“Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú chỉ biết khoe của chỉ biết lấy làm quý. Đối với việc học tập, cách đó chỉ là để lừa dối người, đối với việc làm người thì cách đó thể hiện phẩm chất tầm thường, thấp kém”
Chu Quang Tiềm, “Bàn về đọc sách”, trích trong “Danh nhân Trung Quốc bàn về niềm vui nỗi buồn của việc đọc sách”, Bắc Kinh, 1995. Bản dịch của Trần Đình Sử.
Nguồn: baochinhphu.vn
Nguồn: baochinhphu.vn
Trên báo điện tử Chính phủ chễm chệ dòng thông báo: Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 sẽ được tổ chức từ trung tuần tháng 3 đến hết tháng 4 với chủ đề "Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc"[1]. Ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đây[2]. Quyết định chua thêm cụm “Văn hóa đọc” lại là một nỗ lực nữa để nhấn mạnh tầm quan trọng của một ngày đẹp trời tháng Tư - 21/04 hàng năm. Với tham vọng “để tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng”[3], Ngày Sách và Văn hóa học nghe có vẻ rất nhân văn, tri thức và vô hại. 
Do bản tính sân si và cả nghi, tôi nghi ngờ vào những gì vô hại. Nhân đây, tôi xin trình bày quan điểm về một số hiện tượng rất nổi cộm trong không khí tưng bừng tôn vinh và khuyến khích “Văn hóa đọc” trên cả nước: tôn thờ sách, đi hội sách và làm đại sứ văn hóa đọc. 

I. “Tôn thờ sách là mê tín dị đoan”

Tôi có nhiều bạn bè nhưng không có nhiều người bạn “thích đọc sách” và đọc sách theo cách giống như tôi. Tôi từng chứng kiến một người bạn không dám giở cuốn sách mới mua, hãy còn thơm tho, gói nilon kín mít một góc lớn hơn bốn nhăm độ do sợ “hằn gáy sách” và đương nhiên là khoảng thời gian cô bạn cho tôi rờ vào cái “báu vật ấy” cũng chẳng lâu hơn thời gian cô nhận ra tôi có thể xâm phạm đến sự trinh trắng, phẳng phiu của báu vật cô nâng niu từ ngày giao hàng thành công. 
Chứng kiến cảnh tượng ấy khiến tôi cảm thấy có cái gì đó không thoải mái, không chỉ vì tôi không được mượn sách (hẳn rồi), mà cảnh tượng ấy gợi nhớ rất nhiều về cung cách thận trọng của một tín đồ với hành vi mê tín dị đoan rõ ràng. Hành vi “thiêng liêng hóa” dáng hình của sách đến cực đoan đã được bóc trần khá chi tiết và thuyết phục trong cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, cuốn sách phê phán nhiều hiện tượng xã hội, trong đó có hành vi “tôn thờ sách” như một dị giáo qua làn sóng tẩy chay đạo diễn Lê Hoàng và người mẫu Triệu Thị Hà do bức ảnh họ kê ghế lên sách vào năm 2014. Trải qua ngót một thập kỉ, có lẽ tác giả và những người có cùng quan điểm vẫn sầu muộn vì hiện tượng ấy vẫn tồn tại. 
Sau cùng, sách là giấy, là vật chất hóa của tri thức phi vật chất! Thứ nhiều người tôn thờ (nhầm) là hình hài phổ quát hình chữ nhật mà người ta đặt lên kệ, găm trong mình những biểu hiện của tri thức. Đức Quốc Xã có thể đốt tất cả những “hình hài sách” có thể tìm được trong phong trào đốt sách năm 1933[4], nhưng tư tưởng, tri thức của những tác gia vĩ đại trong lịch sử được biểu hiện bằng vật chất dễ cháy năm đó thì chẳng thể bị hủy hoại do tri thức là vô hình, có chăng là bị thất truyền về hình thức vật chất mà thôi. Điều đó cũng đúng trong những cuộc thanh trừng văn hóa, văn vật trong lịch sử của Đảng Cộng sản Liên Xô trong công cuộc “làm sạch môi trường” chủ nghĩa xã hội hay Đại cách mạng văn hóa của Trung Quốc[5]
Và thường người tôn thờ sách lại ít khi nào đọc sách một cách đúng nghĩa. Thứ họ “đọc” là cái lấp lánh, hào nhoáng nhuốm màu trưởng giả, phô trương, đậm hình thức. Và khi hình thức lên ngôi thì nội dung thường bị phớt lờ. “Mọi thứ đều hèn hạ, chỉ có sách là cao siêu” là một diễn ngôn nguy hiểm. Bất kì ai đọc sách mà không “tôn thờ” nó đều biết sách chẳng có gì cao siêu mà tri thức mới là sức mạnh vì tri thức chỉ “ở nhờ” trong những vỏ bọc là sách mà thôi. 

