Xin chào các bạn!
Chắc hẳn ai cũng từng nghe nhắc tới bộ kinh điển tôn giáo nổi tiếng nhất thế giới: Kinh Thánh. Vậy với câu hỏi trong Kinh Thánh có gì, có lẽ rất nhiều người đã tự hỏi và mong muốn tìm câu trả lời. Tuy nhiên qua quan sát xung quanh mình nhận thấy ít người đã từng đọc Kinh Thánh, đặc biệt là Ngũ Thư Cựu Ước một cách đầy đủ. Do đó, mình viết series này từ trải nghiệm cá nhân, chia sẻ phương pháp mình đã sử dụng trong quá trình đọc trọn vẹn Ngũ Thư (5 cuốn sách đầu tiên) để đem lại kết quả tốt nhất.
Series bài viết này sẽ trả lời các câu hỏi:
- Có nhất thiết phải đọc Kinh Thánh không? - Thời gian đọc là bao lâu? Có thể tìm ở nguồn nào và dùng phương tiện nào? - Những điều cần biết để quá trình đọc thành công là gì?
Bài viết được trình bày theo 10 bước, chia làm ba giai đoạn chính: trước, trong và sau khi đọc.

1. Trước khi đọc: Xác định mục tiêu

a. Về phía người đọc

Có một sự thật là bạn có thể tìm vô số thông tin về Kinh Thánh từ tất cả các nguồn qua sách vở, Internet và những người bạn quen biết. Với một văn bản tôn giáo đã tồn tại từ thời kỳ Đồ Sắt, đã và đang có những nghiên cứu cực kỳ kỹ lưỡng về nhiều mặt của tác phẩm này. Việc tìm bản dịch cũng không mấy khó khăn, khi chỉ riêng trang BibleGateway.com đã xuất bản miễn phí hơn 200 bản dịch trong 70 ngôn ngữ, phục vụ kha khá nhu cầu tra cứu theo quan điểm của mình.
Với nguồn thông tin khổng lồ như vậy, tại sao việc thực sự đọc Kinh Thánh vẫn rất khó khăn? Có lẽ nguyên nhân là mọi người tìm đến Kinh Thánh từ các vị trí khác nhau, với các mục tiêu khác nhau, và có nhu cầu hiểu Kinh Thánh theo cách phù hợp với vị trí và mục tiêu đó. Mình tạm liệt kê một số ví dụ:
- Bạn là sinh viên, cần tìm hiểu về Kinh Thánh cho nhu cầu học tập. Chủ đề học tập của bạn không nhất thiết phải là tôn giáo, mà có thể là ngôn ngữ, lịch sử, văn học bao hàm trong tác phẩm.
- Bạn là người tín hữu theo một tôn giáo sử dụng Kinh Thánh, tuy nhiên chưa lần nào đọc hoặc chưa đọc hết cách sách của Kinh Thánh.
- Bạn không phải là người tín hữu, nhưng có niềm tin hoặc cảm nghiệm tôn giáo gần với những gì được miêu tả trong Kinh Thánh, và muốn tìm đến Kinh Thánh để có thêm hiểu biết & đào sâu trải nghiệm.
- Bạn đang theo học để gia nhập một tôn giáo có sử dụng Kinh Thánh.
- Bạn không có bất cứ niềm tin nào cả, nhưng tò mò về Kinh Thánh do các giá trị văn hóa tinh thần mà nó đem lại. Có khả năng bạn đang nghiên cứu một chủ đề liên quan và cần đọc Kinh Thánh để tìm câu trả lời.
QUAN TRỌNG: Mình sẽ không khuyến khích nếu bạn tìm tới Kinh Thánh với mục tiêu duy nhất để tìm ra khuyết điểm, sai lầm, để hạ thấp tôn giáo hoặc để bới móc người khác, vì nó đi ngược lại toàn bộ tinh thần của Kinh Thánh. Nếu bạn có ý định đó, thì việc đọc sẽ không đem lại lợi ích gì mà chỉ khiến bạn chán nản và mất phương hướng ngay từ đầu.
Với từng mục tiêu trên đây, kết quả đạt được sẽ có nhiều khác biệt. Mặc dù nội dung của Kinh Thánh có thể nói là bất biến, thì mục tiêu của riêng bạn có thể ảnh hưởng rất lớn đến quyết định lựa chọn văn bản và phương pháp đọc nào tốt nhất cho mình.

