Atomic Habits: Bạn đã hiểu đúng về tạo lập thói quen?
Cách đây hai tháng, mình vẫn nghĩ xây dựng thói quen đơn giản chỉ là lặp đi lặp lại một việc nhiều lần đến khi có thể tự động làm mà...
Cách đây hai tháng, mình vẫn nghĩ xây dựng thói quen đơn giản chỉ là lặp đi lặp lại một việc nhiều lần đến khi có thể tự động làm mà không cần suy nghĩ, quan trọng là phải giữ kỷ luật trong vòng 30 đến 50 ngày liên tục. Rõ ràng việc thất bại khi xây dựng thói quen tốt lẫn loại bỏ thói quen xấu đều do sự thiếu kỷ luật và trách nhiệm với bản thân. Nhưng đó là cho đến khi mình đọc được cuốn Atomic Habits của James Clear...
Một chiếc review không spoil nội dung
Trên thực tế thì nó vẫn đúng, cả việc phải thực hiện liên tục từ 30 đến 50 ngày, lẫn việc mình là một thằng rất thiếu kỷ luật :D
Tuy nhiên, từ cuốn sách, mình hiểu được thêm rất nhiều về việc xây dựng các thói quen. Bạn có biết, 40 đến 50 phần trăm các hoạt động trong ngày của mỗi người phụ thuộc vào các thói quen, hay thói quen tác động đến căn tính (self-identity) của mỗi người như thế nào. Yeah, tin mình đi, những thông tin mà James Clear cung cấp trong Atomic Habits thực sự rất giá trị, nó sẽ biến việc tạo lập thói quen tốt từ một bài kiểm tra khắc nghiệt về tính tự giác và sự kỷ luật thành một bài kiểm tra về tính tự giác và sự kỷ luật nhưng bớt khắc nghiệt đi một chút :D
Atomic Habits sẽ cung cấp cho người đọc một framework để áp dụng khi xây dựng các thói quen tốt cũng như loại bỏ các thói quen xấu.
Điều mình thích ở cuốn sách là, đây không phải tập hợp các lời khuyên, thứ mà người đọc chỉ lướt qua rồi chẳng đọng lại được gì. James Clear đã dành hẳn chương đầu để giúp người đọc hiểu rõ về tác động của những thói quen đối với việc định hình căn tính của mỗi người, việc mọi người đang tạo lập các thói quen sai cách ra sao và quá trình hình thành thói quen có thể được chia thành bốn bước cụ thể như thế nào. Các phương pháp mà ông cung cấp ở những chương sau đều nhằm mục tiêu cải thiện quá trình bốn bước này, từ đó người đọc hiểu mục đích thực sự của từng phương pháp, sẽ nhớ được lâu và có hệ thống hơn.
Một điểm vừa có thể là ưu, vừa có thể là nhược điểm của cuốn sách là James Clear lấy quá nhiều ví dụ. Không phải kiểu ví dụ của Đắc Nhân Tâm, những ví dụ trong Atomic Habits hoàn toàn là để minh họa cho các phương pháp mà ông gợi ý, giúp người đọc hiểu hơn về phương pháp đó. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu các ví dụ xuất hiện một cách quá dày đặc xuyên suốt cuốn sách. Ưu điểm, rõ ràng nó làm cho các phương pháp mà ông gợi ý trong cuốn sách trở nên cực kỳ dễ hiểu và dễ thực hiện. Nhưng nhược điểm, nó sẽ trôi tuột qua đầu bạn vì bạn sẽ hiếm khi phải suy nghĩ về nó (có một bài viết về nhược điểm của cách học thông qua ví dụ rất hay của tác giả Rawwwr, bạn có thể đọc ở đây).
