Sức Mạnh Của Sự Yên Lặng Trong Một Thế Giới Nói Không Ngừng
Chào các bạn, vẫn là mình đây. Vẫn là cô gái với một niềm đam mê nho nhỏ đó là, có thể khám phá những điều thú vị đang xảy ra ở thế giới xung quanh mình. Nó không chỉ xoay quanh một lĩnh vực nhất định, mà niềm đam mê ấy đã mở rộng thêm nhiều khía cạnh khác như khoa học, tự nhiên, vũ trụ, kinh doanh… thậm chí bao gồm cả về tâm sinh lý con người. Tất cả những điều đó, mình đều tìm kiếm qua internet và những cuốn sách hay mình đã đọc. Với mong muốn là chia sẻ những góc nhìn, quan điểm của cá nhân về các kiến thức, các giá trị nhân sinh đến với các bạn thông qua blog này. Vậy thì, hôm nay mình sẽ nói với các bạn về quyển sách nào? Và những giá trị của quyển sách ấy mang lại như thế nào đối với cuộc sống chung quanh chúng ta? Hãy cùng mình tìm hiểu nhé.

Mỗi ngày, chúng ta đi học hoặc đi làm đều có thể bắt gặp những con người có tính cách khác biệt ở xung quanh mình. Hay nói một cách khác, những người đó sở hữu một tính cách hoàn toàn đối lập với cá tính của chính bản thân chúng ta. Cụ thể, họ yêu thích không gian yên tĩnh và ghét nơi ồn ào, họ im lặng (hoặc ít nói) trong các buổi giao tiếp, họ không thích tham gia những bữa tiệc náo nhiệt của tập thể, họ có thể ngại ngùng khi đứng trước đám đông để trình bày một ý kiến hay một quan điểm nào đó, vân vân… Vậy bạn có từng nghĩ đến Vì sao họ lại khác biệt với chúng ta đến thế hay không? SUSAN CAIN, tác giả của cuốn sách HƯỚNG NỘI – Sức mạnh của sự yên lặng trong một thế giới nói không ngừng sẽ đem đến bạn những góc nhìn, quan điểm dựa trên các nghiên cứu khoa học giúp bạn có thể hiểu rõ hơn về thế giới đầy màu sắc của những con người đặc biệt này nhé.
Đầu tiên, như thường lệ mình sẽ nói đôi nét về tác giả Susan Cain, người đã thành công khi viết về các khía cạnh của nhóm Hướng nội mà những người mang tính cách đối lập chưa được biết đến. 
Cô Susan Cain, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1968 tại Mỹ. Cô từng là một giảng viên người Mỹ, từng tốt nghiệp cả Đại học Princeton và Trường Luật Harvard. Thậm chí, cô Cain đã gặt hái được thành công nhất định khi làm việc cho một công ty về lĩnh vực đàm phán, đồng thời là nhân viên của Woodhull – một tổ chức phi lợi nhuận về Giáo dục. 
Sự nghiệp thành công như thế nhưng cô vẫn quyết định từ bỏ công việc để trở thành nhà văn, một nhà tâm lý học. Và cuốn sách Hướng Nội, cô Susan Cain đã viết bằng tất cả những tâm tư, tình cảm của mình, thậm chí sẽ có đôi lúc bạn có thể cảm nhận từng câu chữ của cô khi viết như là một lời kể về cuộc đời của chính mình. Quyển sách đã được New York Time cho ra mắt, nhanh chóng bán chạy và dịch với 30 ngôn ngữ trên thế giới. Đồng thời, các bài viết của cô Susan Cain được xuất hiện hàng loạt trên các trang danh tiếng như: New York Times, Dallas Morning New, tạp chí O, PsychologyToday.com v.v…
Quyển sách Hướng Nội được cô viết một cách rất sinh động, rất chân thực khi nói đến một bức tranh toàn cảnh của người hướng nội phải đấu tranh hằng ngày với nội tâm của chính mình, chỉ để tìm cách có thể dung hòa và tồn tại trong thế giới ồn ào, náo nhiệt này. Và chỉ khi bản thân họ hoặc người xung quanh hiểu đúng bản chất Hướng Nội thì đó mới chính là lúc họ thực sự tỏa sáng và tràn đầy sức mạnh.