II. Đi hội sách chưa hẳn là tín hiệu mừng

Khoảng thời gian này trong năm là lúc nở rộ của những hội sách với đủ cái tên mời gọi và những khuyến mãi “không thể bỏ qua”. Và theo tư duy thông thường thì, khi một cái gì đó yếu đi thì người ta cần tìm thứ khác để vực nó dậy, khi cái gì đó không đủ thì cần một “cú hích” để tăng mạnh về lượng. Giống như khi lượng tiêu dùng giảm thì người ta mới cần “kích cầu mua sắm”, khi mọi người ngại đọc, ngại mua sách thì mới cần “hội sách”. Hội sách mọc lên như nấm vì thế chưa hẳn là tín hiệu đáng mừng mà cũng có thể là dấu hiệu của một xã hội lười biếng đọc đến mức cần phải “kích cầu tri thức” qua những lần “xả lỗ” của các nhà xuất bản. Những hội sách đối với tôi có hai mục tiêu: kích thích “văn hóa đọc” (chỉ ở việc đọc sách nhiều hơn) và kích thích tiêu dùng hàng hóa (cụ thể là sách và các văn phòng phẩm liên quan). Trong sự quan sát nghèo nàn của mình, tôi cho rằng, mục tiêu thứ hai đạt được hiệu quả vượt mong đợi đến mức mà mục tiêu thứ nhất (tôi cho rằng quan trọng hơn) bị lấn át rất nhiều. Bất cứ khi nào muốn đưa chân đến một hội sách “giảm sâu”, tốt hơn hết là bạn nên cân nhắc những vấn đề sau:

Hội sách thường có sách gì?

Phàm là sách hay, ít khi nào giảm giá sâu. Hội sách giảm giá sâu do thế quy tụ rất nhiều những ấn bản “ế”. Thế nhưng người ta vẫn cứ mua những cuốn sách chẳng biết khi nào đọc được vì giá cả quá hời của nó. Niềm sung sướng nhất thời khi chiếm giữ trong tay hình hài của tri thức tạo ra sức mua khủng khiếp của những cuốn sách hời hợt. 

Đi hội sách do “đói tri thức” hay đói ăn?