Ngoài ra, ở cuối mỗi phần đều có một bản tóm tắt nội dung cực kỳ ngắn gọn, dễ nhớ, các phương pháp tạo lập thói quen được nêu trong cuốn sách cũng được tóm gọn trong một cheatsheet, rất thuận tiện để đọc lại sau một thời gian dài (dùng để đọc lại nhé, còn chưa đọc sách mà đọc mấy cái này thì mình nghĩ cũng không có ích gì mấy đâu :D)
Từ phần này, mình sẽ trình bày vắn tắt những điều đã học được từ Atomic Habits. Đây không phải một bản tóm tắt sách, đơn giản là mình muốn viết ra để hiểu và nhớ những thông tin trong cuốn sách lâu hơn. Nếu bạn đọc thấy những thông tin dưới đây có ích và muốn hiểu thêm về quá trình tạo lập các thói quen thì hãy mua sách để tự đọc và rút ra bài học cho riêng mình nhé.
Tập trung vào hệ thống thay vì đặt mục tiêu
Mục tiêu là chúng ta sẽ đạt được gì, hệ thống là chúng ta sẽ thực hiện nó như thế nào.
Tất cả mọi người khi muốn tạo lập thói quen mới thường sẽ đặt ra các mục tiêu, như giảm được 5kg sau hai tháng chạy bộ, mỗi tháng đọc hết một cuốn sách. Điều này không sai, nhưng đôi khi chúng ta quá tập trung vào mục tiêu mà quên tạo ra một lộ trình rõ ràng để đi đến mục tiêu đó. Trong cuốn sách, James Clear đã đưa ra 4 lý do vì sao ta không nên quá tập trung vào mục tiêu: (1) người thắng lẫn kẻ thua đều có cùng mục tiêu, người chiến thắng là người biết làm thế nào để đạt được mục tiêu, (2) đạt được mục tiêu chỉ là sự thay đổi tạm thời, nếu không thay đổi chính bản thân thì đâu sẽ lại hoàn đó, (3) mục tiêu giới hạn hạnh phúc bản thân, ta chỉ hạnh phúc khi hoàn thành mục tiêu và (4) một mục tiêu sẽ trục trặc với quá trình dài hạn, sau khi hoàn thành mục tiêu thì ta sẽ làm gì? Tiếp tục cố gắng hay sẽ nghỉ xả hơi vài (chục) hôm như mình :_)
Đạt được mục tiêu thực ra cũng chỉ là một thay đổi tạm thời, cái chúng ta hướng đến là một thói quen sẽ đi theo ta một thời gian dài. Quá tập trung vào mục tiêu đôi khi lại làm mất động lực phấn đấu khi đã đạt được nó. Ngược lại, hệ thống là tổng hợp của nhiều yếu tố: sự phân bổ thời gian trong ngày, các cam kết hoặc một phương pháp giúp định lượng sự tiến bộ. Việc tạo ra một hệ thống tốt, nghiêm ngặt thực hiện nó sẽ đem lại hiệu quả cao hơn là một mục tiêu mà ta sẽ không bao giờ thực hiện.
Tất nhiên là ai khi đặt mục tiêu cũng sẽ vẽ ra lộ trình để thực hiện nó, như mỗi ngày chạy bộ 2km, mỗi ngày đọc hai mươi trang sách. Cái mình muốn nhấn mạnh là đừng quá tập trung vào mục tiêu. Thay vì đó hãy xây dựng một hệ thống thật chi tiết, thực hiện nó thật nghiêm ngặt, vì sau cùng thì thứ đi theo ta sẽ là hệ thống chứ không phải mục tiêu ban đầu đề ra. Sau hai tháng chạy bộ, bạn vẫn không giảm được 5kg thì sao? Đừng thất vọng, vứt mẹ cái mục tiêu và tiếp tục chạy đi :D
Thay đổi thói quen cần song hành với thay đổi căn tính
Căn tính (self-identity) ở đây có thể hiểu là cách một người nhìn nhận chính bản thân của họ.
Căn tính mỗi người được xây dựng dựa trên kinh nghiệm mà người đó đã trải qua.
