộng hòa. Quân đội và nhân dân hầu hết đều ủng hộ đảo chính nên cuộc cách mạng không gặp khó khăn. Sau bài phát biểu của Arif, quân đội Iraq đến Cung điện al-Rahab, nơi ở của Hoàng gia Iraq, bắt giữ vua Faisal II và Thái tử Abd al-Ilah. Tại đây, dù nhà vua và quân đội đã giữ hòa khí bằng cách không cho Vệ binh Hoàng gia nổ súng, nhưng trước sự giận dữ của đám đông dân chúng quanh cung điện al-Rahab, quân đội Iraq buộc phải hành hình Hoàng gia. Vua Faisal II, hoàng hậu, Thái tử, cùng nhiều thành viên gia đình và hầu cận đều bị giết, tương tự với vụ xử tử Nga hoàng trong Cách mạng Nga. Sau khi bị hành hình, xác nhà vua và thái tử Iraq bị người dân Baghdad kéo lê trên đường phố nhục mạ. Hình ảnh thi thể của họ cũng được truyền đi rộng rãi trên thế giới.
Mục tiêu còn lại là thủ tướng Nuri al-Said. Quân đội Iraq treo thưởng 10.000 dinar cho ai bắt được ông. Qua đến ngày 15 tháng 7, thủ tướng Said bị người dân bắt được nộp cho quân đội. Ông bị giết và treo cổ trước Bộ quốc phòng Iraq.
Tổng cộng trong cuộc cách mạng ngày 14/7, có hơn 100 người bị chết, trong đó có vài công dân Mỹ và Jordan. Cuộc cách mạng kết thúc với thắng lợi của các sĩ quan cấp tiến. Nền quân chủ của Iraq đến đây chính thức sụp đổ.
Thi thể vua Faisal II bị đốt cháy và kéo lê trên đường phố Baghdad
3/ Thành tựu và tác động của cách mạng.
Cuộc cách mạng 14/7 lật đổ nền quân chủ thành công, đưa Iraq trở thành nước Cộng hòa. Thiếu tướng Abd al-Karim Qasim trở thành Thủ tướng và Bộ trưởng quốc phòng, đại tá Abdul Salam Arif làm phó thủ tướng.
Sau cuộc cách mạng, quyền lực của Đảng Cộng sản Iraq được củng cố mạnh mẽ, trở thành Đảng phái lớn nhất, chiếm phần lớn chính quyền. Vì vậy thực tế sau năm 1959, nhà nước Cộng hòa Iraq đã trở thành nhà nước Cộng sản duy nhất ở Trung Đông, được Liên Xô thừa nhận. Tháng 3 năm 1959, Iraq ký hiệp ước liên minh với Liên Xô và các nước XHCN khác.
Sau cách mạng, bên cạnh đối mặt nhiều bất ổn, chính quyền Cộng sản Iraq đã có nhiều cải cách tiến bộ. Đầu tiên là việc Cải cách nông nghiệp để xóa bỏ cấu trúc phong kiến ở nông thôn Iraq. Cuộc cải cách có thể nói là khá thành công so với nhiều nước XHCN khác, không có bạo lực đẫm máu, trong khi chia lại 70% ruộng đất cho nông dân Iraq. Tiếp theo là quyền phụ nữ, khi chính phủ Qasim ban hành ngay lập tức một số điều khoản bảo vệ quyền phụ nữ. Nhiều trong số này đụng chạm tới tôn giáo, như việc xóa bỏ ngay lập tức ”Quyền đa thê” vốn ăn sâu trong xã hội, điều làm nhiều giáo sĩ Hồi giáo phản đối.
Chính phủ cũng tăng đầu từ cho giáo dục, tăng ngân sách từ 13 triệu Dinar năm 1958 lên 24 triệu Dinar năm 1960. Y tế, nhà ở Công cộng cũng được đầu tư. Bản thân Abdel Karim Qassem sở hữu 4 mảnh đất ở quận Essaouira và ông đã hiến chúng cho nhà nước để làm bệnh viện, trường học và nhà từ thiện. Một ví dụ tiêu biểu thời kỳ này là việc Qasim cho xây thành phố mới Al-Thawra City (nghĩa là ‘’cách mạng’’) từ khu ổ chuột không lồ, mang lại nhà ở cho nửa triệu dân của thủ đô Baghdad. Sau này dưới chế độ Saddam Hussein, thành phố bị đổi thành Saddam City, những vẫn là một thành trì Cộng sản, nơi những người Cộng sản Iraq kiên cường chiến đấu dưới lòng đất chống chế độ Saddam Hussein.
Và một trong những việc quan trọng nhất, là việc quốc hữu hóa các công ty dầu mỏ, loại bỏ bàn tay nước ngoài khỏi tài nguyên quan trọng này. Đến năm 1960, tại thủ đô Baghdad thủ tướng Qasim thành lập OPEC nhằm chống lại sự thao túng giá dầu của phương Tây. Cho đến ngày nay, OPEC vẫn là một tổ chức quyền lực bậc nhất địa cầu.