Thế nhưng nhiều nhà xuất bản, tác gia, những người làm liên quan đến xuất bản lại có những “chiến lược” truyền thông rất rầm rộ và tinh vi để khiến mọi người mua nhiều hơn (thường là những thứ không cần thiết). Đó là các mức quà tặng có giá trị tỉ lệ thuận với hóa đơn mua hàng, những lần checkin nhận quà, giảm giá giờ vàng,... Theo nhà thần kinh học người Đức Christian Elger, bất cứ cái gì hấp háy “giảm giá”, “xx%” cũng khiến cho não bộ được kích thích một cấu trúc được gọi là hệ thống phần thưởng (reward system), khiến chúng ta quên tất cả mọi thứ trong phút chốc để tập trung vào “phần thưởng” là những khuyến mãi tuyệt vời kia. Thay vì quảng cáo bằng những slogan kiểu như “tri thức đỉnh cao”, “văn học kinh điển”, “phi hư cấu tuyệt vời”,... thì ban tổ chức hội sách lại quẳng lên những con số rất định lượng “70%”, “30%”, “nửa giá”, “đồng giá”,... - những tiêu điểm của chủ nghĩa tiêu dùng. Người ta mua nhiều hơn không phải (hoặc không trực tiếp) vì muốn đọc nhiều sách hơn, hiểu biết nhiều hơn mà là muốn một món hời cho ví tiền có hạn của họ. Đó là khi sai lầm được tưởng thưởng. Chỉ khi có món hời mới cần mua sách/đọc sách cũng giống như chỉ khi người khác cho phép mới được ăn. Suốt nhiều tháng trời nhiều người không thấy “đói tri thức” mà phải đợi đến khi có hội sách mới rồng rắn đi mua. Đó là điều đáng buồn. Và cũng như thân thể lâu ngày không được cho ăn, bộ não không được rèn luyện qua sách vở lâu ngày trở nên teo tóp đến mức nào?

Ta học được gì từ sách mua ở hội sách?

Thành thật một lần, có bao nhiêu trong số những cuốn sách tóm vội ở hội sách thực sự được đọc? Có bao nhiêu cuốn đem lại tri thức thật sự, bao nhiêu cuốn bạn muốn đọc lần thứ hai? Tiếp nữa, giả dụ do quá bận đi, có bao nhiêu cuốn sách có tiềm năng được bạn đọc trong tương lai? Tôi cho rằng là không nhiều, thậm chí ít đến mức thảm hại. Nếu sách là một danh mục đầu tư, bạn là một nhà đầu tư thất bại. Nếu sách “là” tri thức, bạn thực sự cần học chăm chỉ hơn. Ở khía cạnh tri thức lẫn tài chính, bạn đã thất bại hoàn toàn ngay khi một cuốn sách bị xếp xó quá lâu, chẳng gì hơn là chiếm dụng không gian sống đáng quý của bạn. 

Tại sao phải đọc sách nhiều hơn?

Câu này dành cho những ai thực sự đọc sách mua được từ hội sách. Câu hỏi này nghe rất ngứa đòn và phản tri thức vì nó chỉ là một vế trong câu: Tại sao phải đọc sách nhiều hơn trong khi ta chưa học được cách đọc và cách trân trọng tri thức? Ai đó đã nói đại ý, thà đọc một quyển mà kĩ còn hơn đọc mười quyển hời hợt. Vấn đề ở đây không chỉ ở số lượng mà là chất lượng của việc đọc. Bạn đã thực sự tự tin với những gì mình đọc được hay chưa. Đọc không thấm nhuần, không soi chiếu, không thấu hiểu thì có đọc cả bồ sách cũng chẳng có tác dụng gì. Đọc sách do thế không thể là việc đọc nhanh hơn, nhiều hơn, mà là đọc kĩ hơn, khôn ngoan, chắt lọc hơn. Thứ nữa, rất quan trọng phải quan tâm đến thể loại sách. Không phải thể loại nào cũng đáng đọc, có thể loại chỉ đọc giải trí, có thể loại đọc để biết, để áp dụng vào công việc, có thể loại đọc để trải nghiệm, thường thức,... Cho đến khi khoanh vùng được những thể loại phù hợp với nhu cầu của bản thân, khi đó việc đọc sách mới có hiệu quả. 

Không đi hội sách, ta đi đâu?