Để làm rõ hơn (không phải để chứng minh, tác giả cuốn sách cũng không đính kèm bài báo khoa học nào cho luận điểm trên :/ ) mình xin được kể một câu chuyện về đứa bạn cùng phòng mình. Có lần nó tâm sự với mình là nó đang sinh hoạt trong một vài hội nhóm. Một hôm, trong buổi sinh hoạt, nó bàng hoàng nhận ra là nó không thể nhớ được tên bất kỳ ai trong cái biển người này, rồi nó nghĩ bản thân là kiểu "khó nhớ tên người khác". Lần tới, thay vì cố nhớ tên mọi người, nó lấy lý do là "khó nhớ tên", rồi chọn nhớ tên 1, 2 người và keme phần còn lại. Dần dần, nó tự cho rằng nó là người không tự tin, không thể hòa nhập với cộng đồng, rồi thì là người hướng nội, abc, xyz, bla bla. Một ngày đẹp trời, nó xin rời nhóm. Yeah, các bạn đoán đúng rồi đấy, không có thằng bạn cùng phòng nào ở đây cả :v
Bạn thấy đấy, mỗi lần không nhớ được tên mọi người, mình đã bỏ một lá phiếu vào hộp "tôi là kiểu người không thể nhớ tên người khác", vài lần như vậy, mình đã tự xây dựng căn tính cho bản thân là loại "khó nhớ tên", rồi biến thành chính kiểu người đó. Tiếp đến, mình lại bỏ phiếu vào hòm "không tự tin", hòm "khó hòa nhập". Tất cả các là phiếu đó đều là kết quả từ kinh nghiệm mà mình đã trải qua.
Vậy, nếu căn tính được xây dựng dựa trên kinh nghiệm, thì nó có liên hệ gì với các thói quen? Thói quen không đơn thuần chỉ là một hành động lặp đi lặp lại. Mỗi ngày, khi thực hiện một thói quen nào đó, bạn đang bỏ một lá phiếu để xây dựng căn tính của bạn. Lấy ví dụ, mình xây dựng thói quen đọc sách hàng ngày, nếu thực hiện tốt, mình sẽ nhìn nhận bản thân là một người thích đọc sách, từ đó sẽ đọc nhiều hơn, muốn chia sẻ những thứ mình đọc với mọi người hơn, rồi những thứ đó lại tiếp tục củng cố niềm tin rằng mình là người thích đọc sách. Đó là một vòng lặp. Thói quen xây dựng căn tính, căn tính giúp thực hiện thói quen một cách dễ dàng, tự động, thậm chí phát triển nó thành thói quen mới, rồi thói quen mới lại quay lại củng cố căn tính. Điều này cũng đúng với thói quen xấu. Chỉ cần vài ngày không đọc, mình sẽ nhìn nhận bản thân là người thiếu kỷ luật, và vì nhìn nhận bản thân là thiếu kỷ luật, mình keme các thói quen khác, bật máy tính lên và chơi game quá 180 phút :_)
Như vậy, thay đổi thói quen phải song hành với thay đổi căn tính. Nghĩ xem bạn muốn trở thành người như thế nào trước; song song với việc thiết kế thói quen để chứng minh bạn là kiểu người đó, hãy rà soát cuộc sống xem có thói quen xấu nào mâu thuẫn với kiểu người đó không. Mỗi hành động bạn làm sẽ bỏ phiếu cho kiểu người bạn muốn trở thành. Quên bỏ phiếu một vài lần ư? Không sao hết, miễn là hòm phiếu của bạn mong muốn vẫn chiếm đa số, thì bạn vẫn đang trên con đường trở thành người mà bạn muốn trở thành.
Xin được trích dẫn một đoạn mà mình thấy rất hay.