b. Về phía đối tượng

Sau khi đã xác định bản thân mình muốn gì, câu hỏi tiếp theo là bạn sẽ đáp ứng nhu cầu của mình với phần nào của Kinh Thánh? Trong trường hợp có nhiều thời gian, có thể đọc từ đầu tới cuối là hoàn toàn khả thi, nhưng bạn cũng có một số lựa chọn khác, trong đó mình sẽ khuyên hai cách đọc:
- Đọc toàn bộ: Cựu Ước trước, Tân Ước sau hoặc ngược lại
- Chỉ đọc phần nền tảng tôn giáo: có một vài sách theo mình là nền tảng cho toàn bộ tôn giáo liên quan, nếu bạn bỏ qua thì sẽ không thể hiểu các sách còn lại. Đó là:
+ Ngũ thư (05 sách đầu của Cựu ước) về lịch sử hình thành dân tộc Do Thái. + Tin Mừng (sách số 1-4 của Tân Ước) về cuộc đời và những lời rao giảng của Chúa Giê-su. Bạn cần đọc tối thiểu 01 sách Tin Mừng. + Công vụ Tông đồ (sách số 5 của Tân Ước) về hành trình truyền giáo của các tông đồ theo Chúa Giê-su.
So sánh:
Về khối lượng & thời gian: Ví dụ với bản Kinh Thánh tiếng Việt mình đang có trên tay là bản Lời Chúa cho mọi người, loại chữ lớn dịch bởi nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV), xuất bản năm 2014. Toàn bộ cuốn sách gồm 2179 trang, trong đó khối lượng của Tân Ước là 586 trang và Cựu Ước là 1581 trang, kể cả chú thích (12 trang còn lại dành cho phần giới thiệu, ký hiệu và mục lục). Vì dàn trang khiến cho chữ khá sát nhau, trung bình mỗi trang gồm 900 chữ - tức gấp đôi một trang sách thông thường. Với tốc độ đọc khoảng 1 trang thông thường/phút, trong điều kiện lý tưởng, không đứt quãng bạn có thể hoàn thành Tân Ước trong ít nhất 20 giờ, Cựu Ước trong khoảng 53 giờ. Nếu chỉ lấy phần nền tảng, tổng khối lượng là từ 408 tới 434 trang, tương đương ít nhất 14-15 giờ đọc.
Về nội dung: Với mỗi cách đọc kể trên, bạn có thể lựa chọn đọc phần liên quan tới Cựu Ước trước, Tân Ước sau hoặc ngược lại, tùy vào mục tiêu của mình, ví dụ:
- Nếu bạn có hứng thú chủ yếu với văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng Do Thái, thì bắt đầu với Cựu Ước là lựa chọn tốt.
- Thay vào đó, nếu bạn có hứng thú chủ yếu với tôn giáo gọi là "Thiên Chúa giáo" phương Tây, hay còn gọi là Ki-tô giáo, thì đọc Tân Ước trước sẽ tốt hơn.