Có nhiều cách để trau dồi tri thức (và cả làm kinh tế) hơn là đi hội sách. Tôi rất muốn nói là không đi đâu, nhưng nói như vậy có vẻ phản cảm quá nên tôi nói là đi thư viện. Thư viện thường là nơi ảm đạm. Mỗi lần bước vào thư viện trường vào những hôm không phải cao điểm làm bài tập, tôi có cảm giác như bước vào một hầm mộ lạnh lẽo của những trang giấy đang tiều tụy đi vì mọt sách. Nói vậy nhưng thư viện có rất nhiều lí thú, cơ may là bạn sẽ tìm được những cuốn sách đổi đời, hoặc không, nhưng thư viện tạo cho ta cảm giác trang nghiêm, kính cẩn khó hiểu với tri thức. Hoặc giả có không cảm thấy như thế thì ít ra ta cũng thấy nghiêm túc hơn với việc học tập, trau dồi kiến thức. Và thư viện thì miễn phí hoặc chỉ cần bỏ ra một khoản phí rất nhỏ để lui tới. Nhưng nếu ai đó không phải là người kiên nhẫn với không gian không phải là nhà mình, thì thư viện lại không phải là chốn có thể ở lại quá lâu. Cá nhân tôi cũng không thích học trong thư viện vì không gian đó tạo cho tôi cảm giác gì đó vừa hồi hộp vừa buồn ngủ (!?) nên sau tối đa độ ba giờ đồng hồ thì tôi thoái lui. Hoặc quyết tâm hơn, ta cũng có thể mượn sách về nhà để thỏa chí học hành. 
Nhiều năm rồi tôi cũng làm quen với e-book hoặc sách nói song song với đọc sách giấy. Nếu vậy thì đúng nghĩa ta chả cần đi đâu mà chỉ cần “đi lên mạng”. Ai đó nghiêm chỉnh và rủng riểng tiền bạc thì mua e-book, sách nói bản quyền mà đọc/nghe. E-book, sách nói có vẻ bất cập hơn sách in nhưng suy đi nghĩ lại vẫn có những ưu điểm: tra cứu dễ dàng, lưu trữ tối ưu, giá thành rẻ hơn,... Điều đó tùy thuộc vào cách học và điều kiện, hoàn cảnh từng người, tôi vẫn cho rằng sách in thì không thay thế được. 
Nhiều khi vẫn nghĩ, thay vì đi hội sách offline nóng nực rồng rắn xếp hàng trong thời dịch bệnh thì sao không mở hội sách online của e-book, sách nói đi? Hình thức offline có gì đó khệnh khạng, trực diện và lí thú hơn chăng. Có khi là thế thật. Có nhiều âm mưu đằng sau mà những cuốn sách hiền lành không nói được hết. Sau tất cả, hội sách không có gì là sai, sai là khi người dự mua để mua chứ không mua để đọc. 