Thay đổi căn tính là sao bắc đẩu của việc thay đổi thói quen. [...] Nhưng câu hỏi thực sự ở đây là: "Bạn có đang trở thành con người bạn muốn trở thành không?" Bước đầu tiên không phải cái gì hay như thế nào mà là ai. Bạn cần biết rõ mình muốn trở thành ai. Không thì công cuộc thay đổi của bạn sẽ như con thuyền mất lái. [...] Thay đổi thói quen tốt hơn không phải là chuyện lấp đầy một ngày của mình bằng các mẹo vặt cuộc sống, xỉa răng mỗi tối, tắm nước lạnh mỗi sáng, hay cố gắng ăn mặc cho đồng bộ ngày qua ngày. Cũng không phải việc đạt được các thước đo bên ngoài như kiếm được nhiều tiền hơn, giảm nhiều cân hơn, hay giảm căng thẳng tốt hơn. Thói quen có thể giúp bạn đạt được hết thảy những điều này, nhưng về cơ bản thì thói quen không phải là chuyện có được cái gì đó, mà là về việc trở thành ai đó.
Bốn bước để thay đổi thói quen
Lan man như thế để thấy thói quen có ánh hưởng rất quan trọng đến cuộc sống của mỗi người, và để tạo một thói quen, ta không chỉ đặt mục tiêu mà còn phải thiết kế một "hệ thống".
Muốn xây dựng được một hệ thống tốt, trước hết phải hiểu các bước hình thành một thói quen. James Clear chia quá trình tạo lập thói quen thành 4 giai đoạn.
Tín hiệu: Một hình ảnh, âm thanh, thứ báo trước rằng ta có thể nhận được một phần thưởng.
Cơn thèm muốn: Sự mong muốn nhận được phần thưởng khi tín hiệu được kích hoạt.
Phản hồi: Hành động để thỏa mãn cơn thèm muốn
Phần thưởng: Thứ ta nhận được sau khi hành động.
Hiểu đơn giản, chúng ta nhận thấy một tín hiệu, rằng nếu thực hiện việc X ta sẽ nhận được phần thưởng Y. Mong muốn nhận được phần thưởng sẽ thôi thúc ta thực hiện công việc đó. Cuối cùng, ta thỏa mãn với phần thưởng và tiếp tục thực hiện việc X vào lần tới. Sau rất nhiều lần, nó trở thành thói quen. Các phương pháp tác giả đề ra tập trung vào mục tiêu (1) khiến tín hiệu trở nên rõ ràng, (2) khiến cơn thèm muốn trở nên khó cưỡng lại, (3) khiến phản hồi có thể thực hiện dễ dàng và (4) làm cho phần thưởng tạo nên cảm giác thỏa mãn.
Khiến tín hiệu trở nên rõ ràng
Tín hiệu kích hoạt thói quen có thể đến dưới rất nhiều dạng như hình ảnh, âm thanh, thời gian, địa điểm, ... Trong đó, thời gian và địa điểm là những loại tín hiệu thông dụng nhất. Chúng ta thường làm những việc cố định vào một khoảng thời gian và địa điểm cố định. Để làm rõ hai loại tín hiệu này, tác giả khuyên ta nên viết rõ ràng thời gian và địa điểm sẽ thực hiện công việc mong muốn. Cái này được gọi là dự định thực thi. Ví dụ "mỗi ngày, vào lúc 11 giờ, mình sẽ đọc ít nhất hai mươi trang sách tại bàn làm việc". Việc viết thời gian, địa điểm một cách tường minh giúp ta ý thức rõ ràng hơn về công việc cần phải làm. Việc này cũng tương tự như lên danh sách các việc cần làm trong ngày vào mỗi buổi sáng vậy. Khi đã biết cần làm gì, vào lúc nào, ở đâu, ta sẽ dễ dàng thực hiện công việc hơn.