2. Trước khi đọc: Chọn nguồn văn bản

Khi đã xác định được mục tiêu và đối tượng rồi, ở bước tiếp theo bạn cần tìm kiếm một nguồn văn bản phù hợp. Đây sẽ là bước khá khó khăn, bởi vì không thể tìm thứ gọi là bản gốc Kinh Thánh, chỉ có các bản văn được sao chép và dịch thuật. Do đó bạn sẽ phải hiểu rõ nguồn của mình ở các mặt sau:
- Bản Kinh Thánh này thuộc tôn giáo nào: Nói một cách đơn giản nhất thì có sự khác biệt giữa Kinh Thánh của Do Thái giáo và Ki-tô giáo, cũng như giữa các tôn giáo khác nhau trong hệ Ki-tô giáo. Bạn cần chuẩn bị cho mình kiến thức cơ bản để phân biệt giữa các tôn giáo này, tiêu biểu nhất là Do Thái giáo (Judaism), Công giáo (Catholicism), Chính Thống giáo (Orthodoxy), và một số hệ phái Tin Lành (Protestantism). Sự khác biệt sẽ không chỉ ảnh hưởng tới số sách xuất hiện trong bản mà bạn chọn đọc, nhưng còn cả khác biệt trong nội dung từng sách, nhất là cách dịch chú giải. Để biết từng bản Kinh Thánh thuộc tôn giáo nào, bạn cần tới một chút kỹ năng tìm kiếm thông tin, nhất là tìm hiểu ai là người thực hiện bản dịch, ai là người phê duyệt đâu là bên xuất bản.
- Cuốn sách bạn cầm trên tay có đúng là Kinh Thánh không: Để hiểu mặt này bạn cần hiểu về các khái niệm quy điển (canon), đệ nhị quy điển (deuterocanon), ngụy tác (apocrypha) chỉ phân loại các sách theo góc nhìn của từng tôn giáo kể trên. Dù bạn nghiên cứu theo tôn giáo nào, hãy chắc chắn bạn đang theo canon (quy điển) trước.
- Cuốn sách đó có tin cậy không: Nhìn chung, một người đọc thông thường có thể tin tưởng ở việc có rất ít khả năng một câu hay đoạn Kinh Thánh là sai lệch hoàn toàn. Nhưng vẫn có sự khác biệt do hai nguyên nhân chính sau:
+ Phương pháp dịch: tùy mục đích bản dịch để nghiên cứu hay để phổ biến tôn giáo, mà người dịch có thể chọn dịch ý theo ý hoặc chữ theo chữ. Đương nhiên chữ theo chữ thì chính xác hơn, nhưng cũng có thể khiến người đọc bình thường thấy quá khó và bỏ cuộc sớm. Bản ý theo ý sẽ giúp người đọc thoải mái hơn mà vẫn chuyển tải thông điệp chính, nhưng sẽ không mấy tác dụng với người cần tìm hiểu sâu về ngôn ngữ. (Nếu có ý định tìm hiểu rất nghiêm túc, bạn cần trang bị kiến thức về các ngôn ngữ gốc của Kinh Thánh, nhất là cơ bản về tiếng Hebrew và Hy Lạp).
+ Hiện tượng dị bản: trái với những gì ta thường nghĩ, bản xuất hiện càng sớm thì càng có khả năng sai sót. Với sự phát triển của nghiên cứu, nhất là trong thế kỷ 19-20, càng ngày người ta càng xác định được đâu là bản gần với nguyên gốc nhất, để ra được bản dịch có khả năng trung thành nhất với bản gốc đó (cho dù không thể tìm ra bản gốc). Do đó, có thể đại khái những cuốn xuất bản từ thế kỷ 19 trở đi là đáng tin cậy hơn so với các thế kỷ trước đó.

3. Trước khi đọc: Làm quen với tên sách và ký hiệu

Phần này sẽ không quá khó, vì mỗi nơi đều có một bảng tên sách kèm theo ký hiệu dùng để đối chiếu (cross-reference). Ví dụ, bản Kinh Thánh mình đang dùng sẽ có các tên sau cho 5 cuốn đầu của Cựu Ước, tức là Ngũ Thư: sách Sáng thế, sách Xuất hành, sách Lê-vi, sách Dân số, sách Đệ nhị luật. Hoặc tên khác cho các cuốn này có thể là: Sáng-thế ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, Dân-số Ký, Phục-truyền Luật-lệ Ký; hay trong tiếng Anh là Genesis, Exodus, Leviticus, Numbers Deuteronomy.
Mỗi cuốn sách sẽ được chia thành chương và câu. Ví dụ sách Dân số chương 14, câu 18 trích trong một số bản như sau:
ĐỨC CHÚA chậm giận và giàu ân nghĩa, chịu đựng lỗi lầm và tội ác, nhưng không dung tha điều gì ; phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông.
Dân số 14,18 - ấn bản LCCMN
hoặc là:
Đức Giê-hô-va vốn chậm nóng giận và đầy ơn; hay xá điều gian ác và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, và nhơn tội tổ phụ phạt con cháu trải ba bốn đời.
hoặc là:
The Lord is patient and full of mercy, taking away iniquity and wickedness, and leaving no man clear, who visitest the sins of the fathers upon the children unto the third and fourth generation.
Numbers 14:18, Douay-Rheims Bible
thậm chí có thể là:
Dominus patiens et multae misericordiae, auferens iniquitatem et scelera, nullumque innoxium derelinquens, qui visitas peccata patrum in filios in tertiam et quartam generationem.
Numeri 14:18, Biblia Sacra Vulgata
Đây là kết của phần 01. Ở phần sau, mình sẽ viết về tìm hiểu bối cảnh, tác giả, thể loại, và bước vào phần đọc Kinh Thánh với đọc chú thích và dẫn nhập, đọc và suy ngẫm.
Cảm ơn các bạn!