Một quyển sách “Thay lời muốn nói” cho những người Hướng Nội
Cầm quyển sách trên tay, điều đầu tiên trong quyển sách khi bạn giở ra sẽ bắt gặp những lời nhận xét của các đọc giả gửi về. Họ đều là những người có học vị hoặc một địa vị nhất định trong xã hội. Một trong số đó, có lời nhận xét của Margarita Tartakovsky (Người viết về sức khỏe tâm thần và chăm sóc sức khỏe tự do), PsyCentral.com mà mình thấy hay nhất, cô nói:

“Một tác phẩm gối đầu giường. Quyển sách được trình bày đẹp đẽ chứa đầy những câu chuyện và nghiên cứu khoa học có cơ sở vững chắc và thường gây bất ngờ… Hướng nội là một tác phẩm hấp dẫn và kích thích tư duy, nhắc chúng ta nhớ tới những nguy hiểm của việc chỉ nghe theo tiếng nói to nhất. Sách phá vỡ những câu chuyện hoang đường xoay quanh tính hướng nội và động viên chúng ta tin tưởng vào thiên hướng tự nhiên của mình.”

Thật vậy, Hướng nội là quyển sách thực sự hữu ích, đặc biệt đối với những ai vẫn thường hay đổ lỗi hoặc cho rằng sự yêu thích thế giới yên lặng của mình là một điều gì đó không bình thường. Với lối tư tưởng, suy nghĩ đó, thay vì họ có thể thoải mái, tự tin khi bộc lộ những tài năng ưu việt của mình thì họ lại chọn cách thu hẹp bản thân lại để tránh đi những lời dị nghị không đáng có. 
Đồng thời, cô cũng đã chỉ ra rằng, việc hiểu sai nhóm người Hướng Nội đã khiến cho chúng ta thiệt thòi đến mức nào khi biết được một trong nhóm người thành công trên thế giới có những đóng góp lớn lao cho xã hội lại là Người Hướng Nội. Cụ thể, trong phần Giới Thiệu – Hai Cực Bắc Nam Trong Tính Cách, cô Susan Cain nhắc đến một nhóm người Hướng Nội mà nếu không có họ thì sẽ không có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, những phát minh vĩ đại nhất của loài người từ các thuyết vạn vật hấp dẫn – Isaac Newton, bức tranh Hoa Hướng Dương của Van Gogh, bộ truyện Harry Potter – J.K.Rowling, Truyện kể Peter Pan – J.M.Barrie cho đến các chiếc máy tính cá nhân hay là công cụ tìm kiếm Google của Larry Page mà bạn đang sử dụng hằng ngày. Tất cả những điều đó, điều bắt nguồn từ những con người trầm lặng và yêu thích nghĩ ngợi, họ biết cách thu mình vào thế giới nội tâm và tìm ra những tài sản quý báu ở đó.
Quyển sách bao gồm bốn phần lớn, trong mỗi phần lớn sẽ chia ra các chương nhỏ. Cũng giống như các review trước đây, mình cũng sẽ chỉ nói về những phần theo cá nhân mình thấy ấn tượng và hay nhất, phần còn lại là các bạn nên đọc và nghiền ngẫm để có thể hiểu sâu sắc hơn về giá trị quyển sách mang lại nhé.
Phần Một – HÌNH MẪU HƯỚNG NGOẠI
Trong chương mở đầu của Phần một – SỰ TRỖI DẬY CỦA HÌNH TƯỢNG BẠN CỰC KỲ DỄ MẾN, Tính hướng ngoại trở thành hình mẫu trong văn hóa như thế nào.
Nếu bạn nào từng xem qua cuốn sách Đắc Nhân Tâm (link review tại đây) của tác giả Dale Breckenridge Carnegie thì sẽ không thể nào không biết đến những nguyên tắc chinh phục nhân tâm nổi tiếng của ông. Nhưng liệu rằng, có ai biết đến ông cũng được xem là một trong những người Hướng Nội trước khi trở thành một nhà thuyết trình tài ba, người đã viết nên một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại. 
Mở đầu chương này, cô Cain đã kể về hành trình cuộc đời ông từ khi còn là một cậu bé trầm tĩnh, ít nói, rất kính trọng ba mẹ và mang trong mình nhiều nỗi sợ hãi với thế giới xung quanh. Thậm chí, ông còn lo sợ cho ngày cưới của mình, nếu lỡ như ông không thể nói chuyện với người vợ sẽ cùng ông đi đến hết cuộc đời này, thì sẽ ra sao?
Từ khi ông biết đến diễn giả nổi tiếng vào thời kỳ đó là Chautauqua, thì đối với một cậu bé ở vùng nông thôn xa xôi ấy lại có sức hút không thể tưởng được. Bởi vì một phần, ở vùng nông thôn nước Mỹ luôn đánh giá cao các diễn giả này vì ánh hào quang mà họ đem đến từ các câu chuyện ở thế giới bên ngoài, phần khác thì họ say mê cái cách mà các diễn giả truyền đạt đến họ, nó luôn là một điều gì đó khiến họ bị mê hoặc. Và cậu bé ấy cũng không ngoại lệ, dần dần ông nhận ra được các giá trị hữu ích khi đứng nói chuyện trước đám đông, trước hàng nghìn khán giả đang chăm chú lắng nghe. Để rồi, quá trình “Lột Xác” của một cậu bé chân lấm tay bùn dần dần học cách thay đổi để trở thành một người có sức ảnh hưởng không chỉ riêng đất nước Mỹ, mà trên toàn thế giới không ai không biết đến.