Một phương pháp cải tiến của dự định thực thi là chồng lớp thói quen. Thay vì viết rõ thời gian, địa điểm thực hiện công việc, ta sẽ gắn nó với các thói quen khác. Ví dụ "gắn" hành động note các công việc cần làm trong ngày vào thói quen pha coffee khi đến chỗ làm, từ đó tạo thành một chuỗi hành động: pha coffee -> note việc cần làm -> xử lý công việc theo độ ưu tiên.
Phương pháp cuối cùng là thiết kế lại môi trường sống để làm nổi bật các tín hiệu cho thói quen tốt cũng như loại bỏ tín hiệu của thói quen xấu. Thật khó tập trung khi chỗ bạn làm việc buổi sáng cũng là chỗ ăn buổi trưa và chơi game, xem phim, lướt facebook buổi tối. Cố gắng phân chia không gian cho từng mục đích khác nhau. Thay vì phải kiềm chế trước cám dỗ chơi game, lướt facebook, hãy dành hẳn một không gian riêng cho nó, không để các "tín hiệu thư giãn" xuất hiện trong môi trường làm việc của bạn (ngoài lề một chút, có ai ở đây cài song song ubuntu để làm việc, windows để chơi với làm báo cáo như mình không? :v)
Khiến cơn thèm muốn trở nên khó cưỡng
Cơn thèm muốn là sự thôi thúc chúng ta thực hiện hành động, khiến cơn thèm muốn trở nên khó cưỡng có thể hiểu nôm na là sự "buff" động lực để ta dễ thực hiện hành động đó hơn.
Con người là sinh vật sống theo bầy đàn. Chúng ta (phần lớn) đều muốn được hòa nhập vào một cộng đồng, đóng góp và nhận được sự tôn trọng từ đồng loại. Để có được điều này, ta có xu hướng bắt chước theo các cá thể nổi trội trong cộng đồng và tuân theo các chuẩn mực được đề ra của cộng đồng đó. Việc gia nhập một cộng đồng hoặc bắt chước một cá thể mà ở đó, thói quen ta hướng tới là chuẩn mực của cộng đồng hoặc đặc trưng của cá thể sẽ giúp ta có động lực thực hiện thói quen ấy. Trong Atomic Habits, tác giả có đề cập đến ba nhóm người mà ta thường mô phỏng thói quen, là (1) nhóm gần gũi, (2) nhóm số đông và (3) nhóm quyền lực. Nhóm gần gũi là những người thân xung quanh, anh chị em, bạn bè. Nhóm số đông có thể hiểu là môi trường xung quanh, gồm cả những người mà ta chưa quen biết như trong lớp học, trong câu lạc bộ, ... Việc học theo thói quen của cộng đồng thì cũng hên xui, vì ta hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng bởi thói quen xấu của cộng đồng, và nếu vẫn sinh hoạt trong cộng đồng đó thì việc loại bỏ thói quen xấu cũng khó khăn hơn. Nhóm quyền lực thì là những cá thể nổi bật mà ta mong muốn trở thành, như thần tượng, doanh nhân. Nhóm này thì ta có thể học thông qua sách vở, phương tiện truyền thông, mạng xã hội, báo lá cải, ...
Một phương pháp khác mình cũng thấy khá hiệu quả là nghi thức tạo động lực. Trước mỗi thói quen, ta sẽ có một "nghi thức" để đưa ta vào trạng thái phù hợp với thói quen đó. Nghe có vẻ xàm, nhưng mình thấy đây là một cách khá hay mà mình học được trong cuốn sách. Từ trải nghiệm cá nhân, khi bắt đầu cần tập trung làm việc, mình luôn đeo tai nghe. Ban đầu là để chống ồn, nhưng sau đó việc đeo tai nghe được gắn với hành động tập trung làm việc, nó đưa mình vào trạng thái phù hợp để try hard cái đống tasks không bao giờ end trước deadline của mình. Một "nghi thức" khác là bật đèn ngủ (thay vì điện thoại) mỗi khi lên giường, nó đã giúp mình rất nhiều trong quá trình xây dựng thói quen đọc sách trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đọc thật nhiều self-help để được buff động lực. Cơ mà mình không thấy tác giả nói đến trong cuốn sách nên chắc là cách này không hiệu quả =))
Khiến phản hồi trở nên dễ dàng
Phản hồi là hành động ta đáp lại cơn thèm muốn, ở đây là chính là thói quen mà ta đang hướng tới. Mục tiêu sẽ là làm cho hành động này tốn ít công sức hoặc nỗ lực nhất có thể.