III. Làm Đại sứ "Văn hóa đọc"

Cùng với hội sách thì ta có những cuộc thi hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc không kém cạnh xúc động và rầm rộ. Một trong số đó là cuộc thi ai-cũng-biết-là-cuộc-thi-nào để tìm kiếm Đại sứ Văn hóa đọc - một danh hiệu nghe hoàng tráng làm sao mà cũng nặng nề làm sao. Thực ra cuộc thi cũng có cái hay của nó. Hay ở chỗ là người tham dự được lựa chọn đề bài phù hợp (nêu cảm nhận hay sáng tác), hình thức thể hiện (viết hay làm video, vẽ tranh, làm sản phẩm minh họa). Tôi cho đó là sự đánh giá khá toàn diện. Cuộc thi được phát động bởi Bộ VH-TT-DL đến rộng rãi các cơ sở trên toàn quốc với nhiều giải thưởng  hấp dẫn và cả sự vinh danh trong cộng đồng. 
Tuy thế, “Văn hóa đọc” là một lĩnh vực rất rộng, ấy vậy mà cuộc thi năm nay nhằm vào một chủ đề nghe thôi đã thấy sặc mùi chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc: “Khát vọng phát triển đất nước”. Tôi có cảm giác chủ đề này gần lắm với tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam những năm 60, 70 của thế kỉ trước với những anh thanh niên trên đỉnh Sapa, bác lái đò sông Đà trong công cuộc dựng xây tổ quốc vậy. Chủ đề đó vừa hẹp về phạm vi, vừa lạc hậu về thời đại, vừa nghèo nàn về khả năng cảm thụ tác phẩm văn học - nghệ thuật. Tôi không tin những tâm hồn yêu sách, ưa tư duy, giàu sáng tạo nào có thể thoải mái dự thi với chủ đề như vậy mà không gặp vấn đề về lựa chọn sách để viết bài cảm nhận cũng như chất liệu để sáng tác. Danh hiệu “Đại sứ” mà nhiều người tôn vinh ấy dường như chỉ mang tính chất rất cục bộ, rất hẹp, không thể bao quát trách nhiệm của một đại sứ thực thụ. Hơn nữa, không tương xứng với sự rầm rộ của lúc phát động cuộc thi, những vị “Đại sứ” được chọn ra hàng năm tỏ ra rất mờ nhạt trong việc thực hiện sứ mệnh của mình. Tôi cứ nghĩ “Đại sứ” sau khi đoạt giải phải dùng ảnh hưởng của mình để phổ biến hay thúc đẩy văn hóa đọc trong cả nước. Điều đó thì tôi chưa thấy. 

Vĩ thanh

Lợi ích của đọc sách là khỏi cần bàn thêm bởi các em học sinh cấp trung học cơ sở có thể viết những bài văn hay gấp trăm lần văn của tôi để nói về vấn đề này. Điều tôi quan ngại là cụm “Văn hóa đọc”. Thực sự có “văn hóa đọc” tại Việt Nam hay không? Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, trong tọa đàm trực tuyến "Văn hóa đọc và phát triển ngành Xuất bản trong tương lai" hồi năm ngoái dẫn chứng số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong giai đoạn từ năm 2014 - 2019, tỷ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người lên 4,6 đầu sách/người[6]. Và ông cho rằng  do dịch bệnh mà con số này giảm xuống 4,13 đầu sách/người vào năm 2020. Tôi cho rằng, lười đọc thì vẫn là lười đọc, và do tình hình dịch bệnh nên đọc ít sách hơn lại là lời biện hộ tồi tệ nhất tôi từng nghe. Phải rất lạc quan để tin vào “Văn hóa đọc” ở thời hiện tại. Những nỗ lực tôn thờ sách, đi hội sách và làm đại sứ văn hóa đọc thực không đáng phê phán hay chê bai, tuy thế, còn lâu những nỗ lực ấy định hình “Văn hóa đọc” đúng nghĩa. 
Chú thích:
[1] HĐ(2022), “Nhiều hoạt động trong Ngày Sách và Văn hóa đọc 2022”, https://baochinhphu.vn/nhieu-hoat-dong-trong-ngay-sach-va-van-hoa-doc-2022-102220304111244058.htm
[2] Hồng Giang(2022), Khai mạc Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022, https://www.vietnamplus.vn/khai-mac-ngay-sach-va-van-hoa-doc-viet-nam-lan-thu-nhat-nam-2022/784657.vnp
[3] Như trên
[4] Trí Đạt (2017), “Phong trào đốt sách của Đức Quốc Xã và phá tứ cựu của Trung Quốc” https://trithucvn.org/the-gioi/phong-trao-dot-sach-cua-duc-quoc-xa-va-pha-tu-cuu-cua-trung-quoc.html
[5] Như trên
[6] Gia Bảo (2021), “Người Malaysia đọc 17 đầu sách/năm, người Việt 4 đầu sách/năm” https://vietnamnet.vn/nguoi-malaysia-doc-17-dau-sachnam-nguoi-viet-4-dau-sachnam
*Tất cả đường link đều được truy cập hôm nay, 21/04/2022.
Mikodmi.