Lấy ông Carnegie làm hình ảnh điển hình của nhóm người hướng nội, cô Cain đã rất khéo léo khi nói về thời điểm bắt đầu của những giá trị văn hóa hiện nay mà ở đó, nhóm người hướng ngoại chiếm đa số. Cuộc hành trình biến đổi của ông Carnegie phản ánh một cuộc cách mạng văn hóa có điểm bùng phát khi bước vào thế kỉ XX, từ một xã hội mà theo nhà sử học văn hóa nổi tiếng Warren Susman gọi là Văn Hóa Phẩm Chất chuyển sang Văn Hóa Tính Cách. Từ đó, kéo theo những niềm tin tưởng về các giá trị nếu bạn là người hướng nội, bạn sẽ bị kiểm hãm trong thế giới của bạn, và bạn sẽ không thể thành công nếu như chính bạn không thay đổi được tính cách của mình. Và điều đó dần dần được khắc họa rõ hơn trong chương 2, Phần 1 – TRUYỀN THUYẾT VỀ KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO LÔI CUỐN, Văn hóa tính cách sau 100 năm. Về phẩm chất bán hàng: trải nghiệm trực tiếp với Tony Robbins mà bạn có thể xem chi tiết trong quyển sách này.
Phần hai – BẢN CHẤT SINH HỌC CỦA BẠN, CÁI TÔI CỦA BẠN?
Chương bốn – CÓ PHẢI KHÍ CHẤT LÀ SỐ PHẬN? Bản chất, quá trình nuôi dưỡng và Giả thuyết Hoa Phong Lan. Ở chương này, tác giả đã đặt ra hàng loạt những câu hỏi về nhóm đứa trẻ sở hữu tính cách hướng nội: “Liệu rằng, tích cách hay rụt rè, sợ sệt khi đứng nói chuyện trước đám đông có phải chăng liên quan đến kết quả của “quá trình nuôi dưỡng” – cách được nuôi dạy từ khi còn bé? Nếu cha mẹ là người trầm tư, ít nói và cũng ghét nói chuyện trước đám đông thì những đứa trẻ khi lớn lên cũng sở hữu một phần tình cách tương tự vậy? Hay đó là do “bản chất” – một thứ gì đó nằm sâu trong cấu tạo gen của đứa trẻ?
Để đi tìm câu trả lời, cô Cain đã đi tìm các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này. Và trong số những nhà nghiên cứu đó, cô đã gặp gỡ nhà tâm lý học, Jerome Kagan, 82 tuổi. Người dành cả đời cho sự nghiệp nghiên cứu sự phát triển nhận thức và cảm xúc ở trẻ em. Trong suốt quá trình nghiên cứu ở mọi nhóm tuổi, từ bé mấy tháng cho tới những đứa trẻ 11, 12 tuổi. Ông Kagan đã nhận ra một số đặc trưng cơ bản trong tính cách của các bé mà khi lớn lên, có rất nhiều khả năng trở thành người trầm tính. Ông chia tính cách của nhóm trẻ ấy thành hai loại: Nhóm phản ứng cường độ cao (NPUCĐC) và Nhóm phản ứng cường độ thấp (NPUCĐT). Sự phân loại này ông cho rằng có khuynh hướng liên quan đến tính cách hướng nội (NPUCĐC) và tính cách hướng ngoại (NPUCĐT) sau khi trưởng thành.
Đồng thời, giả thuyết mới mang tính đột phá “Giả thuyết Hoa Phong Lan” của David Dobbs được đăng trên tờ Atlantic có nhận định rằng: Những đứa trẻ mang phản ứng cao bị ảnh hưởng sâu sắc từ môi trường xung quanh nhiều hơn những đứa trẻ phản ứng bình thường. Điều đó có nghĩa những đứa trẻ hoa phong lan có thể trưởng thành dễ dàng ở bất kỳ môi trường nào, thậm chí sẽ phát triển cực kỳ tốt trong các điều kiện thích hợp. Nhưng đồng thời, hệ thần kinh của những bé này lại rất dễ bị tác động đến từ các yếu tố bên ngoài, như tuổi thơ bất hạnh, môi trường sống không lành mạnh, bị bắt nạt v.v… Điều này chứng tỏ, nếu sống trong môi trường tích cực hoặc tiêu cực cũng dễ dàng tác động mạnh đến tính cách của nhóm trẻ hướng nội sau này.