Phương pháp phổ thông nhất là giảm lực cản liên quan đến hành vi bằng cách thiết kế môi trường sống giúp thói quen thực thi dễ dàng. Bạn muốn uống nhiều nước thì lúc nào bạn cũng nên mang nước theo, muốn đọc sách mỗi tối thì đặt sẵn sách trên giường, mà muốn chơi game nhiều thì máy cài sẵn Steam, icon Liên Minh để giữa desktop cho dễ nhìn, dễ chọn.
Một phương pháp rất hay khác là chuẩn hóa thói quen bằng quy tắc hai phút. Phần lớn chúng ta khi cố xây dựng một thói quen, sẽ đặt ra các quy định như mỗi ngày chạy 5km, đọc 100 trang sách, ... Các quy định này luôn tạo ra lực cản rất lớn mỗi khi ta định thực hiện hành vi, dẫn đến nhiều người sẽ bỏ cuộc sau vài ngày. Một thực tế nữa là chúng ta chỉ gặp cản trở khi đang "lựa chọn có thực hiện hành vi hay không" mà hiếm khi gặp cản trở lúc đang thực hiện hành vi đó. Thói quen thực chất chỉ phát huy tác dụng khi ta đứng ở ngưỡng lựa chọn này, nó giúp ta có thể lập tức quyết định mà không cần suy nghĩ. Thói quen là điểm khởi đầu, chứ không phải kết quả. Bởi các lý do trên, tác giả đưa ra quy tắc hai phút: chuẩn hóa tất cả các thói quen thành một hành động chỉ kéo dài hai phút và thực hiện thật nghiêm ngặt hành động hai phút này. Để dễ hiểu, việc chạy bộ 5km có thể chuẩn hóa thành mặc quần áo thể dục, đọc 100 trang sách có thể chuẩn hóa thành đọc 1 trang sách. Nghe có vẻ nực cười, nhưng ta cần phải có được thói quen trước khi cải thiện nó. Xây dựng thói quen mặc đồ thể thao khi đi làm về hoặc đọc 1 trang sách mỗi tối rất dễ thực hiện, bởi hành động chỉ diễn ra hai phút, nó không tạo ra một lực cản nào đáng kể. Hơn nữa, khi bạn đã bắt đầu thực hiện hành động, lực cản sẽ không xuất hiện khiến bạn dễ thực hiện nó hơn. Cũng có thể hiểu quy tắc hai phút như một dạng "nghi thức" đã được trình bày ở chương trước, khi thực hiện xong "nghi thức" thì ta đã vào trạng thái sẵn sàng để thực hiện hành động.
Khiến phần thưởng trở nên hấp dẫn
Tất nhiên, thứ ta nhận được phải đủ hấp dẫn, xứng đáng với công sức bỏ ra thì ta mới có động lực để tiếp tục thực hiện nó. Tiếc là con người đang sống trong môi trường lợi ích trì hoãn chứ không phải lợi ích tức thời như bộ não đã được lập trình sau nhiều năm tiến hóa. Phần dưới sẽ trình bày một số phương pháp khiến các phần thưởng sau khi hoàn thành hành động trở nên hấp dẫn hơn, tăng cơ hội thực hiện lại hành động đó vào lần tới.