Về xã hội, chính phủ thực hiện bình đẳng cho mọi dân tộc, tôn giáo, đảng phái,…Đảng Cộng sản Iraq được hoạt động trở lại. Người Kurd được trao quyền tự trị. Đặc quyền Sunni trong thời phóng kiến được xóa bỏ. Các đảng phái được hoạt động. Quyền bầu cử được thực hiện.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng cũng gặp nhiều hạn chế, mà một trong những vấn đề là làm thay đổi quá sâu cấu trúc xã hội Arab và Hồi giáo. Điều này dẫn đến căng thẳng trong xã hội Iraq và giữa Iraq với các nước láng giềng. Các cải cách quá vội của Qasim và Đảng Cộng sản làm thay đổi gần như ngay lập tức cấu trúc xã hội hàng nghìn năm ở Iraq, điều không được các giáo sĩ và người dân đạo Hồi ủng hộ. Hàng trăm nghìn người Iraq đã rời khỏi đất nước để trốn tránh các cải cách của Qasim, dù không có một hành động đàn áp nào.
Việc Qasim quá nghiêng về Liên Xô khiến nhiều sĩ quan quân đội lo ngại ông làm mất hẳn bản sắc Arab của đất nước. Nhiều sĩ quan quân đội trước kia ủng hộ Qasim nay quay sang chống lại ông, hoặc ngả theo đảng Ba’ath, một đảng XHCN khác nhưng vẫn giữ chủ nghĩa dân tộc Arab. Trong năm 1959, một cuộc nổi dậy đã diễn ra ở Mosul, thành phố lớn thứ 2 Iraq làm rung chuyển chế độ.
Dù ban đầu Qasim tuyên bố cách mạng Iraq học theo hình mẫu Ai Cập, nhưng sau những cải cách theo mô hình Liên Xô của Qasim, rõ ràng Ai Cập không còn ủng hộ Qasim nữa. Đỉnh điểm là sau khi Iraq từ chối gia nhập ”Cộng hòa Arab thống nhất” của Ai Cập và Syria, tổng thống Nassar hoàn toàn quay lưng với Qasim, và quay ra ủng hộ đảng Ba’ath của Saddam Hussein. Rõ ràng vị thế trong khối Arab của Iraq đã bị suy yếu đáng kể.
Đối với Liên Xô, cuộc cách mạng năm 1958 ở Iraq không khác gì một món quà với nước này. Họ nhanh chóng biến Iraq thành đồng minh Cộng sản duy nhất ở Trung Đông. Hàng loạt nhân vật Cộng sản Iraq lưu vong (cả người Kurd và Arab) trở về nước. Dù sau này Liên Xô có hỗ trợ cho Syria hay Ai Cập trong chiến tranh, không nước nào đạt được vị thế với Liên Xô như Iraq có đươc từ năm 1958 đến 1963.

Ngược lại với Mỹ, Anh và các nước đồng minh của họ, cuộc cách mạng Iraq và sự hình thành một nhà nước Cộng sản ngay chính giữa Trung Đông là một cái gai trong mắt trong bối cảnh chủ nghĩa Xã hội Arab vốn đã lan rộng ở Bắc Phi. Trong khi chưa thể làm gì cách mạng Iraq, Mỹ và Anh tăng cường hỗ trợ cho các đồng minh như vua Shah ở Iran, các chế độ quân chủ Jordan, Oman, Kuwait và nhất là Israel để ngăn chặn nguy cơ sụp đổ.
4/ Đánh giá về cách mạng 1958
Dưới thời Saddam Hussein, việc bàn luận về cách mạng 1958 và chế độ Cộng sản là điều cấm kỵ. Nhiều tài liệu về thời kỳ này bị xóa bỏ đến nỗi người ta không thể tìm thấy xác của Thủ tướng Qasim sau khi bị hành quyết năm 1963. Đảng Cộng sản bị cấm đoán, hứng mọi tuyên truyền bôi nhọ, chỉ trích. Thậm chí những ”chiến công” tàn sát những người Cộng sản sau năm 1963 còn được đảng Ba’ath cổ động, đến nỗi Iraq còn làm phim mô tả cuộc đời Saddam Hussein trong vụ ám sát thủ tướng Qasim năm 1959.
Phải sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, người ta mới có thể thảo luận và đánh giá rộng rãi về thời kỳ Cộng sản ngắn ngủi ở Iraq. Hiện nay, hầu như hàng năm ngày Cách mạng 14 tháng 7 đều được kỷ niệm và diễu hành ở Iraq. Vào năm 2004, người ta đã tìm thấy hài cốt của thủ tướng Qasim bị hành quyết, và đã lập đài tưởng niệm ông. Đa phần đánh giá hiện nay đều coi cuộc cách mạng 1958 trước hết có ý nghĩa tích cực trong việc xóa bỏ chế độ quân chủ để đưa đất nước Iraq theo hướng hiện đại. Các cải cách sau đó cũng có ảnh hưởng tích cực, làm thay đổi căn bản bộ mặt đất nước và cuộc sống người dân. Tuy nhiên sau cách mạng, các thành tựu này rơi vào tay đảng Ba’ath.
Bên cạnh đó, cách mạng cũng còn vài hạn chế do các cải cách không phù hợp với xã hội, quá phụ thuộc vào Liên Xô và coi nhẹ vai trò của thế giới Arab. Điều này dẫn đến cách mạng không bền vững và bị sụp đổ chỉ sau 5 năm. Bên cạnh đó là việc hành quyết dã man Hoàng gia cũng làm cho nhiều người không đồng tình. Trong thế giới Arab hiện nay, nhiều chế độ chuyên chế bảo thủ vẫn phê phấn cách mạng 1958 ở Iraq.
Tượng đài Karim Qasim ở Iraq ngày nay.
(Hết phần 1)