Ngoài ra, các nhà tâm lý học cũng tranh luận về sự khác biệt của “Khí chất” và “Tính cách”. Họ cho rằng, khí chất là những hành vi và cảm xúc mang tính sinh học và nó thuộc về bẩm sinh từ khi còn bé. Còn tính cách là một tập hợp những nhận thức từ những yếu tố bên ngoài tác động lẫn các trải nghiệm cá nhân. Để hiểu rõ hơn quá trình nghiên cứu của nhà tâm lý học Kagan, bạn có thể đọc chi tiết trong quyển sách Hướng Nội của cô Cain nhé.
Phần bốn – YÊU THƯƠNG THẾ NÀO, LÀM VIỆC RA SAO
Chương 11 – THỢ SỬA GIÀY VÀ NHỮNG VỊ TƯỚNG, Cách nuôi dưỡng những đứa trẻ trầm tính trong một thế giới nói không ngừng. Trong phần này, cô Cain kể về việc quá trình nuôi dạy đứa trẻ trầm tính ít nói – Isabel với người mẹ có tính cách năng động, phong thái tự tin và yêu thích môi trường vui vẻ – Joyce một cách rất chân thực và sống động. Dưới hai hình thái tính cách đối lập nhau ở người mẹ và cô con gái, họ đều bắt gặp những khó khăn riêng khi không thực sự hiểu đối phương đang nghĩ gì, và có những mong muốn như thế nào? 
Có một điều đáng mừng ở đây, khi cô Cain kể về người mẹ Joyce là người mẹ không ép buộc người con thay đổi tính cách để phù hợp với môi trường. Cô Joyce từng bước quan sát và tiếp nhận các thông điệp của bé khi lựa chọn cho mình những nơi tĩnh lặng để phục hồi năng lượng, cũng như bé chỉ chơi một nhóm bạn nhỏ mà ở đó bé cảm nhận được sự thoải mái hay là bé vì sao không thích tham gia các hoạt động của trường. Ngoài ra, từ việc người mẹ quan tâm dưới góc độ hiểu và khích lệ khi trẻ muốn làm một điều gì hoặc đạt được một thứ gì đó đã khiến bé dễ dàng cởi mở hơn, chia sẻ nhiều hơn những gì bé đang suy nghĩ. Từ đó, việc ở chung giữa hai tính cách đối lập nhau sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Lời kết
Khi bạn đọc quyển sách Hướng Nội này, bạn sẽ hiểu nhiều hơn về nhóm người hướng nội cũng như cách thức họ che giấu bản chất Hướng Nội trong các cử chỉ sinh hoạt hằng ngày, ví dụ: 
Người hướng nội vẫn có thể “tỏ ra” hướng ngoại, nếu người hướng nội hoàn toàn có khả năng hành động được như người hướng ngoại, hay người hướng nội có thể tổ chức một bữa tiệc bất ngờ cho người vợ hướng ngoại của mình, hay tham gia hội phụ huynh ở trường con gái mình, dù bản chất họ không muốn, hay là trong các cuộc cãi vã, người hướng nội thường có xu hướng lựa chọn sự im lặng thay vì đối đầu như nhóm người hướng ngoại v.v.. Thậm chí, người hướng nội hoàn toàn có thể tham gia những câu chuyện phiếm (mặc dù bản chất của họ là ghét nói chuyện phiếm), thay vì lựa chọn những nơi yên tĩnh để phục hồi năng lượng. 
Thật ra, trong quyển sách này còn rất nhiều quan điểm cũng như các lập luận chặt chẽ của cô Cain mình đều thấy rất hay. Nhưng mình ưu tiên lựa chọn những phần nói về quá trình hình thành cũng như cách giáo dục của một đứa trẻ từ khi còn bé. Bởi lẽ, việc hiểu và nuôi dạy một đứa trẻ hướng nội đều cần sự kiên nhẫn, thấu hiểu, cảm thông từ các bậc phụ huynh. Việc áp đặt hoặc nuôi dạy sai cách sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với sự hình thành và phát triển của bé sau này. Không chỉ về mặt tâm sinh lý mà còn về thể chất nếu những điều bé tiếp nhận là các vấn đề tiêu cực đến từ môi trường bên ngoài.
Đồng thời, Cuốn sách hoàn toàn không có ý bài xích nhóm người hướng ngoại, hay đề cao nhóm người hướng nội hơn những người hướng ngoại. Điều đơn giản là cô chỉ nêu lên sự khác biệt lớn giữa hai nhóm tính cách. Để tất cả chúng ta dù có phải là người hướng nội hay không đều có một góc nhìn khác về những người đặc biệt này. Ngoài ra, đối với người hướng nội, cô Cain cũng mong muốn cho họ hiểu được những giá trị tiềm ẩn từ đằng sau tính cách mình, từ đó có thêm phần tự tin hơn khi bộc lộ những tài năng chưa được khai phá.
Theo dõi blog mình tại đây nhé https://daisystown.com/
– Zoey C –