Đơn giản nhất là tạo một phần thưởng nhỏ mỗi khi hoàn thành thói quen tốt. Phần thưởng này có thể là bất cứ thứ gì, nhưng không được trái ngược với căn tính mà ta đã xác định trước. Bạn chạy 5km mỗi ngày thì tự thưởng cho mình một buổi đi phượt, đi lượn vào cuối tuần thôi, chứ đừng tự thưởng một cốc trà sữa size XXL full topping 50% đường 50% đá thì hỏng hết.
Một cách nữa cực kỳ hiệu quả là theo dõi tiền trình hằng ngày. Ta đơn giản chỉ cần đánh dấu lại những ngày đã thực hiện thói quen hoặc theo dõi quá trình tiến bộ như số km đã chạy, số bước chân, ... Việc lượng hóa quá trình thay đổi là một việc cực kỳ quan trọng, giúp ta cảm thấy mình đang thay đổi và tiến bộ. Ta cũng nhận được một niềm vui nho nhỏ mỗi khi tích thêm vào chuỗi ngày đã thực hiện thói quen. Hơn nữa, nếu bạn đã thực hiện nó trong nhiều ngày thì bạn cũng không muốn phá vỡ chuỗi ngày cố gắng của mình đâu. App hỗ trợ tracking thói quen thì cũng có nhiều trên CH Play với App Store rồi.
Cuối cùng, để thói quen được duy trì lâu dài thì điều tiên quyết là không bao giờ bỏ lỡ lần 2. Cuộc sống nhiều biến cố, deadline dồn dập khiến bạn phải OT đến 10 giờ tối và không thể thực hiện các thói quen như dự định. Đây là những việc bất khả kháng, và ta cũng không mong có thể duy trì thói quen đều đặn hằng ngày mà không gặp phải biến cố gì được. Tuy nhiên, nếu đã bỏ lỡ lần đầu tiên, thì ta phải tiếp tục lại thói quen càng sớm càng tốt.
Sai lầm đầu tiên không bao giờ là thứ phá hỏng bạn cả. Chính vòng xoáy mắc lỗi tái diễn theo sau mới là vấn đề. Lỡ một lần là tai nạn. Lỡ lần hai chính là khởi đầu của thói quen mới. [...] Bạn không nhận ra việc chỉ hiện diện để thực hành thói quen vào ngày tồi tệ (hay bận rộn) có giá trị đến thế nào. Những ngày thất thoát tổn hại đến bạn nhiều hơn giá trị của những ngày thành công mang lại cho bạn. [...] Những ngày rèn luyện "tồi tệ" thường lại là những buổi quan trọng nhất. Những ngày uể oải và bất lợi duy trì các lợi nhuận kép bạn đã tích lũy được từ những ngày suôn sẻ trước đó. Đơn giản làm gì đó - mười cái bật cóc, chạy năm vòng, hít đất, cái gì cũng được - có giá trị rất lớn. Đừng tạo ra con số không. Đừng để thua lỗ ăn vào phần lãi của bạn. Hơn thế nữa, vấn đề không chỉ đơn thuần là chuyện xảy ra trong phòng tập. Nó là chuyện kiểu người không bao giờ bỏ lỡ rèn luyện. Lúc bạn thấy ổn thì rất dễ tập luyện, nhưng khi bạn không dễ chịu, thì việc có mặt ở buổi tập là điều rất quan trọng - ngay cả khi bạn làm ít hơn mình mong đợi. Đi đến phòng gym năm phút có thể không cải thiện thành tích của bạn gì mấy, nhưng nó sẽ tái củng cố căn tính của bạn.
Một lần nữa, đây không phải một bản tóm tắt sách, đơn giản là mình muốn viết ra để hiểu và nhớ những thông tin trong cuốn sách lâu hơn. Những thông tin trong bài thực sự rất sơ sài và không nhiều giá trị nếu bạn chưa đọc cuốn sách, hy vọng bạn sẽ tự đọc và rút ra các bài học cho riêng mình.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất